Trung Phi: Tín hữu kitô và tín hữu hồi giáo bắt đầu sống chung với nhau

203

cath.ch, Ibrahima Cissé, 2016-06-13

Đức Phanxicô ở Trung phi

Có khoảng 100’000 người dân vừa tín hữu kitô vừa tín hữu hồi giáo ở quận 3 thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi (RCA) bắt đầu sống chung với nhau. Theo phóng sự của đài phát thanh Đức Deutsche Welle (DW) thì họ đã lật qua một trang của thời kỳ đen tối các bạo lực giữa hai cộng đồng.

Bị chia rẽ trong nhiều năm liền vì xung đột chính trị-quân đội, một cuộc xung đột đẫm máu từ tháng 12 năm 2012 cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 2 vừa qua, các cộng đoàn bắt đầu củng cố sự kết hợp chặt chẽ về mặt xã hội của họ, đài phát thanh Đức cho biết.

“Chấm dứt sự thu về mình và sợ người khác. Ngày tháng dần dần trôi qua, cơn khủng hoảng ngày càng xa. Tín hữu kitô và tín hữu hồi giáo không còn nhìn nhau như kẻ thù”, phóng viên của đài phát thanh cho biết. Dân chúng “lui tới và bắt đầu đến cùng các nơi công cộng với nhau. Ở chợ, bạn hàng người hồi giáo và kitô giáo ngồi bên cạnh nhau, họ bàn tán, cười đùa chờ khách. Chuyện cách đây 6 tháng là chuyện không thể có được.” Họ cùng tham dự các cuộc thi đấu thể thao mà nhà cầm quyền vừa tổ chức, trẻ con đi học cùng trường với nhau.

Tiếp tục công việc

Trong thời gian xung đột, rất nhiều tín hữu kitô đã bỏ quận 3 ra đi, bây giờ họ bắt đầu về lại nhà. Nhiều người khác cũng đang chuẩn bị về. “Mọi chuyện bắt đầu trở lại bình thường, đó là lý do tôi đưa gia đình về lại đây, tôi phải dời qua quận 7 để tị nạn”, ông Gaspard Mafoudé, một tín hữu kitô cho biết. Ông nói tiếp, “không còn vấn đề giữa chúng tôi”. Như thế Trung Phi hy vọng  thấy các tân lãnh đạo của xứ sở sẽ ngồi lại với nhau để bàn dứt khoát về hòa bình của đất nước, để người kitô giáo và hồi giáo được tiếp tục sống chung hòa bình với nhau.

Issa Bakabi, quản lý một tiệm ăn ở quận 3 bắt đầu đón khách của cả hai tôn giáo. Cuộc xung đột đã làm cho công việc làm ăn trở thành khó khăn, bây giờ ông vui vì được làm ăn lại. “Các thành viên của cả hai cộng đồng đều đến ăn ở đây, chúng tôi không gặp vấn đề nào”, ông nhấn mạnh và cho biết, người cung cấp rau cho mình là người kitô giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch