Linh mục Luis Dri, tu sĩ “ngồi tòa dòng Capuxinô” của Đức Phanxicô

306

Linh mục Luis Dri, tu sĩ “ngồi tòa dòng Capuxinô” của Đức Phanxicô

Vatican Insider, Andrea Tornielli, 2016-05-12

Sợ mình quá khoan dung, ngài đến xin Chúa Giêsu tha thứ… và trách Chúa đã làm “gương xấu” cho mình!

Linh mục Luis Dli

Lần đầu tiên Đức Phanxicô nhắc đến tên linh mục là ngày 6 tháng 3-2014 khi ngài gặp các linh mục địa phận Rôma. Ngài nhắc lại một lần khác trong thánh lễ phong chức ngày 11 tháng 5-2014. Ngài cũng lại nói lại trong quyển sách Danh Ngài là thương xót xuất bản năm 2015; một lần khác vào tháng 2-2016 trong thánh lễ với các tu sĩ Dòng Capuxinô và gần đây trong cuộc gặp với các linh mục giáo phận Rôma ở Nhà thờ Thánh Gioan-Latran và với các cha ngồi tòa của Năm Thánh. Khi Đức Phanxicô nói đến giải tội và việc đón nhận những người ăn năn hối cải, suy nghĩ của ngài luôn hướng về linh mục Luis.

Trong đầu tôi là hình ảnh của một cha ngồi tòa cao cả, một tu sĩ Dòng Capuxinô làm mục vụ ở Buenos Aires. Một ngày nọ, linh mục Luis đến gặp tôi. Cha muốn nói chuyện. Cha nói với tôi: “Tôi đến gặp cha để xin cha giúp đỡ, lúc nào tôi cũng có rất nhiều người chờ trước tòa giải tội, họ đủ mọi thành phần, có người khiêm tốn, có người không, có cả các linh mục… Tôi rất ngại ngùng vì tôi biết tôi tha thứ quá nhiều!”. Chúng tôi nói về lòng thương xót và tôi hỏi cha, cha làm gì khi bị ngại ngùng như thế. Cha trả lời: “Cha biết không, khi tôi cảm nhận mình quá ngại ngùng, tôi vào nhà nguyện, tôi quỳ trước Nhà Tạm, tôi nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con, nhưng cũng là lỗi của Chúa, vì Chúa làm gương xấu cho con!”. Tôi không bao giờ quên chuyện này. Khi một linh mục sống lòng thương xót theo kiểu này với chính mình thì linh mục đó có thể cho người khác lòng thương xót.

Bây giờ tên của tu sĩ này đã có một khuôn mặt và một cái tên. Cha tên là Luis Dli, 89 tuổi. Cả ngày cha ngồi tòa ở một nhà thờ trong một khu phố bình dân ở Buenos Aires, nơi ký giả đến gặp và phỏng vấn cha.

Vatican Insider: Thưa cha Luis, Đức Giáo hoàng thường hay nhắc đến cha. xin cha cho chúng tôi biết chuyện gì xảy ra giữa hai người và tại sao khi còn là hồng y, Đức Phanxicô nói về cha những lời này…

Linh mục Luis Dli: Cuối cùng là tôi, tôi không nói ngại ngùng nhưng tôi nói, tôi hơi lo một chút khi giải tội. Khi ngài còn là hồng y ở Buenos Aires, tôi rất tin tưởng ở ngài, tôi hay đến nói chuyện với ngài và có một ngày, tôi thố lộ với ngài tất cả. Ngài nói với tôi: “Tha thứ, tha thứ, phải tha thứ”. Tôi trả lời ngài: “Dạ, con tha, nhưng sau đó lúc nào con cũng có một chút lo lắng trong lòng. Khi đó, con quay về với Chúa Giêsu và con nói với Ngài, Ngài đã làm gương xấu cho con, vì Ngài tha thứ tất cả, Ngài không bao giờ từ chối một ai”. Những lời này thật sự đã đánh động Đức Giáo hoàng và vẫn còn lưu giữ trong ký ức của ngài. Ngài biết là tôi ngồi tòa rất nhiều, từ sáng đến tối hàng giờ dài. Một ngày nọ, ngài khuyên các linh mục đến nói chuyện với tôi về một vấn đề nào đó, tôi lắng nghẹ họ và bây giờ chúng tôi là bạn thân của nhau. Một vài người hay đến nói chuyện với tôi, họ cảm nhận mình có đời sống mục vụ và thiêng liêng sâu đậm. Tôi phải cám ơn Đức Giáo hoàng vô cùng về lòng tin tưởng ngài dành cho tôi này, bởi vì tôi không xứng đáng. Tôi không học cao, tôi không có tiến sĩ, tôi không có gì cả. Nhưng tôi học ở cuộc đời rất nhiều, vì tôi sinh ra đã là rất nghèo, tôi cảm thấy khi nào mình cũng phải nói một lời thương xót, một lời gần gũi, một lời nâng đỡ với những ai đến đây. Không ai ra về mà họ nghĩ họ không được hiểu, họ bị khinh hay bị loại bỏ.

Cha bỏ nhiều thì giờ để ngồi tòa, đúng không?

Tôi dâng thánh lễ lúc 8 giờ sáng, trừ những ngày ngoại lệ, còn không thì tôi ngồi tòa từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, buổi chiều từ 3 giờ đến 9 giờ tối. Ngày nào cũng vậy. Ngày chúa nhật từ 7giờ 30 sáng đến 12 giờ 30 trưa. Tôi dâng thánh lễ và tôi ở lại nhà thờ cho đến khi tắt nến.

Cha 89 tuổi, cha để cả đời để ngồi tòa. Cha khuyên các linh mục nên có thái độ tốt nào?

Những gì Đức Giáo hoàng nói. Không có gì khác hơn, vì những gì ngài nói, tôi cảm nhận nó, tôi sống với nó. Để cả đời mình để lắng nghe họ, để hiểu, để làm sao đặt mình vào vai họ, để hiểu những gì xảy đến cho họ. Không được phản ứng như một công chức, bắt đầu bằng tôi, những công chức làm những gì họ phải làm và mặc kệ: “Được, tôi ban phép giải tội cho họ”. “Được hay không được, rồi tất cả cũng chấm dứt ở đó.” Nhưng ngược lại, tôi nghĩ chúng ta phải có một mức độ gần gũi nào đó, phải tỏ ra rất dễ thương vì đôi khi giáo dân không biết chính xác thế nào là giải tội. “Con đừng sợ, con đừng lo”. Giải tội… chuyện duy nhất mà giáo dân muốn là được tốt hơn, chẳng có gì khác hơn. Mình không được nghĩ với ai, bao nhiêu lần, cũng không được nghĩ chuyện này hay chuyện kia. Chẳng dùng vào việc gì. Tôi nghĩ chuyện này chỉ làm xa giáo dân. Và tôi, tôi phải làm thế nào để giáo dân đi đến với Chúa, đến gần Chúa Giêsu.

Cha khuyên gì với người đến xưng tội?

Đừng sợ. Tôi luôn cho họ xem bức tranh Người Cha nhân hậu ôm người con hoang đàng. Bởi vì họ hỏi tôi: “Nhưng Chúa sẽ tha thứ cho tôi không?”. Chúa ôm con trong tay, Chúa đi với con, Chúa yêu con, Chúa đến để tha thứ chứ không phải đến để phạt. Chúa đến để ở với chúng ta, Chúa từ bỏ Trời để đến với chúng ta. Vậy, tại sao chúng ta sợ? Tôi thấy ý nghĩ này thật phi lý, là có ý nghĩ xấu về Thiên Chúa, Cha của chúng ta.

Khi tôi nghe Đức Giáo hoàng kể những gì cha nói, tôi nghĩ đến Thánh Léopold Mandic, ngài cũng có thái độ như vậy khi ngài ngồi tòa.

Đúng, đúng, tôi biết rõ Thánh Léopold Mandic; tôi đọc tiểu sử của ngài và tôi học ở ngài rất nhiều. Tôi cũng học ở Cha Thánh Piô, tôi học với ngài năm 1960. Và tôi học hỏi ở những chuyện này rất nhiều. Tôi ở với Cha Thánh Piô và tôi đã xưng tội với ngài, tôi ở cùng tu viện với ngài năm 1960. Thánh Léopold và Cha Thánh Piô đã dạy cho tôi nhiều chuyện, những chuyện tốt lành về Lòng thương xót, tình yêu, bình an, tỉnh lặng, sự gần gũi. Thánh Padre Pio trước đó rất mạnh và năng động, nhưng ngài trở nên biết lắng nghe và tha thứ, đó là Chúa Giêsu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch