Âu Châu, Đức Phanxicô và Charlemagne…

199

lefigaro.fr,  Jean-Marie Guénois, 2016-05-11

Đức Phanxicô và ông Martin Schulz 20160506

Làm sao giải thích sự ân cần mà ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện Âu Châu dành cho Đức Phanxicô, người đã nhận Giải Charlemagne vào ngày 6 tháng 5 vừa qua ở Vatican?

Thứ sáu, 6 tháng 5-2016, Đức Phanxicô đã nhận giải Charlemagne ở  Vatican, Giải dành cho các nhân vật dấn thân trong việc xây dựng Âu Châu. Trong dịp này, ngài đã đọc một bài diễn văn quan trọng về cái nhìn của mình về Âu Châu trước sự hiện diện của các chính trị gia, trong số này có các chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Ủy ban Âu Châu, Nghị viện Âu Châu là các ông Donald Tusk, Jean-Claude Juncker và Martin Schulz. Ông  Martin Schulz là nhân vật chính trong vụ trao giải này.

Từ khi Đức Phanxicô được bầu chọn lên ngai Thánh Phêrô ngày 13 tháng 3-2013, ông Martin Schulz quả đã tìm lại con đường Công giáo La Mã mà ông đã không màng đến dưới thời Đức Bênêđictô XVI. Ông là thành viên Đảng xã hội-dân chủ Đức, năm 2014 ông tái được bầu vào chức vụ Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, ông cũng là Chủ tịch của nhóm Đảng xã hội Âu Châu.

Chính ông là người thuyết phục và mời Đức Phanxicô đến đọc diễn văn ở Nghị viện Âu Châu, trong chuyến đi chớp nhoáng của ngài đến Strasbourg ngày 25 tháng 11 năm 2014. Cũng chính ông Martin Schulz đã vận động để Giải Charlemagne năm nay được trao cho Đức Phanxicô. Cần nhắc lại, Giải này đã được trao cho Đức Gioan-Phaolô II, khi ngài đã hấp hối, một thời gian ngắn trước khi ngài qua đời năm 2005, để ghi nhớ vai trò của ngài trong vụ bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11… 1989.

Làm sao giải thích sự ân cần rất mạnh này mà ông Martin Schulz đã dành cho Đức Giáo hoàng? Chính trị gia cánh tả đã tự mình trả lời trong dịp này: “Sứ điệp của Đức Giáo hoàng chính xác là những gì chúng ta đang cần”, ông thố lộ với các ký giả lúc mà những người “chủ trương dân túy” đặt lại vấn đề về “nguồn phong phú đa dạng” của Liên hiệp Âu Châu. Và ông kết luận: “Sứ điệp này tuyệt đối phải được phân phát trong tất cả các thủ đô Âu Châu” để khuyến khích sự “dấn thân vào một hội nhập lớn hơn, ngược với tiến trình hiện nay ở Âu Châu, muốn tái khẳng định duy nhất vào các quốc gia”.

Trên thực tế, điều này đã được hình thành trong trọng tâm can thiệp của Đức Phanxicô. Ngài truyền lệnh cho lục địa Âu Châu “không được nhường bước” cho tính “ích kỷ” của mình, để rồi đắp thành lũy trong những “tường hào riêng”, nhưng phải tăng “khả năng hội nhập”, chống sự “loại trừ” để nhắm đến một “hội nhập văn hóa mạnh hơn”. Ngài đề nghị nên nhìn “người khách lạ, người di dân, người thuộc một văn hóa khác như một chủ thể cần được lắng nghe, được xem trọng và được yêu mến”. Để kết thúc, ngài  đã cao giọng đọc “giấc mơ” dài của mình theo cách của mục sư Martin Luther King. Giấc mơ đó như sau: “Tôi mơ một Âu Châu, nơi người di dân không bị xem như một tội phạm, nhưng như lời mời gọi vào một cam kết lớn hơn trong nhân phẩm của trọn một con người.”

Trong khuôn khổ này, Đức Phanxicô còn nêu ra chỗ đứng của Giáo hội công giáo, dù theo một cách thứ yếu. Chỗ đứng này “có thể và phải góp phần” vào sự “tái sinh” châu lục, nhưng “không tìm cái gì khác”. Đức Phanxicô còn định nghĩa “tâm hồn Âu Châu” không liên kết với các “gốc rễ kitô”, nhưng: “một sức sáng tạo, một tài năng khéo léo, một khả năng vực dậy và đi ra khỏi chính giới hạn của mình”.

Và nếu có “gốc rễ kitô” thì gốc rễ này chỉ có thể được nuôi dưỡng bằng “nước tinh tuyền của Tin Mừng” và bằng một “Giáo hội giàu các chứng nhân” của sự “hiện diện đơn giản và mạnh mẽ của Chúa Giêsu”. Dù sao, ngài không hoài niệm một Âu Châu công giáo.

International Charlemagne Prize award ceremonyCái nhìn của Đức Phanxicô về Âu Châu cắt đứt hay nối tiếp đường hướng của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI? Sự đổi mới rõ ràng của gốc rễ kitô giáo là một trong các trụ chính của triều giáo hoàng Ba Lan. Còn Đức Bênêđictô XVI, ngài chứng minh một cách có hệ thống trong các bài diễn văn của mình về Âu Châu ở Ratisbonne, ở Bernardins, Paris, ở Nghị viện Đức Berlin và bằng tiếng Anh ở Londres, rằng các giá trị tiêu biểu của Âu Châu, đặc biệt là dân chủ và tự do là đã có từ trong dạ kitô giáo.

Có người thấy sự liên tục giữa ba giáo hoàng: một linh đạo của Âu Châu với Đức Gioan-Phaolô II, một triết lý nơi Đức Bênêđictô XVI và một hành động, từ nay là một dấn thân nơi Đức Phanxicô. Có người ghi nhận một sự biến thiên tận căn: từ “chủ nghĩa thắng lợi” công giáo và là người phục chế – mà Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI từng bị trách cứ – đến sự hiện diện của tinh thần kitô “đơn giản và làm chứng”, không tìm gì “khác hơn” trên đất Âu Châu.

Nhìn người khách lạ, người di dân, người thuộc một văn hóa khác như một chủ thể cần được lắng nghe, được xem trọng và được yêu mến.

Marta An Nguyễn chuyển dịch