Ai là người lân cận của tôi?

835

Vatican Insider | Iacopo Scaramuzzi | 27-04-2016

‘Anh chị em có thể trở nên người lân cận với bất kỳ ai, chỉ cần có một trái tim biết cảm thương.’

‘Ai là người lân cận của tôi?’ Đức Giáo hoàng Phanxicô mở đầu buổi Tiếp kiến chung ở Quảng trường thánh Phêrô bằng câu hỏi này. Qua dụ ngôn về người Samaria nhân hậu, Đức Phanxicô nêu bật tầm quan trọng của lòng cảm thương

thăm người tị nạn Bangui

Hôm nay, chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Toàn xá Lòng Thương xót, suy niệm về dụ ngôn người Samari nhân hậu. Một luật sỹ đến hỏi Chúa Giêsu: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?’ Chúa Giêsu cho ông một câu trả lời hoàn hảo: ‘Ông phải yêu mến Thiên Chúa, Chúa của ông với hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, và cũng yêu thương người lân cận với mình như thế.’ Chúa Giêsu kết lại, ‘Làm thế, ông sẽ sống.’ Vị luật sỹ lại hỏi một câu khác, một câu quan trọng: ‘Ai là người lân cận của tôi?’ Ý của ông là: Có phải là người thân thuộc của tôi? Có phải là đồng bào của tôi? Có phải là những người cùng đạo với tôi? …. Về căn bản, ông này muốn một bộ luật cho ông ta chia mọi người ra thành ‘người lân cận’ và ‘người không lân cận’ hoặc những ai có thể trở thành người lân cận của mình và những ai không thể.

Chúa Giêsu trả lời bằng dụ ngôn về một tư tế, một thầy Lêvi và một người Samaria. Hai nhân vật đầu tiên đều là những người đến đền thờ để thờ phượng, còn người thứ ba, người Samaria bị người Do Thái xem là một kẻ ngoại bang, ngoại đạo và một người không trong sạch. Trên đường từ Jerusalem đến Giêricô, tư tế và thầy Lêvi đi ngang qua một người bị cướp đánh và bỏ lại dọc đường mình đầy thương tích. Trong những trường hợp như thế, Luật của Chúa đòi hỏi phải cứu người này, nhưng cả hai đều đi ngang qua mà không làm gì. Họ đang vội … Có lẽ vị tư tế nhìn đồng hồ mà nói: ‘Tôi sẽ trễ thánh lễ …tôi phải cử hành thánh lễ.’ Còn thầy Lêvi thì nghĩ, ‘Tôi không biết Luật có cho phép tôi giúp người này không, bởi người này có máu, và tôi sẽ bị ô uế …’ Thế là họ rẽ hướng khác mà đi.

Và dụ ngôn này dạy cho chúng ta bài học thứ nhất là, không phải những người thường đến nhà Chúa và biết về lòng thương xót của Ngài cũng là những người biết cách yêu thương người lân cận của mình. Không có kiểu tự động như thế. Bạn có đọc Kinh thánh hết lần này đến lượt khác, bạn có biết các nghi thức phụng vụ, bạn có biết nhiều về thần học, nhưng hiểu biết về lòng thương xót không tự động có nghĩa là có lòng thương xót. Yêu thương là một chuyện khác, để yêu thương cần có trí khôn, đúng, nhưng phải có một sự khác nữa … Vị tư tế và thầy Lêvi thấy nhưng lại làm ngơ, họ thấy nhưng không phục vụ. Không thể nào thật sự thờ phượng Thiên Chúa nếu như không chuyển sự tôn thờ này thành việc phục vụ cho người lân cận của mình.

Đừng bao giờ quên. Hãy nghĩ đến những người tị nạn. Chúng ta không thể nào ù lỳ đứng yên mà xem nhiều người đang bị đói khát, chịu đựng bạo lực và bất công. Khi chúng ta làm ngơ trước đau khổ của người khác, nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta làm ngơ Thiên Chúa. Nếu tôi không vươn đến người đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già đang đau khổ, thì tôi không đến gần Chúa.

Con người Samaria, người bị mọi người coi thường, lại động lòng thương người đàn ông bị thương tích, cả lòng và cả linh hồn của ông xúc động. Đó là sự khác biệt. Hai người kia nhìn thấy, nhưng lòng họ vẫn khép kín, vẫn lạnh lẽo. Nhưng người Samaria thì đồng điệu với trái tim Thiên Chúa. ‘Cảm thương’ là đặc tính tiên quyết của lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa động lòng thương chúng ta. Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là Ngài đau khổ với chúng ta, Ngài cảm nhận đau khổ của chúng ta. Cảm thương nghĩa là ‘chia sẻ.’ Tin mừng nói rằng người Samaria run rẩy trước cảnh thương tâm này. Trong hành động của người Samari nhân hậu, chúng ta nhận ra hành động của Thiên Chúa xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ. Người Samaria cho chúng ta thấy lòng thương xót thật sự.

Đầu dụ ngôn, người ta tưởng vị tư tế và luật sỹ là người lân cận với người bị thương, nhưng rồi người Samaria mới là người lân cận với ông. Chúa Giêsu thay đổi cách nhìn của mọi người, Ngài muốn mọi người đừng phân loại con người, đừng nhìn nhận kiểu ai là người lân cận ai thì không. Thật sự, anh chị em có thể trở nên người lân cận với bất kỳ ai, chỉ cần có một trái tim biết cảm thương, nói cách khác là biết chia sẻ đau khổ của người khác.