Với thầy Rosario Vitale, cánh cửa mơ ước đã được mở ra nhờ giấy đặc cách của Đức Bênêđictô XVI
Aleteia | Marinella Bandini | 24-04-2015
Rosario Vitale là một chàng trai bản tính tốt. Anh vui vẻ. Luôn luôn với nụ cười trên môi, và những lời động viên hi vọng dành cho người khác. Anh luôn nói, ‘Cuộc đời tôi là ân sủng.’
Nhưng cuộc đời đã cho anh một khó khăn khủng khiếp, bàn tay của anh bị quặt vào khuỷu tay và các ngón tay không thể nắm được.
Chứng bệnh của anh Rosario rất hiếm gặp. Đó là bệnh thiếu xương quay bẩm sinh.
Vài năm về trước, giấc mơ làm linh mục của anh sụp đổ khi anh biết theo luật của Giáo hội, thì trong một số trường hợp khuyết tật, không thể được phong chức. ‘Sau khi hoàn tất trung học, tôi nghĩ con đường của mình đã được vạch sẵn. Tôi sẽ vào chủng viện, trải qua năm tháng cần thiết và sẽ làm linh mục. Nhưng mọi chuyện không như vậy. Những khó khăn, ‘khuyết tật’ của tôi ngáng đường. Khi giám đốc báo rằng tôi không thể vào chủng viện vì khuyết tật của mình, tôi cảm thấy thất vọng nản lòng, một phần bởi vì tôi có quá nhiều ý tưởng, dự án muốn hoàn thành, nhưng giờ không thể nào nữa rồi.’
Anh Rosario đồng ý tạm dừng để quyết định xem đây có phải là con đường thật sự của anh hay không.
Anh đã làm với quyết tâm của một người đã quen đấu tranh kể từ lúc chưa lọt lòng mẹ. Bác sỹ đã từng cố bóp nghẹt anh trong bụng mẹ để không phải nói ra về dị tật của anh. Từ lúc mới vài tháng tuổi, anh đã trải qua hơn 20 ca phẫu thuât bàn tay và cánh tay.
‘Ngay cả nếu như cuộc đời của tôi không thể được xem là bình thường, thì nó đúng là đặc biệt, bởi nó cho tôi đấu tranh thật sự, đấu tranh từ cái nhìn của đức tin. Tôi đáng ra không có trên đời, nhưng tôi đang ở đây. Chúa muốn tôi, Ngài có kế hoạch cho cuộc đời tôi.’ Và một điều nữa, Rosario là trường hợp duy nhất trên thế giới mà biến chứng dị dạng này chỉ xuất hiện trên bàn tay và cánh tay, ‘một dấu chỉ hi vọng khác nữa, dấu chỉ cho thấy Chúa đã đặt tay trên đầu tôi từ khi tôi còn trong bụng mẹ.’
Từ lúc 8 tuổi, anh đã làm lễ sinh. Và theo lời anh, ‘Kể từ đó, tôi không bao giờ xa bàn thờ. Với Chúa, luôn luôn thấy tình yêu thương trước hết.’
Đức tin giúp anh Rosario chấp nhận và sống với khuyết tật của mình. ‘Đức tin cho tôi một khích lệ, một câu trả lời, một lý do. Đức tin cho tôi biết rằng đừng bao giờ dừng lại trước bất kỳ trở ngại nào, thật vậy, qua hi vọng, người ta luôn có thể tiến tới. Như thánh Phaolô nói rằng: ‘Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.’
Cuộc sống của anh Rosario không có bất kỳ một chấn động lớn nào khiến anh nghĩ đến việc làm linh mục. Anh đã từng có bạn gái, và nghĩ đến việc làm luật sư. Rồi đến cuối năm cấp ba, ‘Có một điều gì đó khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Không phải là một sự kiện cụ thể nào, nhưng là một sự gì đó trong tôi đến hồi triển nở.’
Anh Rosario gõ cửa chủng viện ở Caltagirone, Catania. Lúc đó anh mới được biết là anh không thể trở thành linh mục vì khuyết tật của anh. Anh xem đó như một sự giúp đỡ, chứ không phải kỳ thị.
‘Nếu Giáo hội lập luật này, là bởi Giáo hội yêu thương con cái mình. Nó giúp cho những người tin rằng mình có thể làm mục vụ trọn vẹn, mà không nhận ra rằng khuyết tật của mình có thể làm hại hơn là làm tốt cho Giáo hội và các tín hữu được trao phó.’ Cũng có thể muốn tránh những người theo đuổi làm linh mục để ‘trốn tránh’ nỗi sợ hãi hay sự bất khả thi của những quan hệ thực sự trong đời.
Nhưng trong thực tế, ‘luật không phải lúc nào cũng đứng yên. Giáo luật không phải lúc nào cũng cứng ngắc.’ Và như thế, nếu khuyết tật không trầm trọng hay có thể gây hại cho đời sống linh mục, thì người đó có khả năng được đặc cách.
Anh Rosario kể lại chuyện này. ‘Theo lời các cha đã nói, tôi cố gắng gạt ý nghĩ vào chủng viện ra khỏi đầu mình, và ngược đời thay, làm như thế lại khiến tôi tin chắc rằng con đường của tôi làm mục vụ chức thánh. Như thể khi bạn không thích điều gì đó, nhưng nó cứ vươn lên trên hết tất cả mọi chuyện khác, như một châu báu chiếu tỏa sáng ngời hơn tất cả, khi đó bạn cố gắng hết sức chộp lấy trước khi nó biến mất.’ Và thế là ‘sau một năm nhận định với các bề trên, tôi và giám mục đã xin một đặc cách từ Đức Giáo hoàng.’
Thỉnh cầu này phải được chính giám mục và bề trên chủng viện đệ trình, với các văn bản y khoa cần thiết. Vài tháng sau, văn bản đặc cách cho anh Rosario được gởi đến, xác nhận rằng ‘Tòa Thánh không thấy các lý do có căn cứ nào để ngăn cản tôi vào chủng viện, bởi vì vấn đề thể lý của tôi không ngăn cản cuộc sống của một linh mục.’
Giấy phép đặc cách được Đức Bênêđictô XVI ký, ‘người mà tôi nợ rất nhiều, nợ cả ơn gọi của tôi.’
Tháng mười 2015, thầy Rosario đã được gặp Đức Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI. Thầy kể lại, ‘Tôi hỏi ngài: ‘Thưa cha, điều quan trọng nhất với linh mục ngày nay là gì?’ Ngài gần như không để tôi hỏi dứt câu, trả lời ngay: ‘Ngày nay, điều quan trọng với một linh mục, là tình bạn với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch