Sự chênh lệch bất bình đẳng trong kinh tế không phải là chuyện mới. Nhưng từ Piketty đến Đức Giáo hoàng, đều đang lên tiếng về nó.
The Alantic | Moisés Naím
Hai năm về trước, tôi có viết ‘Bất bình đẳng sẽ là chủ đề trọng tâm của năm 2012. Nó luôn luôn tồn tại và sẽ không biến mất, nhưng 2012 sẽ là năm nó trở thành chương trình nghị sự toàn cầu hàng đầu, với những người ủng hộ, phản đối, và các chính trị gia … Năm 2012, sẽ chấm hết việc chung sống hòa bình với nạn bất bình đẳng, đồng thời những đòi hỏi cũng như lời hứa rằng sẽ đứng lên chống lại nó sẽ mãnh liệt và lan rộng hơn bao giờ hết kể từ thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh.’
Và đó đúng là những gì đã diễn ra. 1% so với 99% trở nên câu cửa miệng toàn cầu. Năm 2012, các bài báo chuyên ngành về nạn bất bình đẳng tăng 25% so với năm trước (và tăng 237% so với năm 2004).
Các nhân vật tầm vóc thế giới như giáo hoàng Phanxicô và Barack Obama đã tuyên bố nạn bất bình đẳng là vấn đề đặc thù của thời đại chúng ta. Và làm sao để chiến đấu với nạn này đã là chủ đề không thể tránh khỏi trong bất kỳ tranh luận tranh cử ở bất kỳ nơi đâu, ngay cả ở những nước như Brazil, một quốc gia đã giảm được rõ rệt nạn bất bình đẳng thu nhập trong suốt thập niên vừa qua.
Và rồi xuất hiện thêm Thomas Piketty. Ông là một nhà kinh tế học người Pháp, vừa cho xuất bản một quyển sách dày 700 trang với tựa đề, Tư bản trong thế kỷ XXI, đã nhanh chóng vươn lên đầu bảng bán chạy toàn cầu, nhưng chỉ như thế thì chưa đủ để nói về tầm ảnh hưởng của quyển sách này và tác giả của nó. Không chỉ thành công về mặt bán sách, Piketty còn là một hiện tượng xã hội, trí thức, và truyền thông. Luận đề chính của ông là bất bình đẳng kinh tế là tác động phụ không thể tránh được của chủ nghĩa tư bản – và nếu chính phủ không hành động dứt khoát để kìm hãm nó (có vẻ là qua việc nâng thuế khóa đánh trên tài sản và thu nhập), thì nó sẽ vững vàng tăng tiến cho đến khi đe dọa nghiêm trọng nền dân chủ và sự ổn định kinh tế. Theo Piketty, bất bình đẳng tăng lên khi chỉ số thu hồi vốn (r) lớn hơn chỉ số tăng trưởng kinh tế (g), hay trong phép toán nổi tiếng của ông thì, nạn bất bình đẳng gia tăng khi ‘r>g’.
‘Hiệu ứng Piketty’ không chỉ là chuyện nội bộ các nhà kinh tế học hàn lâm viết cho các độc giả riêng của một nhật báo chuyên ngành, mà nó còn mang tầm vóc to lớn hơn nữa. Một ví dụ, hãy xem một bài báo mới đây trên tờ New York Times viết về cách chọn một nơi ở mới. Tác giả cho rằng những người đang cân nhắc dọn đến ở một thành phố mới sẽ phải ước định thị hiếu sách vở của các hàng xóm tương lai. Hãy đến thư viện và tìm xem người ta đang đọc sách gì. Hãy tự hỏi mình: ‘Đây có phải là một nơi kiểu Piketty, hay kiểu James Patterson?’ Một bài báo nói về những vấn đề gai góc nảy sinh trong các cặp vợ chồng mà người vợ có thu nhập cao hơn chồng, và kết luận rằng bản chất của vấn đề này chính là ‘nghị luận Piketty’. Trên tờ Financial Times, qua một bài rất hài hước, Robert Shrimsley cảnh báo chúng ta rằng ‘người ta đang ngày càng lo nhiều về việc thế giới phương tây đang lao đầu vào ‘bong bóng Piketty’ một hiện tượng kinh tế và xã hội nổi lên khi tất cả những người, vốn chẳng thấy mình ra gì, giờ lại cảm thấy cần phải nói về quyển sách mới của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty.’ Shrimsley còn đưa ra 9 giai đoạn tiến hóa của bong bóng Piketty. Một ví dụ, ông gọi giai đoạn thứ hai là ‘tốc độ đào thoát’. ‘Một đại chúng phê bình sôi sục xem đặt vốn vào Piketty còn tăng giá nhanh hơn cả Bitcoin. Sẽ đạt đến tốc độ đào thoát khi các chính trị gia và nhà phê bình nhận ra giá trị của luận thuyết Piketty sẽ giúp họ tăng sức thuyết phục trong lời nói của mình. Họ quan sát thấy quyển sách của ông hội tụ ‘vấn đề lớn của thời chúng ta’. Các trích dẫn như thế sẽ luôn luôn kèm theo cụm từ ‘trong tác phẩm trọng đại của ông’. Những chỉ dẫn lừa bịp sẽ nhan nhản trên mạng.’
Tầm đại chúng không ngờ của các quyển sách hàn lâm cao ngất, không phải là chuyện mới gì, ví dụ như quyển Chung cục Lịch sử (The End of History ) của Francis Fukuyama (Sự va chạm giữa các nền văn minh) của Samuel Huntington Được xuất bản vào năm 1992 và 1996, hai quyển này được công bố vào những thời điểm rất thích hợp khi khắp thế giới đang rất hứng thú với những chủ đề của chúng. Cả hai quyển đều được phát hành sau khi Xô-viết sụp đổ, khi cái chết của chủ nghĩa cộng sản dấy lên những câu hỏi căn bản về tương lai của chính trị và kinh tế. Fukuyama dự đoán rằng kỷ nguyên đang đến sẽ là chiến thắng của các tư tưởng tự do, nhờ tay nền dân chủ và thị trường. Vài năm sau, Huntington cho rằng sự va chạm giữa các tôn giáo, thay vì các hệ tư tưởng, sẽ là nguyên do gây xung đột thường xuyên nhất trong thế kỷ XXI. Còn bây giờ, đến lượt Piketty. Một thập kỷ trước, trong giai đoạn bùng nổ kinh tế và trước khủng hoảng tài chính, cái ý muốn hiểu được tại sao ‘r>g’ lại làm tăng bất bình đẳng, vốn không mạnh và cũng không lan rộng.
Nhưng sự thật là sự bất bình đẳng kinh tế đã là một vấn đề nghiêm trọng cho hầu hết mọi người trên thế giới trong suốt một thời gian dài. Những bất bình đẳng này không phải là chuyện gì mới ở châu Mỹ La tinh và châu Phi, những vùng có phân bổ thu nhập bất công nhất thế giới. Và ở nhiều nước vốn có sự bất bình đẳng lớn trong lịch sử, thì yếu tố chủ đạo gây nên sự phân hóa này không phải là r>g mà là c>h, với c là tham nhũng (corruption) và h là lương thiện (honesty).
Bất bình đẳng trở thành cột thu lôi, thành cái chịu tội, khi ngày nay của cải và thu nhập tập trung vào một số người, như tình trạng đang xảy ra ở Hoa Kỳ và một số nước bất công nghiêm trọng khác. Siêu cường quốc Hoa Kỳ có năng lực xuất khẩu vô đối và áp đặt những quan ngại của mình lên toàn cầu. Trong hoàn cảnh này, tin tốt là vấn đề gì tác động đến người dân Hoa Kỳ cũng sẽ là quan trọng với người dân ở bất kỳ nơi đâu đang phải thụ động chịu đựng nạn bất bình đẳng trong một thời gian quá dài. Người ta hi vọng rằng những thảo luận vận động ở Hoa Kỳ và châu Âu sẽ thành tựu bằng những hành động cải thiện hiệu quả cách thức phân bổ thu nhập và của cải, và không chỉ ở các nước giàu mà thôi.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch