Ai Cập: Một nữ văn sĩ bị lên án ba năm tù cấm cố vì tội “khinh bỉ hồi giáo”

346

cath.ch, Ibrahima Cissé, 2016-04-02

Fatma Naout

Từ lâu nữ văn sĩ Fatma Naout đã là mục tiêu của những người lãnh đạo hồi giáo và hiệp hội Huynh đệ Hồi giáo, nhưng lần này bà không tránh được hình phạt của Tòa Tiểu hình Ai Cập, trong phiên xử đầu, bà bị lên án ba năm cấm cố vì tội “khinh khi hồi giáo”.

Bà Fatma Naout đã tố cáo sự độc ác trong các vụ thắt cổ súc vật giữa nơi công cộng trong ngày lễ hy sinh Aïd al-Adha, bà lên án cách làm này giống như cách làm ở các lò hạ thịt. Bà có thể kháng cáo lên tòa trên, nhưng nếu đơn kháng cáo bị bác, thì bà sẽ có thể bị bắt khi đến phi trường Ai Cập. Nữ văn sĩ Fatma Naout hiện nay đang ở Canada, bà đang tham dự một cuộc hội thảo chống nạn kỳ thị.

Tòa án bị ảnh hưởng bởi luật hồi giáo

Gần đây nước Ai Cập dưới quyền cai trị của Tổng thống Abdel Fattah al-Sissi đã có những vụ buộc tội “khinh khi hồi giáo” rất nhiều, điều luật 98 của bộ luật hình sự Ai Cập buộc tội những ai vi phạm đến tôn giáo.

Tháng 3 vừa qua, ba trẻ vị thành niên người Cốp đã bị Tòa Tiểu hình Minya, Trung-Ai Cập, lên án năm năm tù vì vi phạm điều luật  98 của bộ luật hình sự Ai Cập. Các trẻ vị thành niên này bị kết tội “lăng nhục hồi giáo” vì trong một video đã nhại một cảnh cầu nguyện của tín hữu Hồi giáo, chế giễu các tên khủng bố của nhóm “Nhà nước Hồi giáo Tự xưng”.

Một hồi giáo lầm lạc

Năm ngoái, tòa Tiểu hình Ai Cập đã xử vắng mặt nhà nghiên cứu và giới thiệu chương trình truyền hình Hồi giáo el-Béheiry năm năm cấm cố. Hiện nay nhà hồi giáo học cách tân này đã ở một năm tù. Ông kêu gọi canh tân lại hồi giáo, vì theo ông, hồi giáo đã lầm lạc bởi những chú giải của những nhà thần học hồi giáo đầu tiên. Ông cho rằng, các chú giải của hồi giáo đã đặt nền tảng trên sự bất bao dung tôn giáo nên đã lót ổ cho chủ nghĩa cực đoan của nhóm “Nhà nước Hồi giáo Tự xưng”

Các dân biểu đã cố gắng bãi bỏ luật về sự khinh khi tôn giáo này nhưng không được, bộ luật này được phê chuẩn năm 1982.

“Luật về sự khinh khi tôn giáo là vi phạm Hiến chương Ai Cập, một Hiến chương bảo đảm quyền tự do suy nghĩ”, bà Fatma Naout tố cáo. Tin về vụ buộc tội bà đã gây ra nhiều phản ứng dữ dội ở Ai Cập, nhất là trên các trang mạng xã hội.

Marta An Nguyễn chuyển dịch