Monique Gosselin-Noat: “Cũng như Đức Phanxicô, văn hào Bernanos không muốn lẫn lộn tinh thần công giáo với tổ chức Phi Chính Phủ”

156

Phỏng vấn bà Monique Gosselin-Noat về các tác phẩm của Georges Bernanos

aleteia.org, Jean Muller, 2016-04-01

Bernanos

Bảo vệ văn minh Âu Châu và nước Pháp trước hết phải đi qua mặt trận văn hóa. Vì thế phải đi qua văn chương. Văn hào Bernanos là một trong các khuôn mặt lớn của văn chương Pháp, nên cần phải đọc và hiểu các tác phẩm của ông. Học giả Monique Gosselin-Noat, Đại học Paris X, dẫn chúng ta vào thế giới của văn hào Bernanos qua sáu tiểu thuyết chính của ông.

 

Aleteia: Tuyệt tác Nhật ký cha xứ làng quê, phải được đọc lại ngày nay, tác giả đã nêu lên các cuộc thảo luận hiện nay? Cha xứ Torcy đã nghĩ đến việc bài chủ nghĩa-tư bản?

Monique Gosselin-Noat: Cũng khá phức tạp vì cha xứ Torcy vừa mang hình ảnh rất bảo thủ mà cũng vừa rất cách mạng. Một mặt, tác giả nói không có quyền khai thác con người và công việc của nó, dấy lên việc chống chủ nghĩa tư bản, chống sự chiến thắng của Thần Tài, chống nạn toàn trị của tiền bạc, những việc này đi ngược với con đường của Phúc Âm. Ngược lại, ông không tin người ta có thể loại bỏ được nạn nghèo khổ bằng tinh thần vị tha. Chắc chắn, điều quan trọng là phải lay động, nhưng việc thiết yếu dưới mắt ông, là nếu người ta nói tốt về nạn nghèo khổ, chính là vì người ta đánh giá cao các giá trị của nó. Như thế ở đây ông nói về tinh thần nghèo khó. Đối với ông, người nghèo phải là “hoàng tử” của Giáo hội. Điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng chúng ta không ở trong một đường lối hành động đơn giản. Tất cả tính chiến đấu của tác giả Bernanos, tất cả quan điểm vào thời điểm Lịch sử khi tác giả sống là dựa trên quan điểm kitô giáo và thần nghiệm của thế giới. Không có gì có thể thoát và cũng không được thoát chương trình Cứu chuộc. Vì thế sự tố cáo thế giới hiện đại trong các tiểu thuyết của ông là một sự loan báo kín đáo.

Như thế bà đưa ra một sự khác biệt trong sự phong phú của việc làm nhân đạo và bác ái?

Đó là điều cần thiết, vì đối với Bernanos, bác ái là làm nhân danh Chúa Kitô. Lấy ví dụ Mẹ Têrêxa khi mẹ ở bên cạnh những người sắp chết. Mẹ làm gì? Mẹ đặt họ trong cái hòm và bao họ lại. Đó không phải là bác ái trên bình diện lớn; hành động của Mẹ không có lợi ích xã hội rõ rệt, nhưng nó thể hiện tình yêu Chúa Kitô cho mỗi người, phẩm cách của từng người, và tình yêu này thực hiện qua Mẹ. Cũng như Đức Phanxicô, tác giả Bernanos không muốn lẫn lộn tinh thần công giáo với một tổ chức Phi Chính Phủ. Trong hành động, việc làm nhân đạo và bác ái có thể cùng hợp với nhau để lay động cảnh khốn cùng dưới mọi hình thức, nhưng bác ái bao gồm một sự tháp tùng, có thể còn trọn vẹn hơn, vì đó là yêu người như Chúa Kitô yêu chúng ta. Như thế có phải sự hiệu quả vật chất là đứng đầu, nhưng trong nghĩa này thì tình yêu và sự nghèo khổ được chia sẻ. Trong quyển Nhật Ký cha xứ làng quê, Bernanos lấy câu “các con luôn có người nghèo bên cạnh các con” của Chúa Kitô để bình giải. Tác giả muốn chia sẻ nỗi đau kinh khủng của Chúa Kitô khi Ngài đứng trước nạn nghèo khổ, và, khi chiến đấu chống nạn nghèo khổ, tác giả muốn chúng ta cùng thông hiệp với người nghèo, mà lòng “kiên nhẫn” sẽ cứu được thế giới. Ông nhắc lại lời Thánh vịnh: “Lòng kiên nhẫn của người nghèo sẽ không hư mất”. Hành động cụ thể có thể cùng là một hành động, nhưng nó thay đổi ý nghĩa.

Vào cuối quyển tiểu thuyết, cha xứ Ambricourt, anh hùng của quyển Nhật Ký, đối diện với hai trạng huống làm cho Bernanos dự đoán hai khó khăn đang gờm tất cả chúng ta: sự lạnh nhạt và không có tình thương. Trước hết, cha gặp ông Louis Dufréty, một người bạn chủng sinh cũ, bây giờ đã tu xuất. Sau đó là cha gặp một bà bá tước vừa mất một đứa con. Có phải đó là dấu hiệu của một thế giới đang bị giày vò bởi lực của sự dữ không? Làm sao để hóa giải?

Trường hợp của ông Louis Dufréty đáng để chúng ta xem xét. Nhân vật cha xứ Ambricourt đến thăm người bạn tu xuất theo lời mời của ông này. Vào thời buổi đó, đây là một sự vi phạm. Louis Dufréty đưa ra sự tiến triển về mặt tri thức của mình để giải thích vì sao mình xa Giáo hội. Chủ yếu cha xứ trẻ trả lời: “Nếu bất hạnh mà tôi không giữ được lời hứa chức linh mục của tôi, thì tôi thích đó là vì tình yêu cho một phụ nữ, chứ không phải là cho cái mà bạn gọi là sự tiến triển về mặt tri thức của bạn.” Đối với Bernanos, kitô giáo không phải là đạo đức, không phải gồm một số nguyên tắc, nhưng kitô giáo là đạo của tình yêu.

Ở đây chúng ta cũng chúng kiến một cuộc đối thoại giữa cha xứ trẻ và bà bá tước, bà vừa mất một đứa con còn nhỏ. Vì tuyệt vọng, bà phạm thượng, bà thách thức Chúa. Nhân vật cha xứ bắt đầu lay động bà; cha giải thích cho bà hiểu, hỏa ngục là không còn tình yêu. Sau khi đã cầu nguyện lâu giờ, cha có được cảm hứng của Thần Khí, cha tìm được những chữ đúng để nói chuyện với bà bá tước. Những chữ này giống như dưỡng khí cho đời sống thiêng liêng, nó đã mở lòng bà đến độ làm cho bà quay trở lại hoàn toàn. Từ phẫn nộ, từ thách thức, bà thay đổi: bà sẵn sàng vứt tấm mề-đay của con bà vào lửa. “Chúa không phải là tên đồ tể”, cha xứ Ambricourt kháng cự lại. Từ đó, cha giải quyết được kiểu giữ đạo than khóc. Bình an của Chúa xâm chiếm tâm hồn bà bá tước và tâm hồn bà được biến đổi. Bà tìm lại được hy vọng và bình an tâm hồn.

Như thế, tác giả Bernanos đụng đến nơi thâm sâu nhất của các tâm hồn. Như tác giả từng mong muốn vào thời đầu, năm 1931, khi ông viết quyển sách Nỗi sợ lớn của những người có tư tưởng hợp lệ, ông viết: “Tôi thề là sẽ làm bạn xúc động, với tình bạn hay với sự giận dữ”. Đó là dự án cho đời viết văn của mình và chúng ta có thể nói, ông đã đạt được. Gần như ông không để ai dửng dưng, cũng không để ai đọc xong mà không thay đổi.

Vì thế chúng ta có thể khẳng định, tác phẩm của Bernanos là lời mời gọi hy vọng?

Đúng, tác phẩm của Bernanos là lời mời gọi hy vọng vì chính ông, ông cũng ngạc nhiên cho ơn sủng đã làm việc trong tâm hồn của những nhân vật u tối nhất. Ông ngạc nhiên vì ông là nhà quan sát tinh tế về đời sống thiêng liêng, trong tâm hồn những người mà ông gặp hoặc ông hình dung. Một vài giai đoạn thiêng liêng gần với kinh nghiệm ông đã sống. Tác phẩm có tính mơ mộng phản ánh kinh nghiệm riêng của ông, và vì thế ông là chứng nhân. Nó mang lại sức nặng thực tế cho những gì ông viết.

Mặt khác, nếu Bernanos rơi vào lo âu bồi hồi thì ông luôn cho thấy điều này có một ý nghĩa. Bạn không đau khổ vô ích, gần như ông nói như thế với chúng ta. Các đối thoại được đẩy đến mức mà các nhân vật phải đối diện với những gì sâu thẳm nhất của mình. Sự tận căn và chiều sâu này loại bỏ tất cả những gì hời hợt bên ngoài. Giống như trong thế giới của tiểu thuyết gia Malraux, các lời đối thoại mang tính lột trần. Malraux theo chủ nghĩa bất khả tri, nhưng ông hiểu Bernanos. Cả hai tác giả đều chất vấn chúng ta về ý nghĩa của đời sống con người và của thế giới, dù ý nghĩa này của hai người có khác nhau. Trong cả hai trường hợp, con người không bị thu giảm thành một sinh vật đơn giản. Họ bảo vệ tầm lớn lao, một thuộc tính của con người. Đặc nét của thế giới hiện đại là “bình thường hóa sự dữ”, là đánh mất mọi ý nghĩa và triền miên sống trong giải trí, nói như triết gia Pascal đã nói, giải trí giữ vai trò duy trì con người. Và đó cũng là chủ đề mà tiểu thuyết gia người Tiệp Kundera đề cập đến trong quyển tiểu thuyết “Đời nhẹ khôn kham” của ông. Trong thế giới của văn hào Bernanos, tất cả đều mang ý nghĩa với sự Thương Khó của Chúa Kitô và của Nhập thể. Ông mời gọi chúng ta hiểu và chia sẻ, không phán xét nhưng tha thứ. Đó có phải là một phần lớn ý nghĩa của lời nói cuối cùng kết thúc quyển Nhật ký của cha xứ làng quê: “Những chuyện này là gì? Tất cả đều là hồng ân”.

Bà khuyên nên đọc quyển tiểu thuyết nào để hiểu Bernanos?

Đương nhiên là quyển Nhật ký cha xứ làng quê, hay Câu chuyện mới của Mouchette, đó là một truyện ngắn dài có tính thế tục, không có một nhân vật nào là linh mục. Người ta chỉ nghe văng vẳng tiếng chuông nhà thờ nhắc giáo dân đi xem lễ. Trong bối cảnh này, nét nên thơ đi theo số phận của cô bé Mouchette, người thực hiện cái khốn cùng tuyệt đối. Độc giả thấy cô ở một mình ban đêm trong lớp; cô bị hiếp lúc cô nghĩ rằng mình có thể yêu; cuối cùng cô bị dẫn đến chỗ phải tự tử bởi một bà giữ phòng thánh, nhân vật biểu tượng cho sự thiêng liêng giả tạo, “bộ mặt đen” của siêu nhiên. Tất cả đi theo giòng nhạc, một âm thanh tắt ngấm của một lòng trắc ẩn đích thực đi theo em bé gái nhỏ này cho đến cùng, và với cái chết, em vào trong tình yêu, dù hy vọng này vẫn còn bàng bạc. Cuối cùng là quyển Niềm Vui, quyển này cũng có thể đọc được với điều kiện là phải được hướng dẫn một chút.

Bernanos, tiểu thuyết gia siêu nhiên, Monique Gosselin-Goat. Nhà xuất bản Pierre-Guillaume de Roux, 9- 2015.

Marta An Nguyễn chuyển dịch