Đức hồng y Phi châu Robert Sarah, người có thể trở thành giáo hoàng

1854

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2016-03-28

hồng y Robert Sarah

Được các nhà thừa sai Pháp nuôi dạy, Đức hồng y người Guinê, người lo phụng tự và tác giả quyển sách «Chúa hoặc không Chúa» (Dieu ou rien) biện hộ cho một đức tin thấm đậm nghiêm nhặt.

Văn phòng của Hồng y có một trong những hướng nhìn đẹp nhất hướng về Đền thờ thánh Phêrô. Giống như hình ảnh các cột Bernin, mà qua khung cửa sổ bát ngát văn phòng đã ôm trọn một khung trời lớn của Vatican, hồng y Robert Sarah là một cột trụ của đạo công giáo. Bộ trưởng bộ phụng tự và kỷ luật các bí tích (ouf!), vị giám chức người Phi châu này là người bảo vệ phụng tự trên hoàn vũ. Và tiếng nói của ngài càng ngày càng uy tín, nhất là khi quyển sách Chúa hoặc không Chúa – đồng tác giả với ký giả Nicolas Diat –, gần đây được nhà xuất bản Pluriel/Fayard phát hành ấn bản bỏ túi, một quyển sách bán chạy bất ngờ, 250 000 ấn bản được dịch trên 12 thứ tiếng. «Quyển sách này cho tôi cảm hứng», Đức Phanxicô thố lộ với tác giả. Ngày 7 tháng 12, Đức Bênêđictô XVI đã nói với các nữ tu Pháp «Hồng y Sarah là món quà của Chúa, Đức Bênêđictô XVI là người đã chỉ định hồng y Sarah vào chức vụ này. Hai «cầu chứng» (imprimatur) làm cho Hồng y người Guinê là một trong những người có khả năng làm giáo hoàng trong tương lai, một ứng viên nghiêm túc kế vị Đức Phanxicô.

Các tu sĩ Dòng Chúa Thánh Thần, gốc rễ đức tin của Hồng y

Nếu mọi con đường đều dẫn về Rôma thì con đường của hồng y Sarah không phải là con đường dễ dàng nhất. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân theo đạo thờ súc vật ở Guinê, hồng y Robert Sarah trở thành con người của ngày hôm nay là nhờ các linh mục thừa sai Pháp, các tu sĩ Dòng Chúa Thánh Thần đã truyền một đức tin sâu thẳm cho ngài để ngài trở thành người nhiệt thành bảo vệ đức tin của ngày hôm nay. Một đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng cũng vào… nước Pháp, một đất nước mà theo ngài vẫn còn giữ «chức trưởng nữ của Giáo hội, dù có những chuyện kỳ lạ như chuyện hôn nhân cho tất cả mọi người…»

Khi ngài đề cập đến các vấn đề này, vị hồng y nhã nhặn rút «kiếm» ra. Ngài rất lo lắng trước sự tan rã của «thành trì» gia đình, mà đối với ngài gia đình phải đối diện trước các đột biến của thế giới, trong quyển sách của mình, ngài xem ly dị là chuyện tai tiếng, xem tái hôn là chuyện ngoại tình. Quan niệm của ngài đã làm cho không những các người công giáo vững vàng mà cả những người tiến bộ cũng phải nhảy đựng lên. «Nhưng tôi chỉ dùng chữ của Chúa, Đấng bị dân của mình phản bội, Đấng xem họ là người ngoại tình, Hồng y vặn lại. Cắt đứt sự kết hiệp là một sự xấu, cũng ngang như ăn cắp.» Trong lần họp Thượng Hội đồng về gia đình vừa qua ở Rôma, Đức hồng y Sarah không ngần ngại đặt «ý thức hệ về giới tính» và Nhà nước Hồi giáo Tự xưng ngang nhau, «cả hai là những con thú trong sách Khải Huyền». Ngài khẳng định: «Khi người ta phủ nhận không có sự khác biệt giữa một người đàn ông và một người đàn bà, khi người ta cho rằng phối hợp giữa hai người cùng giới là chuyện bình thường, thì ngắn gọn, người ta chống lại ý muốn của Chúa, thì đó chỉ là bàn tay của quỷ.» Và như thế tại Vatican, Hồng y Phi châu đã trở thành một trong những quan tòa mơ tái thiết lập lại đạo đức. «Tôi không xấu hổ cũng không sợ bị cho là người bảo thủ, nhưng tôi không phải là người phản động, hồng y khẳng định. Tôi chỉ đơn giản là một tín hữu diễn tả một cách mạnh, đúng và cương quyết những gì Chúa nghĩ về các vấn đề liên hệ đến con người.»

 

Hồng y Robert Sarah sinh năm 1945 ở Guinê, năm lên 12, ngài theo học ở trường các linh mục thừa sai Dòng Chúa Thánh Thần.

Bảo vệ thông điệp Phúc Âm

Ngay khi bị tấn công vào trọng tâm của đức tin, Hồng y Sarah «tuốt kiếm», «để bảo vệ di sản của các nhà thừa sai để lại, để biết thông điệp của Phúc Âm». Ngài đến từ một châu lục mà hồi giáo và Kitô giáo chạm trán nhau, nơi các linh mục bản xứ lại trở thành các nhà thừa sai cho Âu châu, một sự quay lại lạ lùng của Lịch sử để giải quyết tạm thời cơn khủng hoảng ơn gọi và việc không còn ai theo đạo. «Hồng y Sarah ở trong số các giám mục Phi châu vất vả để áp đặt hôn nhân một vợ một chồng trong một xã hội đa thê, họ khó chấp nhận sự cởi mở về các vấn đề này của xã hội Tây phương, mà họ cho là xã hội càng ngày càng xuống cấp», nhà vatican học Jean-Louis de La Vaissière của hãng tin AFP giải thích.

Phải nghe Hồng y Sarah lên tiếng chống các vị thừa sai «du lịch», ngài nhắc lại, các vị này trong thời thơ ấu của mình, họ «ở một chỗ suốt đời». Ngài giận các giám mục Phương Tây, đặc biệt các giám mục người Đức, «muốn điều khiển Giáo hội trong khi nước mình đang gặp cơn khủng hoảng thiêng liêng nặng». Ngài tố cáo một vài giám chức La Mã «khi họ tự thăng tiến mình, họ chỉ làm cho Giáo hội mau suy sụp». Ngài phẫn nộ «các người chụp hình đã làm cho buổi lễ mất phần linh thiêng»… Ngài là người sống chức thánh của mình như một cuộc chiến chống tất cả những gì đi lạc với cốt lõi của đạo công giáo. «Sách Khải Huyền có nói, Chúa mửa những người hâm hẩm», vị chiến sĩ thiêng liêng tuyên bố: «Nếu chúng ta mang lại cho phụng tự cái đẹp nguyên thủy, thì con người sẽ tìm lại đức tin nối nó một cách tự nhiên với Chúa.»

Cardinal-Robert-Sarah

Khuôn mẫu Ratzinger

«Hồng y Sarah làm chúng ta nghĩ đến một Bênêđictô XVI Phi châu», ký giả Jean-Louis de La Vaissière nhận xét. «Hồng y mang nét Ratzinger nhiều hơn nét Bênêđictô XVI, ông Michel Roy nhận xét, ông là Tổng thư ký cơ quan Caritas quốc tế. Đây là một điểm quy chuẩn cho tất cả những ai gắn với giáo điều cổ điển và là một con người xác quyết cần cho một xã hội bị thế tục, bị chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ chế ngự.» Một tân Joseph Ratzinger? «Câu nói thu hẹp, ký giả Nicolas Diat dứt khoát nói. Hồng y rất ngưỡng mộ Đức Giáo hoàng danh dự, nhưng gương mẫu đích thực của hồng y vẫn là Đức Phaolô VI.» Tình phụ tử thiêng liêng này phù với đặc tính của hồng y. Hồng y nhấn mạnh: «Tôi nhận rất nhiều ở Hồng y Ratzinger. Đối với tôi, ngài là nhà hướng dẫn, một chuẩn mực của lòng khiêm tốn, của chiều sâu thiêng liêng.» Ít rụt rè hơn nhà thần học Đức, hồng y Phi châu công kích sự «suy yếu của đức tin», «sự hâm hẩm này tấn công chúng ta», ngài nhấn mạnh với cái bĩu môi chán chường. «Các người hồi giáo sốt sắng vì họ tin vào kinh Coran, vì họ không xấu hổ mình là người hồi giáo, họ cầu nguyện công khai, họ mang các dấu hiệu chứng tỏ đức tin của họ, hồng y Sarah dằn từng tiếng. Chúng ta phải tìm lại Ánh Sáng đã hướng dẫn chúng ta, ánh sáng của Phúc Âm.» Cho đến đâu?

Marta An Nguyễn chuyển dịch