Giải mã phản ứng của người Công giáo với Đức Giáo hoàng Phanxicô

888

Crux | John L. Allen Jr. | 27-03-2016

 Hồng y Bergolio và Đức Gioan Phaolô II

Trong hơn một phần tư thế kỷ, từ 1978 đến 2005, thánh Gioan Phaolô II là một trong những nhân vật được mến mộ nhất thế giới, với con số khảo sát luôn cao và các đám đông nồng nhiệt. Cho đến tận hôm nay, thánh lễ an táng ngài vẫn là sự kiện trực tiếp lớn nhất trong lịch sử truyền hình.

Nhưng như luôn luôn xảy ra với những lãnh đạo mạnh, đôi khi ngài cũng phân cực bên trong thể chế mình dẫn dắt.

Đặc biệt, những người Công giáo có chiều hướng chủ nghĩa tự do hơn, thường lên tiếng rằng Vatican có quá nhiều quyền hành, và rằng Giáo hội trở nên quá cứng ngắc và giáo điều. Nhưng bởi một gene Công giáo thâm sâu, mọi người ngần ngại chỉ trích Giáo hoàng trực diện, nên đã phát triển một thuật ngữ cho người ta nói ra những điều này một cách tránh né hơn.

Nếu bạn có nghe một thần học gia hay một giám mục nói về tầm quan trọng của ‘đoàn thể tính’ -chẳng hạn nói về ý tưởng là tất cả các giám mục nên cai quản Giáo hội như một đoàn thể, chứ không phải một vương quyền tuyệt đối ở Roma – thì đó thường được hiểu là những người đứng về chủ nghĩa tự do. Cũng như thế, khi nói đến việc Giáo hội cần ‘mục vụ’ hơn, thường nghĩa là đừng quá xét nét kỷ luật và giáo điều.

Ngày nay, chúng ta cũng có chuyện tương tự như thế với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài được mến mộ toàn cầu, nhưng theo cách nào đó lại gây chia rẽ trong Giáo hội. Trong trường hợp này, là những người Công giáo bảo thủ đang hoang mang.

AR-310189936

Và tôi xin đưa ra đây, cách giãi mã bốn kiểu nói của những người Công giáo bảo thủ:

‘Rõ ràng’ Khi ai đó nói về tầm quan trọng của việc cần rõ ràng về huấn giáo của Giáo hội, thì thường có nghĩa là họ thấy một vài lời nói của Đức Phanxicô có vẻ luộm thuộm, dễ hiểu nhầm, chẳng hạn như câu nói nổi tiếng của ngài, ‘Tôi là ai mà phán xét.’

‘Kẻ thù trong Giáo hội’ Khi bạn nghe người Công giáo nào nhất quyết rằng Giáo hội thực sự có những kẻ thù, thì đó có thể là sự khó chịu trước những tán thưởng mà thế giới thế tục dành cho Đức Phanxicô. Đây là cách để nói rằng cá tính ‘chẳng lẽ chúng ta không chung đường được hay sao?’ của ngài có nguy cơ hơi ngây thơ, bởi không phải ai cũng thực sự là người bạn của đức tin như vẻ ngoài của họ.

Tuần này, tôi dự lễ Thứ năm Tuần Thánh ở Roma, tại một giáo xứ cách Vatican chừng mười phút lái xe. Cha xứ đã nhấn rõ điểm này rằng, ‘có người không thích nói ra, nhưng Giáo hội thực sự có những kẻ thù.’ Dù sao đây cũng là một lời nhắc nhở rằng, ngay cả trong sân sau của Đức Giáo hoàng, bạn vẫn có thể thấy những người không thực sự ủng hộ hoàn toàn với mọi điều ngài nói và làm.

‘Thiêng liêng là trên hết’ Khi một người Công giáo nhất quyết rằng điều quan thiết của Giáo hội không phải là làm việc bác ái, như cho người đói ăn hay chăm sóc cho người nghèo, nhưng phải là các giáo huấn và thực hành thiêng liêng, thì đó có thể là dấu hiệu lo lắng rằng Đức Phanxicô nhấn mạnh quá nhiều về các việc thiện và lại không nhấn đủ về khía cạnh siêu nhiên, bao gồm đời sống phụng vụ của Giáo hội.

‘Tội lỗi’ Có những người lo lắng việc Đức Phanxicô nêu bật lòng thương xót có thể bị hiểu lầm thành kiểu như ‘Tôi ổn, anh cũng ổn’ một thái độ lấp liếm hiện thực tội lỗi của thế gian. Khi có ai nhất quyết rằng lòng thương xót chỉ đến khi ai đó đã sa ngã, thì có thể là mong muốn Đức Giáo hoàng mạnh tay hơn với tội.

Tất nhiên, có những giải pháp cho tất cả những mâu thuẫn này. Người ta có thể vừa rõ ràng vừa linh hoạt trong mục vụ, cũng có thể dấn thân cho việc bác ái và đời sống thiêng liêng như nhau.

Nhưng thường luôn có vấn đề nêu bật điểm này hay điểm kia, và hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi một Giáo hội với hơn 1.200.000.000 tín hữu, hơn 400.000 linh mục và 5000 mục trên toàn thế giới, không phải ai cũng cùng chính xác điểm nhấn với Đức Giáo hoàng.

Và tôi nghĩ có thể thêm một điểm nữa là: Làm giáo hoàng không dễ dàng gì.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch