“Hi vọng của lính gác hừng đông” – Bài giảng Đêm Canh thức Phục Sinh của Đức Giáo hoàng Phanxicô

882

Vatican Insider | Domenico Agasso Jr.

 Bài giảng Đêm Canh thức Phục Sinh của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Nghi Lễ Canh Thức Phục Sinh bắt đầu ở tiền đường Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, làm phép lửa và thắp Nến Phục Sinh. Sau đó vào nhà thờ với nến trên tay, rồi hát bài Exultet, tiếp theo là Phụng vụ lời chúa, và Nghi thức Rửa tội, Đức Phanxicô đã rửa tội cho 12 người tân tòng, 6 từ Albania, 1 từ Ý, 1 từ Cameroon, 1 từ Ấn Độ, 1 từ Trung Quốc, và 2 từ Hàn Quốc – đây là vợ chồng đại sứ Hàn Quốc ở Ý.

Đức Giáo hoàng bắt đầu bài giảng bằng câu Tin mừng:

‘Phêrô chạy đến mộ.’ Trong lúc chạy đến mộ, trong đầu ông Phêrô nghĩ gì, và lòng ông thấy gì? Tin mừng cho chúng ta biết là nhóm mười một, kể cả Phêrô, đã không tin vào lời chứng của các phụ nữ. Với họ, lời kể của các bà như chuyện hoang đường vậy. Như vậy, trong lòng Phêrô có hoài nghi, cùng nhiều mối ưu tư khác: đau buồn sau cái chết của Thầy, và dằn vặt vì đã chối thầy ba lần.

Nhưng có một sự biến đổi, một bước ngoặt. Sau khi nghe các phụ nữ nói, và không chịu tin lời các bà, ông Phêrô đã bật dậy. Ông không ở yên, trong suy nghĩ hay trong hành động, ông không ở lại nhà như những người khác. Ông không thu mình vào trong bầu khí u ám của những ngày đó, và cũng không để hoài nghi bịt kín mình. Ông không bị nhận chìm trong hối hận, sợ hãi hay những lời bàn tán chẳng dẫn đến đâu. Ông tìm Chúa Giêsu, chứ không phải tìm mình. Ông Phêrô thích con đường gặp gỡ và tin tưởng. Và do đó, ông bật dậy, và chạy đến mộ, nơi ông được ‘kinh ngạc’.

Đây chính là mở đầu cho sự phục sinh của Phêrô, sự phục sinh cho tâm hồn ông. Không chìm trong buồn sầu hay bóng tối, ông đã dành trong lòng mình một chỗ cho hi vọng, ông để ánh sáng Chúa đi vào lòng ông, không giấu diếm.

Còn các phụ nữ, lên đường từ sáng sớm để làm một việc của lòng thương xót, lấy dầu thơm đến viếng một, họ cũng có cùng cảm nghiệm như vậy. Các bà kinh hãi và che mặt, nhưng lòng được đánh động sâu sắc nhờ những lời của thiên thần: ‘Tại sao lại tìm người sống giữa kẻ chết?’

Chính ở đây, cảm nghiệm của các bà, của ông Phêrô cũng giống như cảm nghiệm của con người, mọi lứa tuổi mọi nơi. Chúng ta, như ông Phêrô, như các bà, không thể nào khám phá được sự sống bằng cách buồn rầu, mất hết hi vọng được. Chúng ta đừng để bị giam hãm trong bản thân, mà hãy phá cửa mộ của mình để Chúa có thể đi vào và cho chúng ta sự sống. Chúng ta hãy trao cho Chúa những viên đá ác ý và quá khứ của mình, những gánh nặng của sự yếu đuối và sa ngã của mình.

Đức Kitô muốn đến và nắm lấy tay chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi sự thống khổ. Phiến đá đầu tiên được đẩy đi trong đêm Phục sinh này, chính là đẩy đi sự thiếu vắng hi vọng đang giam hãm chúng ta. Nguyện xin Chúa giải phóng chúng ta khỏi cạm bẫy này, để đừng trở thành những Kitô hữu không hi vọng, những người sống như thể Chúa không sống lại, như thế vấn đề của mình là trung tâm đời mình vậy. Chúng ta đã, đang và sẽ thấy các vấn đề trong cuộc đời, do mình hay do người khác. Luôn luôn có như thế.

Nhưng đêm nay, điều quan trọng là phải rọi ánh sáng Thiên Chúa Phục Sinh trên các vấn đề của chúng ta, và có thể nói là ‘phúc âm hóa’ các vấn đề của chúng ta. Đừng để bóng tối và sợ hãi làm chệch hướng và điều khiển chúng ta, nhưng chúng ta phải kêu lên rằng: ‘Chúa không còn ở đây nữa, Ngài đã sống lại.’ Chúa Giêu là niềm vui lớn nhất cho chúng ta, Ngài luôn ở bên chúng ta, và không bao giờ để chúng ta thất vọng.

Đây là căn cứ cho hi vọng của chúng ta, không phải kiểu chủ nghĩa lạc quan, hay một thái độ ý muốn cứng cỏi về mặt tâm lý. Hi vọng Kitô giáo là một ơn mà Chúa ban cho nếu như chúng ta ra khỏi bản thân mình và mở lòng ra với Chúa. Hi vọng này không làm chúng ta thất vọng, bởi Thần Khí đổ đầy trong lòng chúng ta. Đấng Bào chữa không làm cho mọi thứ có vẻ dễ nhìn. Ngài không loại trừ sự dữ kiểu như cây đũa thần. Nhưng Ngài đổ đầy chúng ta sinh khí sự sống, không phải là không có các vấn đề, nhưng là cho chúng ta chắc chắn rằng mình được yêu thương và luôn được Chúa tha thứ, bởi Chúa Kitô đã đánh bại tội lỗi, sự chết và sợ hãi vì chúng ta.

Hơn nữa, Phục Sinh là thời gian tưng bừng hi vọng, tưng bừng cho sự thật rằng: không gì và không một ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu Chúa.

Easter VigilChúa đang sống và muốn chúng ta tìm Ngài nơi người sống. Sau khi đã tìm thấy Ngài, mỗi người chúng ta được Ngài sai đi công bố tin vui Phục Sinh, đánh thức làm bật dậy hi vọng trong những tâm hồn bị buồn sầu đè năng, trong những con người vật lộn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Đây là điều thiết yếu của ngày hôm nay.

Tuy nhiên, chúng ta không tuyên xưng chính mình. Nhưng là các tôi tớ của hi vọng, chúng ta tuyên xưng Đấng Phục Sinh, bằng chính cuộc đời và tình yêu thương của chúng ta. Nếu không làm được như thế, chúng ta chỉ là một tổ chức quốc tế với nhiều thành viên và các lề luật tốt đẹp, nhưng không thể đem lại hi vọng mà thế giới đang mong mỏi.

Phụng vụ đêm nay cho chúng ta thấy những đường hướng. Dạy chúng ta ghi nhớ công việc tay Chúa làm. Chúng ta đừng quên những lời nói và việc làm của Chúa, nếu không chúng ta sẽ mất hi vọng. Hãy ghi nhớ Chúa, ghi nhớ sự nhân lành và những lời đem lại sự sống của Chúa. Hãy ghi nhớ và biến thành của mình, để trở nên lính gác hừng đông, giúp người khác thấy ra các dấu chỉ của Thiên Chúa Phục Sinh.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô Phục Sinh. Hãy mở lòng ra với hi vọng, và tiến tới. Nguyện xin anh chị em ghi nhớ những lời những việc Chúa làm như ngôi sao sáng soi đường chỉ lối trên đường đức tin hướng đến một lễ Phục Sinh miên miên trường cữu.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch