Ali Harb: “Hồi giáo không thể nào có thể cải cách”

385

cath.ch, Raphael Zbinden, 2016-03-13

Đối với triết gia văn sĩ người Liban Ali Harb, thì có một tiềm năng khủng bố gắn liền với hồi giáo. Nhà trí thức giải thích  trên nhật báo Liban Orient-le Jour, rằng tôn giáo này không còn thể nào cải cách được. “Lối thoát duy nhất là phải hoàn thiện công việc tự phê, giải hóa hồi giáo để rút tính từ ‘hồi giáo’ ra khỏi các đảng phái chính trị, các Quốc gia và các xã hội của chúng ta”, triết gia Ali Harb lên tiếng.

Triết gia Liban từ chối không đi lui về các văn bản gốc của hồi giáo để xới lên tinh túy của đạo này. Theo ông, chỉ đọc qua kinh Coran là thấy kinh này nói ngược nhau. Như vậy phải chấp nhận một phương pháp khác: là giáo điều của sự cứu rỗi, có nghĩa là một hệ thống suy nghĩ, theo cách của kitô giáo và do thái giáo, nhưng cũng theo cách các “tôn giáo” của thế kỷ 20 như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, cho rằng mình chiếm giữ chân lý tuyệt đối. Một tiếp cận như thế cho thấy một tiềm năng khủng bố rõ rệt gắn liền với hồi giáo, một tư tưởng mà triết gia Ali Harb phát triển trong tác phẩm gần đây của mình, “Chủ nghĩa khủng bố và các nhà sáng tạo của nó: người rao giảng, kẻ bạo chúa và nhà trí thức”.

Triết gia cho rằng, chủ nghĩa khủng bố “đầu tiên hết là một thái độ của đầu óc, thái độ của người nghĩ rằng mình là người duy nhất có được chân lý tuyệt đối, uy quyền độc nhất được phép nói nhân danh chân lý”. Triết gia nhấn mạnh, số phận của mọi suy nghĩ hoang tưởng, mọi giáo điều thần thánh là biến đổi nó thành một chế độ toàn trị hay một tổ chức khủng bố. “Như thế các chế độ thế tục như chủ nghĩa stalin, nazi và các chủ nghĩa khác, chế độ chính trị thần quyền như chế độ Khomeiny hay phong trào Anh em hồi giáo đều giống nhau”, triết gia nhận định.

Không có người hồi giáo ôn hòa

Mặt khác triết gia Ali Harb nghĩ, “không có tín hữu hồi giáo nào trung thành với giáo điều và giữ đạo mình một cách ôn hòa hay bao dung, trừ ra người đó đạo đức giả, phớt lờ đi giáo điều của mình hoặc xấu hổ vì nó.”. Theo văn sĩ Liban, “cho đến khi nào tôn giáo xây dựng trên sự loại trừ người khác, trên thuyết nhị phân giữa người tin và kẻ nghịch đạo, giữa người giữ đạo và kẻ bỏ đạo, thì không thể nào hiểu một cách khác đi được. Trong hồi giáo, bạo lực lại còn gia tăng do một suy nghĩ nhị phân khác nữa, đó là giữa sự tinh tuyền và nhơ nhuốc. Đây là điều điếm nhục nhất trong tư tưởng về tôn giáo của đạo hồi: người không-hồi giáo là người nhơ nhuốc, không trong sạch; đó là một trong những hình thức đê tiện nhất của biểu tượng bạo lực”.

US-RELIGION-ISLAM-RAMADAN-EID“Lối thoát duy nhất là loại bỏ thiết kế tôn giáo”

Ngoài ra, triết gia Ali Harb còn khẳng định hồi giáo không thể nào có thể cải cách. Ông giải thích, từ một thế kỷ nay, các nỗ lực cải cách liên tiếp nhau dù ở Pakistan, Ai Cập hay các nơi khác đều thất bại và chỉ nảy sinh ra các mô hình khủng bố. Vì thế, đối với nhà trí thức Liban, “lối thoát duy nhất là loại bỏ thiết kế tôn giáo mà các thể chế và các nhà cầm quyền hồi giáo đã thực hiện với các tư tưởng khô héo như xác ướp và các phương pháp cằn cỗi không sinh hoa kết trái của họ”. Hồi giáo lại chống khái niệm “bao dung”, nhưng “chỉ khi hiểu đầy đủ về người khác mới làm cho mình bẻ gãy được thói tự mê để đối thoại, lắng nghe, rút lợi ích từ người khác, tạo nơi chốn để cùng sống chung một cách xây dựng và sinh lợi”. Triết gia Ali Harb cho rằng các “xã hội Ả Rập phải đi qua tất cả các bất hạnh, các tai ương, các cuộc thảm sát và các cuộc nội chiến này để xây dựng một nền văn minh phát triển và hiện đại”. Vì thế đối với triết gia, sẽ không có một sự giải hòa nào khả dĩ có được giữa hồi giáo và thế giới hiện đại hay Phương Tây. “Lối thoát duy nhất, nếu có một lối thoát, để đi ra khỏi ngõ cụt này là phải hoàn thiện công việc tự phê, giải hóa hồi giáo để rút tính từ ‘hồi giáo’ ra khỏi các đảng phái chính trị, các Quốc gia và các xã hội của chúng ta. Chỉ khi đó thì chúng ta mới có thể mở ra với người khác, đối xử với thế giới chung quanh chúng ta một cách xây dựng và sáng tạo, theo truyền thống của chúng ta, từ đó mới góp phần vào sự tiến bộ của một nền văn minh”,  triết gia trả lời cho nhật báo Orient-le Jour.

Lỗi của các nhà trí thức ưu tú

Cuối cùng, ông cho rằng các nhà trí thức ưu tú Ả Rập đã góp phần cho việc leo thang chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, một phần qua thái độ không tưởng, dẫn đến sự thất bại trong các dự án hiện đại hóa và cải cách, một phần do họ ủng hộ các chế độ chuyên chế, trong cả hai hình thức thế tục và thần quyền, dưới chiêu đề đấu tranh chống quyền bá chủ của các thế lực cực mạnh ngoại quốc.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch