Thăm tù nhân, tình bạn lạ lùng giữa người cựu cướp có vũ khí và người thăm tù
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Perray-en-Yvelines, 2016-02-19
Hai người đàn ông vừa ăn xong bữa ăn trong một tiệm ăn tàu ở thành phố Yvelines, nước Pháp. Họ ở tuổi ngoài sáu mươi và trông như những người bạn thâm giao. Một người hoạt bát hay nói giễu, một người thinh lặng lắng nghe. Hai người này biết nhau nhiều, kể cũng đã tám năm nay Gérard Serin và Henry Favier du Noyer thường xuyên gặp nhau.
Từ phòng thăm nuôi đến tiệm ăn tàu
Những cuộc hẹn đầu tiên là ở Normandie, không phải trong tiệm ăn mà ở phòng tiếp thân nhân ở nhà tù. Cả hai chưa bao giờ gặp nhau. Gần như không ai biết ai, Henry 61 tuổi thuộc hàng quý tộc Pháp, là nhà nuôi ngựa ở Sarthe. Còn Gérard 65 tuổi, gương mặt dạn dày, có nụ cười dễ dàng và có hồ sơ tiền án dài cả cánh tay. “Fresnes, la Santé, Fleury, Rambouillet, Haguenau, Strasbourg, Saint-Maur, Sequedin, Val-de-Reuil…” Qua giọng nói khàn khàn vì thuốc lá, ông kể một dọc các nhà tù, các trung tâm giam giữ mà ông đã từng ở, ông kể một cách tự nhiên thật khó tin. Nhiều án tù, 28 năm tù tất cả.
Cuộc đời của “tên cướp có vũ khí theo kiểu xưa”
Con út của một gia đình có bảy người con, mẹ nghiện rượu, cha hung bạo, ông rời quê hương Berry lúc 18 tuổi sau một thời gian ở trong nhà giam trẻ vị thành niên phạm pháp. Lúc đó là năm 1968, Gérard sôi nổi đến Paris và mau chóng là một trong các thành viên nòng cốt của nhóm cánh tả cực kỳ hung bạo. Từ nhỏ đã quen phạm pháp, ông bị giam tù lần đầu tiên. Ra khỏi tù, ông tái phạm, hung dữ, buôn rượu lậu. Trong những năm 1970, ông bị xử tử hình vắng mặt… Ở tù một thời gian, rồi vượt ngục, rồi đi cướp tiệm nữ trang. “Mạng lưới của tôi có từ 200 đến 300 người: bạn bè, du đảng, gái điếm.” Lần bị tù cuối cùng là năm 2002, cướp có vũ khí hàng chục ngân hàng với một đồng lõa gặp ở Fresnes. Hồi đó báo chí ngạc nhiên mô tả “những tên cướp có vũ khí kiểu xưa như trong các phim đen trắng của những năm 1960”. Trong câu chuyện của ông, người ta nghe những tên nổi tiếng trong băng đảng như Mesrine, cùng với Mesrine, họ có một luật sư chung là luật sư Michel Ardouin.
“Đừng tìm cách hiểu, tôi thích làm như vậy”
Đối diện là Henry, ông thinh lặng ngồi nghe với sự kiên nhẫn của một người đã biết hết câu chuyện người kia kể. Vào buổi chiều hôm nay, nhà nông sản 61 tuổi rời nơi nuôi ngựa của mình để đi gặp anh bạn cựu tù nhân này.
Các giai thoại huyền hoặc của Gérard ông đã biết trong các thư từ, nơi phòng thăm nuôi tù nhân… Cứ một chúa nhật mỗi tháng cho đến ngày ông Gérard ra tù năm 2011. Đến ngày lễ Giáng Sinh, Henry huy động người nhà, hai cô con gái và ba đứa cháu làm một giỏ thức ăn cho anh bạn tù nhân. Gérard nhớ lại, “tôi muốn biết vì sao ông đến. Tôi không hiểu có cái gì trong đầu ông”. Ông Henry cười nói: “Tôi trả lời cho Gérard: anh đừng tìm cách hiểu, tôi thích làm như vậy”. Năm 2011, chính ông Henry đến đón Gérard ngày ông Gérard ra khỏi tù.
Tìm thì giờ để đi thăm tù
Hôm nay, người rụt rè đi thăm nói về chuyện này một cách đơn sơ đến lạ lùng, xem như việc đi đi về về nông trại và nhà tù là một việc rất bình thường. “Điều không bình thường, đó là đã không làm trong ba mươi năm. Nghề của tôi không cho tôi có nhiều thì giờ. Nhưng tận trong đáy lòng tôi, tôi thấy có một cái gì đó thiếu.”
Giữa những năm 2000, vì vấn đề sức khỏe nên ông Henry buộc phải giảm làm việc, lúc đó ông mới có thì giờ vào nhà tù. “Tôi luôn quan tâm đến thế giới nhà tù. Có thể vì tôi cần sự độc lập, tự do nên tôi không chịu được sự sỉ nhục”, ông nói, hai tay khoanh trước ngực, đôi mắt nhạy bén.
“Cảm thấy mình được xoa dịu”
Ông Henry là người gần với hội Huynh đệ người Trộm lành, một cơ quan công giáo đi thăm những người bị tù và thân nhân liên hệ.
Những chuyến thăm này đã thay đổi gì sau nhiều năm đi thăm? Ông trả lời: “Tôi sống gần như ích kỷ. Tôi cảm thấy mình được xoa dịu, tôi bằng lòng, tôi hạnh phúc. Cuối cùng tôi nhận ra cái gì đã ăn sâu trong tôi từ nhiều năm nay.” Từ đó ông trở thành người đi thăm tù được ban quản đốc nhà tù chứng nhận. Mỗi tuần ông đến nhà tù Coulaines, gần Mans một buổi chiều, ông gặp từ ba đến bốn tù nhân ở đây.
Một cuộc trở lại chớp nhoáng
“Bạn Gérard” và “bạn Henry”, đó là tên họ gọi nhau ngoài đời cũng như trong thư từ, họ thường nói chuyện với nhau về nhà tù, rất hiếm khi họ nói về ngựa hoặc gia đình. Nhưng gần như không bao giờ họ nói về Chúa. Ông Henry nói: “Khi tôi thăm Gérard, tôi không bao giờ nói về Chúa. Tôi không đi vào tâm hồn người khác. Ngược lại, tôi thích nói qua sự việc: nhìn cách tôi sống và cách tôi hành động, từ đó bạn rút ra kết luận.”
Dù vậy từ hai năm nay, hai người bạn biết là họ cùng chia sẻ đức tin với nhau. Vài tháng sau khi ra khỏi tù, cựu tù nhân rời nhà của chị mình để đến Auffargis nơi hội Huynh đệ người Trộm lành đón tiếp các cựu tù nhân. Ông ở đây vài tháng trước khi hội nhập vào xã hội. Gérard Serin đã trải nghiệm một sự trở lại chớp nhoáng. “Tôi, tôi chẳng tin gì hết. Nhưng cái ngày tôi vào đây, tôi được tiếp đón như chưa bao giờ tôi được tiếp đón như vậy. Ở đó, tôi gặp một ánh sáng và từ đó tôi không rời ánh sáng này.” Chỉ trong vài tháng xét mình, một cuộc xét mình mà ông không bao giờ nghĩ mình có thể làm. Ông ý thức được “sự dữ” mình đã làm cho người khác trong những năm ông là “tên cướp”, về sự hận thù đối với tất cả những người chung quanh mình. Ông tóm tắt, “hồi đó tôi không thương ai hết.”
“Tôi phải sống tốt”
Ông gạt ra các cú gọi của những người “bạn vẫn còn ở trong rọ”. Trong số các yếu tố làm ông thay đổi, đầu tiên hết hiển nhiên là ở những người thăm tù, ông Gérard nói nhiều đến những “cái nhìn” mà những người này nhìn ông, họ không nhìn ông như người cướp có vũ khí nhưng nhìn ông như một con người trọn vẹn. “Từ đó, chính Chúa Giêsu huấn luyện tôi, giống như tôi dính với ngài bằng một đường dây”, ông nói. Còn về người bạn của mình, ông Henry tế nhị nói: “Tôi nghĩ nơi Gérard là một người tôi đã biết rõ. Người ở trong tôi và đã làm công việc của họ.” Ở nhà của ông, Gérard đặt một tấm bảng ở cửa ra vào có câu: “Chúa là tình yêu giống như tất cả chúng ta đều phải là tình yêu.” Từ nay, Gérard thường xuyên đi thăm một người bạn bị bệnh về đường hô hấp nặng. Mùa hè năm ngoái, ông đi theo một bà láng giềng lớn tuổi đi nghỉ hè. Ông Gérard nói: “Bây giờ tôi phải sống tốt. Hoặc bây giờ hoặc không bao giờ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch