“Tôi đi theo con đường của Chúa”

263

“Tôi đi theo con đường của Chúa”

aleteia.org, Marie-Ève Bourgois, 2016-02-04

cha Albert Palawan

Linh mục Albert, người gốc Malgache, cha tham dự Đại hội Thánh Thể, cha là cha xứ một họ đạo nhỏ ở đảo Palawan, Phi Luật Tân.

Sinh năm 1976 ở Ranohira, miền Nam Madagascar, linh mục Albert là con trưởng của một gia đình có tám người con của một cha mẹ nhà giáo. “Nhờ ơn Chúa, mọi người còn sống, kể cả cha mẹ tôi.” 

Trở thành linh mục để có xe hơi đẹp và được ăn ngon

Sau khi học xong trung học, cha vào tiểu chủng viện của địa phận Ihosy. “Tôi muốn được như người phục vụ nhà thờ: có xe hơi đẹp và được ăn ngon. Động lực của tôi hoàn toàn hướng về vật chất.” Ở chủng viện, cha gặp các người trẻ ở khắp nơi của địa phận, họ khuyến khích cha tiếp tục học. Suy nghĩ của cha cuối cùng dẫn cha đến câu trả lời cho ơn gọi: Dòng Ngôi Lời (SVD). Năm 1999, cha là thỉnh sinh và ý thức làm linh mục không dính gì với vật chất mà là phục vụ. “Khi trở thành tu sĩ, tôi suy nghĩ về khái niệm này. Tôi muốn khấn đức khiết tịnh, vâng lời và khó nghèo để được trưởng thành trong đời sống thiêng liêng.”

Trong thời gian tập viện, cha được gởi qua nước Cộng hòa Congo, cha sống trong dòng, không tiếp xúc với ai, không đi ra ngoài trong vòng một năm. “Tôi làm việc, tôi cầu nguyện và tôi tìm hiểu Dòng Ngôi Lời mà đường hướng thiêng liêng dựa trên Thiên Chúa Ba Ngôi, lời bằng da bằng thịt.” Sau sáu năm ở trong dòng, cha chính thức thành sư huynh. “Điều làm cho tôi trung thành là tôi đã bắt đầu, tôi không muốn bắt đầu lại từ đầu bằng zero. Đó là động lực đơn giản nhưng cũng sâu xa, vì tôi thấy đây là con đường của Chúa.”

“Ở Á châu, giáo dân cho mình tiền túi vì họ biết cuộc sống của mình tùy thuộc vào họ”

Năm 2009, cha được thụ phong linh mục và phải rời Madagascar để đi Tân Guinê. Trong vòng hai năm, cha chờ chiếu khán nhưng không bao giờ có. “Tôi không có tư cách chính thức để được ở lại Madagascar, tôi phụ việc cho các cha xứ ở trong rừng, tôi đau khổ nhiều.” Khi cha không còn kiên nhẫn, cha xin được bổ nhiệm nơi khác. Và đó là Phi Luật Tân. Tháng sáu năm 2011, vừa đến Phi Luật Tân cha đi học tiếng Anh ba tháng, tiếng Tagalog bốn tháng, một thổ ngữ địa phương. Ở đảo Palawan: vào cuối năm 2014, cha được phong làm cha phó, sau đó là cha xứ của một ngôi làng nhỏ có 4600 người dân (2500 người công giáo và 1500 người phái Cơ Đốc Phục Lâm). “Bây giờ tôi rất hạnh phúc khi làm cha xứ ở đây. Người dân vui vẻ, họ kính trọng người nước ngoài và nâng đỡ các linh mục rất nhiều. Ở Phi Châu, nếu bạn là linh mục, người dân nghĩ mình giàu, mình phải trả tiền khi đi ăn với họ. Nhưng ở Á Châu, giáo dân cho mình tiền túi vì họ biết mình sống tùy thuộc vào họ.”

Nhưng ngược lại có một điều đau lòng, là việc dạy giáo lý bị thiếu. Vấn đề linh mục thường thấy là “các giáo dân sống chung với nhau không đám cưới mà vẫn lên rước lễ”. Dạy dỗ họ là thách đố chính ở đây. Vì thế “công việc mục vụ không bao giờ chấm dứt!” Chính Chúa Giêsu cũng không chấm dứt và ngài giao lại cho các Thánh Tông đồ. Sự nghèo khó của người dân Phi Luật Tân, nhất là nơi các người trẻ, các em không đến trường được vì không có tiền, vấn đề này đã đánh động linh mục rất nhiều. “Điều này làm tôi đau lòng, vì vai trò của tôi không phải chỉ tuyền thiêng liêng. Tôi phải nâng đỡ họ trong đời sống xã hội, tâm lý, vật chất: đây là cả một trách nhiệm lớn!” Đối với những người trẻ kém may mắn trong làng của mình, linh mục cố gắng tìm học bổng qua hai hiệp hội. Đã có bốn người có được học bổng này để theo học ở Manila.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch