Không cam chịu

509

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 16-02-2016

Tại Morelia – Mễ Tây Cơ

Đối mặt với bạo lực, tham nhũng, buôn thuốc phiện, và coi thường phẩm giá con người, thì các linh mục và nam nữ tu sỹ dễ bị cám dỗ xem chúng là một hệ thống vĩnh cửu và chịu thua một trong những vũ khí yêu thích của ma quỷ là sự cam chịu, một sự cam chịu không chỉ khiến chúng ta kinh khiếp mà còn đẩy chúng ta chỉ ở trong ‘phòng thánh’ và các an toàn sai lầm, một sự cam chịu ngăn cản khát khao mạo hiểm và thay đổi của chúng ta.

Các linh mục Morelia

Trong ngày áp chót trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ, Đức Phanxicô đến thăm Morelia, thủ phủ của bang Michoacán. Ngài cử hành thánh lễ với các linh mục, nam nữ tu sỹ và chủng sinh, đến từ khắp đất nước, tại sân vận động Venustiano Carranza. Ở vùng này, bạo lực và rối loạn nổ ra trên diện rộng, do sự hiện diện của các băng đảng buôn thuốc phiện có vũ trang lớn. Bang Michoacán, với 274km đường bờ biển, là hải cảng quan trọng để tuồn thuốc phiện qua lại Hoa Kỳ. Tổng Giám mục Morelia, Alberto Suarez Inda, người được Đức Phanxicô phong hồng y năm 2015, thừa nhận rằng một phần vấn đề là bởi ‘sự yếu kém tai tiếng của chính quyền trước việc đối mặt với cuộc khủng hoảng này.’ Và còn bởi sự không nhất quán trong đời sống của nhiều người đi tu trong Giáo hội, cũng như sự đồng lõa, nhân nhượng, bị động và làm ngơ của các lãnh đạo chính quyền Mễ Tây Cơ trước những bất công và tội ác.

Mở đầu thánh lễ, Đức Phanxicô mời mọi người hiện diện cầu nguyện cho Giám mục Danh dự Carlo Quintero Arce của Hermosillo, ở bang Sorona, vừa qua đời ở tuổi 96. Ngài là giám mục cao niên nhất Mễ Tây Cơ.

Mục trượng và chén thánh dùng trong thánh lễ, là những di vật của Giám mục đầu tiên ở Michoancán, đức cha Vasco Vásquez de Quiroga, hay còn được giáo dân gọi thân thương là ‘Tata Vasco.’

Thánh lễ Morelia

Trong bài giảng, Đức Giáo hoàng nói rằng,

“Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống của Ngài, sự sống thần thiêng, và khốn thay nếu chúng ta không chia sẻ sự sống này, khốn thay nếu chúng ta không làm chứng những gì chúng ta đã thấy và đã nghe, khốn thay cho chúng ta. Chúng ta không phải và không muốn làm giám đốc điều hành của Chúa, chúng ta không phải và không muốn làm nhân viên của Chúa, bởi chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống với Ngài, chúng ta được mời gọi đi vào trái tim Ngài, một tâm hồn cầu nguyện và sống động, mà thốt lên ‘Cha ơi!’ Nếu như không kêu lên ‘Cha ơi!’ thì mục đích sống của chúng ta là gì.

Khi thánh Phaolô dạy cho môn đệ yêu quý Timôthêcủa mình, thúc giục ông sống đức tin, ngài đã bảo ông rằng: hãy nhớ đức tin của mẹ anh của bà anh. Khi một tập sinh vào chủng viện, họ thường hỏi cha rằng: ‘Cha ơi, làm sao con có thể đào sâu cảm nghiệm cầu nguyện của con?’ và cha trả lời, ‘Nhìn này, cứ cầu nguyện như đã được dạy ở nhà, và rồi từ từ nhưng chắc chắn, việc cầu nguyện của con sẽ tiến tới, và đời sống của con cũng vậy.’ Cầu nguyện là một tiến trình học tập, cũng như đời sống vậy.

Chúng ta cầu nguyện với CHA của mình, cầu nguyện liên lỉ: ‘Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.’ Dạng cám dỗ này có thể dẫn chúng ta đến những tình cảnh thường bị thống trị bởi bạo lực, tham nhũng, buôn thuốc phiện, coi thường phẩm giá con người, và lãnh đạm trước những đau khổ và yếu đuối dễ tổn thương của người khác, một hiện thực dường như trở thành hệ thống vĩnh cửu. Và có một từ để mô tả tình trang này, đó là cam chịu.

Đối mặt với thực tế này, ma quỷ có thể thắng chúng ta với một vũ khí yêu thích của nó, là sự cam chịu. Một sự cam chịu làm tê liệt chúng ta, ngăn cản chúng ta bước đi, ngăn cản chúng ta hành trình, một sự cam chịu không chỉ khiến chúng ta kinh khiếp mà còn đẩy chúng ta vào trong ‘phòng thánh’ của mình vào trong những an toàn sai lầm, một sự cam chịu không chỉ ngăn cản chúng ta tuyên xưng, mà còn ngăn cấm chúng ta tôn vinh Chúa. Một sự cam chịu không chỉ bịt mắt chúng ta nhìn về tương lai, nhưng còn ngăn cản khao khát của chúng ta muốn mạo hiểm và thay đổi.

Để giải độc cam chịu, chúng ta có ký ức. Tốt đẹp biết bao nếu nhớ lại chúng ta được tạo thành thế nào. Mọi sự không bắt đầu nơi chúng ta, cũng không kết thúc nơi chúng ta, và do đó thật tốt đẹp khi nhìn lại những cảm nghiệm đã qua, những gì đã đưa chúng ta đến ngày nay. Cha nhớ lại đức cha Vasco Vázquez de Quiroga, giám mục đầu tiên của Michoacán ở thế kỷ XVI, một mẫu gương. Và cha muốn nhắc lại với anh chị em về con người phúc âm hóa này, một ‘người Tây Ban Nha đã trở thành người da đỏ.’

Tình trạng của các thổ dân da đỏ Purhépecha, những người bị đem bán, bị sỉ nhục, và không nhà cửa, lượm những mẩu bánh mà ăn, những chuyện này không cám dỗ được ngài rơi vào cam chịu làm ngơ, nhưng đã thổi bừng đức tin trong ngài, tăng cường lòng cảm thương và thôi thúc ngài thực hiện những kế hoạch đem lại ‘hơi thở tươi mát’ giữa không khí bất công khiến mọi người tê liệt. Đau đớn và đau khổ của anh chị em trở thành lời cầu nguyện của ngài, và cầu nguyện dẫn dắt ngài hành động. Ngài được các thổ dân gọi là ‘Tata Vasco’ trong tiếng Purhépecha, tata là cha, ba, người cha yêu dấu. Ngài là một hình mẫu mà những người đi tu chúng ta hướng đến để không cam chịu trước những vấn nạn thời nay.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch