Kyrill, vị thượng phụ không được yêu mến của Giáo hội Chính thống Nga

854

Kyrill, vị thượng phụ không được yêu mến của Giáo hội Chính thống Nga

Lefigaro.fr, Pierre Avril, 2016-02-11

Thượng phụ Kyrill ở Tikhvine, Leningrad vào tháng 7-2015 trong một buổi lễ ở Nhà thờ Chính tòa có tượng Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa.
Thượng phụ Kyrill ở Tikhvine, Leningrad vào tháng 7-2015 trong một buổi lễ ở Nhà thờ Chính tòa có tượng Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa.

Lối sống phô trương, liên hệ quá chặt chẽ với chế độ của Putin… Thượng phụ Kyrill gây ngờ vực nơi nhiều tín hữu Nga. Việc cai trị cứng rắn của ngài không dàn xếp được gì lớn.

Thượng phụ Kyrill? Antonina, một nữ giáo dân ở Ramenskọe, vùng ngoại ô Matxcơva có quan điểm dứt khoát về vị lãnh đạo Giáo hội Nga này. “Tất cả những gì Thượng phụ làm không dính gì với đức tin và đời sống của tín hữu, tất cả là với Nhà nước và với chính trị”, nữ luật gia 38 tuổi nện mạnh từng tiếng, bà cho biết mình dửng dưng với cuộc gặp của Thượng phụ Kyrill với Đức Giáo hoàng ở Cuba. Lời phát biểu dứt khoát nhưng nói lên đúng sự ngờ vực nơi nhiều người Nga đối với Thượng phụ Kyrill, đặc biệt nơi những người theo phái tự do. Với những người khinh khi, Kyrill là vị thượng phụ thích đồng hồ sang trọng, thích đi du thuyến tráng lệ, thích đi xe limousin với đèn pha dẫn đường, nghiêng mình trước các người hướng dẫn chương trình truyền hình, và hết lòng ca ngợi Vladimir Putin. Các chuyến đi của thượng phụ ở các tiểu bang, như chuyến đi vừa qua ở Smolensk, thường có những buổi họp được triệu tập trước ở các trường học, các thầy cô giáo buộc phải đi lễ. Thỉnh thoảng, người ta nhắc lại biệt danh của thượng phụ là “Mikhạlov,” một biệt danh có từ thời không xa, khi thượng phụ canh gác các tu sĩ ly khai. Có tin đồn thượng phụ còn đỡ đầu cho các băng nhóm làm thuốc lá giả, các cáo buộc mà Giáo hội không bao giờ bàn đến. Tên thật của Thượng phụ Kyrill là Vladimir Goundiạev, ngài có lối sống phô trương, ngược với lối sống của Đức Phanxicô, người sống trong căn hộ kín đáo ở Vatican, và luôn nhắc Giáo hội phải sống nghèo.

Đó là một giáo hội ít thuận tiện cho vị lãnh đạo Giáo hội Nga từ khi ngài nhậm chức năm 2009. Khác với vị tiền nhiệm Alexis II, người hưởng được bầu khí thiêng liêng tạo ra do sự sụp đổ Nhà nước Xô viết, Thượng phụ Kyrill bị rơi vào vai trò của người quản trị, không gặt hái gì thành quả của tự do tôn giáo vừa mới tìm lại được. Đối với các giáo dân bình thường, triều của ngài xa cách với đức tin bình thường.

Cú sốc của sự thôn tính Crimê

Minh chứng cho sự chia đôi này, trong đời sống hàng ngày bây giờ của người Nga, họ thường xuyên giúp Giáo hội nhiều hơn là trong những năm 1990, dù họ vẫn chỉ trích tôn giáo này gây thiệt hại cho xã hội (theo thống kê là 23% năm 2015 so với 5% của mười lăm năm trước). Trong các cuộc thăm dò ý kiến, Thượng phụ Kyrill vẫn là nhân vật được mến chuộng ngang với Chủ tịch Đảng cộng sản Guennadi Ziouganov, hay Serguẹ Ivanov, chủ tịch Ủy ban quản trị điện Cẩm Linh. Một hệ thống bàn giấy bình thường cho tính hợp pháp chức vụ của mình. “Một bộ trưởng đức tin lồng vào hệ thống Nhà nước”, xã luận viên Stanislav Minine của nhật báo tôn giáo Nezavissimaya Gazeta so sánh.

Đàng sau quan điểm lạnh nhạt này là mối quan hệ chặt chẽ giữa Giáo hội và Nhà nước Nga, kể cả hình thức hiện đại khi Đại hoàng đế Pierre hoàn toàn chế ngự từ đầu đến đuôi, thậm chí chính ông còn chỉ định các thành viên cho Thượng hội đồng. Kyrill thừa hưởng truyền thống này. “Quyền lực trong Giáo hội là một đồng minh và một công cụ bổ túc cho sự hợp pháp của mình, nếu không muốn nói là cho tổ chức của mình. Khuynh hướng này đã có từ thời Thượng phụ Alexis, và nó được củng cố thêm dưới thời Thượng phụ Kyrill”, sử gia về tôn giáo  Nikola Chabourov khẳng định. Thượng phụ Kyrill mê trượt tuyết, ngài thích cùng với Vladimir Putin trượt ở các đồi ở Sotchi, ngài có đường dây điện thoại trực tiếp với Putin. Năm 2015, thông qua điện Cẩm Linh, thượng phụ đã loại được ông giám đốc nhà hát Novossibirsk, tác giả một buổi trình diễn gây tranh cãi vở opera Tannhauser và ngài đã thay thế người khác ở địa vị này theo lựa chọn của mình.

Sự hiệp nhất giữa trần tục và thiêng liêng này được thấy rõ khi tháng 3-2012, ba cô gái punk của nhóm Pussy Riots cất lên lời cầu nguyện bài-Putin trong Nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô Cứu Chuộc. Giáo hội điếng người, ông Sergue Chapnine, người thân cận Giáo hội lúc đó giải thích: “Cả Tòa Thượng Phụ cũng như xã hội, chưa sẵn sàng để nghe lời bài-Putin theo kiểu cầu xin Đức Mẹ này, một cách rất khiêu khích và tự phát. Sự kiện xảy ra dưới hình thức lời cầu nguyện đã làm cho cả Giáo hội lẫn Nhà nước bị sốc. Và cuối cùng Nhà nước quyết định bảo vệ cái mà bình thường thuộc lãnh vực thiêng liêng: một vụ kiện không có sự tham dự của các thành viên Giáo hội, ngoài người gác dan và một bà lo việc dọn dẹp”, ông Chapnine nhắc lại, thời đó ông là chủ bút Nhật báo  của Tòa Thượng Phụ. Án phạt là hai năm lao động ở trại tập trung đã để lại một hương vị cay đắng. “Hình phạt không thích đáng, chỉ cần cảnh cáo họ”, linh mục Alexandre Borissov của giáo xứ Cosme và Damien ở Matxcơva cho biết.

Sự thôn tính Crimê đi theo cuộc chiến tranh Nam-Đông ở Ukraina là cú sốc thứ nhì, vụ này cho thấy điểm suy yếu sâu xa trong lòng các giáo hội slavơ. Nếu đảo Crimê vẫn còn dính với nước Nga, thì các giáo hội của họ luôn hợp nhất với Tòa Thượng Phụ Kiev, ly giáo với Matxcơva và không đúng quy tắc. Thượng phụ Kyrill ở trong tình trạng lúng túng, thậm chí tỏ ra trịch thượng trong buổi lễ sát nhập ngày 18 tháng 3-2014 do Điện Cẩm Linh tổ chức. Về phía Ukraina và một phần hàng giáo sĩ Matxcơva, Thượng phụ Kyrill bị chỉ trích trong vụ xung đột Donbass, cho rằng ngài bị kéo vào cuộc “nội chiến Nga”. Cuộc tranh cãi này bây giờ đã dịu xuống.

Khi gặp Đức Phanxicô, người không đổ thêm dầu vào lửa, Thượng phụ Kyrill được xem như sứ giả của Putin trong cố gắng giải hòa với Phương Tây. Đức Phanxicô đã tiếp ông Putin hai lần, lần gần đây là ngày 10 tháng 6 ở Vatican. Ông Alexandre Volkov, phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Matxcơva cải chính ngay, “cuộc gặp gỡ này không có tính cách chính trị.” Ông Volkov dùnh dịp này để làm giảm bớt sự liên hệ chặt chẽ giữa Tòa Thượng Phụ với điện Cẩm Linh, ông nhắc lại, Giáo hội Chính thống yêu cầu Nhà Nước không hoàn trả chi phí các vụ phá thai, ngược với chỉ đạo của nhà cầm quyền. “Giáo hội hỗ trợ mọi hành động của đảng, của chế độ phù với đạo đức kitô giáo, và không biến thành một lực lượng để hỗ trợ hay chống đối Nhà Nước”, ông Vakhtang Kipchidze tóm tắt, ông là giám đốc phân bộ nghiên cứu của Thượng Hội Đồng. Ý tưởng cho rằng có sự sát nhập là một “huyền thoại”, Thượng phụ Kyrill bảo đảm.

Thắt chặt lại hàng ngũ

Sau khi bị xáo trộn trong lãnh vực quyền uy của mình, Thượng phụ Kyrill siết chặt lại hàng ngũ. Ngài vừa tách giáo phụ Vsevolod Tchapline, hồi đó giữ chức vụ đặc trách quan hệ giữa Giáo hội và xã hội, một chức vụ bây giờ đã bị hủy bỏ. Giáo phụ đã so sánh cuộc can thiệp vào Syria là một “cuộc can thiệp thánh”, ông có quan điểm rất bảo thủ và đứng về thành phần cực hữu của Âu Châu. Ông thấy trong sự gạt bỏ chức vụ của mình có bàn tay của ông Viatcheslav Volodine, phụ tá quản trị của điện Cẩm Linh. Giáo phụ lấy làm tiếc, “Tòa Thượng Phụ càng ngày càng ít phản biện và không để các tiếng nói thiêng liêng khác, ngoài tiếng nói của mình được lên tiếng.” Còn về phía các người tự do, chủ bút Nhật báo của Tòa Thượng Phụ, Sergue Chapnine nêu lên vấn đề cấm kỵ, đó là không được nói đến tình trạng tài chánh của giáo quyền. Hai ngân hàng lớn có liên hệ với giáo quyền, trong đó có ngân hàng Ergobank, quản lý các tài khoản của đan viện lớn Danilovski và địa phận Nijni Novgorod vừa bị phá sản. “Kyrill, đáng lý phải là một đơn vị hiệp nhất thì cũng bắt đầu dùng cùng chiêu với Nhà Nước, phân biệt bạn và thù. Về phần mình, Thượng phụ Kyrill nêu ra các phản trắc của những người mặc áo chùng”, giáo dân này chỉ trích.

Linh mục Klimov, bề trên Nhà thờ Chính tòa Thánh Nicolas ở  Kalatch-sur-le-Don, vùng Volgograd (phía Nam), cho rằng Giáo hội phải hướng theo giá trị đạo đức của Phúc Âm và phải giữ khoảng cách với các phong trào theo chủ nghĩa ái quốc của nhà cầm quyền. “Thay vì bằng lòng với các tuyên bố to lớn, trước hết phải nhìn lại chính mình, hiểu các bất toàn của mình, lo cho gia đình, không nghiện rượu, quan tâm đến văn hóa và ngôn ngữ của mình”, linh mục Kimov khuyên, linh mục 42 tuổi, người có trang mạng Vkontakte có nhiều người đọc, tương đương như trang Facebook Nga. Cha giải thích mình đã bị sốc khi đang giảng thì có một nữ giáo dân đứng lên biện minh cho việc giết người đối lập chính trị Boris Nemtsov cách đây một năm. Cha nghi việc tự do phát biểu sẽ gặp vấn đề, nhưng cha loại các chỉ trích nhắm đến Thượng phụ Kyrill. “Trong các bài giảng của thượng phụ, người thiện tâm sẽ tìm được hạt sự thật”, linh mục Klimov nghĩ, cha nhắc rằng người Nga ‘thích tìm tội nơi các linh mục để biện minh cho tội của mình”. Cha nhắc lại, năm 1918, thượng phụ Tikhon đã không dứt phép thông công các người bônchêvít. Sáu năm sau, năm 1924, thượng phụ Tikhon bắt đầu hợp tác với họ. Thượng phụ Kyrill, cũng như các vị tiền nhiệm của mình, cũng không thể nào cho mình là vị thánh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch