Đức Giám mục Gallagher: “Tòa Thánh không muốn nuôi chứng hoảng sợ hồi giáo”

207

Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, chủ nghĩa hồi giáo, vấn đề di dân: nhận chức được một năm, Ngoại trưởng Vatican giải thích các hoạt động trên lãnh vực địa chính trị của Đức Phanxicô.

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2016-01-22

Tổng giám mục Paul Richard Gallagher

Cách đây một năm, Đức Phanxicô giao cho Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher trách nhiệm “bang giao quốc tế với các quốc gia” có nghĩa là giao cho Tổng Giám mục chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vatican, người giao dịch trên địa hạt ngoại giao với 180 nước. Lần đầu tiên một người Anh giữ chức vụ này. Trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Pháp dành độc quyền cho báo Le Figaro, ngài đưa ra bản tổng kết đầu tiên của mình. Ngài nói tiếng Pháp lưu loát.

Le Figaro. – Cha kế vị nhiều bộ trưởng người Pháp trước cha, sau “kiểu Pháp, French touch”, ngoại giao Vatican bây giờ có “kiểu Anh, English touch” không?

Đức Giám mục Paul Richard Gallagher. – Khi tôi được mời để kế vị Hồng y Mamberti ở địa vị này, ngay lập tức tôi trả lời phải có một người Pháp chứ! Nước Pháp có truyền thống lớn về ngoại giao. Chính tôi cũng phục vụ cho hồng y Jean-Louis Tauran, ngài là một nhà ngoại giao lớn. Tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính thức của ngành ngoại giao Vatican và trong học viện của tôi, tôi khuyến khích đào tạo các sứ thần tương lai học tiếng Pháp. Nhưng phải nói bây giờ tiếng Anh rất quan trọng, đa số những người tôi tiếp ở trong chức vụ này đều nói tiếng Anh hoặc tiếng Ý. Còn trong văn hóa của tôi, tôi vẫn hay nói đùa, tôi muốn cự lại khuynh hướng hoài nghi kiểu Âu châu-Anh quốc! Nhưng, nghiêm túc mà nói, việc tôi là người gốc của một xứ là xứ có một vương quốc lớn, cho tôi biết tôi phải học để có một cái nhìn về thế giới dựa trên sự khiêm tốn. Tôi cũng là người công giáo Anh – thuộc thành phần thiểu số vì chúng tôi chỉ chiếm 10 % số dân – như thế tôi cũng không ở trong truyền thống của một Giáo hội cực mạnh. Sự kiện lịch sử này giúp tôi nhìn các cộng đoàn giáo sĩ dưới góc cạnh công minh.

Giáo hội có đi ra khỏi vai trò tôn giáo của mình để phản ứng trên mặt ngoại giao và từ đó là trên mặt chính trị không?

Sứ vụ hiệp nhất và truyền thông của Đức Giáo hoàng là nhắm đến toàn nhân loại. Ngành ngoại giao là dụng cụ cho sứ vụ này. Nó giúp cho chúng tôi đi vào được trong ván bài của các nước, các chính quyền, các thể chế. Nhưng Giáo hội không thống trị thế giới! Giáo hội không khuyến khích cho một lợi ích quốc gia nào. Tránh tất cả mọi can dự, chúng tôi chỉ theo đuổi một mục đích: mục đích của Phúc Âm, mục đích giảng dạy của Giáo hội, tầm nhìn nhân bản, đặt con người vào trọng tâm, phẩm cách bẩm sinh và không chuyển nhượng của nó.

Phong cách trực tiếp của Đức Phanxicô có thay đổi văn hóa lót êm của ngành ngoại giao Vatican không?

Ngành ngoại giao là một nghệ thuật với các luật lệ, các truyền thống của nó. Chúng tôi tôn trọng chúng. Nhưng Đức Phanxicô muốn có một nền ngoại giao sáng tạo, có các sáng kiến. Ngài không chấp nhận ngoại giao kiểu phản ứng lại nhưng ngài mong chờ một phong cách ngoại giao năng động. Một nền ngoại giao dám có sáng kiến, hoặc đáp ứng cho những nước nhờ chúng tôi giúp đỡ. Đức Phanxicô cho thấy ngài rất can đảm và có nhiều năng lực. Can đảm – chúng ta đã thấy ngài ở Trung Phi -, ngài đến một nơi mà nhiều người khác không thể đến, dám mạo hiểm cả về mặt thể xác lẫn chính trị.

Đức Giáo hoàng muốn nói gì khi ngài nói “thế chiến thứ ba từng mảnh”, có nghĩa là trên nhiều mặt trận?

Phải nói thật với ông, tôi nghe câu đó lần đầu khi tôi còn là sứ thần ở Úc, tôi phải thú nhận là tôi rất ngạc nhiên! Nhưng một cách nhanh chóng, tôi hiểu Đức Giáo hoàng khi ngài dùng cụm từ đó để nhắc lại Thế chiến Thứ hai khủng khiếp, ngài muốn khơi động dư luận để nhấn mạnh tình trạng nghiêm trọng của vấn đề: sự bành trướng các cuộc xung đột, các hiểm nguy. Ngài tìm cách chống sự dửng dưng khi đứng trước các thách thức và các cuộc xung đột. Ngài muốn cộng đoàn quốc tế, các chính trị gia, các người trong Giáo hội phản ứng. Ngài tìm cách thức tỉnh lương tâm để người dân dấn thân, để mọi người tránh thế chiến thứ ba từng mảnh. Và nếu ngài vẫn còn lập lại thì đó là vì hiểm nguy vẫn còn. Là người Âu Châu, chúng ta phải chứng tỏ mình có khả năng tìm ra giải pháp cho các vấn đề này. Nếu chúng ta buông tay, chúng ta sẽ thua. Vậy chúng ta phải đối diện. Ngài cũng nhấn mạnh đàng sau các chuỗi vấn đề, đàng sau các con số thống kê, đàng sau câu chuyện thời sự thì chúng ta phải nhìn gương mặt của những người đàn ông, người đàn bà, của trẻ con đang đau khổ một cách cụ thể.

Giáo hội Công giáo có hợp thức việc vũ trang chống Nhà nước Hồi giáo Tự xưng không?

Quan điểm của Tòa Thánh, được Đức Phanxicô nhắc lại nhiều lần, là việc giải trừ vũ khí của kẻ đi tấn công là chuyện hợp pháp. Phải đấu tranh và phải chiến đấu với các phương tiện thích ứng. Như thế phải lượng định cuộc xung đột này, các người chống đối để quyết định các biện pháp. Các biện pháp không phải cần thiết cho bất cứ đâu, ở bất cứ hoàn cảnh nào. Mặt khác, các nước phải có bổn phận bảo vệ công dân của mình, đó là chuyện dĩ nhiên. Như thế, nếu phải chiến đấu về mặt quân sự với Nhà nước Hồi giáo Tự xưng thì phải làm. Nhưng cũng phải giữ các nguyên tắc nhân bản của chúng ta, ước muốn hòa giải, ước muốn hòa bình của chúng ta. Cuối cùng, một giải pháp hoàn toàn quân sự là không đủ; phải tìm một giải pháp chính trị, phải xét đến các khát vọng hợp pháp của tất cả những người trong cuộc. Vì thế, trong bối cảnh khủng khiếp này – và thật là khó – thì không được mất một hy vọng nào dù rất nhỏ cho tương lai. Hy vọng trong suy nghĩ rằng, kẻ thù ngày hôm nay, một ngày nào đó sẽ là anh em chúng ta lại.

Đức Giáo hoàng và chính giám mục cũng ít nói đến chữ “hồi giáo”. Tại sao lại có sự cẩn trọng này?

Tòa Thánh không muốn, dưới bất cứ tiền đề nào, nuôi dưỡng chứng hoảng sợ hồi giáo. Bởi vì chúng tôi tin vào việc đối thoại với hồi giáo, chúng tôi vẫn đặc biệt dấn thân làm việc với Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn. Đôi khi đối thoại này khó khăn, nhưng chúng tôi xin các bạn hồi giáo cũng có các tiến bộ nhất là trong việc chú giải kinh Coran, để có thể đi đến việc trao đổi về khuôn mặt thật của hồi giáo.

Đức Giáo hoàng khuyến khích việc đón nhận người di dân, nhưng Âu Châu có ở tầm mức đón nhận tất cả mọi khốn cùng của thế giới không?

Khi nào cũng có những giới hạn và các nước có quyền điều hòa chỉ số nhập cư. Nhưng phải tìm giải pháp chung và cũng phải nhận thấy việc nhập cư cũng có các khía cạnh tích cực của nó. Ở Âu Châu, một vài nước có tỷ số sinh suất rất thấp. Như thế cũng cần đến việc nhập cư cho tương lai. Ngày 11 tháng 1-2016, trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn, Đức Phanxicô cũng đã nhắc lại trong Thánh Kinh, việc di dân là một hiện tượng bình thường trong lịch sử và trong đời sống nhân loại… Tôi hiểu một vài nước ở Âu Châu gặp khó khăn khi đón nhận người tị nạn. Nhưng chúng ta phải xem lại vấn đề và nghiêm chỉnh định lượng lại các khả năng của mình, vì chúng ta đứng trước cơn khủng hoảng của nhân loại! Đóng cửa biên giới, xây tường vách không phải là giải pháp. Chúng ta hãy nhìn ví dụ của nước Giócđania và Liban, họ đón nhận rất nhiều người tị nạn Syria. Nhưng nói rằng chúng ta có một lòng quảng đại vô biên, thì cũng không giấu được việc đón nhận cực kỳ khó khăn này! Tôi hiểu vấn đề này. Không có gì là tự động. Giáo hội không cho các bài học “phải làm này, phải làm kia”. Không, hoàn toàn không! Giáo hội luôn đặt vấn đề là phải đấu tranh chống sự dửng dưng để biết chúng ta có thể làm gì khi đứng trước vấn đề nghiêm trọng này, bởi vì chúng ta không thể nào bất động.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch