Các vụ khủng bố đưa người Pháp đến nhà thờ

452

la-croix.com, Céline Hoyeau, Xavier Renard, Tours, 2016-01-20

9-MAN-PRAYING-IN-CHURCH

Sợ khủng bố, tìm một ý nghĩa hay cần nơi mặc niệm, các linh mục Pháp để ý thấy có sự gia tăng số người đến nhà thờ trong thời gian gần đây. Rõ ràng là bắt đầu sau các vụ khủng bố tháng 11 vừa qua. Các nhà thờ đông hơn. Một mình thinh lặng mặc niệm, những người vô danh đến tìm nguồn cội hay tìm một nơi trú ẩn. Nhè nhẹ len lén, họ đứng đàng sau cột nhà thờ, họ thắp nến, họ kín đáo mặc niệm rồi lướt nhẹ đi nhanh. Đôi khi cha xứ cũng muốn tìm hiểu những khuôn mặt lạ này, cha liều đến hỏi họ. “Tôi chào họ, họ không dám trả lời tôi, chúng tôi nói chuyện qua loa, nhưng họ sợ”, linh mục  Claude Caill, cha xứ ở giáo xứ Brest cho biết.

Những khuôn mặt mới

Linh mục ở giáo xứ Brest và các bạn linh mục ở các nơi khác cũng cho biết, từ khi có các cuộc khủng bố làm chấn động nước Pháp từ vụ tấn công tòa báo Hebdo Charlie tháng 1-2015 đến một loạt tấn công khủng bố ở Pháp tháng 11 vừa qua, thì có một số đông người đến hoặc trở lại nhà thờ. “Hai chúa nhật sau vụ tấn công ở nhà hát Bataclan và vào dịp lễ Giáng sinh vừa qua, nhà thờ chúng tôi chật ních. Từ đó, không phải lúc nào cũng cùng đám đông này nhưng tôi tiếp tục thấy có những khuôn mặt lạ”, linh mục Bernard Brien, giáo xứ Perreux (Val-de-Marne) ghi nhận, cha cũng nghe các bạn ở địa phận Créteil nói như vậy.

Sự hỗ trợ của cộng đoàn

Không phải là đám đông nhưng các cá nhân với các động lực khác nhau đã đến với nhà thờ. “Tôi không có ý muốn nói, các vụ tấn công đã làm cho nhiều người sẽ thường xuyên đến nhà thờ, nhưng rõ ràng là có một sự chất vấn lại về nền tảng, những người cảm nhận sâu xa sự mong manh của đời sống, những người tự vấn khi đứng trước các hành động khủng bố nhân danh Chúa”, linh mục Jean-Hubert Thieffry, cha xứ họ đạo Sophia-Antipolis (Alpes-Maritimes) phân tích.

Trong cuộc đi tìm thường là không lời này, khó để đưa ra một con số, một vài người tìm sự hỗ trợ của cộng đoàn. “Chúng tôi thấy cần phải nói chuyện với người khác. Phúc Âm trấn an chúng tôi và giúp chúng tôi thoát ra một chút khỏi cảnh kinh hoàng mà truyền hình báo chí đem tới,” hai vợ chồng ông bà Fradin cho biết, họ đã về hưu và bây giờ siêng năng đi lễ chúa nhật.

Đa số khá trẻ, khoảng từ 30 đến 50 tuổi, có học nhưng gần như không biết gì về đức tin kitô giáo. Ông Thierry, 42 tuổi, độc thân, đứng đầu một công ty ở Cannes, ông được nuôi dạy trong một gia đình công giáo, nhưng đã không còn giữ đạo từ tuổi vị thành niên, ông rất mê bộ môn điền kinh, ông cảm thấy có một “cú sốc nội tâm”: “Tôi suy nghĩ về các cuộc tấn công, về cuộc chiến tranh mà tôi cảm thấy nó sắp đến gần, về những người di dân liều mạng để đến đây… Đây không phải là một vấn đề bức thiết sao?! Thiếu một ý nghĩa cho cuộc sống.” Ông Thierry đến nhà thờ. Ở đây ông thấy một áp phích đề nghị tiến trình Alpha để tái tìm lại đức tin, ông đã theo chương trình này từ tháng 9 đến tháng 12. Từ đó, mỗi tuần ông đi lễ, có sự trùng hợp là ông gặp cô em gái của mình, cô cũng có những chất vấn tương tự. “Mới đầu, ông Thierry thú nhận, câu hỏi của tôi là: đâu là bàn tay sắt của Giáo hội? Tôi tìm trong tôn giáo một dấn thân về mặt thể lý để tổ chức chống lại những kẻ tấn công sắp tới, trước đây có vẻ như họ ở xa nhưng bây giờ họ ở giữa chúng tôi.”

Khủng hoảng của các giá trị

Sợ các vụ khủng bố, các chất vấn về Chúa, về hồi giáo, mất điểm tựa, mất các chuẩn mực… Như đối với ông Thierry, cuộc đi tìm vụng về này đôi khi mới đầu mang nặng những chuyện ngược dòng. Đối với một số người, khi họ ở trong bầu khí khủng hoảng các giá trị, thì rõ ràng các lý do thình lình muốn trở về với nhà thờ này là “vấn đề căn tính”, linh mục Geoffroy de la Tousche, cha xứ họ đạo Dieppe phân tích: “Chẳng hạn, đối với một gia đình, việc quay trở về là phản ứng bài-hồi giáo”.

Một số người cho biết họ muốn tìm lại nguồn cội, thậm chí là để “bảo vệ các giá trị do thái-kitô của chúng ta”. Ông Ghislain 49 tuổi, nuôi vịt ở Dordogne, là cha của bốn đứa con, từ vài tháng nay, ông trở về với nhà thờ, ông cho biết, “đây là một hành động tự nguyện hơn đối với tôn giáo” để đối diện với cảm nhận mình bị “tấn công”. Một cuộc xét mình do các vụ khủng bố? “Có thể, nhưng nhất là tôi phẫn nộ vì các câu trả lời dở của các chính trị gia của chúng ta, họ muốn phá hủy nền văn hóa do thái-kitô, thay nền văn hóa này bằng nền văn hóa thế tục, một nền văn hóa không cho con cái chúng tôi một chuẩn mực nào và sẽ đưa chúng tôi đến chân tường! Tôi không chống lại sự tôn trọng các tôn giáo khác, nhưng tại sao lại vứt bỏ những gì là nền tảng cho văn hóa, cho gia đình chúng ta?”

“Làm trật tự lại sự trở về vô trật tự này”

Linh mục Geoffroy de la Tousche, cha xứ của giáo xứ Dieppe cho biết: “Rất nhiều vụ trở về nhà thờ là vì sợ, thậm chí còn vì kỳ thị… Chúng ta phải quan tâm đến họ nhưng cũng phải đưa vào trật tự sự trở về mất trật tự này, đưa họ về với Phúc Âm Chúa Kitô, một cách đưa họ đi cho đúng đường. Một vài người còn nói: ‘Cho chúng tôi biết cái gì được quyền làm, cái gì không được quyền làm trong Mùa Chay.’ Điều quan trọng là phải đề nghị họ tự học, lấy thì giờ để suy nghĩ trong một xã hội lúc nào cũng thúc dục chúng ta phải phản ứng ngay…”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch