Một dòng chảy khốn khổ không là gì trước đại dương lòng thương xót

520

Vatican Insider | Iacopo Scaramuzzi | 01-01-2016

‘Chiến tranh, bạo lực, nô dịch, hàng đoàn người đàn ông đàn bà trẻ em chạy trốn chiến tranh, nạn đói và bách hại, sẵn sàng mạo hiểm mạng sống mình đơn giản là bởi muốn có được các quyền căn bản. Dòng chảy khốn khổ đang chảy xiết trên thế giới, dường như đi ngược lại ‘thời viên mãn’ được ghi dấu bởi Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô, nhưng dòng chảy lớn này bất lực trước đại dương lòng thương xót ngập tràn thế giới.’

Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ Tân niên, lễ trọng kính Mẹ Thiên Chúa, và ngày Hòa bình Thế giới. Khi Munich đang trong tình trạng báo động khủng bố, các lời cầu nguyện hòa bình bằng tiếng Đức được đọc lên ở Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.

Lễ Mẹ Thiên Chúa

Đức Giáo hoàng bắt đầu bài giảng bằng những lời của thánh Tông đồ Phaolô. ‘Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa gởi Con Ngài, sinh bởi người nữ.’ Chúa Giêsu sinh ra trong ‘thời viên mãn’ nghĩa là gì? Nếu xem xét thời khắc đặc biệt này trong lịch sử, chúng ta sẽ nhanh chóng bị lừa. Thời đó, Roma đã thống trị phần lớn thế giới thời đó bằng sức mạnh quân sự. Hoàng đế Augustus đã nắm quyền sau 5 cuộc nội chiến. Israel đã bị Đế chế Roma chinh phạt, và Dân được chọn đã mất tự do của mình. Với những người đương thời Chúa Giêsu, đây chắc chắn không phải là thời tốt đẹp nhất. Để xác định thời viên mãn, chúng ta không nên nhìn qua lăng kính địa chính trị. Cần có một diễn giải khác, nhìn sự viên mãn từ lăng kính của Thiên Chúa.

Lịch sử không xác định sự hạ sinh của Chúa Kitô, nhưng chính việc Ngài đến thế giới mới cho lịch sử đạt được sự viên mãn của mình. Vì lẽ này, việc Con Thiên Chúa giáng sinh đã mở ra một kỷ nguyên mới, một các tính thời gian mới, một kỷ nguyên chứng kiến sự viên mãn của lời hứa xưa, và nhờ sự hiện diện của Ngài trong thế giới mà thời đại chúng ta có thể tìm được sự viên mãn.

Dù thế, mầu nhiệm này không ngừng va chạm với cảm nghiệm kịch tích của lịch sử nhân loại. Mỗi ngày, chúng ta tìm cách để có được nâng đỡ nhờ những dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta gặp các dấu chỉ mới thật mâu thuẫn, các dấu chỉ tiêu cực khiến chúng ta nghĩ rằng ngài vắng mặt. Thời viên mãn dường như mờ đi trước vô số dạng bất công và bạo lực ngày ngày làm tổn thương gia đình nhân loại.

Đôi khi, chúng ta tự hỏi làm sao mà sự bất công cứ tồn tại mãi, sự ngông cuồng của các cường quyền cứ tiếp tục đè nén người yếu đuối, xua đuổi họ ra những vùng ven khốn khổ của thế giới. Chúng ta tự hỏi, sự dữ của nhân loại còn kép dài bao lâu nữa, còn gieo bạo lực và thù hận trong thế giới, giày xéo những nạn nhân vô tội bao lâu nữa.  Làm sao mà thời viên mãn đến khi chúng ta chứng kiến hàng đoàn người đàn ông đàn bà trẻ em chạy trốn chiến tranh, nạn đói và bách hại, sẵn sàng mạo hiểm mạng sống mình đơn giản là bởi muốn có được các quyền căn bản?  Một dòng chảy khốn khổ, mở rộng thêm bởi tội lỗi, dường như đi ngược lại thời viên mãn mà Chúa Kitô đem lại.

Ân sủng của Chúa Kitô, đưa hi vọng cứu độ của chúng ta đến viên mãn. Ngày hôm nay, Đức Mẹ mà chúng ta mừng kính trong lễ trọng này, cho chúng ta có thể nắm bắt được ý nghĩa các sự kiện đang tác động đến cá nhân chúng ta, đến gia đình, đất nước chúng ta, và cả thế giới. Nơi nào mà lý luận triết học và thương lượng chính trị không vươn đến được, thì nơi đó sức mạnh của đức tin mang theo ơn Tin mừng Chúa Kitô, có thể đến, mở ra các con đường lý luận và thương lượng mới.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch