Làm việc trong bóng tối, rọi sáng thế giới

556

AFP | Angelos Tzortzinis

Greece-migrants-Tzortzinis-337_mKos. Tháng 8, 2015. (AFP/Angelos Tzortzinis)

Athens, 30-12-2015 | Mọi người đang nói đến tấm ảnh mà tôi chụp trên đảo Kos hồi tháng 8. Khi chụp tấm ảnh, tôi biết ngay đây sẽ là một tấm ảnh đẹp.

Tôi đang đi trên bờ biển với ý nghĩ về bức ảnh tôi muốn, với nền không quá rõ, để nổi bật lên hình ảnh của các trẻ em đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất châu Âu. Gương mặt và cái nhìn của em hướng về tôi, nói lên hi vọng và can đảm, mỗi lần nhìn vào tôi và hẳn cả bạn đều sẽ thấy một cảm giác khác nhau. Khi tôi thấy đôi mắt đó, lòng tôi được đầy can đảm, bởi tôi không nghĩ là mình có thể làm việc mà những người này đang làm, là rời quê hương và mạo hiểm tính mạng mình. Khi nhìn vào cô bé nhỏ vừa mới vượt biển này, tôi tự hỏi mình tại sao ngày nào chúng ta cũng phàn nàn về những điều thật vụn vặt ngốc nghếch.

Mong tìm được bé

Tôi mong tìm được bé. Tiếc thay, tôi lại chẳng có được chi tiết liên lạc của cha mẹ bé. Nhưng tôi hi vọng khi bức hình này được công bố rộng rãi, thì sẽ có khả năng tìm được bé. Tôi đoán cô bé đang ở Đức. Tôi háo hức được biết bé, biết bé đang lớn lên thế nào rồi, biết bé có ổn hay không.

Người nhập cư đến Kos. Tháng 5, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

Với tôi, một tấm ảnh không chỉ là một phương thức truyền tải thông tin, bởi ai ai cũng có thể tìm được các cách khác để tiếp thu thông tin. Một tấm ảnh còn là cách giao tiếp với mọi người.

Tôi không thích chụp các tấm ảnh gây sốc. Tôi không thích việc những tấm ảnh gây sốc thay đổi thế giới. Tất nhiên, tôi chụp ảnh một phần là bởi đây là công việc của mình, nhưng tôi nghĩ là những chuyện khủng khiếp đã trở nên gần như chuyện thường trong đời chúng ta mất rồi. Tôi không tìm cách để thay đổi thế giới, nhưng tìm cách để gợi lên cảm xúc.

Các y sỹ đang cố gắng cứu sống một cậu bé bị chìm xuồng ở Lesbos. Tháng 10, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

Chụp theo ý thích

Tôi thích chụp ảnh các chủ đề hơn là tin tức. Làm những bản tin ảnh là đào sâu hơn vào chủ đề. Tôi trở thành nhiếp ảnh gia một cách tình cờ.

Tôi lớn lên trong một gia đình bình thường, ở Egaleo ngoại ô Athens. Cha tôi mất khi tôi còn trẻ, để lại tôi, một người anh và một cô em gái.

Sau trung học, tôi không biết giờ nên làm việc gì. Tôi làm việc này việc kia qua ngày. Một ngày nọ, tôi nói về nhiếp ảnh với một người bạn đang học trong Học viện Leica ở Athens. Tôi đến gặp anh ở trường và quyết định đăng ký theo học. Lúc đó tôi 19 tuổi. Tôi đăng ký theo ý muốn nhất thời, trước đó tôi chưa từng cầm máy ảnh, cũng chẳng biết lắp pin thế nào nữa kia. Nhưng tôi cảm nghiệm sự đam mê rất nhanh.

Thời trung học, tôi là học sinh trung bình, còn ở trường Leica, tôi được toàn điểm tốt, chỉ có A và B thôi. Bỗng nhiên, tôi ham mê đọc sách, nghiên cứu, thích thú nhiều điều.

Tôi đổi tính hẳn, và tôi nghĩ là trong nhiếp ảnh, tôi đã tìm thấy một con đường dễ dàng hơn để giao tiếp với mọi người, nên tôi quyết định lấy đây làm nghề của mình.

Một người gục xuống khi cảnh sát cố gắng giải tán di dân ở đảo Kos. Tháng 9, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

Khi tốt nghiệp, tôi giành được giải thưởng nhiếp ảnh gia trẻ của năm ở Hi Lạp, và trường đã tổ chức một buổi triễn lãm các tấm ảnh của tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình đã làm được một việc thật tốt. Các tấm ảnh lần đó là về một người cao tuổi đang mang bệnh nặng. Tôi chọn chụp hình ông là bởi tôi được đánh động khi biết ông muốn sống đời mình như thế không có gì là đau khổ.

Tôi đã không có việc làm suốt một năm sau khi tốt nghiệp, và may mắn thay, tôi được làm việc tự do cho AFP và các tạp chí Hi Lạp. Qua năm tháng, tôi còn làm việc cho các tòa soạn khác, có cả New York Times nữa.

Các áp phích chiến dịch của Alexis Tzipras, lãnh đạo đảng cực hữu Syriza ở Athens. Tháng 9, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

Tôi đã làm việc tự do trong 10 năm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có một việc cố định. Nhưng như thế lại cho tôi được tự do. Nó buộc tôi phải mạo hiểm, cả về tài chính lẫn công việc. Dù cho tôi phải nói rằng, tôi luôn luôn ấn tượng bởi sự ‘xa xỉ’ của các nhiếp ảnh gia thuộc các tòa soạn lớn, họ được thay thế thiết bị mới ngay khi nó có vấn đề.

Đôi khi tôi đi chụp hình một mình, chứ không phải theo yêu cầu tòa soạn. Đó là những gì tôi đã làm hồi tháng 5. Khi xem trên tivi thấy các thi thể di dân trên bờ biển, tôi quyết định đi đến đảo Kos. Lúc đó, các kênh truyền hình chỉ dành vài phút để nói về chủ đề này, nên chúng tôi không nhận ra được vấn đề lớn đến thế nào.

Người nhập cư đến Kos. Tháng 5, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

Tháng 10, tôi theo chân các di dân từ Hi Lạp đến Hungari. Lần đó, tôi không bán được tấm ảnh nào cả, bởi hầu hết truyền thông đều đang đưa tin về chủ đề này. Nhưng tôi không hối tiếc, tôi làm vì bản thân mình thì đúng hơn, tôi chụp ảnh và có cảm nghiệm về cuộc hành trình của những con người này.

Tôi cũng tự đi đến Georgia vào năm 2009, đi chụp ảnh vụ động đất Haiti năm 2010, Mùa xuân Ả Rập ở Cairo năm 2011, và chiến tranh ở Libya năm 2011. Còn làm cho AFP, tôi cũng đã được phân công đến Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013, và Ukraine năm 2014.

Những người ủng hộ của nhóm cực hữu Bình Minh Hoàng Kim trong một cuộc tuần hành ở Athens. Tháng 9, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

‘Anh có chắc không?’

Tờ Time đã đăng hai bài của tôi. Một về khủng hoảng tài chính, một về di dân. Khoảng một tháng trước khi công bố giải thưởng của năm nay, họ có gọi điện và muốn biết chi tiết về sự nghiệp của tôi. Tôi nghĩ họ muốn một bài báo ảnh mới, và vì họ không gọi lại nên tôi nghĩ là họ đã quên mất rồi. Tôi không nhận ra rằng cuộc gọi này có liên quan đến giải thưởng, và tôi là một trong 5 người tranh giải sau cùng.

Và đến cuối tháng 11, Olivier Laurent, biên tập viên LightBox của Time, gọi để báo rằng tôi đã giành giải ‘Nhiếp ảnh gia của Năm’ 2015.

Lúc đầu, tôi không thể tin nổi. Khi ông gọi, tôi đang ở biên giới Hi Lạp – Macedonia, chụp ảnh người di dân. Đường truyền rất yếu. Ông bảo tôi, ‘Chúc mừng, anh là nhiếp ảnh gia của năm.’ Tôi nói, ‘Anh chắc chứ?’ ‘Anh có chắc không?’ Chỉ là tôi không tin nổi. Rồi vài phút sau, một email xác nhận chiến thắng được gởi đến, và cuối cùng tôi cũng tin chuyện này là thật.

Tôi không thể không kể ngay với vài người bạn đang ở đó. Họ ôm và chúc mừng tôi.

Cảnh sát cố gắng giải tán di dân ở đảo Kos. Tháng 8, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

Tôi không nghĩ rằng giành giải nghĩa là bạn là nhiếp ảnh gia giỏi. May mắn góp phần trong việc có được một tấm ảnh đẹp. Tôi nghĩ một nhiếp ảnh gia không chỉ là người chụp các tấm ảnh đẹp, mà còn là người có nhân cách tử tế, bởi điều đó phản ánh trong tấm ảnh.

Di dân tắm rửa gần một khách sạn bỏ hoang ở đảo Kos. Tháng 5, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

Trong tuần qua, tôi được mời phỏng vấn rất nhiều, đặc biệt là từ các đài truyền hình, nhưng tôi đã từ chối hết. Tôi muốn cho mọi người biết mình là ai, bằng các tấm ảnh, chứ không phải bằng việc xuất hiện trên tivi.

Tôi thích ở trong bóng tối như cách tôi đang làm việc bây giờ hơn. Giải thưởng là một khích lệ lớn, thổi bùng hi vọng và sinh lực để tôi tiếp tục công việc của mình.

Một xuồng di dân đến đảo Kos. Tháng 8, 2015 (AFP/Angelos Tzortzinis)

Đây cũng là một động lực lớn cho các nhiếp ảnh gia tự do, những người đã làm việc cật lực mỗi ngày. Như họ, nhiều khi tôi nản chí, tự hỏi tại sao mình lại mạo hiểm quá nhiều tiền bạc và thời gian.

Việc một nhiếp ảnh gia tự do ở Hi Lạp giành được giải thưởng danh tiếng như thế, sẽ cho những người khác hi vọng và khích lệ để tiếp tục công việc.

Angelos Tzortzinis là nhiếp ảnh gia tự do ở Athens.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch