Ở Ấn Độ và khắp châu Á, Kitô hữu là mục tiêu bị tấn công, vì đức tin của mình

1521

Crux  | John L. Allen Jr. | 20-12-2015

Người biểu tình ở Ấn Độ, cầm nến và áp phích, trong buổi kinh đêm phản đối trong thinh lặng trước vụ việc một nữ tu bị cưỡng hiếp ở Siliguri, ngày 17-3-2015. (Diptendu Dutta/AFP/Getty Images)

MUMBAI/BHUBANESWAR, ẤN ĐỘ – Đến tận hôm nay, cô Kanaka Rekha Nayak, mỗi khi kể lại những gì đã xảy đến cho chồng mình, Parikhit, đều khóc đau đớn.

Một cơn cuồng bạo đã càn quyét quận Kandhamal miền đông Ấn, hồi tháng 8, 2008, sau khi một lãnh đạo Ấn giáo trong vùng bị giết, và người ta đổ tội cho cộng đồng thiểu số Kitô giáo, gia đình của Nayak là một trong số 4 gia đình bị kết án.

Họ đã chạy trốn đến khu rừng gần làng mình ở Tiangia Budedipade, và trốn được 2 ngày, nhưng rồi bị một trong những kẻ Ấn giáo cực đoan bắt được. Biết được gia đình Nayak là Kitô hữu phái Baptist, những kẻ tấn công lấy xích xe đạp cột cổ anh Parikhit và lôi anh đi hơn một dặm về lại làng.

Ở quảng trường trung tâm, họ buộc anh phải bỏ đức tin Kitô giáo và theo Ấn giáo. Con người tự nhận mình là một thầy giảng của phái Baptist này, đã không chịu làm theo, dù cho có bị đánh, bị chặt, bị moi ruột, bị thiêu sống. Anh Parikhit bị cắt bộ phận sinh dục, bị moi ruột, một số kẻ tấn công còn quấn ruột của anh quanh cổ như một chiến tích man rợ.

Cô Kanaka kể lại, ‘Họ phanh thây anh ngay trước mắt tôi, đổ dầu lên người anh và đốt.’

Rồi đám người quay qua cô chuẩn bị cưỡng hiếp, nhưng cô đã thoát ra được và lại chạy vào rừng. Sáng hôm sau, cô tìm đường đến được một trại tên là Raika, một trong số những nơi ẩn náu được lập nên trong vùng, trong suốt những tháng bạo lực nối tiếp, khiến cho ít nhất 100 người chết, 300 nhà thờ và 6000 ngôi nhà bị phá hủy, 50.000 người mất chỗ ở.

Nạn bạo lực mang tính hệ thống chống lại các Kitô hữu ở Ấn Độ, vẫn còn đến tận hôm nay, dù cho chúng không tàn bạo man rợ như ở Kandhamal. Một trang web ở Ấn Độ nói về bách hại bài Kitô giáo, có tên là ‘Lên tiếng chống Thù hận,’ [Speak Out Against Hate] cho biết trong năm 2015, trung bình có một vụ bạo lực mỗi tuần.

Thập giá cháy thành thanCác Kitô hữu cũng là mục tiêu bị tấn công ở các nước châu Á khác, nơi con số Kitô hữu đang ngày một tăng, khiến cho những người thuộc các đức tin khác, hay nhà nước chính trị, đang cảm thấy bị đe dọa. Không đâu tình trạng đau khổ như Bắc Hàn, nơi 10.000 Kitô hữu đang tàn tạ trong các trại tập trung, nhưng từ Trung Quốc đến Việt Nam, Myanmar và Pakistan, các Kitô hữu cũng phải đối diện với hoàng loạt mối đe dọa kinh người.

Và dù như thế, Ấn Độ vẫn là vùng nguy hiểm đặc biệt. Sự thật này sẽ khiến cho những người phương Tây bất ngời, bởi lâu nay họ vẫn thấy hình ảnh của đất nước rộng lớn và phức tạp này qua mẫu gương của Mohandas K. Gandhi, lãnh dạo dân tộc vĩ đại của Ấn Độ trong thế kỷ XX, đại diện cho tư tưởng phi bạo lực của Ấn giáo.

Còn với cộng đồng thiểu số Kitô giáo ở Ấn Độ ngày nay, thì nghĩ như người phương Tây thật là bóp méo tàn tệ. Họ phải đối diện với các các mối đe dọa bách hại và thậm chí là tàn sát mỗi ngày, và thế giới thì hiếm khi biết đến.

Kitô giáo ở đây bị xem là dành riêng cho Dalit – giai cấp tiện dân dưới đáy của chế độ giai cấp vẫn còn đang rất mạnh ở Ấn Độ, và Tribal, con cháu của những bộ lạc thuần huyết. Họ là những nạn nhân dễ dàng phơi ra cho khinh miệt và bạo lực, thậm chí còn bị xem là đáng bị như vậy. Nhà Nayak là những tiện Dalit.

Với những người Ấn Độ khác, họ sợ và khinh miệt Kitô giáo như là một tôn giáo chiêu mộ, và do đó là một mối đe dọa khiến người ta bỏ Ấn giáo (Hindu) tôn giáo thống trị lâu đời của quốc gia này. Với một số người, đặc biệt là các binh lính Ấn giáo cánh hữu – những người dấy bạo động và giết người ở Kandhamal, và những người thuộc giai cấp cao đang cai quản đất nước, thì đáp trả mối đe dọa này bằng bạo lực là một chuyện hoàn toàn thích đáng.

Mức độ bách hại là rất lớn. Dù cho Kitô hữu chỉ là nhóm thiểu số nhỏ ở Ấn Độ, chưa đến 3%, nhưng họ lại thuộc một quốc gia vô cùng đông dân, nên con số này ước tính lên đến 24 triệu người.

Với những người Ấn tự hào về di sản đa nguyên của mình, thì những đau khổ trên các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác, đặc biệt là người Hồi giáo, thật là một nỗi hổ thẹn.

Ram Puniyani, một người Ấn giáo thuộc giai cấp cao, và là nhà hoạt động vì hòa bình có trụ sở ở Mumbai, cho biết, ‘Khi tôi còn đi học, sự đa dạng được tán dương. Nhưng rồi, chúng tôi lại chuyển qua ngày càng hiếm dung thứ cho sự đa dạng, và bây giờ là chìm sâu trong thái độ thù địch hoàn toàn.’

Đã rất lâu, chúng tôi đổ tội cho phương Tây là bất dung và định kiến, do bởi lịch sử thực dân. Còn bây giờ, dường như chúng tôi cũng chẳng hơn gì họ.

– Ram Puniyani, một nhà hoạt động hòa bình và là người Ấn giáo thuộc giai cấp cao

 

Nỗi sợ hãi lan đến cả lực lượng cảnh sát

Chiliasadu Nikham và vợ anh Getabail là minh chứng cho lời của anh Puniyani. Họ là những người trở lại Kitô giáo phái Phúc âm khi đã trưởng thành, ở làng Sarle, quận Nashik, cách Mumbai một giờ chạy xe. Anh làm việc công nhật, với thu nhập cho gia đình 5 người khoảng 35 mỹ kim một tháng.

Anh Nikham kể, mới đây, em gái của anh muốn trở thành Kitô hữu, nhưng làng xóm không chấp nhận, và buộc cô phải cử hành nghi thức ‘tái trở lại’ Ấn giáo. Rồi sau đó, có 3 người địa phương nổi điên, tấn công anh, rồi để mặc anh chảy máu và bị thương. Khi Nikham đến báo cảnh sát, thì họ lại giam anh 6 ngày và buộc anh tội phá rối an ninh.

Những cuộc tấn công như thế, thường đi kèm với sự hờ hững hay đồng lõa trắng trợn từ phía cảnh sát và công tố viên, đã là chuyện thành lệ.

Hồi tháng 3, 2015, một nữ tu hơn 70 tuổi bị cưỡng hiếp trong một cuộc tấn công vào tu viện và trường học ở Tây Bengal, đã khiến cho hồng y Baselios Cleemis, chủ tịch Hội đồng giám mục, phải lên tiếng với chính phủ Ấn giáo của Ấn Độ, ngài khiển trách quốc gia phải hành động, ‘không phải chỉ bảo vệ những con bò, mà phải là con người.’

Trong số các nạn nhân mới đây, có Govind Kuram Korram, một cậu bé 11 tuổi bị giam giữ và để mặc đến chết đói ở Chhattisgarh, một bang miền trung Ấn Độ, hồi tháng 12, 2013, bởi vì người chú Ấn giáo của cậu không chấp nhận việc gia đình mình trở lại Kitô giáo.

Mùa hè vừa qua, phóng viên của Crux đã đến một vùng tên là Manor, cách Mumbai 60 dặm, gặp các Kitô hữu Tin Lành, nhóm thiểu số dễ thấy nhất trong cộng đồng lúa nước này.

Trong một ngôi làng nọ, một mục sư trẻ, Sainath Rawte dẫn dắt giáo hội ‘Chúa Giêsu cho mọi quốc gia.’ Đàn chiên nhỏ của mục sư hội họp trong một căn nhà thô sơ với mái tranh và nền đất trơn, với khoảng 35 người vào ngày chúa nhật.

Một năm trước, tháng 6 năm 2014, các thành viên trong giáo hội đang quy tụ để cầu nguyện và ăn chay, thì một nhóm 50 người Ấn giáo xuất hiện và bắt đầu la hét ‘Chúng ta sẽ giết các người, và cho Chúa Giêsu làm các người sống lại từ cõi chết!’ hay ‘Chúng ta không muốn thần của Kitô giáo ở đây!’

Những người Ấn giáo lao vào phòng, bắt mục sư Rawte, vả và đánh ông. Họ cũng lao vào các phụ nữ, dọa sẽ lột trần và lôi đi trên các đường làng. Các Kitô hữu về sau đã gởi đơn khiếu kiện lên cảnh sát, nhưng chẳng có ai bị bắt.

Đau lòng hơn nữa, những kẻ tấn công là hàng xóm láng giềng với các nạn nhân, có người còn là bà con nữa.  Mục sư Rawte cho biết, ‘Tất cả mọi người trong giáo hội này đều từng bị gây sự, có 2 người bị đánh tàn tệ. Tôi chắc chắn là tôi sẽ bị đánh lần nữa … sống ở đây, bạn phải biết trước là sẽ như thế.’

Các Kitô hữu nói rằng họ sợ cảnh sát cũng như sợ những người Ấn giáo cực đoan, đặc biệt là ở những vùng thôn quê, nơi 2 nhóm này thường bắt tay trắng trợn.

Họ kể câu chuyện này: Ngày 26-7 mới đây, 5 Kitô hữu nghèo đang đến một ngọn đồi trng rừng gần làng Pangalidar, ở đông Ấn, để tìm sóng điện thoại ổn định mà gọi điện cho con cái mình đã lên thành phố tìm việc làm. Ba người đã gọi xong và về nhà, còn lại hai người.

Không lâu sau, ba người này bị Lực lượng Cảnh sát Dự bị chặn lại, chĩa súng hỏi xem họ đang làm gì. Các Kitô hữu giải thích là họ đang gọi điện cho người thân, và hai người còn lại vẫn đang ở trên đồi. Họ được phép cho đi. Không lâu sau, họ nghe thấy tiếng sung trên đồi.

Hai Kitô hữu đi sau, là Dhubaleswar và vợ ông, đã không bao giờ trở về nữa. Sáng hôm sau, một nhóm dân làng đi tìm, và chỉ thấy vết máu và các mảnh áo quần của họ trên đồi. Dù hai người này được đưa vào danh sách mất tích, nhưng các Kitô hữu trong làng tin rằng họ đã bị cảnh sát giết và giấu xác đi.

Có lẽ mức độ ớn lạnh nhất của những việc như thế này, là phản ứng cam chịu của hai cô con gái của vợ chồng ông Dhubaleswar. Các cô con gái hỏi mục sư Sushant Naik trong vùng rằng, tại sao cảnh sát thấy cần phải giết cả cha và mẹ của hai cô.

‘Ít nhất, họ có thể chừa cho một người sống mà.’

Một cậu bé giúp lễ trong buổi cầu nguyện nửa đêm tại Nhà thờ Đức Mẹ Bác ái, vào ngày 11-04-2009, ở làng Raikia, nam Bhubaneswar, Ấn Độ. Các Kitô hữu quy tụ để cầu nguyện trong nỗi sợ từ mối đe dọa bạo lực ở vùng Kandhamal. (Daniel Berehulak/Getty Images)

Một câu chuyện phức tạp

Sẽ dễ hiểu hơn nếu xem cuộc bách hại tôn giáo ở châu Á, một cách đơn giản, là chuyện giữa các nạn nhân vô tội với những kẻ đàn áp. Nhưng qua thời gian ở với nhóm thiểu số Kitô giáo bị quấy rối ở Ấn Độ, khiến cho chúng tôi thấy mọi chuyện phức tạp hơn nhiều.

Trong các thập niên qua, Kitô giáo đã phát triển mạnh về mặt dân số, với nhiều người thuộc giai cấp Dalit và bộ lạc, xem việc trở lại đạo là một con đường giải phóng và vận động xã hội. Các nhà truyền giáo Tin Lành đặc biệt thành công trong việc thu hút các thành viên mới, và vùng quê nông thôn mọc lên nhiều nhà thờ.

Nỗi e sợ các giáo hội sẽ bành trướng, ngày càng rõ ràng hơn trong những người Ấn giáo theo chủ nghĩa dân tộc. Một vài bang của Ấn Độ mới đây đã áp dụng luật chống cải đạo, và tòa án đã phê chuẩn luật này.

Cáo buộc này áp dụng, khi một Kitô hữu muốn cải đạo cho người nào đó khỏi đức tin khi họ mới sinh ra, và nó rất khó bị chối cãi.

Nhiều người nói chuyện rất thẳng về những giấc mơ ‘Kitô hóa’ hàng xóm của mình. Và những người này, dù cho tất cả đều đã kinh nghiệm thấy sự định kiến về tôn giáo, nhưng họ vẫn giữ một thái độ rất định kiến với các tôn giáo khác, thậm chí là với các phái Kitô giáo khác.

Ở làng Gundale, mục sư 24 tuổi Mithun Shinde, hồi tháng 7, 2015 đã không thể đến được nhà thờ của mình, bởi con đường đã bị những người Ấn giáo nổi giận khóa kín bằng hàng rào gỗ và dây thép gai.

Nhưng khi được hỏi xem tương lai 10 năm nữa sẽ thế nào, mục sự Shinde không chần chừ, nói ngay: ‘Tôi sẽ rửa tội cho cả làng này.’

‘Có nghĩa là gồm cả những người Ấn giáo kích động đang quấy rối ông?’

Và mục sư trả lời với một nụ cười, ‘Tôi cam đoan là thế.’

Những Kitô hữu ngang ngạnh này thường lỗ mãng trong thái độ đối với các nhóm tôn giáo khác.

Ravindra Jadhav là lãnh đạo của khoảng 100 Kitô hữu phái Ngũ tuần, thuộc về Giáo hội Chúa Thánh Thần ở một ngôi làng khác ngoại ô Mumbai, ten là Vikram Garh. Địa điểm cũ của nhà thờ đã bị những người Ấn giáo cực đoan phá hoại hồi năm 2014, và bây giờ cộng đoàn nhỏ của mục sư không thể hội họp thường xuyên vì sợ bị trả thù.

Nhưng Jadhav cũng không hẳn là một con người độ lượng, ông công khai khinh miệt những người Công giáo.

‘Họ là những người thờ ngẫu tượng. Không có chút gì khác biệt giữa Công giáo và Ấn giáo, cả hai đều cầu nguyện với ngẫu tượng, đều uống rượu và cãi vã.’

Có thể tìm thấy sự tôn trọng

Sự bất dung và định kiến, chắc chắn không phải là những chuyện duy nhất ở châu Á.

Mỗi ngày thứ tư, lúc 4h chiều ở nhà thờ Công giáo thánh Michael ở Mumbai, hàng ngàn người quy tụ cho buổi cầu nguyện hàng tuần trước tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Những người hành hương đến sớm, nhiều người đi vào bằng đầu gối trên lối đi giữa nhà thờ. Họ bỏ giày ở ngoài, một dấu chỉ truyền thống của sự kính trọng. Họ ngồi, đứng, và cúi mình, tập trung vào lời kinh,và trước khi ra về không quên đến dâng Mẹ những vòng hoa. Sau đó, cả dãy người đứng nơi cửa sau nhà thờ để chờ linh mục ban phép lành.

Một cảnh tượng như thế hẳn sẽ là hình ảnh cho lòng sùng kính đáng kinh ngạc trong mọi hoàn cảnh, nhưng một điều đặc biệt là, phần đông những người hành hương này không phải là người Công giáo, thậm chí không thuộc Kitô giáo, mà là những người Ấn giáo thành tín.

Đây là một gương mặt khác của châu Á hiện thời, một sự bao dung và tôn trọng liên tôn, bắt rễ từ tính tâm linh mãnh liệt. Nhưng lòng tôn trọng này lại thường bị đi kèm với những dạng quấy nhiễu và đàn áp tàn bạo.

Nhà thờ Thiên thần Michael ở Mumbai

Bị xem là mối đe dọa ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, nơi Kitô giáo bị gắn với các lợi ích của phương Tây, và vẫn bị xem là mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Giám mục James Su Zhimin, chủ chăn của cộng đoàn Công giáo bị nhà nước cấm đoán ở Bảo Định, bây giờ đã gần 80 tuổi, và đã ở trong tù từ tháng 10, 1997, gần 18 năm. Cha bị giam mà không có lời tuyên án, không có tin tức gì về một vụ án như thế, và nơi giam giữ cha vẫn bị giữ kín.

Ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, sự khoan dung tôn giáo là một nguyên tắc thể chế căn bản chiếu theo hệ tư tưởng quốc gia Pancasila tuyên bố về dân chủ, công bằng xã hội, và ‘nhân văn công bằng và văn minh.’

Nhưng thực tế thì, những cam đoan này nhiều khi chỉ là rỗng tuếch.

Pakistan tự xem mình là một phần trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố, và năm 2008, nước này đã có bước tiến không ngờ đến là bổ nhiệm một Kitô hữu vào nội các, trở thành bộ trưởng các sự vụ thiểu số.

Với việc phản đối công khai các luật chống phạm thượng của Pakistan, bộ trưởng Shahbaz Bhatti, bị ám sát hồi tháng 3, 2011 ở Islamabad, do tay một người Hồi giáo cực đoan, gọi ông là ‘kẻ phạm thượng tiên tri Mohammed.’

Là một người Công giáo sốt sắng, ông Bhatti, 42 tuổi khi bị ám sát, chỉ để 3 vật trong chiếc bàn cạnh giường của mình: một quyển Kinh thánh, một tràng chuỗi mân côi, và một ảnh Đức Trinh nữ Maria. Trong buổi phỏng vấn không lâu trước khi bị ám sát, ông Bhatti đã nói, ‘Tôi biết Chúa Giêsu Kitô hi sinh mạng sống vì người khác. Tôi hiểu rõ ý nghĩa của thập giá. Tôi sẵn sàng trao mạng sống mình cho dân tộc tôi.’

Các giám mục Pakistan đã thỉnh nguyện Vatican chấp thuận ông là ‘bậc tử đạo và là bảo trợ cho tự do tôn giáo’ cũng như tiến hành phong thánh cho ông.

Bộ trưởng Pakistan Shahbaz Bhatti

Khi các nước châu Á đang xác định mình là những trung tâm quyền lực toàn cầu trong thế kỷ XXI, thì báo cáo về nhân quyền của các nước này càng bị xem xét kỹ hơn. Cách những nước này bảo vệ các cộng đồng tôn giáo thiểu số, bao gồm Kitô giáo, rõ ràng sẽ là một trong những vấn đề chính yếu.

Hãy xem lại lời của anh Puniyani, nhà hoạt động xã hội người Ấn giáo,

‘Đã rất lâu, chúng tôi đổ tội cho phương Tây là bất dung và định kiến, do bởi lịch sử thực dân. Còn bây giờ, dường như chúng tôi cũng chẳng hơn gì họ.Chúng ta phải sửa đổi, phải làm cho đúng, vì các nạn nhân, và vì chúng ta nữa.’

Cần có một lập trường

Các nạn nhân Kitô hữu trước sự hận thù tôn giáo, phải nỗ lực để có được một tâm thức thiêng liêng đối với những gì họ phải trải qua, và nhiều người tin rằng Chúa kêu gọi họ phải có lập trường.

Phải 3 ngày sau vụ giết người dã man ở Kandhamal [đầu bài này], cảnh sát địa phương mới đồng ý đi cùng với cô Kanaka Nayak đến nơi còn lại các mảnh thi thể của chồng cô. Cô được phép chôn cất chồng mình trong một ngôi mộ đã có chủ trong nghĩa trang của tu viện Công giáo gần đó, nhưng bầu khí sợ hãi bao trùm khiến không một linh mục hay thừa tác viên nào dám đến chủ trì nghi thức an táng.

Nhờ lời chứng của con gái cô, bây giờ 12 tuổi, mà 25 người bị xác định là đã gây ra cái chết của anh Parikhit. 18 người bị cáo buộc hình sự, nhưng chỉ có một người ở tù, còn những người khác vẫn nhởn nhơ trong làng.

Cuối tháng 8 vừa qua, cô Kanaka đến viếng mộ vào ngày giỗ của anh. Cô nhớ những lời cuối cùng của chồng mình nói với những kẻ thủ ác: ‘Cứ làm gì các người muốn với tôi, nhưng xin tha gia đình tôi!’

Cô nói với phóng viên tờ Crux, ‘Anh không còn ở với tôi nữa,’ lời của cô bị nghẹn vì nước mắt, ‘nhưng Chúa đã cho tôi cơ hội chia sẻ chứng tá với người khác, để hi vọng chuyện như thế này không xảy ra lần nữa.’

Nó đã và đang không như thế. Cho dù thật dã man ngoài sức tưởng tượng, nhưng chuyện về anh Parikhit không phải là một ngoại lệ trong thời đại bạo lực này.

Chỉ cần một cuộc viếng thăm nhỏ là đã thấy được, chẳng hạn như xơ Meena Lalita Barwa, thuộc dòng Tôi tớ Đức Mẹ, xơ cùng với cha Thomas Chellen đã bị những kẻ tấn công lôi đi trên đường phố Kandhamal miệng hét to ‘Giết Kitô hữu!’

Xơ Barwa là cháu của tổng giám mục John Barwa, cho biết xơ bị ít nhất một người trong đám tấn công cưỡng hiếp, xơ không đếm nổi khi ngất đi, rồi bị lôi đi trên đường gần như trần truồng, còn đám người vẫn tiếp tục gào thét.

Xơ Barwa, như chú của mình, là một Tribal, cho biết xơ muốn biến đau khổ của mình thành hi vọng.

‘Mọi người trong đất nước này phải tôn trọng tôn giáo của người khác, và nhân tính của người khác. Nếu không, thì đau khổ của tôi, và đau khổ của quá nhiều người khác, thực sự có ý nghĩa gì?’

Các nhà hoạt động quyền công dân ở Pakistan quy tụ trong một nghi thức tưởng niệm ở nơi cố bộ trưởng Shahbaz Bhatti bị ám sát ở Islamabad vào ngày 03-3-2011 (Farooq Naeem/AFP/Getty Images)

J.B. Thái Hòa chuyển dịch