Cha Rick, phi thường nơi sự bình thường

561

Facebook | Fr. James Martin, SJ | 20-12-2015

Rest in peace, Rick

Các bạn thân mến. Tôi đau lòng báo tin buồn một linh mục dòng Tên phi thường vừa mất, một người mà nhiều người các bạn quen biết, cha Rick Curry đã qua đời ngày hôm qua 19-12, tại bệnh xá dòng Tên ở Đại học thánh Giuse, quê nhà của cha ở Philadelphia, lúc 11:30 tối. Ngài được 70 tuổi. Cha Rick đã đau bệnh trong vài năm qua, và có lần tưởng đã chết nhưng phục hồi lại được, và sống thêm vài năm nữa. Cha là một người bạn quá tốt, và một con người phi thường. Một trong những linh mục dòng Tên đáng kinh ngạc nhất thời đại chúng ta. Mà cũng có thể là mọi thời.

Thật không biết bắt đầu nói về cha Rick từ đâu. Là người sáng lập Xưởng Nhà hát Quốc gia [National Theatre Workshop of the Handicapped (NTWH)] cho Người Khuyết tật, giúp đào tạo và thăng tiến cho các diễn viên khuyết tật, cha cũng lập Tiệm bánh mỳ Thẻ bài ở Washington, hỗ trợ cho ‘Các chiến binh bị thương,’ cha còn là một đầu bếp chuyên nghiệp và là tác giả một vài sách dạy nấu ăn như ‘Bí mật Làm bánh của dòng Tên’ và ‘Bí mật Nấu súp của dòng Tên’ cả hai đều là những công thức nấu ăn đi kèm với các câu chuyện dí dỏm, cha là một giảng viên và tiến sỹ Ph.D, viết về lịch sử kịch nghệ dòng Tên, một thầy dòng Tên và về sau trước sự ngạc nhiên và vui mừng của mọi người, cha nhận chức thánh linh mục, cha là một diễn giả tuyệt vời và người kể chuyện nghe không biết chán, cha còn là một người thầy, người bạn lớn với nhiều người. Cha cũng nổi tiếng trên thế giới.

Tôi biết cha Rick khi làm việc ở tạp chí America, nơi cha thường đến thăm và là bạn tốt của cha John W. Donohue SJ quá cố. Hai người có một tình bạn vui vẻ tuyệt vời và thích thú khi gọi nhau với giọng chọc ghẹo ‘cha’ và ‘thầy.’ Lúc đó, thầy Rick còn đang làm việc ở NTWH và sống trong thành phố gần văn phòng của mình và cha thường đến dự lễ với cộng đoàn vào ngày chúa nhật.

Một trong những cuộc chuyện trò lý thú nhất của tôi là với cha. Cha John nổi tiếng vì phong cách khổ hạnh, và cha mang những áo quần cũ mèm không tưởng tượng nổi. Một ngày chúa nhật nọ, trong Mùa Vọng, cha John, lớn tuổi hơn thầy Rick, đi vào nhà nguyện, mang một áo len nhàu cũ rích, và cánh tay thì thủng một lỗ lớn. Thầy Rick nói, ‘Ôi cha ơi, tôi thấy cha có áo len mùa Giáng Sinh rồi đó.’ ‘Đúng rồi thầy ạ,’ cha John đáp. ‘Giáng Sinh 1942 à,’ Rick hỏi tiếp Cha John cười phá, ‘Gần đúng rồi, ha ha.’

Dường như không có gì làm cha Rick bớt hăng hái. Cha là một động cơ vĩnh cửu, luôn luôn đầy lửa nhiệt tình, cha lập các dự án mới, viết sách mới, tìm các ý tưởng để giúp cho những người khuyết tật và các thương binh, cùng với một danh sách các buổi đi ăn chung, các buổi rửa tội, lễ cưới, và an táng. Và tất nhiên, là các sự kiện gây quỹ không ngừng cho NTWH và Tiệm bánh Thẻ bài. Ngay cả khi sức khỏe đi xuống, cha vẫn chiến đấu miệt mài. Tôi thấy cha lần cuối cùng là ở nhà nghỉ của dòng Tên ở Cape May, hồi tháng 8. Dù rõ ràng là cha đang phải chiến đấu với thân thể mình, nhưng vẫn cố gắng đi xuống bãi biển với các anh em trong dòng. Và chúng tôi thật vui khi có cha ở cùng.

Hầu hết mọi người biết cha Rick đều biết về khuyết tật của cha: cha đã không có cẳng tay phải từ khi mới sinh. Và dù thật không phải khi tập trung vào một khuyết tật, nhưng câu chuyện về cách cha đã thắng được khuyết tật của mình là một trong những câu chuyện gây hứng khởi nhất mà tôi từng nghe. Hết lần này đến lần khác, cha phải đối mặt với các chướng ngại, từ thưở nhỏ và cả trong Dòng Tên.

Ví dụ như, một lần nọ cha đi vào một buổi thử vai kịch sau khi đã được học xong diễn xuất. Bà tiếp tân nhìn cha, và phá lên cười rồi hỏi, ‘Ai dụ dỗ anh đến đây vậy?’ Bà thực sự nghĩ Rick đang làm trò mà thôi.

Nhưng, cha cũng dùng sự hóm hỉnh để làm sao cho mọi chuyện được tốt nhất. Cha có một trí thông minh sắc sảo. Có lần, một viên chức gọi đến NTWH và cần một người mất hai chi. Cha Rick hỏi ông, ‘Ông muốn một người không có tay hay không có chân?’ Ông ta đáp ‘Có vấn đề gì à?’ Rick trả lời, ‘Có vấn đề với người đó đấy!’

Và như tôi đã nói, cách đây không lâu, cha Rick bị đau nặng và có lúc tưởng đã chết. Nhưng cuối cùng, cha sống dậy, và sau một thời gian điều trị, lại bắt đầu lao vào công việc. Vài ngày sau khi cha về lại cộng đoàn dòng Tên ở Georgetown, tôi có gọi điện cho cha. Chúng tôi nói chuyện dài giờ về các cảm nghiệm của cha, rồi tôi hỏi cha về một chuyện mà tôi rất tò mò. ‘Cha có bất kỳ cảm nghiệm về Thiên Chúa khi chết hay không?’

‘Không’ cha kêu to, và bắt đầu cười. ‘Anh có tin không? Sau tất cả tôi thế là xong. Tôi đang chờ đợi ít nhất là MỘT SỰ GÌ ĐÓ.’

Nhưng, câu chuyện mà tôi thích nhất, và luôn luôn nhớ, sẽ luôn nhớ, là chuyện thời cha Rick còn nhỏ. Tôi xin cha kể với tôi để tôi viết sách, và tôi xin chia sẻ với các bạn ở đây. Đây là một câu chuyện tuyệt vời về tính chấp nhận.

Khi cha còn là một cậu bé, hồi thập niên 1950, thánh tích cánh tay phải của thánh Phanxicô Xavier được kiệu đến Philadelphia. Đây là cánh tay mà thánh truyền giáo dòng Tên đã dùng để rửa tội cho hàng ngàn người ở châu Phi, đến Ấn Độ, rồi Nhật Bản.

Giáo viên lớp một của cha Rick, một ma xơ, nghĩ nên cho Rick đến xem cánh tay thánh tích, dù xơ không nghĩ sẽ có một phép lạ. Mẹ của cha Rick cũng vậy, dù bà đã viết thư xin cho Rick nghỉ học để đến xem thánh tích. Cả hai người phụ nữ này không nói gì đến chuyện cánh tay phải khuyết tật của Rick cả.

Nhưng đám bạn học ở trường thì có. Các bạn của Rick cầu nguyện sốt sắng xin một phép lạ. Có lẽ Rick sẽ được chữa lành, được giống như tất cả các trẻ em khác. Vậy nên khi mẹ của Rick đưa cậu đến nhà thờ chính tòa, cả lớp đều nơm nớp chờ đợi.

Một hàng dài người chờ dọc suốt nhà thờ chính tòa. Bởi vì quá nhiều người đến viếng, nên đã tuyên bố là người đến viếng chỉ được chạm vào hòm kính giữ cánh tay của thánh Phanxicô mà thôi Bạn sẽ không được hôn hòm kính, như một vài người sùng mến thường làm. Nhưng khi một vài linh mục thấy cậu bé không có cánh tay phải, thì liền bảo mẹ cậu Rick, ‘Ồ, cậu bé có thể hôn kính.’ Nhưng, Rick lại không muốn ‘chữa lành.’

Vậy nên cậu hôn hòm kính chứa thánh tích, nhưng lại ấn mạnh vào khuỷu tay cụt để hi vọng cánh tay không mọc ra.

Trên đường về nhà, cậu vẫn ghì chặt khuỷu tay. Nhưng đã không có thay đổi gì. Không có phép lạ. Và khi về lại lớp, các bạn học bảo cậu là họ thất vọng đến chừng nào. Họ bảo, có lẽ cậu không xứng đáng để được phép lạ.

Nhưng có người lại nghĩ khác. Khi cậu Rick về nhà tối hôm đó, chị gái Denise của cậu, về sau là một nữ tu, đang trốn sau tấm rèm cửa sổ phòng khách. Cô bé hé nhìn ra. Khi thấy không có phép lạ nào, cô bé vui mừng hớn hở. ‘Tuyệt quá.’ Em quá vui vì không có chuyện gì xảy đến. Bởi em thích anh như những gì anh là!’

Bài Tin mừng chủ nhật vừa qua, có lời bà Elizabeth chào mừng Đức Mẹ: ‘Phúc thay em là người đã tin những gì Thiên Chúa hứa sẽ thành sự.’ Khi Rick lần đầu cảm thấy tiếng gọi dòng Tên, cha đã phải vượt qua nhiều trở ngại. Nhiều. Nhưng chúng đã không làm nản chí được cha. Cha trở thành một thầy, có lẽ là thầy dòng Tên nổi tiếng nhất thế giới. Về sau, cha cảm nhận ơn gọi linh mục, và lại có các chướng ngại mới. Nhưng chúng cũng không làm nản chí cha nổi. Cha Rick đã trở thành một linh mục tuyệt vời. Trong tất cả mọi sự, cha tin tưởng nơi tiếng gọi ban đầu của mình.

‘Phúc thay cho người đã tin những gì Thiên Chúa hứa sẽ thành sự.’ Và phúc cho chúng ta khi được biết một con người tài năng, kiên định và đầy ơn Chúa như thế.

Yên nghỉ nhé, cha Rick.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch