Radio Vatican, 2015-12-13
Chúa nhật 13 tháng 12, Đức Phanxicô đã mở Cửa Thánh ở Nhà thờ Chính tòa Laterano, Rôma sau khi đã mở Cửa Thánh ở Bangui, thủ đô của nước Trung Phi ngày 29 tháng 11 và Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô ngày 8 tháng 12.
Cuối tuần qua, các Cửa Thánh đã mở ra khắp nơi trên thế giới, ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Erbil, Giêrusalem, Barcelona và thứ bảy 11 tháng 12 ở giáo xứ Phanxicô, khu phố Aziziyeh, Alep, nước Syria. Đây là nhà thờ duy nhất còn dùng được trong vùng, các nhà thờ khác đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nặng.
Ở một xứ mà các tín hữu luôn gặp khó khăn, đây là một dấu hiệu mang hy vọng rất mạnh cho linh mục Georges Sabé, dòng Marista ở Alep, Syria. Ký giả Sarah Bakaloglou có cuộc phỏng vấn với cha.
“Đúng là thành phố ở trong bóng tối một chút nhưng chúng tôi có thể cử hành nghi thức này với tất cả các mục tử của chúng tôi. Một ít giáo dân còn ở lại Alep đã có mặt để nghe Lời Chúa, để cầu nguyện với chủ đề Lòng thương xót theo ý chỉ của Đức Giáo hoàng. Giáo xứ Alep không muốn mất cơ hội của hy vọng và của Lòng thương xót này, để xin Chúa “thương xót” cho tất cả những gì đã xảy đến cho thành phố, cũng như thương xót với tất cả những gì xảy ra chung quanh chúng tôi trong thành phố này. Chúng tôi nghĩ, với trải nghiệm sống lòng thương xót này sẽ cho chúng tôi sức mạnh để tiếp tục sống, hy vọng trong ánh sáng dù bóng tối và chân trời vô vọng làm chúng tôi tự hỏi không biết cách nào để đi tới đàng trước.
Cha nói có nhiều niềm vui và xúc động trong buổi lễ, có phải đó là dấu chỉ hy vọng cho một nước bị chiến tranh tàn phá không?
Như quý vị biết, chúng tôi vẫn sống dù cho mọi sự như rơi vào tuyệt vọng do chiến tranh gây ra. Chúng tôi đang sống một kinh nghiệm thiêng liêng sâu đậm, một kinh nghiệm gặp gỡ với Thiên Chúa, một kinh nghiệm với tình tương trợ. Cách đây gần một tháng, nhà thờ Thánh Phanxicô bị một quả mọc chê dội xuống vòm nhà thờ. Sự đe dọa vẫn còn. Bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể bị tấn công, nhưng giáo dân đã can đảm đến đây cầu nguyện và ở trong tinh thần thông hiệp chung quanh Đức Giáo hoàng. Đây là một dấu chỉ có tính tượng trưng rất cao. Chúng tôi nghĩ, ngày hôm nay chúng tôi dám sống trong tinh thần hy vọng và lòng thương xót, dù cho đôi khi nỗi sợ làm cho chúng tôi thu mình lại, kẹt lại trong hận thù, trong khủng khiếp hay trong tuyệt vọng.
Tình trạng của Alep bây giờ như thế nào? Trong một bức thư, quý vị cho biết đã bị cúp điện từ 50 ngày nay.
Chúng tôi phải nói thêm rằng bây giờ chúng tôi còn bị cúp nước, thật khốn khổ. Họ cung cấp nước được một, hai ngày, rồi họ cúp lại. Quý vị tưởng tượng ở một thành phố lạnh giá như Alep thì khó khăn biết chừng nào. Bây giờ Nhà thờ Chính tòa không có sưởi, chỉ có vài ngọn đèn vì chúng tôi có một máy phát điện trong nhà thờ, nhưng chúng tôi sống trong tình trạng “khốn khổ”. Một ngày nọ, có một người Alep nói: “Khi quý vị sống ở Alep, quý vị không sống được”. Tôi trả lời: “Chúng tôi đang sống dù cho tất cả những việc này.” Đúng là chúng tôi sợ, chúng tôi đang sống trong một tình trạng thê thảm, chúng tôi thiếu nước, thiếu điện. Ít nhất cho đến bây giờ, chúng tôi có con đường nối chúng tôi với thế giới, dù nó đã bị cắt đứt trong 13 ngày. Dù các điều kiện sống không dễ, nhưng người dân muốn sống, muốn sống trong hy vọng này, một hy vọng giúp đỡ chúng tôi. Nhưng cũng có thảm kịch của các gia đình trong lúc nguy kịch này: các gia đình quyết định rời thành phố, rời di sản của họ, rời lịch sử của họ, bỏ công ăn việc làm của họ. Đó là một thảm kịch đã làm chúng tôi mất rất nhiều giáo dân và các công dân khác của thành phố Alep hay của nước Syria. Dù cho tất cả những chuyện này, giáo hội, các tu sĩ nam nữ, các giáo dân đều muốn sống ở đây như dấu chỉ hy vọng cho đất nước này. Đó là điều duy nhất chúng tôi có thể làm chứng cho một đất nước bị chiến tranh và hận thù tàn phá.
Marta An Nguyễn chuyển dịch