Các linh mục công giáo Nam Hàn đầu tiên sẽ được qua Bắc Hàn dâng thánh lễ?

213

cath.ch, Raphaël Zbinden, 2015-12-12

Nhà thờ ở Bắc Hàn

Đầu tháng 12-2015, một phái đoàn các giám mục công giáo Nam Hàn thăm Bắc Hàn bốn ngày, họ cho biết “ngoại trừ có chuyện bất ngờ”, năm 2016, các linh mục Nam Hàn sẽ được qua Bắc Hàn dâng thánh lễ. Tin này được hãng tin Giáo hội Á Châu (EdA) loan đi ngày 12 tháng 12, đây là lần đầu tiên sẽ có thánh lễ ở Bắc Hàn, nơi không còn một linh mục công giáo nào.

Được chính quyền Bắc Hàn mời, bận đi cũng như bận về, phái đoàn Nam Hàn phải quá cảnh Trung Quốc vì đường bộ giữa Bắc và Nam Hàn vẫn còn rất ngoại lệ. Khi đến Bắc Hàn, bốn giám mục và mười ba linh mục Nam Hàn được hướng dẫn đi thăm nhiều nơi khác nhau trong đó có một nhà cho người cao niên và một vườn trẻ do Hiệp hội Công giáo Bắc Hàn đảm trách, nhờ khẩn khoản chính thức mời. Ngày 3 tháng 12 các giám mục và linh mục Nam Hàn dâng thánh lễ đồng tế ở nơi thờ phượng công giáo duy nhất của Bình Nhưỡng, nhà thờ Changchung. Có 70 người tham dự, những người Bắc Hàn được giới thiệu đó là người công giáo.

Rao giảng và tuyên truyền

Trong chuyến viếng thăm này, phái đoàn Nam Hàn đã tìm cách thu thập tin tức về các cộng đoàn công giáo đích thực còn tồn tại ở Bắc Hàn, sau hàng chục năm không có các linh mục để ban các phép bí tích. Ngày 1 tháng 12 vừa qua, một bản tin trên nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung ghi lại, vào tháng 6-2015, một phái đoàn của Đảng Xã hội Kitô CSU của bang Bavière đã đi Bình Nhưỡng và đã tham dự một buổi được gọi là thánh lễ ở nhà thờ Changchung. Họ đã sốc khi nghe người dâng thánh lễ Bắc Hàn, một “cha Phanxicô” nào đó giảng Nam Hàn là “thuộc địa của đế quốc Mỹ và rồi đây sẽ thống nhất với Bắc Hàn” sau một cuộc “thánh chiến” với sự trợ giúp của Chúa. Vài tháng sau, cũng “cha Phanxicô” này chỉ còn là thầy phó tế khi phái đoàn các linh mục Nam Hàn đến Bình Nhưỡng.

Người công giáo giả hay thật?

Các giám mục Nam Hàn không có ảo tưởng gì về một cơ cấu công giáo đích thực do chế độ Bắc Hàn thiết lập để đại diện cho người công giáo ở đây. Tuy nhiên, họ mong rằng người công giáo Bắc Hàn giữ được đức tin công giáo như các tín hữu Nhật bản đã giữ được trong thời gian bách hại lâu dài, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Vì thế mong chờ của các giám mục Nam Hàn thì “khiêm tốn và hợp lý”, giám mục danh dự René Dupont, địa phận Andong ở Nam Hàn cho biết, ngài trả lời cho Đài Công giáo nói tiếng Pháp (RCF): thay vì xin để có sự hiện diện thường xuyên của một hay nhiều linh mục ở Bình Nhưỡng, một đơn xin đã bị gạt bỏ, thì các giám mục muốn đi “bước đầu tiên” đề nghị có một hay vài linh mục đến Bình Nhưỡng trong dịp lễ Giáng sinh. Trước đơn xin này, Hiệp hội Công giáo Bắc Hàn đã không chính thức trả lời, họ cho biết một linh mục Nam Hàn đầu tiên sẽ có thể đến Bình Nhưỡng vào dịp lễ Phục Sinh năm 2016.

Đức Hồng y Yeom Soo-jung, Tổng Giám mục Séoul và là người quản trị việc mục vụ tông đồ của Bình Nhưỡng không có mặt trong phái đoàn đi Bình Nhưỡng vào đầu tháng 12 vừa qua. Ngài nhắc lại, từ năm 2000 đã có các cố gắng của Giáo hội công giáo Nam Hàn để liên lạc với Bắc Hàn. “Từ nhiều năm nay, chúng tôi thương thuyết với Bắc Hàn trong hy vọng có thể gởi các linh mục Nam Hàn đến săn sóc đời sống thiêng liêng cho tín hữu Bắc Hàn”, ngài cho hãng tin Fides của Vatican biết. “Chúng tôi cố gắng làm tốt nhất có thể để có được một thỏa hiệp về vấn đề này và tôi hy vọng chuyến đi vừa qua là điểm khởi đầu cho thỏa hiệp này”, ngài nhấn mạnh.

Giám mục Nam HànMột chuyến đi chưa từng có

Trong quá khứ đã từng có các giám mục, linh mục đi Bình Nhưỡng nhưng đi với tư cách cá nhân, chuyến đi vào đầu tháng 12 vừa qua là một chuyến đi có nhiều người và ở cấp cao do Đức Tổng Giám mục Kim Hee-joong, thuộc địa phận Gwangju và cũng là Chủ tịch hội đồng Giám mục Nam Hàn dẫn đầu.

Như hãng tin Fides nhấn mạnh, chuyến đi này là điểm nổi bật đặc biệt của vai trò Giáo hội Nam Hàn trong lãnh vực hòa giải quốc gia và có thể đi đến một sự thống nhất giữa hai miền. “Phải củng cố lãnh vực giải hòa bằng cách nhấn mạnh đến sự trao đổi và hợp tác, bởi vì, để cho các thế hệ bị đau khổ do chia cắt, do nội chiến, các vết thương vẫn còn nóng cần phải săn sóc, còn nơi các thế hệ trẻ thì ngày càng có nguy cơ của một sự dửng dưng trước việc thống nhất dân tộc Hàn Quốc”, linh mục Lee Eun-hyung giải thích, cha là thư ký của Hội đồng giám mục về vấn đề hòa giải dân tộc Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng lúc này lúc kia

Sự loan báo của các giám mục Nam Hàn gặp thái độ ba phải của Bắc Hàn về vấn đề liên lạc giữa hai miền. Thể theo thỏa hiệp ngày 25 tháng 8 vừa qua, một cuộc gặp gỡ ở cấp phó bộ trưởng được tổ chức vào ngày 11 tháng 12 ở Kaesong, Bắc Hàn, gần biên giới hai bên. Một cuộc gặp gỡ từ hai năm nay chưa có. Nhưng hôm trước ngày gặp, chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tuyên bố “nước ông đủ sức làm nổ bom A và H để bảo vệ  quyền tối thượng và phẩm cách của mình”. Đây là lần đầu tiên chế độ nói rõ ràng về bom hydrogène, một loại bom cực mạnh hơn bom A, trong khi Bắc Hàn bị đặt dưới chế độ cấm vận do chương trình nguyên tử của họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch