Catherine Samba-Panza: “Tôi xin xưng tất cả sự dữ đã làm ở Trung Phi và tôi xin được tha thứ.”

1866

la-croix.com, 2015-11-29

Ngày chúa nhật 29-11-2015, khi tiếp đón Đức Phanxicô đến thăm

Bangui, nữ Tổng thống lâm thời Cộng hòa Trung Phi, bà Catherine Samba-Panza đã nhân danh các nhà cầm quyền Trung Phi xin “được tha thứ” vì đã góp phần đưa đất nước mình “xuống địa ngục.”

Tổng thống Trung Phi

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Trọng kính các hồng y, giám mục, các nhà chức sắc tôn giáo của tất cả các dòng,

Các thành viên Giáo hội Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo và các tôn giáo khác,

Các nhân vật trên thế giới đã kết hiệp với chúng tôi trong dịp đặc biệt này,

Các đồng bào thân mến của tôi đã hợp nhất trong ngày đáng ghi nhớ này dù chúng ta có nhiều khác biệt,

Trong thời gian qua, với những lo âu chung quanh chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Trung Phi, sự hiện diện của Ngài giữa chúng tôi hôm nay thật là một ơn lành từ trời xuống. Sự hiện diện của Đức Phanxicô ở Bangui cũng được xem như một chến thắng. Một chiến thắng của đức tin trên nỗi sợ, trên sự hoài nghi, một chiến thắng của lòng trắc ẩn, của tình đoàn kết của Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi tất cả đều vui mừng và vinh danh Chúa về những điều này.

Vì thế hai ngày 29 và 30 tháng 11 là ngày đánh dấu tốt đẹp trong lịch sử đất nước chúng tôi. Vì trong những ngày lịch sử này, chúng tôi là trọng tâm của Phi Châu, là niềm tự hào của một vùng.

Lòng đầy hân hoan và vui vẻ, tôi long trọng chào mừng Đức Giáo hoàng và toàn phái đoàn của Ngài.

“Nzoni gango na sesse ti be Afrika, Tobwa François”.

Dân tộc Trung Phi kết hiệp cùng với tôi để nói lên tận đáy lòng chúng tôi “Singuila mingui” cũng như với tất cả những người đã đến Bangui trong dịp quan trọng này.

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Trong bối cảnh chính trị hiện nay, với những đe dọa an ninh có thật cũng như phóng đại đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho chuyến đi của Ngài, sự dấy lên các hành động cực đoan và khủng bố trong những ngày vừa qua đã có thể làm cho Ngài nản lòng để không muốn gặp bất trắc khi đến đây. Nhưng Ngài vẫn đi. Bài học can đảm và quyết tâm là tấm gương và chúng tôi phải học. Ngài luôn thực hiện tình đoàn kết với các nạn nhân của cuộc xung động ở Trung Phi, Ngài luôn nâng đỡ tinh thần người dân Trung Phi, thuộc tất cả mọi tôn giáo để họ cùng nhau tái kiến trúc lại sự nhất quán cho quốc gia. Hôm nay, thêm một lần nữa, Ngài khẳng định cho người dân Trung Phi và dưới mắt thế giới, Ngài ở bên cạnh họ trong tình huynh đệ và bằng hữu giữa con người với nhau. Nhất là thêm một lần nữa, Ngài chứng tỏ Ngài là Giáo hoàng của người nghèo, của những người bị bầm dập và tất cả những ai sống trong cơn tuyệt vọng.

Và quả thật Ngài đã chọn đến thăm một đất nước bị tàn phá từ trong nền tảng của nó đã mấy mươi năm nay, với các cuộc xung đột liên tục xảy ra, một đất nước sống trong thảm kịch từng ngày. Ngài đã quyết định đến đây để làm chứng cho lòng trắc ẩn và tình đoàn kết đối với một dân tộc bị dày vò bởi hận thù và tinh thần trả thù, bị xâu xé bởi các cuộc xung đột đến vô tận, nhưng dù tất cả những chuyện này, dân tộc này đã không mất đức tin và luôn đứng thẳng bằng sức mạnh của niềm hy vọng.

Nhân danh đức tin này, qua Ngài, tôi muốn bắt đầu bằng cầu xin lòng thương xót Chúa toàn năng, trong chuyến đi này của Ngài mà tất cả người dân Trung Phi không phân biệt chủng tộc, đều mong chờ với tấm lòng sốt sắng và hy vọng. Sự hiện diện của Ngài đã mang lại cho chúng tôi ánh sáng của chuyến đi thiêng liêng, rọi sáng và biến đổi tâm hồn chúng tôi sống trong tâm tình ăn năn.

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Nước Cộng hòa Trung Phi chúng tôi được xây dựng bởi một con người của Giáo hội, linh mục Barthélémy Boganda mà tầm nhìn của linh mục như tôi tớ của Chúa và như nhà lãnh đạo Quốc gia đã đặt con người, được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, vào trọng tâm sự phát triển của đất nước không phân biệt sắc dân, tôn giáo hay xã hội. Tầm nhìn “Zo kwe zo” khuyến khích cho sự hợp nhất quốc gia, lòng nhân đạo và sự tôn trọng con người. Nhưng con cái của đất nước này đã không biết quản trị di sản thiêng liêng, tinh thần, chính trị của Người Cha sáng lập nước. Sau đó là một loạt các cơn khủng hoảng lặp đi lặp lại trở thành nét chính của lịch sử chúng tôi. Vì thế nước chúng tôi đã không tránh được những cơn gió tàn phá, gieo chia rẽ, miệt thị và đến tận cùng là bạo lực giữa những người có cùng nền tảng, cùng quốc gia. Những người Trung Phi này gieo đau khổ cùng cực cho những người Trung Phi khác.

Chính vì vậy mà con cái của đất nước này phải nhận biết lỗi của mình và xin tha thứ, một sự tha thứ chân thành mà phép lành của Ngài sẽ biến đổi thành men bột để tái xây dựng đất nước.

Nhân danh tầng lớp lãnh đạo của đất nước này và cũng nhân danh cho tất cả những người đã góp phần cách này cách khác đã đưa đất nước xuống hỏa ngục, tôi xin xưng tất cả sự dữ đã phạm cho đất nước này trong quá trình lịch sử, và tự đáy lòng tôi, tôi xin được tha thứ.

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Chúng tôi tuyệt đối cần sự tha thứ này nhân chuyến đi của Ngài vì trong những tiến triển gần đây của cơn khủng hoảng, nước chúng tôi đã phạm những điều ghê tởm nhân danh tôn giáo bởi những người tự cho mình là tín hữu. Vậy, làm sao tự cho mình là tín hữu mà đi phá hủy nơi thờ phượng, giết người anh em, hãm hiếp người khác, phá hoại tài sản người khác, gây bạo lực dưới mọi hình thức?

Chúng tôi tuyệt đối cần sự tha thứ này vì lòng chúng tôi đã chai cứng bởi sức mạnh của sự dữ. Tình yêu chân thành cho người anh em đã không còn ở trong tâm hồn chúng tôi, tâm hồn chúng tôi từ nay cắm sâu trong sự không dung thứ, trong sự đánh mất các giá trị và sống trong tình trạng hỗn độn do bối cảnh này gây ra.

Chúng tôi cần sự tha thứ này để đi trở lại trên con đường thiêng liêng mới, sống động hơn, tiếp đón hơn, cụ thể hơn vì con đường này được xây dựng trên tình yêu đích thực, một tình yêu góp phần vào việc thực hiện và khẳng định lòng nhân của chúng tôi.

Chúng tôi quả thật ý thức điều lớn nhất trong những ngày Ngài ở giữa chúng tôi có thể mang lại cho chúng tôi, đó là lời cầu nguyện, lời cầu bàu để lực của ma quỷ là chia rẽ, hận thù, tự hủy được trừ và đuổi một cách vĩnh viễn ra khỏi đất nước chúng tôi, để đất nước chúng tôi có thể tìm lại con đường thiêng liêng mới, gắn chặt một cách vững chắc vào lòng khoan dung, tình yêu cho người anh em, tôn trọng nhân phẩm và tôn trọng các nhà cầm quyền hiện hành.

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Là sứ giả của hòa bình, Đức Thánh Cha quyết định đến an ủi một dân tộc bị bầm dập để nó có thể tái tạo lại, giải hòa lại đất nước mà Chúa, với ân sủng của Chúa, đã dựng nên đất đai, tầng ngầm, nước nôi, rừng cây, loài vật và sự đa dạng trong văn hóa của nó. Sự hiện diện của Ngài giữa chúng tôi buộc chúng tôi phải giải hòa với hòa bình. Ước mong ngọn gió hòa bình mà Ngài mang đến sẽ ở lại nước Cộng hòa Trung Phi và thành lập ngọn cờ hiệu vinh danh Chúa trên đất nước chúng tôi.

Sứ điệp của ngài được chờ đợi để giải thoát chúng tôi khỏi sự sợ hãi người khác, giúp chúng tôi chấm dứt các cuộc xung đột, thay đổi tâm hồn chúng tôi và đặt chúng tôi đi trên con đường khôn ngoan, điềm đạm, trong tình huynh đệ và trong hòa bình.

Điều chắc chắn, sứ điệp hòa bình mà Ngài mang lại sẽ giúp chúng tôi đổi hướng và hướng tâm hồn chúng tôi về với Chúa, là Đấng nguồn cội của hòa bình đích thực, một hòa bình sâu đậm mà chúng tôi khát vọng.

Sau tất cả những đau khổ mà dân tộc chúng tôi đã sống qua và đang sống, chắc chắn Ngài đã mang lại cho chúng tôi nguồn an ủi, sự nồng ấm, sức mạnh đức tin của Ngài, lòng trắc ẩn của Ngài nhưng còn hơn nữa: Ngài mang lại niềm hy vọng và ánh sáng của một sự tái sinh.

Hôm nay, dân tộc Trung Phi  sống trong hy vọng của một sự trở lại của an ninh trên tất cả các miền đất của nó, việc tổ chức bầu cử tự do, minh bạch và dân chủ và cuối cùng là sự trở lại với thứ trật lập hiến của các nhà cầm quyền được chọn để đảm trách nhiệm vụ của mình, quan tâm đến đời sống tốt đẹp hàng ngày của người dân.

Và trong tâm tình hân hoan và lòng thành kính của người dân Trung Phi thuộc mọi tôn giáo khác nhau, chúng tôi xin bàn tay cực mạnh của Ngài ban phép lành cho đất nước này để nó lại trở nên miền đất Zo Kwé Zo mà linh mục sáng lập nước Cộng hòa Trung Phi Barthélémy Boganda từng mơ ước.

Một nước Trung Phi không hận thù, không chia rẽ, không oán giận, không kỳ thị tôn giáo và sắc dân, một nước Trung Phi không vũ khí, nơi mọi công dân sẽ có thể góp bàn tay để vực dậy và xây dựng đất nước của mình.

Ước mong chuyến đi này sẽ đánh dấu sự tái sinh một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hợp tác giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Trung Phi để giúp chúng tôi triển nở trong tất cả các chiều kích, vật chất cũng như thiêng liêng.

Trước khi chấm dứt, tôi xin cám ơn tất cả thiện tâm đã góp phần cho chuyến đi này không những được thực hiện mà nhất là có được một sự thành công đích thực. Tôi xin cám ơn Sứ thần Tòa Thánh, Tòa Giám mục Bangui, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Phi và tất cả cộng đồng công giáo Trung Phi đã cố gắng hết mình để thực hiện chuyến đi này. Hội đồng giáo sĩ và Hội đồng nhà nước cũng đã cùng nhau làm việc cho sự kiện này. Với tất cả, tôi xin cám ơn, ngàn lần cám ơn cho sự đóng góp quý báu này.

Tôi cũng xin cám ơn các lực lượng quốc tế Minusca và Sangaris cho những cố gắng phụ trội đã được hoàn tựu trong dịp này. Sự hiện diện của các lực lượng này bên cạnh các lực lượng địa phương là một yếu tố cần thiết cho sự thành công của chuyến đi này.

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Tôi xin chấm dứt ở đây và kính chúc Ngài và phái đoàn của Ngài những ngày ở Trung Phi dễ chịu và tốt đẹp, một nước Trung Phi đau buồn hôm nay nhưng sẽ là miền đất của các cơ hội phát triển và của tương lai.

Vinh danh Chúa cho sự hiện diện sứ giả của Chúa giữa chúng tôi. Ước mong miền đất Trung Phi này được nhảy mừng trong niềm vui vì Chúa đã đoái thương nhìn đến nó để cứu nó. Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của chúng tôi và đã gởi sứ giả hòa bình đến cho chúng tôi. Chúng tôi đã được cứu!

Tôi xin cám ơn Ngài,

Marta An Nguyễn chuyển dịch