Vatican Insider – Andrea Tornielli – 15/10/2015
Ký giả Caroline Pigozzi của tờ Paris Match vừa có cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề với Đức Giáo hoàng Phanxicô, tại Nhà trọ thánh Marta, Vatican.
Nói về tình trạng thương tâm của những người tị nạn và di dân, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: ‘Những gì chúng ta đang thấy ngay trước mắt mình, là một thảm kịch nhân đạo kêu gọi chúng ta phải hành động. Với các Kitô hữu chúng ta, điểm mấu chốt chính là những lời của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn ra gương mặt của Ngài trong những người nghèo và khách ngoại kiều đang cần giúp đỡ. Chúa nói rằng mỗi một hành động tương thân tương ái mà chúng ta dành cho họ, là một hành động dành cho chính Ngài. Nhưng, chúng ta không thể lảng tránh trước sự thật rằng, các cộng đồng này, những người thiểu số ở Trung Đông, đang bị buộc phải bỏ quê hương, bỏ đất mẹ, và nhà cửa của mình. Các Kitô hữu là công dân trọn vẹn ở các quốc gia này, sự hiện diện của các môn đệ Chúa Giêsu ở đây đã trải suốt 2000 năm qua. Họ chung phần trọn vẹn trong các bối cảnh văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Chúng ta có bổn phận của một con người và một Kitô hữu, phải hành động trước tình trạng khẩn cấp này. Tuy nhiên, chúng ta không được quên các nguyên do gây nên tình trạng này, không thể giả vờ như chúng không tồn tại. Chúng ta cần phải hỏi mình xem tại sao quá nhiều người đang phải bỏ nhà cửa mà chạy, xem điều gì gây nên tất cả chiến tranh và bạo lực ở đây. Đừng quên những người xúi giục thù hận và bạo lực, và cả những người trục lợi từ chiến tranh, như buôn bán vũ khí chẳng hạn. Và đừng quên thói giả nhân giả nghĩa của các cường quyền, mở miệng nói về hòa bình, nhưng lại đi buôn bán vũ khí.
Để giải quyết tình trạng thương tâm này, chúng ta cần phải có tầm nhìn xa, hành động vì hòa bình. Phải có các hành động cụ thể để giải quyết các nguyên do mang tính căn cơ của nạn nghèo đói. Hãy đấu tranh để xây dựng các hình mẫu phát triển kinh tế đặt tâm điểm nơi con người chứ không phải tiền bạc. Hãy làm việc để bảo đảm rằng phẩm giá của tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, trẻ con, người già, đều và luôn luôn được tôn trọng.’
Trả lời câu hỏi về biến đổi khí hậu, Đức Phanxicô nói: ‘Các Kitô hữu là những người thực tế, chứ không phải những người theo thuyết tai biến [Catastrophism]. Chính bởi vì lý do này, mà chúng ta không thể trốn tránh một sự thật rõ ràng là hệ thống toàn cầu hiện nay không bền vững. Tôi thành tâm hi vọng hội nghị về biến đổi khi hậu sẽ đem lại các lựa chọn cụ thể, chung lòng, và có tầm nhìn xa, vì lợi ích chung. Cần có các phương thức phát triển mới để bảo đảm một đời sống có phẩm giá cho tất cả mọi người nam nữ, trẻ em, những người đang chịu đựng hậu quả của nghèo đói, bóc lột, chiến tranh và thất nghiệp. Các tiến trình mới và chung lòng là điều cần phải có để chấm dứt nạn bóc lột đang lan tràn trên hành tinh chúng ta. Ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ô nhiễm, đang suy thoái, và cần sự nỗ lực từ tất cả mọi người. Chúng ta phải bảo vệ con người tránh khỏi sự tự hoại. Để làm được thế, nhân loại cần phải chấm dứt thói thờ tiền bạc và đưa con người trở lại vị trí trung tâm, cùng với đó phải hành động vì phẩm giá con người, vì lợi ích chung, vì tương lai của các thế hệ sẽ sinh sống trên địa cầu sau chúng ta. Nếu không, con cháu chúng ta sẽ bị buộc phải sống trên những đống điêu tàn ô trọc. Chúng ta cần phải vun đắp và bảo vệ món quà đã được ban cho chúng ta, chứ không phải là bóc lột vô tri. Chúng ta cần phải chăm sóc cho những ai không có đủ các phương tiện cần thiết để sống, và đồng thời phải thi hành những cải cách mang tính cơ cấu để làm cho thế giới trở thành một nơi công bằng hơn. Chúng ta phải từ bỏ các thái độ ích kỷ và tham lam để có thể sống tốt hơn.
Chủ nghĩa tư bản và lợi nhuận không phải là chuyện xấu bao lâu nó không biến thành thần tượng của chúng ta. Khi là công cụ, thì chúng không xấu xa. Nhưng khi một tham vọng tiền bạc không kiểm soát chiếm lấy chúng ta, và đẩy lợi ích chung và phẩm giá con người xuống hàng thứ hai hay thứ ba, khi tiền bạc và lợi nhuận bằng mọi giá trở thành một thứ mà chúng ta sùng bái, khi thói tham lam là căn cứ cho hệ thống xã hội và kinh tế của chúng ta, thì chính lúc đó xã hội của chúng ta tiêu tan. Không được biến con người và toàn thể các tạo vật thành nô lệ cho tiền bạc. Hậu quả của việc này là những gì đang diễn ra ngay trước mắt tất cả mọi người.
Về sự tồn tại của các sự sống có lý tính khác trong vũ trụ, Đức Phanxicô trả lời: ‘Tôi thực sự không biết trả lời làm sao với câu hỏi này, cho đến nay, các nhà khoa học đã loại trừ khả năng tồn tại sự sống có lý tính trong vũ trụ. Tuy nhiên, trước khi khám phá ra châu Mỹ, chúng ta cũng không nghĩ nó có tồn tại, nhưng đúng là có. Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi tin là chúng ta nên theo những gì các nhà khoa học nói, ý thức rằng Đấng Tạo Hóa vĩ đại hơn hiểu biết của chúng ta đến vô cùng vô tận. Những gì tôi chắc chắn, là vũ trụ và thế giới chúng ta đang sống, không phải là kết quả của một hỗn mang, nhưng là kết quả của một trí tuệ thiêng liêng, từ tình yêu của một Thiên Chúa yêu thương chúng ta, tạo dựng chúng ta, chăm lo cho chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Những gì tôi chắc chắn là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, trở nên người phàm, đã chết trên thập giá để cứu con người khỏi tội lỗi, đã sống lại và đánh bại sự chết.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nói về đóng góp của Tòa Thánh trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. ‘Chúng ta phải cố gắng khuyến khích đối thoại như là khí cụ để giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình. Chúng tôi đang không ngừng nghỉ tìm kiếm các giải pháp hòa bình và những con đường đàm phán cho các khủng hoảng và xung đột. Tòa Thánh không có lợi ích gì cần phải bảo vệ trên trường quốc tế, nhưng chúng tôi hành động qua tất cả mọi kênh làm việc khả dĩ để tạo gặp gỡ qua đối thoại, các tiến trình hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Bằng việc đến thăm các nước như Albania và Bosnia Herzegovina, tôi đã cố gắng thúc đẩy các mẫu gương chung sống và hợp tác hòa bình giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, để cho các vết thương hở miệng trong những xung đột gần đây, có thể được chữa lành. Tôi không tạo ra các kế hoạch, cũng không bắt tay với các chiến lược chính trị quốc tế. Tôi biết rằng, trong nhiều hoàn cảnh, tiếng nói của Giáo hội là một vox clamantis, tiếng kêu của một con người chơ vơ trong hoang mạc. Nhưng, tôi tin rằng lòng tin vào Tin mừng mời gọi chúng ta hãy là người xây những nhịp cầu chứ không phải các bức tường. Chúng ta không được thổi phồng quá mức vai trò của Giáo hoàng và Tòa Thánh. Những gì diễn ra giữa Hoa Kỳ và Cuba là một ví dụ tốt, chúng tôi đơn giản chỉ là cố gắng tạo điều kiện cho một ý chí đối thoại đã có nơi lãnh đạo của hai nước. Trên hết tất cả, việc chúng tôi là là cầu nguyện.’
Về câu hỏi xem làm sao ngài có thể giữ được sự đơn sơ của mình sau khi đã cử hành thánh lễ trước 7 triệu người hiện diện, và hàng trăm triệu người theo dõi qua truyền hình, Đức Phanxicô trả lời: ‘Khi một linh mục cử hành thánh lễ, thì tất nhiên người linh mục đó cử hành trước sự hiện diện của tín hữu, nhưng trên hết là cử hành trước sự hiện diện của Chúa. Trước một đám đông càng lớn, thì bạn càng cần phải ý thức sự nhỏ bé của mình, về sự thật rằng mình là ‘người đầy tớ vô dụng’ như Chúa Giêsu đã dạy. Ngày nào, tôi cũng xin ơn được là một dấu chỉ đường hướng mọi người về Chúa Giêsu, một chứng thực cho vòng tay thương xót của Ngài. Đây là lý do vì sao, khi tôi nghe mọi người hô vang: ‘Vạn tuế Đức Giáo hoàng!’ tôi mời họ hãy nói rằng: ‘Vạn tuế Chúa Giêsu!’ Khi hồng y Albino Luciani [Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I]được tung hô, ngài nhắc nhở mọi người rằng: ‘Các bạn có nghĩ con lừa Chúa Giêsu cưỡi vào thành Jerusalem giữa vạn tiếng Hosanna, có nghĩ rằng tiếng tung hô đó là dành cho mình không?’ Thế đó, giáo hoàng, các giám mục, linh mục trung thành với sứ mạng của mình, nếu như nhận thức rằng mình là con lừa đó và giúp cho mọi người nhìn ra nhân vật chính đích thực là ai, phải luôn luôn ý thức việc hôm nay mình có thể được đón chào với tiếng Hosanna, và ngày mai sẽ nghe thấy dân chúng gào lên: ‘đóng đinh nó!’
Về tình trạng với Trung Quốc, Đức Phanxicô cho biết: ‘Trung Quốc ở trong trái tim tôi. Ở đây này (Ngài chỉ vào lồng ngực mình) Luôn luôn.’
Trả lời câu hỏi liệu ngài có thấy bồn chồn muốn ăn mặc như một linh mục bình thường, đi rong ruổi để ăn một miếng pizza, hay không, Đức Phanxicô trả lời: ‘Tôi chưa hoàn toàn bỏ bộ áo chùng thâm của mình dưới bộ áo chùng trắng này. Tất nhiên là tôi muốn đi rong ruổi, thăm thú các đường phố Roma, một thành phố thật đẹp. Tôi luôn luôn là một linh mục đường phố. Những cuộc gặp gỡ và lời dạy quan trọng nhất của Chúa Giêsu là trên đường phố. Tất nhiên, tôi quá thích được ra ngoài và ăn một bánh pizza ngon với bạn bè. Nhưng tôi biết chuyện này thật không dễ gì, thực sự thì bất khả thi trong thực tế. Một điều mà không bao giờ đủ với tôi, đó là ở với mọi người. Tôi gặp quá nhiều người, nhiều hơn ở Buenos Aires rất rất nhiều, và tôi quá vui vì điều này! Khi ôm những người tôi gặp, tôi biết là chính Chúa Giêsu đang ôm lấy tôi trong vòng tay Ngài.’
Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích lý do vì sao ngài sẽ phong thánh cho cha và mẹ của thánh Teresa Hài Đồng Giêsu. ‘Loius và Zelie Martin, cha mẹ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, là một cặp vợ chồng phúc âm hóa, những người làm chứng về vẻ đẹp đức tin vào Chúa Kitô trong suốt cuộc sống của mình. Ở trong nhà và ngoài xã hội. Vợ chồng Martin nổi tiếng vì lòng hiếu khách, họ luôn luôn mở cửa nhà và cửa lòng cho mọi người, bất chấp nguyên tắc cư xử trưởng giả thời đó vốn thường lấy sự lịch thiệp để làm cớ khinh miệt người nghèo. Cả hai người, cùng với 5 người con gái, đã tận hiến, thời gian, sinh lực, và tiền bạc để giúp những ai cần kíp. Họ là những mẫu gương cụ thể của sự thánh thiện và đời sống vợ chồng.’
Đức Phanxicô cũng nói về lòng sùng kính với thánh Têrêsa: ‘Thánh Têrêsa là một trong những vị thánh nói nhiều nhất về ơn Chúa, về cách Chúa chăm sóc chúng ta, nắm tay chúng ta và cho chúng ta leo lên ngọn núi sự sống, chỉ cần chúng ta trao trọn cho ngài, để mình được Ngài đưa đi. Thánh Têrêsa Nhỏ, trong cuộc đời mình, hiểu rằng chính tình yêu, tình yêu hòa giải của Chúa Giêsu, đã thúc đẩy Giáo hội. Đây là những gì thánh Teresa Hài Đồng Giêsu dạy cho tôi. Tôi cũng thích những lời của chị thánh về ‘thói tò mò tọc mạch’ và đàm tiếu. Thánh nhân đơn giản để bàn tay Chúa nâng đỡ và đưa đi. Vậy nên, tôi thường xin thánh lo giúp các vấn đề, các câu hỏi mà tôi không đoán được kết quả, các hành trình tôi phải đi. Và tôi xin là, nếu thánh nhân đồng ý gánh đỡ giúp tôi việc này, xin hãy gởi cho tôi một bông hồng làm dấu chỉ. Và tôi thường được nhận hoa hồng đó …’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch