Sự sa ngã của một linh mục

4870

padreblog.fr, Roland-Gosselin, 2015-10-03

Sự sa ngã của một linh mục

Krzysztof Charamsa. Đó là tên của linh mục Ba Lan, 43 tuổi, làm việc tại Bộ Giáo lý Đức tin, sáng thứ bảy 3 tháng 10 đã thú nhận mình là người đồng tính. Báo chí chú ý đến loại tin này vì nó dồn dập và thổi phồng. Đối với họ, đây là chuyện vui: cuối cùng thì cũng có một linh mục thú nhận mình đồng tính, thêm nữa ông lại có người tình, ông còn tiết lộ có nhiều linh mục như vậy nhưng họ không dám thú nhận. Cú gây sóng gió truyền thông tuyệt hảo. Một thần học gia, lại làm ở Bộ Giáo lý Đức tin (ngày xưa là Tòa Thẩm tra!) thú nhận mình là người đồng tính ngay trước ngày mở Thượng Hội đồng Gia đình!

Linh mục này, tôi biết ông: ông là giáo sư của tôi ở Đại học  Grégoria. Ông giúp các sinh viên trong một nhóm nhỏ, giúp họ làm tổng hợp tín lý trong những năm học giáo luật. Tôi giữ kỷ niệm đẹp về sự giảng dạy của ông: dĩ nhiên tôi không đặt lại vấn đề này. Tuy nhiên sự khiêu khích này lại đặt ra nhiều vấn đề.

Vào trước buổi họp Thượng Hội đồng Gia đình

Vấn đề đầu tiên, đây là trường hợp cá nhân của linh mục này. Dù ông đồng tính, dù ông nhận biết điều này, thì trước hết đây không phải là chuyện phải đặt thành vấn đề. Tuy nhiên, ông thú nhận ông sống như một cặp và không giữ đức khiết tịnh, ông không trung tín với lời khấn khiết tịnh ngày ông chịu chức, đây là điểm đau đớn nhiều hơn cả. Thêm nữa, ông lại cho phép mình vào trong cơn bão truyền thông để thành đề tài cho báo chí ngay ngày hôm trước ngày khai mạc Thượng Hội đồng Gia đình, đây là một chuyện rất nặng. Vatican có lý khi tỏ ra bất bình và ngưng chức ông.

Âm mưu lố bịch và vụng về để biện minh của linh mục này thật bỉ ổi. Nói rằng hàng giáo sĩ nhiều người đồng tính và bị chứng hoảng sợ người, đưa ra hình ảnh anh em mình như những người bị bầm giập, bị hụt hẫng vì một luật bị cho là bất công của Giáo hội là sai, là hoàn toàn bất công. Đây là một tai tiếng trầm trọng mà chúng ta không được để mình rơi vào.

Chúng ta không xét đoán tâm hồn linh mục này. Chúng ta tất cả là những người khốn khổ phạm tội. Chúng ta hiểu sự ra đi của linh mục này, cha không thể giữ cam kết của mình – cha có thể ra đi khiêm tốn, âm thầm, không ai lên án – nhưng chúng ta đòi hỏi vị linh mục ấy không được gây bê bối cho những người đặt lòng tin vào các linh mục, không được dìm chức thánh mà cha đã nhận và chúng ta đồng ý, không phát tán nọc độc của nghi ngờ, của ngờ vực lan ra trên tất cả anh em mình. Khi sa ngã thì phải khiêm tốn ra đi trong thinh lặng và xin ơn tha thứ. Không được lật đổ các vai trò khi lên án Giáo hội! Hình dung xem một người đàn ông lừa vợ mình, và thay vì xin lỗi cho sự lừa dối này thì lại biện minh cho tội ngoại tình của mình bằng cách đổ tội cho vợ!

Linh mục ở Vatican

Nói rộng ra ngoài trường hợp đặc biệt của linh mục này, đó là vấn đề tháp tùng các linh mục ở Giáo triều La Mã. Vatican, và Giáo hội nói chung, có một phần trách nhiệm trong cách mà các giám chức của Giáo triều sống. Các linh mục này không có mục vụ đặc biệt cho họ, họ không theo một nề nếp phụng vụ nên họ thường sống cô lập. Giáo hội phải giúp họ sống trong trong các cộng đoàn để họ đích thực sống sứ vụ của mình trong chiều kích giáo sĩ. Nếu những linh mục này chỉ là các nhân viên trong ban điều hành thì chức thánh của họ không thể phát triển, không giúp họ phát triển thành những con người hoàn tựu. Tham vọng, thích tiền, các hiểm nguy của tình trạng độc thân sẽ lan rộng ra một cách dễ dàng nơi những người yếu nhất, họ không có được sự hỗ trợ mục vụ mà chức thánh của họ cần phải có. Nhiều linh mục ở trong giáo phận của mình cũng ở trong tình trạng này.

Cũng may là tất cả các linh mục làm việc ở Giáo triều không sống như vậy và cũng không rơi vào những lỗi lầm này! Các vị thánh của Giáo triều (vì cũng có thánh ở Giáo triều!), họ là những người làm việc kiên nhẫn, thận trọng, tất cả đều có một sứ vụ bổ túc, giúp họ mở rộng chức thánh của mình.

Đức ái trong sự thật

Có cần nhắc lại giáo điều sẽ không thay đổi gì trong lãnh vực này không? Người ta thường hay trích câu nói của Đức Phanxicô khi hỏi ngài nghĩ gì về một người đồng tính đi tìm Chúa: “Tôi là ai mà phán xét họ?”. Người ta nhắc lại, trong một buổi tiếp kiến riêng, ngài đã tiếp người bạn đồng tính Argentina của ngài, ông này đi với người tình của mình, vv… nhưng Giáo hoàng của chúng ta chỉ thực hiện đức ái trong khi đón tiếp tất cả những ai đến gặp ngài. Nơi mỗi người này, tín hữu Kitô phải tìm dấu chỉ tình thương của Chúa và thấy cách Chúa đã có giao ước với từng người trong chúng ta dù chúng ta như thế nào. Đó là điều linh mục chúng ta làm khi chúng ta tiếp nhận và tháp tùng những người đồng tính; và rất đông chúng ta đã phục vụ những người này mà không làm ầm ĩ… Tuy nhiên, nguyên tắc này của đức ái không đồng nghĩa là thuận với lối sống này. Tiếp xúc một cách cá nhân với một người không phải là tạo ra một cách ứng xử mẫu. Yêu thương không điều kiện, không phán xét, không lên án những người này không có nghĩa là hợp pháp hóa các hành vi của họ! Cũng may là chúng ta không bao giờ xét người qua hành vi của họ! Điều này đúng cho mỗi người chúng ta, dù cho hành vi của chúng ta như thế nào! Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu làm gương cho chúng ta, Ngài tiếp nhận không điều kiện dù họ là người như thế nào và Ngài có cùng đòi hỏi như thế với tất cả mỗi người. Đức ái và sự thật không tách rời nhau.

Chúng ta cầu nguyện cho các ký giả và cấp cao của họ. Để họ được trung thực, để họ không làm khí cụ cho tất cả các toan tính truyền thông thật hiển nhiên này! Trong thời gian tổ chức Thượng Hội đồng Gia đình, chúng ta tín thác Giáo hoàng của chúng ta, các giám mục của chúng ta cho Chúa. Cầu xin Thượng Hội đồng này là nơi của sự giải thoát thần thánh chứ không phải là nơi giam hãm ý thức hệ. Chỉ có Sự thật mới giải thoát.

Cuối cùng là chúng ta phải cầu nguyện cho vị linh mục này. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải cầu nguyện cho tất cả các linh mục. Các linh mục hạnh phúc cũng như các linh mục đau khổ. Những ai bị sa ngã cũng như những người đứng vững. Những người làm tổn thương chúng ta cũng như những người nâng đỡ chúng ta. Để tất cả có một ngày tự nguyện nói  ”vâng” để phục vụ…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Tác giả: Linh mục Roland-Gosselin: Linh mục địa phận Versailles, 30 tuổi, thụ phong linh mục năm 2013.