Sau khi đi qua Công viên Trung tâm Manhattan, và chào hàng ngàn người đang đổ xô đến để gặp ngài trên đường, Đức Thánh Cha đến sân vận động với sức chứa 20.000 người. Đến nơi hơi sớm so với lịch trình, nên ngài dành một khoảng thời gian chào hỏi các tín hữu ở Madison Square, đặc biệt là các trẻ em bị bệnh. Chiếc xe điện chở ngài đi quanh sân vận động hai vòng.
Đức Phanxicô mở đầu thánh lễ với lời nguyện bằng tiếng Anh, nhưng lại giảng bằng tiếng Tây Ban Nha mẹ đẻ của ngài.
‘Chúng ta đang ở Madison Square, một nơi gần như là chính thành phố này. Đây là nơi của các sự kiện thể thao, nghệ thuật và âm nhạc quan trọng, thu hút nhiều người không chỉ trong thành phố này mà thôi, nhưng là từ khắp thế giới. Ở nơi này, vốn thể hiện các hứng thú vừa sự đa dạng vừa chung nhất của nhiều người khác nhau, chúng ta đã nghe được những lời này: ‘Dân đang bước đi trong bóng tối, thấy một ánh sáng chói lòa.’ Dân đang bước đi, bị kẹt trong các hoạt động và lệ thường của mình, chao đảo giữa thành công và thất bại, giằng xé giữa những lo lắng và kỳ vọng, đã thấy một ánh sáng chói lòa. Dân đang bước đi, với tất cả niềm vui và hi vọng, với thất vọng và hối tiếc, đã thấy một ánh sáng chói lòa. Trong những thành phố lớn ngày nay, cùng với ngôn sứ Isaiah, chúng ta có thể nói rằng. Dân bước đi, hít thở và sống giữa màn sương mờ, đã thấy một ánh sáng chói lòa, đã cảm được một làn hơi tươi mát. (đám đông vỗ tay vang dậy cả sân vận động)
Sống trong một thành phố lớn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một bối cảnh đa văn hóa cho chúng ta nhiều thách thức phức tạp. Nhưng các thành phố lớn là lời nhắc nhở về những giàu có ẩn tàng của thế giới chúng ta, trong sự đa dạng văn hóa, truyền thống, và kinh nghiệm lịch sử. Và còn trong sự đa dạng ngôn ngữ, trang phục và món ăn.
Các thành phố lớn đưa lại chung với nhau mọi cách thức khác biệt mà con người đã khám phá để thể hiện ý nghĩa cuộc sống, dù cho chúng ta có là đi chăng nữa. Nhưng các thành phố lớn cũng giấu đi gương mặt của những con người có vẻ không thuộc về nơi này, hay những công dân hạng hai. Trong các thành phố lớn, phía dưới tiếng ồn ào của xe cộ, phía dưới nhịp độ thay đổi chóng mặt, quá nhiều khuôn mặt đã vụt qua mà không ai để ý, bởi cho rằng họ không có ‘quyền’ để ở đây, không có quyền để làm một phần của thành phố này. Họ là khách ngoại kiều, là trẻ con không được đến trường, là những người không có được bảo hiểm y tế, người vô gia cư, những người già bị lãng quên. Những người này đứng nơi lề đại lộ, trên những con đường, với sự vô danh khủng khiếp. Họ trở thành một phần của phối cảnh thành thị vốn ngày càng chiếm lấy đôi mắt và đặc biệt là lòng chúng ta.
Biết rằng Chúa Giêsu vẫn đang đi trên những con đường của chúng ta, biết rằng ngài là một phần của cuộc sống những người dân Ngài, biết rằng Ngài dự phần với chúng ta trong lịch sử cứu độ bao la, biết được như thế sẽ đổ đầy chúng ta hi vọng. Một hi vọng giải phóng chúng ta khỏi các thế lực đẩy chúng ta vào cô lập và thiếu bận tâm cho cuộc sống người khác, cho đời sống thành phố chúng ta. Một hi vọng giải thoát chúng ta khỏi các mối liên kết trống rỗng, khỏi các phân tích trừu tượng, hay các lề thói duy cảm. Một hi vọng không sợ hãi gắn kết, hành động như men muối ở bất kỳ nơi đâu chúng ta sinh sống và làm việc. Một hi vọng cho chúng ta thấy, ngay cả trong màn sương mờ, sự hiện diện của Thiên Chúa khi Ngài bước đi trên các ngả đường thành phố chúng ta.
Ánh sáng đang xuyên qua những con đường thành thị của chúng ta như thế nào? Làm sao để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng sống với chúng ta giữa màn sương mờ thành thị?’ Làm sao chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, đang sống và làm việc trong cuộc sống thường nhật của thành phố đa văn hóa của chúng ta?
Và câu trả lời cho câu hỏi này, đến từ ngôn sứ Isaiah, khi ngài xác định Chúa Giêsu là ‘Cố vấn tuyệt vời, Thiên Chúa Toàn năng, Cha muôn đời bất diệt, Hoàng tử Hòa bình.’ Cố vấn tuyệt vời chính là khi Chúa Giêsu thúc giục các môn đệ hãy đi ra và gặp người khác như chính bản thân họ, chứ không phải như những gì chúng ta muốn họ nên như thế. Thiên Chúa Toàn năng là Đấng dự phần trong đời sống chúng ta, trong nhà chúng ta, giữa màn sương mờ của ‘chai lọ lỉnh kỉnh ngổn ngang’ của chúng ta, theo lời mà thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu thích nói. Và Cha muôn đời bất diệt là Cha đầy lòng thương xót, đích thân đi ra, cả buổi sáng cũng như bữa tối để xem đứa con đi hoang có trở về không, để ngay khi thấy thì chạy đến vào ôm lấy nó. (đám đông vỗ tay) và Hoàng tử Hòa bình là Thiên Chúa đi cùng chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự vô danh, khỏi cuộc sống trống rỗng và ích kỷ, và đưa chúng ta đến trường học gặp gỡ, cho chúng ta thoát khỏi những náo động cạnh tranh và tự kỷ và thường mở ra cho chúng ta con đường hòa bình.
Thiên Chúa sống trong các thành phố của chúng ta. Giáo hội đang sống trong các thành phố của chúng ta, và Giáo hội muốn như men trong bột. Mẹ Giáo hội muốn gắn bó với tất cả mọi người, đứng về phía tất cả mọi người, và chính chúng ta là chứng nhân cho điều này.’
Và cả sân vận động, tất cả mọi khán đài, mọi người, giáo dân, giám mục, đều nhất loạt đứng bật dậy, vỗ tay vang dậy và rât dài. Vỗ tay giữa buổi lễ thật là Mỹ, nhưng nó là tình cảm của người dân New York, là sự xúc động trước những lời rất thật, khơi dậy sức sống cho con người thành thị ngày nay.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch