Ngày xưa ở Paray-le-Monial có một đức tin

380

aleteia.org, Fanny Magdelaine, 2015-08 -21

Paray-le-MonialMùa hè năm nay có hơn 30 0001 người đến Paray-le-Monial, Bourgogne, Pháp. Linh mục Bernard Peyrous, cha xứ của đền thờ từ năm 2009 đến năm 2014 nói về lịch sử 40 năm sinh hoạt của Cộng đồng Emmanuel.

Trở lại nguồn gốc các khóa ở Paray-le-Monial…

Các khóa bắt đầu vì nhà sáng lập Cộng đồng Emmanuel là ông Pierre Goursat rất sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, một lòng sùng kính không được người Pháp và Phương Tây thời đó sùng kính. Tiến trình phong thánh cho ông Pierre Goursat (1914-1991) đang được tiến hành. Năm 1972, Phong trào Canh tân đặc sủng đến đất Pháp và Paris, ông Pierre Goursat là người trở lại, ông đứng ra lập nhóm cầu nguyện: năm đầu nhóm chỉ có 5 người, năm sau con số này lên 500! Chung quanh ông Pierre Goursat và bà Martine Catta là một nhóm người Công giáo theo Canh tân đặc sủng được tổ chức ở Vézelay năm 1974. Năm sau, ông Pierre quyết định lấy Thánh Tâm Chúa Giêsu làm trọng tâm và thành lập phong trào ở Paray-le-Monial, lúc đó chủ đề “Thánh Tâm Chúa Giêsu” không có vẻ gì là hợp thời. Hơn 400 người đến Paray với Cộng đồng Emmanuel, Cộng đồng Bảy Mối Phúc Thật và Cộng đồng Con Đường Mới, và thật sự là đã có một cái gì xảy ra! Như thử có một “đời sống mới” ở Paray-le-Monial từ năm đó… Cũng năm đó, một chủng viện được xây tại đây và Giám mục Gaidon là Giám mục phụ tá giáo phận Autun đến đây, ngài đón nhận Phong trào Canh tân đặc sủng.

Theo cha, các khóa này có gì là sáng tạo, là có tính ngôn sứ?

Điều mang tính ngôn sứ thì rất đơn giản, đó là sự sống! Thật khó để nói như thế vào năm 2015, nhưng ở giai đoạn đó, người ta không còn tin ở tương lai của đạo công giáo… Năm 1975 tất cả đều đóng cửa, các cộng đoàn tu biến mất một cách nhanh chóng, ơn gọi cũng giảm một cách chóng mặt… và giữa môi trường này, việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu thì thật lạc lõng. Bối cảnh chung của đạo công giáo là bối cảnh tan hàng. Có một hy vọng lớn của Công Đồng nhưng sau đó là cơn khủng hoảng.

Xin cha cho biết một kỷ niệm riêng tư đẹp về các khóa?

Năm 1982 tôi gặp Cộng đồng Emmanuel ở Paray-le-Monial, lúc đó tôi chưa vào chủng viện. Khi đó tôi 34 tuổi và là giáo sư môn sử. Tôi chưa biết gì về Phong trào Canh tân đặc sủng, tôi cũng không mặn nồng gì lắm với phong trào này. Các bạn mời tôi đến Paray-le-Monial một tuần. Tôi thấy bầu khí ở đây vui vẻ, thoải mái, quá thoải mái là đàng khác! Đối với tôi bầu khí này quá lạ và tôi không biết mình sẽ ở lại đây được mấy ngày, trong vali tôi còn mang theo một quyển sách phê bình về phong trào Canh tân đặc sủng! Và tôi đã trải qua một buổi xưng tội với một linh mục không ở trong phong trào. Lúc đó tôi khám phá ra thế nào là tính ngôn sứ: một lời của Chúa qua miệng của người phàm, lời này mang hiệu quả loan báo và làm thay đổi cuộc sống. Không nhận ra điều này, lúc đó có một cái gì làm thay đổi đời tôi dù tôi đã có đạo, tôi sẽ vào chủng viện mùa thu năm đó. Và cuối tuần, sau khi đã nhận định, tôi thấy phong trào này thật sự nghiêm túc, một cây xấu không thể cho quả tốt như vậy! Và tôi đi vào trọng tâm đời sống Canh tân đặc sủng.

Theo cha, đâu là hoa trái của Canh tân đặc sủng?

Là linh mục và là sử gia, tôi có thể chứng nhận Paray-le-Monial là một trong những yếu tố đã thay đổi một cái gì đó cho Giáo hội Pháp, điều này không thể chối được. Ngày nay, chúng ta thấy đâu đâu trên nước Pháp cũng có những người đã đến Paray-le-Monial. Paray, các tổ chức bác ái, các cộng đoàn mới, Lộ Đức… nằm trong các yếu tố sống động, các nguồn sức mới của Giáo hội Công giáo Pháp, nhất là cho các người trẻ. Sự trao truyền theo cách cũ đã tiến hành không tốt, và nếu ngày nay Giáo hội Pháp được sinh động là nhờ những sự kiện như sự kiện Paray đã can thiệp vào. Chúng ta có thể thấy khía cạnh này ở các bài hát…  Các bài hát ở Paray là các bài hát của Cộng đồng Emmanuel, những bài hát này được nổi tiếng và được hát khắp thế giới. Paray-le-Monial đã ảnh hưởng phần nào trên ơn gọi của các linh mục và các người tận hiến ở Pháp. Đó luôn là nơi sống, nơi sinh ra, nơi sản xuất, nơi phụng vụ – như Công đồng Vatican II -, nhất là đối với người trẻ (các diễn đàn trẻ…)

Đâu là thông điệp của Paray năm 1975 và bây giờ?

Thông điệp của Paray năm 1975 là: “Thiên Chúa yêu thương bạn, Chúa hiện diện trong thế giới và trong đời sống của bạn!” Thông điệp đơn giản, có một cuộc sống với Chúa và bạn có thể sống với Chúa; một thông điệp đẹp và vui! Paray là nơi của sự sống. Có nhiều người sống đạo ở những nơi cô lập, những ai đến Paray họ đến cả năm! Có sự hiện diện của Chúa, có niềm vui từ Chúa là tình yêu tuôn ra, và đó là thông điệp của Công đồng Vatican II. Đó cũng là thông điệp của Thánh Tâm Chúa Giêsu được Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu lặp lại. Thông điệp thì chỉ có một, thông điệp Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện ra cho Thánh Marguerite Marie ở Paray năm 1675: “Đây là quả tim đã yêu mến loài người biết bao!” Từ 40 năm nay, thông điệp này không thay đổi.

Xin cha cho biết thành phần đến Paray-le-Monial là thành phần nào?

Có đến 36 thành phần ở Paray-le-Monial! Dù đa số là người Pháp nhưng cũng có những người ngoại quốc: mỗi khóa có đến 30 quốc tịch khác nhau. Đa số là người trẻ, phần lớn là người công giáo, một môi trường rất quen thuộc với gia đình đủ kiểu, công giáo, truyền thống, cả những người theo đạo xưa, những người trở lại, có rất nhiều người trở lại ở Paray -, những người xa quỹ đạo công giáo cổ truyền, có người do bạn bè hay gia đình đưa đến…

Một lời về lòng thương xót với năm thánh mà Đức Giáo hoàng sắp mở ra vào tháng 12 này.

Paray là một trong những nơi của lòng thương xót của Giáo hội như Lộ Đức, La Salette, Rôma… Trước hết là nơi tiếp đón. Lòng thương xót bắt đầu bằng tiếp đón những người đến đây. Ở đây mọi người đến tùy ý, chúng tôi không đòi hỏi họ phải theo khuôn khổ nào. Chúng tôi nói với họ một con đường huynh đệ mới, rất đơn giản, giáo huấn của Giáo hội và các phép bí tích, rất cổ điển nhưng tất cả trải qua trong bầu khí đón nhận và vui vẻ. Và một trong những điểm mạnh ở Paray cũng như ở Lộ Đức là xưng tội. Các linh mục giải tội không ngừng và những nhóm nhỏ chia sẻ rất thân tình, trong tình anh em, mọi người cầu nguyện cho nhau. Dù người nào không quen một ai ở Paray, không có đạo, họ cũng cảm thấy thoải mái và cảm thấy mình được đón tiếp niềm nở. Bầu khí chung là bầu khí tiếp đón ân cần và trắc ẩn, theo nghĩa đẹp của từ này. Điều này giải thích vì sao có nhiều người trở lại, giữ đạo lại và tìm lại con đường của Giáo hội, đó là chuyện hợp lý thôi!

Trong 10 năm nữa Paray-le-Monial sẽ như thế nào?

Sẽ như thế với nhiều người hơn, theo tiến triển của thế giới… Hàng năm số người đến đây càng gia tăng thì không có lý do gì để giảm!

Marta An Nguyễn chuyển dịch

chú thích 1: 26 000 người hành hương ghi tên khóa hè năm 2015 nhưng có rất nhiều người Paray một, hai ngày mà không ghi tên.