Chương 2 – Một thần học cho một giáo hoàng

787

Chương 2

Một thần học cho một giáo hoàng

Trích sách Giáo Hoàng Của Dân Tộc, tác giả: Juan Carlos Scannone, chuyển dịch: Nguyễn Tùng Lâm

Giáo hoàng của Quần chúng

Xuất thân từ những người di dân Ý của tỉnh Piémont, về mặt văn hóa Jorge Mario Bergoglio là con ruột của Argentina, xứ sở nơi ngài sinh ra, ngài gắn kết với thủ đô Buenos Aires, thành phố ngài lớn lên. Vào thời gian ngài còn làm tổng giám mục ở đây, cha Jorge thích đi bộ, thích dùng phương tiện di chuyển công cộng. Ngài đi bộ ngược xuôi ở thành phố khổng lồ này, mang trong người bầu nhiệt huyết sáng tạo của Công đồng Vatican II, một trào lưu thần học riêng của Argentina trổi lên vào cuối những năm 60: thần học dân tộc. “Trường phái Buenos Aires” này ở trong trào lưu lớn của thần học giải phóng, khởi đầu do linh mục người Péru Gustavo Gutierrez, người quan tâm đến người nghèo và những người bị xã hội bỏ rơi. Trong bầu khí sôi nổi đánh dấu các xã hội và Giáo hội Công giáo, châu Mỹ La Tinh được giải phóng khỏi Âu châu về mặt thần học. Nổi bật vì sự khác biệt giữa các thành phần trong xã hội và sự khốn cùng về mặt vật chất, trên thực tế, châu lục này đã nhận định được luật tối thượng của Phúc Âm là chọn lựa ưu tiên lo cho người nghèo.

Điều sai lầm theo nhà triết học và thần học Juan Carlos Scannone là một vài người đã muốn chống đối thần học giải phóng và thần học dân tộc, xếp thần học này theo bên tả, thần học kia theo bên hữu. Giáo hoàng của dân tộc và giáo hoàng bình dân Phanxicô đến từ bán cầu phía Nam, chắc chắn ngài tự cho mình là người ở trong dòng lịch sử của thần học châu Mỹ La Tinh. Tư tưởng của ngài thấm nhuần thần học dân tộc của hai nhà thần học Buenos Aires, Lucio Gera và Rafael Tello. Bergoglio ngưỡng phục cả hai. “Trường phái thần học” của Buenos Aires đã được khai sinh như thế nào? Đâu là các trụ chính của thần học dân tộc đã đánh dấu triều Giáo hoàng Phanxicô? Những nét tiêu biểu của thần học dân tộc Juan Carlos Scannone sẽ mang lại cho chúng ta các chìa khóa để tìm hiểu nền thần học này.

***********************************

Thần học dân tộc đã sinh ra ở Buenos Aires như thế nào?

Công đồng Vatican II đã có một tầm quan trọng đáng kể ở Giáo hội Công giáo châu Mỹ La Tinh và đặc biệt ở Argentina. Dĩ nhiên điều này ảnh hưởng lớn trên Bergoglio. Ngài thuộc thế hệ đã biết Giáo hội Công giáo trước Công đồng Vatican II và đã sống qua thời Công đồng. Ngay cả trước khi Công đồng nhóm họp, qua phong trào canh tân Thánh Kinh và phụng vụ và với các nhà thần học như Karl Rahner, thì đã có một bầu khí thuận lợi cho thay đổi trong Giáo hội Công giáo. Vào cuối Công đồng Vatican II, khi các giám mục Argentina từ Rôma về, họ muốn thực hiện công việc của Công đồng. Năm 1966, họ thành lập nhóm Hội đồng Giám mục Mục vụ, nhóm COEPAL.

Trong đường hướng Công đồng, điều này gợi lên một đường lối mục vụ chung cho Argentina. Thần học dân tộc sinh ra từ hội đồng này. Hội đồng COEPAL hoạt động cho đến đầu năm 1973. Lúc đó các giám mục mới ngừng hiện diện nhưng nhóm vẫn tiếp tục họp, cùng suy nghĩ và đưa ra những công bố chung.

Ai ở trong hội đồng này?

Đó là một nhóm gồm các giám mục, các nhà thần học, các nam nữ tu sĩ. Trong số các giám mục có giám mục Enrique Angelelli, người mà năm 1976 đã bị quân đội ám sát chết. Giáo sư thần học của phân khoa thần học địa phận Buenos Aires, cha Lucio Gera là lãnh đạo của các nhà thần học. Cha theo học thần học ở Âu châu, Angelicum, Rôma và sau đó lấy bằng tiến sĩ ở Bonn. Rafael Tello cũng là một nhà thần học khác có trong hội đồng. Cha cũng là giáo sư thần học ở phân khoa Buenos Aires. Đức Bergoglio ngưỡng mộ cả hai. Họ có ảnh hưởng trên tư tưởng và đời sống mục vụ của Đức Bergoglio. Trong số các nhân vật quan trọng của Hội đồng COEPAL còn có linh mục Justino O’Farrell. Cha là giáo sư ngành xã hội học ở Đại học quốc gia Buenos Aires. Cha đóng một vai trò thiết yếu vì cha là sợi dây nối giữa Hội đồng COEPAL, nơi thần học dân tộc khai sinh và các “ghế quốc gia của ngành xã hội học” Đại học Quốc gia ở Buenos Aires. Justino O’Farrell là một trong những nhà tư tưởng của ngành xã hội ở Argentina, nơi chủ đề dân tộc mang một tầm quan trọng.

Tại sao chủ đề dân tộc đã có một chỗ đứng quan trọng trong trào lưu thần học ở Buenos Aires, đến mức đã cho chủ đề này có một cái tên?

Chính vì lý do đó, các thành viên của Hội đồng COEPAL không muốn dùng các thể loại của khoa xã hội giải phóng cũng như khoa xã hội mác-xít mà họ tìm một cách riêng để gọi và phân loại lịch sử và văn hóa châu Mỹ La Tinh. Trong tiến trình suy tư của mình, họ tìm được thể loại dân tộc. Trong cả châu Mỹ La Tinh, có một truyền thống rất mạnh về chủ đề dân tộc, rất hiện diện, chẳng hạn trong cuộc cách mạng ở Mễ Tây Cơ. Ở Argentina, nó có từ trước thời của chủ thuyết Peron. Vào đầu thế kỷ 20, nó rất quan trọng trong trong phong trào “yrigogeniste”, một phong trào ở trong chủ thuyết cấp tiến. Còn về phần mình, đứng về mặt thần học, Công đồng Vatican II đã canh tân tầm quan trọng của chủ đề Dân Chúa.

Sự phân tích của chủ thuyết mác-xít có đặt thành vấn đề không? Có phải đó là việc đi tìm một con đường thứ ba không?

Về mặt lý thuyết thì có. Và nhất là đối với các nhà thần học… Họ muốn suy nghĩ về một tương quan giữa Dân Chúa và dân trần thế. Nhưng cùng một lúc họ chống chủ thuyết mác-xít và chủ thuyết tự do. Để tránh một cách khái quát hóa theo kiểu tự do hay kiểu mác-xít, giải pháp là phải cậy đến văn hóa và lịch sử Argentina, và của cả châu Mỹ La Tinh, vì thế chủ đề dân tộc đã có mặt.

Khái niệm “dân tộc” này là thế nào?

Đó là một khái niệm mà thực tế bị cho là tối nghĩa. Tiên khởi đó không phải như khái niệm giai cấp hay đấu tranh giai cấp. Nó tùy thuộc vào các hoàn cảnh lịch sử. Gera ưu tiên cho khái niệm dân tộc hơn là khái niệm văn hóa. Theo quan điểm của cha, dân tộc là một tác nhân lịch sử và chủ thể của văn hóa. Cha công bố một tài liệu rất hay về điểm này và được dịch ra tiếng Ý. Trong ấn bản tiếng Tây Ban Nha, tựa đề “Dân tộc, tôn giáo của dân tộc và Giáo hội” (Pueblo, religión del pueblo e Iglesia). Cha đã trình bày tài liệu này trong lần họp Hội đồng Giám mục châu Mỹ La Tinh (Celam). Cha Gera định nghĩa dân tộc khởi đi từ văn hóa nhưng một văn hóa được bám rễ, có nghĩa là một văn hóa có một lịch sử chung, một lối sống chung (văn hóa), một dự án lịch sử chung.

Dân tộc không chỉ cấu thành chung quanh việc chia sẻ một văn hóa, có nghĩa là một lối sống, nhưng cùng chia sẻ một dự án chung, một dự án chính trị, một dự án có lợi ích chung. Cá nhân tôi, tôi nối kết điều này với tư tưởng của nữ triết gia Hannah Arendt. Bà nói quyền lực chính trị nảy sinh trong sự muốn và hành động chung. Dân tộc là một cộng đồng người gắn bó với nhau, có ý muốn và hành động chung cho một dự án để cùng nhau tồn tại. Mỗi người diễn giải dự án này theo cách của mình. Chẳng hạn ở Pháp, có một ý muốn chung là mọi người cùng là dân Pháp nhưng người này theo phái xã hội, người kia theo cánh hữu. Có một ý muốn chung là được cùng một dân tộc nhưng với các ý kiến khác nhau… Điều này vẫn còn để mở. Nó không được ấn định trước và vẫn còn tiếp tục xây dựng. Ngày nay, Catalogne mong muốn tách ra khỏi Tây Ban Nha. Dân tộc Catalan muốn mình có chính quyền riêng. Theo cha Gera, để là một dân tộc, người ta cần không những một lịch sử, một văn hóa chung mà còn cần một dự án chung, một ý chí cùng sống chung. Trong thần học dân tộc, dân tộc khởi đi từ khái niệm quốc gia chứ không phải tầng lớp xã hội.

Đức Phanxicô và cha Gutierrez, hôm 22-11-2014
Đức Phanxicô và cha Gutierrez, hôm 22-11-2014

Có sự khác biệt với thần học giải phóng không?

Không, chỉ khác với một vài trào lưu của thần học giải phóng. Không nên đối lập hai mạch này. Theo chính Gustavo Gutierrez, thần học dân tộc là một nhánh của thần học giải phóng. Mainstream, dòng chính của thần học giải phóng dựa trên biện chứng người bách hại và người bị bách hại. Gutierrez cho rằng dân tộc là các quốc gia, các chủng tộc, các tầng lớp bị bách hại. Thần học giải phóng chấp nhận sự việc bách hại và lệ thuộc. Và chính vì vậy mà thần học dân tộc cũng nói đến giải phóng. Nhưng suy nghĩ khái niệm dân tộc khởi đi từ quốc gia, tôi lặp lại là từ quốc gia.

Trong lần bầu chọn Đức Phanxicô, ở Âu châu người ta chống đối thần học dân tộc và thần học giải phóng. Như thế có sai lầm không?

Mới đầu, cha Lucio Gera nói rất nhiều đến giải phóng khi đưa ra công việc của phúc âm hóa và giải phóng. Ở Argentina và ở Uruguay có rất nhiều tài liệu được công bố giải thích rõ ràng thần học giải phóng, nhưng hiểu trên quan điểm của dân tộc – quốc gia và văn hóa, của chủ đề người nghèo chứ không phải dùng các khái niệm kiểu mác-xít  như đấu tranh giai cấp. Tôi nghĩ nhiều đến tạp chí Phối cảnh của đối thoại (Perspectives) của các linh mục Dòng Tên Uruguay mà sau đó bị chế độ quân đội bắt đóng cửa.

Năm 1982, tôi công bố một tài liệu trong quyển sách: Các vấn đề và phối cảnh giáo điều (Problemes et perspectives de theologie dogmatique), được một giáo sư của trường Đại học Gregoria, Rôma hiệu đính, trong đó tôi nhận diện bốn trào lưu trong thần học giải phóng. Chỉ một trong bốn trào lưu này dùng nghiên cứu mác-xít  nhưng không phê phán. Đại diện chính là linh mục thần học gia Hugo Assmann, người Ba Tây, rất cấp tiến. Trong cuộc gặp gỡ năm 1971 ở San Miguel đã có một cuộc thảo luận ở cấp rất cao để xem có thể dùng hay không dùng chủ thuyết mác-xít trong thần học1. Quyển sách Thần học giải phóng, Phối cảnh (Théologie de la libération, perspectives) của linh mục Gustavo Gutierrez và quyển sách Áp bức-Giải phóng, thách đố của Kitô hữu (Opresión-Liberación, desaflo a los cristianos) của linh mục Assmann, cả hai được xuất bản năm 1971. Năm sau, quyển sách của Gutierrez được tái bản ở Tây Ban Nha. Trước đó, một trong những bài diễn văn của cha, Tiến đến một nền thần học giải phóng (Vers une theologie de la liberation) đã được xuất bản năm 1968 ở Montevideo, Uruguay.

Cha Assmann cho rằng có thể tách triết lý mác-xít, chủ nghĩa duy vật và vô thần ra khỏi phân tích xã hội theo chủ nghĩa mác-xít. Có người đã dùng một vài khía cạnh của chủ nghĩa mác-xít  nhưng chính bản thân họ không phải là người mác-xít. Đó là trường hợp của linh mục Gustavo Gutierrez. Trong quyển sách đầu tiên, cha nói đến đấu tranh giai cấp. Sau đó, dưới áp lực của giáo quyền, cha đã sửa lại ấn bản đầu tiên, và thay thế trong ấn bản thứ sáu, khái niệm đấu tranh giai cấp thành mâu thuẫn giữa lao động-tư bản. Một trào lưu thứ ba có tinh thần thiêng liêng và Kinh Thánh hơn, đó là trào lưu mà hồng y Argentina Eduardo Pironio thuộc về2. Cuối cùng, cái mà từ đây người ta gọi là thần học dân tộc là trào lưu thứ tư. Nó được phân biệt bằng cách dùng sự phân tích dựa trên lịch sử-văn hóa.

Trong những người chống đối thần học giải phóng, thật ra có một vài người cố gắng chống thần học dân tộc và thần học giải phóng, đáng kể nhất là hồng y người Colombia López Trujillo3, nhưng cố gắng này bị thất bại. Ngược lại, Gutierrez và Gera không chống đối nhau.

Về mặt thần học, điều gì là quan trọng trong khái niệm dân tộc?

Đối với thần học dân tộc, điều quan trọng là phải hiểu Giáo hội như Dân Chúa đang đối thoại với các dân tộc ở trên trần thế và với các văn hóa của họ. Đối với chính trị thì điều quan trọng là khái niệm dân tộc-quốc gia. Các thần học gia của thần học dân tộc quan tâm đến quan hệ giữa Dân Chúa và dân của trần thế, khởi đi từ thể chế mục vụ của Công đồng Vatican II, Tông huấn Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et spes) nói đến quan hệ giữa Giáo hội và thế giới. Thần học gia người Argentina Carlos Galli thuộc về thế hệ thứ ba của thần học dân tộc, đã thực hiện một công việc về Giáo hội học rất quan trọng trên chủ đề tương quan giữa Dân Chúa và các dân tộc trên trần thế.

Các thần học gia của thần học dân tộc đã chứng nghiệm ở châu Mỹ La Tinh, chính các tầng lớp nghèo và bị áp bức của xã hội mới là tầng lớp gìn giữ văn hóa chung. Các tầng lớp được ưu đãi thì họ lại sống theo hình ảnh văn hóa đến từ Paris, New York hay Madrid.

Giáo hội được xem như Dân Chúa, có phải đây là một trong những sáng tạo của Công đồng Vatican II không?

Đã có từ Thánh Phaolô! Và đó là một truyền thống. Trong Sách Thánh có rất nhiều hình ảnh, nhiều khuôn mặt để nói lên Giáo hội. Ba biểu tượng quan trọng nhất về Giáo hội là biểu tượng Dân Chúa, nhiệm thể Chúa Kitô và phối ngẫu Chúa Kitô. Sau cuộc cải cách của Tin Lành, dưới ảnh hưởng của linh mục Dòng Tên Robert Bellarmin, Giáo hội Công giáo ưu tiên cho khái niệm Giáo hội như một xã hội trọn hảo. Nhãn quan này quy chiếu về giáo hoàng và thứ trật trong giáo hội. Sau đó người ta nghĩ nhiều hơn theo thuật ngữ Thánh Kinh. Đức Piô XII ưu tiên cho khái niệm nhiệm thể Chúa Kitô. Ở Công đồng Vatican II, người ta nói nhiều đến tầm quan trọng của chủ đề Dân Chúa nhưng không chối bỏ các khái niệm khác.

Đối với Lucio Gera, đây là canh tân lại địa vị của giáo dân. Nhưng từ khái niệm Giáo hội là Dân Chúa, cha cũng xem việc phúc âm hóa không chỉ nhắm đến các cá nhân nhưng cho cả dân tộc và nhất là cho văn hóa của các dân tộc này, qua việc phúc âm hóa của văn hóa và hội nhập văn hóa của phúc âm. Cho mãi đến bây giờ, đây vẫn là các chủ đề rất quan trọng đối với Đức Bergoglio. Năm 1985, ngài là khoa trưởng các phân khoa triết và thần học của San Miguel, và tôi đã giúp ngài tổ chức một hội nghị về chủ đề hội nhập văn hóa. Đó là lần đầu tiên châu Mỹ La Tinh tổ chức ở cấp độ đó. Có rất nhiều thần học gia trên thế giới về dự, từ Ấn Độ đến Trung quốc, Phi châu, Mỹ, các nước Âu châu và châu Mỹ La Tinh. Lúc đó châu Mỹ La Tinh chưa làm việc nhiều trên chủ đề hội nhập văn hóa. Chúng tôi là những người đầu tiên. Các đề tài của hội nghị được công bố trong số báo đôi của tạp chí Stromata. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Phanxicô, ngài cũng triển khai chủ đề hội nhập văn hóa. Và ngài cũng đã nói trong bài diễn văn khai mạc hội nghị này năm 1985.

Khái niệm dân tộc có liên hệ với chủ đề căn tính không?

Quả đúng thần học dân tộc có liên hệ với vấn đề căn tính, mặt khác nó rất quan trọng đối với châu Mỹ La Tinh. Vấn đề căn tính được đặt ra một cách khác nhau cho từng nước. Ở Pêru hay ở Bôlivia, các cộng đoàn bản xứ quan trọng vẫn tồn tại. Ở Argentina, nó lại được xây dựng trên những người di dân đông đảo đến từ Âu châu.

Nhưng điều quan trọng đối với thần học dân tộc, trước hết là phúc âm hóa của văn hóa và hội nhập văn hóa của phúc âm.

Trở lại Argentina, chiếc nôi của thần học dân tộc. Đất nước này xây dựng căn tính của mình như thế nào?

Năm 1910, ở Buenos Aires, ba phần tư dân chúng sinh ra là ở Âu châu. Lúc đó hai nhiệm kỳ tổng thống Hippolyte Yrigoyen, người thuộc đảng cấp tiến và bảo vệ cho phái bình dân chống phái ưu tuyển, thì khi đó con cái của những người di dân từ Âu châu mới ý thức mình là người Argentina4. Người ta gọi đây là phong trào theo chủ thuyết yrigogen, một loại hiện tượng văn hóa.

Sau đó, vào thời Argentina kỹ nghệ hóa, có một phát triển bình dân quan trọng ra đời. Rất nhiều lao động đến từ nội địa, miền Đông-Bắc, miền Tây-Bắc, những vùng có nhiều người lai. Người dân lai đến ở ngoại ô Buenos Aires, nhất là phía Nam. Những người dân khác gọi họ là “những người nhỏ con đầu đen” (cabecitas negras). Buenos Aires là một thành phố tứ xứ nhưng cuối cùng lại rất Âu châu. Hơn nữa những người ưu tú của thủ đô, những người “nhỏ con đầu đen” này lại giữ văn hóa bình dân và tôn giáo bình dân. Sau đó rất nhiều di dân đến từ các nước sát biên giới hay láng giềng, Paraguay, Bôlivia hay Pêru. Bây giờ trong các villas (khu phố) có rất nhiều người dân là người Pêru, Bôlivia hay Paraguay5. Các hiện tượng văn hóa và chính trị này đã làm cho người dân Argentina ý thức, nhất là người dân ở thủ đô Buenos Aires nhận ra họ có gốc rễ lai.

Chủ thuyết Péron có đóng góp vào căn tính này của Argentina không?

Cũng như chủ thuyết theo chủ thuyết Yrigogen, chủ thuyết Péron có đóng góp vào việc này. Ngày 17 tháng 10 năm 1945 là ngày sáng lập chủ thuyết Péron. Dân ngoại ô miền Nam của Buenos Aires, những người “nhỏ con đầu đen”, đổ dồn về trung tâm thành phố để đòi phóng thích Péron, ông bị giam tù trên đảo Rio de la Plata. Quân đội buộc phải phóng thích ông và ông trở lại nắm chính quyền.

Nhưng vấn đề căn tính Argentina thì có từ lâu đời hơn. Căn tính của một đất nước phải được xây dựng từ từ. Chẳng hạn có những cuộc thảo luận để quyết định xem xứ sở nên theo thể chế liên bang hay tập trung quyền, một tư tưởng của những người chủ trương tập trung thống nhất. Ở Tây Ban Nha, những người Habsbourg tôn trọng quyền địa phương của các dân tộc Catalan, Aragona… Họ du nhập khuôn mẫu này về châu Mỹ La Tinh. Hồi đó các nước chưa phải là thuộc địa mà là vương quốc. Chính những người Bourbon đã thiết lập não trạng thuộc địa. Ở Argentina, trong những năm 30 có một thế hệ các sử gia, một phong trào văn hóa đòi lại di sản Tây Ban Nha và sự lai giống, chống lại nhãn quan của những người chủ trương tập trung thống nhất, về mặt văn hóa thì hướng về nước Pháp, về mặt kinh tế thì hướng về nước Anh. Ngày nay, Argentina là một quốc gia theo thể chế liên bang, tổ chức thành nhiều vùng, với thủ đô chính tự lập là Buenos Aires, nhưng tất cả người dân đều có một tâm thức chung.

Sau nhiều năm đi học ở Âu châu, cuối năm 1967 cha về Argentina. Lúc đó bầu khí Giáo hội Công giáo ở Argentina như thế nào?

Khi tôi trở về thì chung chung đã có ba trào lưu: những người bảo thủ tiền Công đồng, những người tiến bộ theo Âu châu, họ có một cái nhìn rất phê phán đối với lòng mộ đạo bình dân và những người hậu Công đồng, họ đã bắt đầu ý thức tầm quan trọng của lòng mộ đạo bình dân như một đức tin được hội nhập văn hóa. Hội đồng COEPAL thuộc trào lưu thứ ba này. Họ nắm được tầm quan trọng của khái niệm dân tộc, không phải như một giai cấp xã hội nhưng đó là một dân tộc gìn giữ tốt nhất một nền văn hóa chung. Nhất là những người di dân từ nội địa, theo một cách nào đó, họ đã thành công khi hoán cải được Buenos Aires.

Trào lưu tiến bộ và theo Âu châu này lên án lòng mộ đạo bình dân ở điểm nào?

Họ xem đây là một loại văn hóa dân gian và có tính cách dị đoan vì suy luận theo lý lẽ, họ muốn đặt trọng tâm Chúa Kitô vào đức tin Kitô. Dưới mắt họ, lòng mộ đạo bình dân có tính cách bảo thủ. Điều lý thú là chính dân tộc Argentina đã làm cho các thừa tác viên mục vụ và các thần học gia tiến bộ. Cũng dân tộc này đã cho họ biết chính lòng mộ đạo bình dân là một đức tin đích thực. Từ Âu châu trở về, khi thấy quyết tâm và tiến trình này, tôi mới để ý đến giá trị của lòng mộ đạo bình dân.

lần hạtTheo thần học dân tộc, lòng mộ đạo bình dân là rất quan trọng, tại sao?

Thần học dân tộc nhìn lòng mộ đạo bình dân, nhất là tính cách công giáo bình dân như sự nhập thể của đức tin và phúc âm trong văn hóa. Nó không đi ngược với đức tin và tôn giáo. Ngược lại, tôn giáo, trên quan điểm của nó là sự hội nhập văn hóa vào đức tin và vào phúc âm.

Mục vụ “bình dân” được thành lập khởi đi từ suy tư về thần học dân tộc. Đâu là những mục đích này?

Một mặt là quan tâm về mặt mục vụ cho những người cần nhất, mặt khác là cổ động về mặt xã hội. Linh mục thần học gia Lucio Gera thường lặp đi lặp lại, rằng giải phóng là một phần của phúc âm hóa6 và cha đã làm một công việc rất tốt về chuyện này. Cha nói đến giải phóng ở tầm mức xã hội, kinh tế và chính trị. Theo cha, nó là một phần thiết yếu của phúc âm hóa. Trong Giáo hội Công giáo đã có một tranh luận về vấn đề giải phóng. Nó có được cấu thành, có thiết yếu hay chỉ là một phần trong phúc âm hóa không? Thượng Hội Đồng Giám mục năm 1974 đã quyết định nó thuộc một phần trong phúc âm hóa. Cha không chối cãi nó là thiết yếu và là một phần của phúc âm hóa. Trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) Đức Phaolô VI đã viết, có những liên hệ chặt chẽ giữa phúc âm hóa và giải phóng, các liên hệ về nhân chủng học, thần học và phúc âm7. Ngài không nói dứt khoát để biết xem giải phóng là thiết yếu hay chỉ là một phần hội nhập trong phúc âm hóa. Có thể là do không để ý, Đức Gioan-Phaolô II trong thông điệp đầu tiên Đấng Cứu Chuộc con người (Redemptor hominis) của mình đã kết thúc cuộc tranh luận thần học. Ngài viết rằng sự thăng tiến của con người, đấu tranh cho công chính và phát triển là thiết yếu cho việc phúc âm hóa và cho sứ vụ của Giáo hội.

Đức Phaolô VI là giáo hoàng mà Đức Phanxicô rất ngưỡng mộ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nhận biết giá trị của lòng thành kính bình dân. Bằng cách nào?

Chủ đề lòng thành kính bình dân không có trong Công đồng Vatican II. Ngược lại, nó có trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) của Đức Phaolô VI theo sau Thượng Hội Đồng năm 1974 về phúc âm hóa. Theo thần học gia Carlos Galli thì giám mục người Argentina Eduardo Pironio, thư ký rồi sau đó là chủ tịch Hội đồng Celam, đã đóng một vai trò quan trọng trên vấn đề này. Sau đó ngài được phong hồng y và trở thành chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về giáo dân. Hiện nay, án phong chân phước cho ngài đã được mở ra. Ngài đã được để ý tới trong Thượng Hội Đồng và trong việc soạn thảo hay trong việc suy tư – tôi không nhớ chính xác – cho Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi). Qua tông huấn này, chủ đề thành kính bình dân được đưa vào trong giáo huấn hoàn vũ của Giáo hội.

Chủ đề này có được nơi nào khác ngoài Argentina quan tâm đến không?

Tôi ở Rôma trước khi công bố Tông huấn của Đức Phaolô VI, tôi có tham dự cuộc họp của MIIC (Phong trào các trí thức công giáo quốc tế). Hồng y Montini, giáo hoàng Phaolô VI tương lai lúc đó là tuyên úy của phong trào này. Tôi còn nhớ, trong cuộc họp tôi có nói đến văn hóa bình dân. Buổi họp đó có nhiều nhóm thuộc các châu lục khác nhau. Trong đó có các nước Nam Âu châu, Phi châu và châu Mỹ La Tinh, các chủ đề minh triết và lòng mộ đạo bình dân xuất hiện, nhất là minh triết bình dân. Sau đó, trên chủ đề này tôi có viết một quyển sách: Phúc âm hóa, văn hóa và thần học (Evangelización, cultura y teologia)8. Trong một nền thần học “không hội nhập văn hóa”, minh triết bình dân đóng vai trò trung gian giữa tôn giáo của dân tộc và thần học không hội nhập. Trong buổi họp này, tôi đã trình bày giá trị của minh triết bình dân.

Đã có những trao đổi qua về giữa Rôma và châu Mỹ La Tinh trên vấn đề lòng thành kính bình dân. Cha có thể giải thích cho chúng tôi thêm?

Hội thảo Puebla năm 1979 đã làm việc để có thể ứng dụng Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) vào châu Mỹ La Tinh. Mười một năm trước đó, ở Medellin, đã có vấn đề làm sao áp dụng Công đồng vào đại lục châu Mỹ La Tinh, nhất là Tông huấn Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et spes). Ở Puebla, hai linh mục thần học gia Lucio Gera và Joaquin Alliende đóng một vai trò chủ chốt. Linh mục Gera là chủ biên chính tài liệu về phúc âm hóa văn hóa và linh mục Alliende thì về lòng mộ đạo bình dân. Cả hai lấy chủ đề này trong bản của Đức Phaolô VI. Chủ đề lòng thành kính bình dân đã được hồng y tương lai Pironio đem về Rôma. Đó là bạn thân tín của linh mục Lucio Gera. Sau đó, chủ đề này đi về lại châu Mỹ La Tinh qua Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi). Chủ đề này lại được linh mục Lucio Gera làm việc qua suy tư về phúc âm hóa văn hóa và linh mục Joaquin Alliende triển khai về thần học dân tộc. Linh mục Alliende nói về trường phái Argentina của mục vụ bình dân. Và bây giờ, tất cả các chuyện này được Đức Phanxicô dùng lại ở Rôma. Ở buổi hội thảo Aparecida, Bergoglio đã góp phần rất lớn trong việc biên tập tài liệu cuối cùng.

Đại hội Aparecida năm 2007 mang lại gì?

Không những Đại hội mang lại lòng mộ đạo và thành kính bình dân nhưng còn mang lại một linh đạo và một thần nghiệm bình dân. Năm 2007, tài liệu Aparecida trong đó Đức Bergoglio đóng vai trò thiết yếu, đã công nhận một cách rõ ràng sự hiện hữu của linh đạo bình dân này. Giáo hội châu Mỹ La Tinh nhận biết có một linh đạo và một thần nghiệm bình dân. Ở Puebla, người ta nói lòng mộ đạo bình dân, chủ thuyết công giáo bình dân, tôn giáo của dân tộc. Linh mục Gustavo Gutierrez luôn quan tâm đến linh đạo bình dân. Cha đã viết một quyển sách rất quan trọng: Uống từ chính cái giếng của mình; trong tiến trình thiêng liêng của một dân tộc” (Beber en su propio pozo, en el itinerario espiritual de un pueblon)9. Năm 1972, tôi đã nghe cha trình bày trong một buổi giới thiệu thần học giải phóng ở Escorial, gần Madrid, dưới chân mồ của vua Philippe II, Tây Ban Nha. Tôi được mời để trình bày quan điểm của thần học dân tộc vì cha Gera bị đau.

Khi nói đến linh đạo bình dân, người ta nhìn nhận có những người có mức độ nhạy cảm rất sâu đậm có thể so sánh với Thánh Têrêxa Avila hay Thánh Gioan Thánh giá. Nhưng không phải đó chỉ là những người có thị kiến thần nghiệm. Tôi đã viết một bài về chủ đề này10. Cũng có một chủ đề cộng đoàn linh đạo và thần nghiệm bình dân. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, theo chú giải của tôi, Đức giáo hoàng có nói đến chủ đề cộng đoàn của linh đạo bình dân.

Đức giáo hoàng cũng triển khai khái niệm dân tộc. Để nêu lên các dân tộc trên trần thế cũng như Dân Chúa, ngài không lấy hình ảnh truyền thống của hình cầu. Ngài thay thế bằng hình đa diện nhưng kết hợp, kết hợp không theo kiểu đồng dạng. Hình đa diện tôn trọng những khác biệt và ngay cả các xung đột. Để vượt lên trên các xung đột, điều cần thiết là phải tôn trọng phần sự thật mà mỗi bên nắm giữ. Sự thấu hiểu khái niệm dân tộc, khởi đi từ hình ảnh của khối đa diện là rất quan trọng, không những chỉ cho các dân tộc trên trần thế mà cho cả Dân Chúa. Điều này muốn nói các khác biệt về mặt văn hóa, thiêng liêng và thần học có tầm quan trọng của nó. Mỗi người là quan trọng vì mỗi người là khác nhau. Đó không phải là khuynh hướng mị dân của dân tộc.

Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Phanxicô có phải là một bản văn khởi hứng theo thần học dân tộc không?

Theo tôi thì có11.

Về mặt thần học, Đức Bergoglio ở trong đường hướng nào?

Một cách không chối cãi, Đức Bergoglio ở trong đường hướng thần học của Medellin, của Puebla, của Santo Domingo, của Aparecida với chọn lựa ưu tiên cho người nghèo…

Nhìn từ Âu châu, tầm quan trọng mà thần học dân tộc dành cho lòng thành kính bình dân có thể bị cho là theo chủ nghĩa quá khứ và bảo thủ. Cha nghĩ sao?

Đây là tôn giáo của người nghèo! Và Âu châu giàu có không coi trọng người nghèo! Điều mà Âu châu thiếu là chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, cho những nạn nhân của lịch sử. Và đó là Phúc Âm. Chúa Giêsu xuống thế cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi, người nghèo, người bệnh, các nạn nhân. Đó là những người được Nước Trời yêu mến. Và đó là những gì Âu châu thiếu. Và chính vì vậy người ta mới không mến chuộng tôn giáo bình dân và không thấy được chiều sâu của nó.

Đức Bergoglio nói rằng, muốn nhìn tổng thể phải nhìn khởi đi từ ngoại vi. Là giáo hoàng, việc đầu tiên ngài làm là đến Lampedusa. Ở Âu châu, những người ở bên ngoài cộng đoàn và những người Hồi giáo có một cuộc sống rất khó khăn. Về mặt trí thức, Âu châu đi qua “đêm đen tối”. Theo tôi nghĩ, chủ nghĩa thế tục là “đêm đen tối” của văn hóa Âu châu! Nhưng những người nghèo, về phần họ, họ cũng trải qua “đêm đen tối”… trong thịt da họ! Tại sao họ muốn đến Âu châu hay Mỹ châu? Tại sao hàng trăm trẻ con đi một mình từ Trung Mỹ qua Mỹ? Bởi vì cha mẹ chúng thấy nếu để chúng lại ở Salvador, Honduras hay Guatemala, chúng sẽ là nạn nhân của các băng đảng. Họ thà để cho chúng ra đi, dù một mình, vì ở đó, chúng có thể có một tương lai tốt hơn về mặt kinh tế. Rất nhiều người ở vùng thượng Sahara trốn chiến tranh, nạn đói, bệnh sida. Họ tìm một con đường khác nhưng họ bị chết chìm trước khi tàu cập bến Âu châu. Tôi nghĩ cần thiết là Âu châu phải thay đổi não trạng.

Thần học dân tộc mang lại gì cho thần học công giáo?

Công đồng, qua Tông huấn Vui mừng và Hy vọng và sau đó là Tông huấn Loan báo Tin Mừng của Đức Phaolô VI đã triển khai cho chủ thuyết công giáo một thần học và một mục vụ của phúc âm hóa. Đối với châu Mỹ La Tinh, điều này rất quan trọng, vì nó ở trong bối cảnh thần học dân tộc. Sự hỗ trợ nền tảng của nó là gì? Đó là suy tư về phúc âm hóa của văn hóa và hội nhập văn hóa của Phúc Âm, trên giá trị về mặt thần học chứ không phải chỉ về mặt mục vụ của lòng mộ đạo bình dân. Chính Đức Bergoglio cũng rất gắn bó vào đây. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nói đến lòng thành kính bình dân như một nơi chốn về mặt thần học (locus theologicus), có nghĩ là nguồn thần học.

Sự hỗ trợ lớn lao khác cho thần học dân tộc là suy tư về chủ đề lịch sử. Buổi hội thảo Medellin quan tâm nhất là về cơ cấu xã hội12; cơ cấu mà Puebla bắt đầu quan tâm đến việc phúc âm hóa13. Khi người ta bắt đầu nói về phúc âm hóa của văn hóa là người ta dùng lại chủ đề này của lịch sử, lịch sử của văn hóa.

Cha có cho rằng sau Công đồng Vatican II, chính ở châu Mỹ La Tinh nền thần học mới năng động nhất, sáng tạo nhất không?

Một phần lớn, đúng. Và khởi đi từ Medellin, được Gustavo Gutierrez thúc đẩy, thần học dân tộc là một phần của trào lưu này. Điều chắc chắn là kể từ đó, Giáo hội châu Mỹ La Tinh trở nên một Giáo hội nguồn chứ không phải một Giáo hội gương, nhất là từ Âu châu. Hai thuật ngữ Giáo hội nguồn và Giáo hội gương là hai thuật ngữ được triết gia và thần học gia người Uruguay, Methol Ferre khai triển mà tác phẩm và suy tư của thần học gia này được Đức giáo hoàng đánh giá rất cao.

Chương 2: Một thần học cho một giáo hoàng

1 – San Miguel là một địa danh cách trung tâm thủ đô Buenos Aires khoảng ba mươi cây số. Nơi đây có trường Colegio Maximo của Dòng Tên, nơi có các phân khoa thần học và triết học mà Đức Bergoglio và linh mục Juan Carlos Scannone đã sống nhiều năm ở đây. Tại đây, linh mục Scannone đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ văn học và thần học ở tầm mức rất cao.

2 – Eduardo Pironio, một khuôn mặt lớn của Giáo hội Công giáo Argentina. Từ 1984 đến 1998, ngài là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân. Đức Phanxicô rất ngưỡng mộ ngài.

3 – Người Colombia, là một trong những người đứng đầu của nhóm bảo thủ ở châu Mỹ La Tinh trước khi được Đức Gioan-Phaolô II đưa về La Mã.

4 – Hippolyte Yrigoyen xuất thân từ một gia đình thuộc dòng tộc Basque người Pháp, là tổng thống Argentina được bầu lên bằng cách bỏ phiếu (đàn ông mới được đi bầu…). Ông cai trị từ năm 1916 đến 1922 và từ năm 1928 đến  1930, ông quốc hữu hóa ngành dầu hỏa và cổ động chủ thuyết panamericanisme để chống nạn thực dân.

5 – Ở Argentina, các villas là những thành phố ổ chuột, giống như favelas ở Bresil. Một vài villas này rất rộng, ở ngay trung tâm thủ đô Buenos Aires, một thành phố khổng lồ có 18 triệu dân.

6 – Lucio Gera, “Evangelization y promoción humana” en América Latina y la doctrina social de la Iglesia. Diálogo latinoamericano-alemán, vol. 2, Carlos Galli-Luis SCHERZ (ed.), Identidad cultural y modernizacion, Buenos Aires, Ediciones Paulinas, 1992, tr. 23-90.

7 – Bản văn này rất quan trọng trong tư tưởng của Đức Bergoglio. Trước mật nghị 2013, ngài có bài đọc ngắn trong các buổi họp khoáng đại các hồng y.

8 – Evangelización, cultura y teologia, Buenos Aires, Ed. Guadalupe, 1990 (2e ed. Buenos Aires, Ed. Docencia, 2012).

9 –  “Uống từ chính cái giếng của mình; trong tiến trình thiêng liêng của một dân tộc”. Quyển sách được xuất bản lần đầu ở Lima năm 1983.

10 – Sẽ đăng trong tạp chí Dòng Tên của Ý, Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica.

11 – Các dây liên hệ này được giải thích trong chương sau.

12 – Năm 1968 cuộc họp của Celam được tổ chức ở Colombia thần học giải phóng được phát triển.

13 – Năm 1979 ở Mễ Tây Cơ.