Triển lãm về các văn bản Tự Do Tôn giáo của Hoa Kỳ, nhân chuyến viếng thăm của Giáo hoàng

354

Catholic Philadelphia Lou Baldwin

Một văn bản thời đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ, bảo đảm tự do tôn giáo trong bản Bổ sung thứ nhất.
Một văn bản thời đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ, bảo đảm tự do tôn giáo trong bản Bổ sung thứ nhất.

Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia, đã tổ chức triển lãm trưng bày thể hiện sự thăng trầm của tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ.

Câu chuyện khá thú vị. Cách đây gần 1 thế kỷ, thống đốc New York người Công giáo Al Smith, đã thua đậm cuộc bầu cử tổng thống năm 1927, một phần là do đạo mà ông theo, và do tin vịt người ta rỉ tai ‘Ông ta sẽ đưa giáo hoàng đến Mỹ.’

Từ đó đến nay, nước Mỹ đã có 9 lần tiếp đón giáo hoàng, bao gồm hai lần ghé ngang để tiếp nhiên liệu: đó một lần đón Giáo hoàng Phaolô VI, bảy lần đón thánh Gioan Phaolô II, và một lần là Đức Bênêđictô XVI. Bây giờ là chuẩn bị cho lần thứ mười với Giáo hoàng Phanxicô.

Đến dự Đại hội Gia đình Thế giới tháng 9 tới, ngài sẽ là giáo hoàng thứ hai đến thăm Philadelphia.

Nhân sự kiện thực sự quan trọng này, nhiều cơ quan đoàn thể trong thành phố và các viện bảo tàng đã mở các buổi trưng bày nhằm tôn vinh chuyến công du của ngài.

Một trong các buổi trưng bày quan trọng nhất, chính là của Trung Tâm Hiến pháp Quốc gia, với tên gọi ‘Tự do Tôn giáo và Nền tảng Thành lập nước Mỹ,’ với các văn bản được sắp xếp trình bày sự phát triển về khái niệm Tự do Tôn giáo, bắt đầu từ thời 13 bang thuộc địa cũ, với văn bản ‘Tự do Tôn giáo ở Thuộc địa Hoa Kỳ,’ tiếp đến là ‘Tự do Tôn giáo trong Hiến pháp,’ và ‘Di sản của Tự do Tôn giáo.’

Jeffrey Rosen, chủ tịch và CEO của Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, nói rằng, ‘Để tôn vinh chuyến công du của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng tôi quyết định đặt tự do tôn giáo là chủ đề chính cho hết mùa thu này.’

Cuộc trưng bày này diễn ra từ 21-8 đến 03-1-1.

Một quyển sách trích điều khoản tự do tôn giáo của Virginia từ năm 1786

Một trong những chuyện ngược đời nhất là, nhiều cộng đồng ban đầu, ví dụ như người Thanh Giáo ở Massachusetts, đến Hoa Kỳ để được tự do thờ phượng Thiên Chúa theo đức tin của riêng họ, nhưng rồi lại bị những người theo các đức tin khác cấm đoán và đàn áp.

‘Chín trong số mười ba bang thuộc địa có các giáo hội chính thức. Nhiều bang đánh thuế để hỗ trợ cho giáo hội, và một số còn chỉ cho các thành viên trong giáo hội được giữ các vị trí công chức. Một vài tín hữu của Công giáo, phái Baptist, và Do Thái, phải đối diện với nạn kỳ thị. Chúng tôi có giữ các hiến chương thời xưa, rao giảng tự do tôn giáo nhưng lại cấm những người không theo Tin Lành giữ những chức vụ chính quyền.’

Nhìn chung, thì chỉ có 2 bang thuộc địa thực hành tự do tôn giáo xuyên suốt cho đến tận chiến tranh Giải phóng, là bang Pennsylvania và Rhode Island, cho dù ở Pennsylvania, Hiến chương về Đặc quyền năm 1741 bảo vệ tất cả những ai tin vào một tôn giáo hữu thần, nhưng chỉ những những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô mới được làm viên chức chính quyền.  Ngoại lệ này không được ủng hộ cho lắm.

Bang thuộc địa Virginia có lời thề cho những viên chức chính quyền, trong đó bao gồm lời bác bỏ giáo lý Công giáo, và một trong số những người từng ký vào lời thề này là tổng thống George Washington.

‘Văn bản này được trình bày kế bên Tuyên ngôn Virginia về Quyền của George Mason, một bản văn đã tạo hứng cho Tuyên ngôn Độc lập của Jefferson và Luật về Quyền của Madison.’

Tuyên ngôn về Quyền của Mason, được công bố 12-6-1776 tuyên bố, ‘Tôn giáo, hay bổn phận chúng ta phải có trước ĐẤNG TẠO HÓA và đường lối thực hiện bổn phận đó, chỉ có thể được chỉ đạo bằng lý lẽ và thuyết phục, chứ không phải bằng áp đặt và bạo lực, do đó tất cả mọi người đều bình đẳng trong việc tự do thực hành tôn giáo, chiếu theo tiếng gọi lương tâm, và trách nhiệm chung của tất cả mọi người là thực hành sự nhẫn nhịn, tình yêu và đức bác ái Kitô giáo với người khác.

Một văn bản quan trọng khác nữa, mang tính tiền đề cho điều khoản tôn giáo trong Dự luật về Quyền, chính là Hiến pháp New York, được thông qua năm 1777, và cũng được trưng bày lần này. Đây là văn bản đầu tiên về điều khoản tự do tôn giáo, sau khi các bang tuyên bố độc lập.

Văn bản tuyên bố rằng, ‘Hiến chương này, nhân danh những người thiện tâm trong Bang này, ban hành, xác quyết, và tuyên bố rằng, việc tuyên xưng và thờ phượng của tôn giáo được tự do thực hành, mà không có kỳ thị hay ưu tiên nào, và phải luôn luôn tuân theo như vậy, trong toàn Bang, với mọi người: Với điều kiện là, quyền tự do lương tâm, vốn được bảo vệ, không được diễn giải để bào chữa cho các hành động sai phạm, hay biện hộ cho các việc làm mâu thuẫn với hòa bình hay an ninh của Bang này.’

Tất nhiên, tất cả sẽ dẫn chúng ta đến với văn bản quan trọng nhất, cũng đang được trưng bày ở đây. Chính là Hiến pháp Liên Bang Hoa Kỳ, có hiệu lực từ năm 1789, cùng vói Dự luật về Quyền được thêm vào năm 1791, với người chắp bút là James Madison. Bổ sung thứ nhất tuyên bố, ‘Quốc hội không được ra luật nào dựa trên nền tảng của tôn giáo, và cũng không được ngăn cấm tự do thực hành tôn giáo …’

Ông Rosen lưu ý rằng, thực tế thì, điều này không ngăn cấm kỳ thị tôn giáo trên cả nước. Nó chỉ ngăn cản chính quyền liên bang không được thông qua các luật mang tính kỳ thị, cho dù một vài bang đã tự soạn các hiến pháp của mình, và cuối cùng, Bổ sung thứ 14 của Hiến pháp đã cho chính quyền liên bang quyền mạnh hơn để loại bỏ các luật của bang.

Như đã nói trên, chàng thanh niên George Washington đã từng ký một lời thề mang tính kỳ thị, điều kiện cần thiết để được làm công chức, nhưng khi làm tổng thống, các hành động của ông thể hiện sự tuân thủ tuyệt đối với tự do tôn giáo.

Có hai lá thư của Washington được trưng bày lần này: Một lá trả lời thư chúc mừng của cộng đồng Công giáo, trong đó ông viết ‘Tất cả những ai có đức hạnh xứng đáng, thì đều được sự bảo vệ ngang nhau từ Chính quyền Liên bang …’

Trong lá thư gởi cho cộng đồng Do Thái, ông viết ‘Chính quyền không tán thành niềm tin mù quáng,’ và ông trích lại lời của ngôn sứ Micah (4, 4) ‘Mỗi người sẽ ngồi dưới cây vả cây nho của mình, không còn ai quấy phá.’

Ngày nay, khi người ta chọn trích lại Bổ sung thứ nhất của Hiến pháp, họ thường xem diễn giải của Thomas Jefferson là ‘một bức tường ngăn cách giữa Giáo hội và Chính quyền’ nghĩa là cả hai không nên có qua lại gì với nhau.

Nhưng không chắc những người đương thời với Jefferson có chấp nhận như thế không. Cả George Washington, và tổng thống kế nhiệm John Adams đều tuyên bố một ngày cầu nguyện tạ ơn hay sửa lỗi trước Chúa.  Còn Thomas Jefferson, tổng thống thứ 3, lại từ chối không làm việc này, theo một lời giải thích của ông với những người phái Baptist ở Danbury vào năm 1802 về ‘bức tường chia cách’ được dựng lên bởi Bổ sung thứ nhất.

Nhưng, kế nhiệm Jefferson là James Madison, tác giả chính của Dự luật về Quyền. Năm 1812, sau lời yêu cầu của Hạ viện, Madison viết trong một tuyên bố rằng, ‘Do đó, tôi kiến nghị ngày thứ năm thứ 3 trong tháng 8 sắp tới là một ngày thích hợp để dành riêng cho các ý định sốt sắng dâng lên Đấng Tối Cao của Vũ trụ và Đấng Che Chở cho Nhân loại, sự tôn kính chung đối với sự Linh thiêng của Ngài …’

Trong khi nhiều người vẫn còn tranh luận về ý nghĩa chính xác của những từ này, thì bất chấp mọi hoài nghi, nhiều nước trên khắp thế giới đã và đang ho teo Hiến pháp Hoa Kỳ và Dự luật về Quyền với điều khoản về tự do tôn giáo này.

Có thể nói tự do căn bản này được Giáo hội Công giáo La Mã chính thức nhìn nhận trong văn kiện Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo [Dignitatis Humanae] của Công đồng Vatican II được Đức Giáo hoàng Phaolô IV công bố ngày 07-12-1965. “2. Công đồng Vatican tuyên bố rằng con người có quyền có tự do tôn giáo. Tự do này nghĩa là tất cả mọi người không ai bị ép buộc chiều theo cá nhân, hay các nhóm xã hội, hay bất kỳ quyền lực con người nào, nghĩa là không một ai bị buộc phải hành động theo đường lối đi ngược với niềm tin của mình, dù là một cách riêng tư hay công khai, dù là một mình hay cùng với người khác, trong phạm vi giới hạn.’

Thật thích hợp khi Trung Tâm Hiến pháp Quốc gia trưng bày các chứng cứ về tự do tôn giáo, nhân dịp Đức Giáo hoàng Phanxicô đến thăm Philadelphia, cho dù đây không phải là nguyên do duy nhất. Đợt trưng bày này còn là để chào đón Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng, người sẽ nhận huân chương Tự do thường niên trong dịp sắp tới. Và đây cũng là một lời nhắc nhở rằng tự do tôn giáo vẫn chưa được thực thi khắp toàn cầu.

Một nhân viê của Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia, đang chuẩn bị cho tổ chức triễn lãm trưng bày thể hiện sự thăng trầm của tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch