la-croix.com, Stan Rougier, Linh mục, nhà văn, nhà hội thảo, 2015-06-24
Tháng sáu là tháng của chịu chức, nhân dịp này linh mục Stan Rougier nói về ơn gọi linh mục của mình.
Vào lúc này trên khắp thế giới tổ chức lễ thụ phong linh mục cho các tân linh mục, tôi nghĩ đến câu nói của văn sĩ phi công Pháp, Saint Exupéry: «Ở hàng đầu đô thị của tôi, tôi sẽ vinh danh các thi sĩ và các linh mục, họ làm triển nở tâm hồn con người.»
Khi tôi nghĩ đến các linh mục làm cho tôi biết Chúa Kitô, tôi nhận thấy các giá trị nhân bản nơi họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận Tin Mừng. Lòng chan chứa yêu thương và lúc nào cũng tươi cười của Victor Bogros, đầu óc hài hước và cởi mở Philippe Maillard, thông tuệ và văn hóa cao của linh mục Bro đã quyến rũ tôi. Nhưng, thật hạnh phúc, không ai trong họ giữ tôi lại cho họ. Tình bằng hữu dù trung thành cũng không làm cho tôi lơ là Điều Thiết Yếu. Họ không phải là tấm kiếng hoàn toàn trong suốt. Nhưng chính sự độc đáo của họ đã làm cho tôi xúc động. Tôi ngưỡng mộ nơi họ dấu vết của Chúa như người ta ngưỡng mộ bức tranh nghệ thuật của một họa sĩ.
Một bức tranh của Claire Brétécher vẽ Pierre d’Alcantara đứng trên đống phân bón, giải thích cho thánh Têrêxa Avila: «Tôi tìm cách để thuyết phục cho Đấng Tạo Dựng của tôi, rằng tôi chỉ là một cục…», ở đây có một con đường thiêng liêng của đập phá. Một vài người nghĩ rằng khi hạ giá con người là Thiên Chúa sẽ được vinh danh hơn!… Đó là xúc phạm đến Chúa! «Vinh quang của Chúa, là con người sống động!» (Thánh Irênê).
Vào thời trẻ của tôi, vì tôi đã gặp các linh mục trừu tượng, nhạt nhẽo, không toát ra được sức sống của Phúc Âm, làm Tin Mừng thành «tin xấu» nên trong suốt tám năm đào tạo, tôi tự hứa mình phải là linh mục sống động. Nếu tôi nhận tiếng vỗ tay vì tôi nhảy từ trên cao 12 mét xuống nước, vì tôi vượt được chướng ngại khi phi ngựa, vì tôi đàn được một bài hát, tôi không cảm thấy mình kiêu ngạo hay mặc cảm tội lỗi. Người trẻ sẽ nghe tôi hơn nếu tôi thực tế. Ngược lại với những gì triết gia Nietzsche nghĩ, Giáo hội không tuyển nhân viên của mình nơi những người không có tinh thần sống lại. Nhưng hạnh phúc đích thực của tôi không ở các thành công thế gian.
Điều làm cho những người đồng thời của tôi thắc mắc nhiều là tình trạng độc thân, theo tôi, đó là cái giằm của thánh Phaolô. Tôi cảm nhận đây là một cái giá phải trả để cho điều kỳ diệu của sứ vụ của chúng tôi không làm cho chúng tôi kiêu ngạo. Cái giá này đối với các chủng sinh là sự cắt đứt với tình yêu lớn của con người… Trong vòng mười thế kỷ, trong khi đàn bà chỉ có chỗ đứng của mình ở cái bếp, ở cái giường, ở nhà trẻ thì sự hy sinh này chưa là một đòi hỏi. Ngày nay các thi sĩ, các nhà thần bí đã vinh danh một cách đáng kể vai trò cao quý của phụ nữ thì cái giá này có thể thành một lý do để ngăn một ứng sinh. Những người lập gia đình được chịu chức cho thấy Giáo hội không hẳn bị tê cứng như một vài người vẫn còn nghĩ!…
Ai có thể hình dung được tầm cao cả của chức thánh? Chúng ta là «sứ giả của Chúa Kitô» (2 Co 5, 20)! Chúng ta là những nhà truyền giáo có nhiệm vụ làm cho Chúa Kitô được cảm nhận đó là món quà vô giá của một Mạc Khải vượt ra khỏi các giấc mơ điên cuồng nhất của chúng ta. Một người trẻ mười sáu tuổi khóc khi nghe tôi giảng Phúc Âm, tôi quá ngạc nhiên khi em trả lời: «Lời Chúa quá hay!», tôi thấy quá hạnh phúc!
Tôi nhớ lại năm chủng sinh thứ hai của tôi, tôi đã quỳ gối xuống trong tâm trạng vui mừng hớn hở sau một giờ chuẩn bị cho một người bằng tuổi tôi chịu phép rửa tội. Tôi tự nhủ: «Tôi sẽ không bao giờ xứng đáng với ơn gọi này, nó quá lớn đối với tôi!»
Nếu tôi phải làm cho người khác thấy tất cả nét đẹp của các văn hào, hoặc nói đơn giản hơn, nếu ơn gọi của tôi là giáo sư văn chương thì niềm vui của tôi đã và đang tràn trề vì các văn hào Apollinaire, Hugo, Claudel, Saint Exupéry và còn nhiều văn sĩ khác nữa đã làm cho tôi nổi da gà. Nhưng Con Thiên Chúa!… Trên quả đất của chúng ta có sự xuất hiện nào rực rở như vậy? Có Khuôn Mặt nào thấm đậm sức mạnh và dịu dàng, hiện thực và khôn ngoan như Khuôn Mặt này không? Có ai mang lại một Khuôn Mặt của Thiên Chúa thiết tha cho số phận của từng người như vậy không?…
Tôi đã bỏ ra hàng ngàn giờ để được thấm nhập vào Thiên Chúa của ông Môsê, của tổ phụ Abraham, của tiên tri Êzêkia. Sách Diễm Ca đã biến đổi tôi. Nhưng còn Chúa Kitô thì nói sao đây!… Một tầm cao cả phi thường, một phép lạ mời gọi con người đến chia sẻ!
Một vài người nhìn sự việc theo cách của họ nhưng không vì thế mà thập giá không tiếp tục chiếu sáng! Treo mình sỉ nhục trên thập giá, Ngài kêu lên: «Cuối cùng tình yêu sẽ thắng!» Nếu hai ngàn năm nay tình yêu vẫn ở trên đỉnh cao của các giá trị thì ai dám nói Chúa Giêsu bị đóng đinh chẳng có tác dụng gì?…
Là sứ giả của một Thiên Chúa như vậy, đó là công việc vui vẻ hân hoan nhất!
Ước mong các bạn trẻ tự vấn về tương lai của mình sẽ hăng hái nghe tiếng gọi: «Hãy đến và đi theo Ta!»
Marta An Nguyễn chuyển dịch