Cà phê I-NhãChiều thứ sáu 31 tháng 7 ngày lễ Thánh I-Nhã, nhóm Đồng hành Montréal có buổi cà phê I-Nhã, các bạn xa gần trong nhóm nao nức về dự buổi cà phê này. Các bạn từ muôn phương Ottawa, Toronto, Texas đến ngồi bên ly cà phê để cùng trao đổi kinh nghiệm cá nhân của mình với linh thao và làm cách nào để tìm Chúa trong mọi sự.
Mở đầu buổi cà phê I-Nhã là Thánh lễ do cha quản xứ Đinh Thanh Sơn của Cộng đồng Công giáo Việt Nam vùng Montréal chủ tế. Trong bài giảng, cha nhắc đến quyết tâm hàng đầu của Thánh I-Nhã: Theo Chúa Giêsu đến tận cùng nên ngoài ba lời khấn “khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời” như các Dòng khác, Dòng Tên do Thánh I-Nhã sáng lập còn khấn trung thành tuyệt đối với Đức Giáo hoàng, vị đại diện của Chúa Giêsu ở thế gian này. Một quyết tâm rốt ráo theo Chúa Giêsu, không thỏa hiệp, không nhân nhượng để Lời Chúa phải sinh hoa kết trái trong đời sống của mình. Đi theo Chúa là không mặc cả, không bắt Lời Chúa phục vụ mình “nếu tôi được… thì tôi mới!”, đi theo Chúa là bỏ tất cả, tiên vàn tìm nước Chúa, mọi sự sẽ đến sau!
Sau Thánh lễ là cà phê, chúng tôi chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm tám người, ngồi bên ly cà phê chúng tôi ôn lại cuộc đời của Thánh I-Nhã. Một cuộc đời đầy biến động, đầy màu sắc, đầy bất ngờ, đầy ngạc nhiên của một hiệp sĩ sống cách đây 500 năm để bây giờ cuộc đời này được vinh danh qua người con chí hiếu của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô!
Nghe lại cuộc đời của Thánh I-Nhã, trong đầu tôi vang lên hai chữ “tại sao”. Tại sao lại có tai nạn gãy chân, tại sao chỉ có hai quyển sách trong nhà, quyển Hạnh các thánh và quyển Kinh Thánh, tại sao lại gặp được những người bạn tri kỷ chưa nói mà đã hiểu ý mình, tại sao lại chú tâm sâu đậm đến từng chuyển biến nội tâm của mình, tại sao đoán biết được các con cái mình sẽ gặp khó khăn như thế nào khi theo Chúa Giêsu để soạn cho họ các Bài tập Linh thao, một kim chỉ nam vượt thời gian!
Buổi chia sẻ bên ly cà phê gồm hai phần, phần đầu là kinh nghiệm cá nhân của mình về linh thao, phần thứ nhì là làm cách nào tìm Chúa trong mọi sự.
Trong phần đầu, nhóm chúng tôi có ba bạn rất nhỏ, bạn Cedrix 4 tuổi, bạn Felix 9 tuổi, bạn Xaviê 13 tuổi, ba bạn chia sẻ trước hết. Ba bạn cho biết là ba bạn đã làm phút hồi tâm từ khi lên hai. Tuy bạn Felix có tên thánh là I-Nhã và bạn Xaviê có tên thánh là Phanxicô Xaviê nhưng hai bạn chưa biết gì nhiều về cuộc đời của hai thánh này, các bạn chỉ biết phút hồi tâm đã vào trong đời sống của mình như hơi thở, phút hồi tâm giúp các bạn nhớ đến Chúa mỗi ngày, dâng mọi vui buồn trong ngày lên cho Chúa và cảm tạ Chúa cho tất cả những gì mình nhận được trong ngày và xin Chúa gìn giữ các em bé nghèo. Xong phần chia sẻ của ba bạn thì ba bạn phải về ngủ sớm vì cũng đã hơi khuya khuya với các bạn.
Nhóm chúng tôi tiếp tục chia sẻ, tất cả chúng tôi đều cảm nhận có “một trước và một sau” khi đi linh thao. Linh thao đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời chúng tôi, có bạn năm nào cũng phải đi linh thao, linh thao như đồng cỏ, như nguồn suối, các bạn đến để được thỏa cơn khát, một cuộc hẹn không thể thiếu được! Có bạn đến với linh thao một cách nhẹ nhàng, như một cái gì đến với mình trong cuộc đời và mình nhẹ nhàng đi theo nó. Có bạn đến với linh thao vì gặp bế tắc trong cuộc đời và linh thao đã mở một cánh cửa mà họ không ngờ, một cánh cửa giúp họ được tự do, một cánh cửa để cho Chúa Giêsu đi vào cuộc đời của họ mà trước đây họ không mở cho ai vào. Có bạn được mẹ đưa đến linh thao trong tâm trạng giao con mình cho Chúa và từ đó linh thao mang dấu ấn in sâu trong đời của mình. Có bạn cảm thấy nhờ linh thao mình được kết hiệp với Chúa sâu đậm, nhất là trong thời gian đi qua cơn bệnh hiểm nghèo, cảm thấy mình được Chúa thương và hoàn toàn tín thác vào bàn tay Chúa, không còn sợ chết.
Trong phần thứ nhì, làm cách nào tìm Chúa trong mọi sự, các bạn trong nhóm tôi chia sẻ họ sống theo lòng thiện tự nhiên của mình trong gia đình, trong công việc. Trong bất cứ trường hợp nào cũng lấy ân báo oán và rồi thì mọi trở ngại đều có thể vượt qua, họ sống trong bình an và trong tình yêu mến của đồng nghiệp, của khách hàng.
Riêng tôi, tôi cảm nhận linh thao đã đi tìm tôi để biến đổi cuộc đời của tôi, chứ tôi không đi tìm linh thao. Suy nghĩ này đã trả lời cho các câu hỏi “tại sao” của tôi. Chúa đã gõ cửa tâm hồn Thánh I-Nhã và ngài đã quảng đại trả lời qua lời cầu nguyện: “Xin hãy nhận lấy”.
Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con.
Lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa, xin Chúa xử dụng hoàn toàn theo Ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa. Vì được như thế, là đủ cho con.
Tôi thầm phục các bạn luôn anh dũng hát bài này trong các lần họp mặt. Với tôi, đây là là phó thác tuyệt đối, là hoán cải tận căn của bậc thánh, tôi không dám lấy lời cầu nguyện của họ làm lời cầu nguyện của mình. Tôi còn yếu kém, rất yếu kém về mọi mặt.
Tiếp theo là phần “chia sẻ” của cha Hùng, tuyên úy của Phong trào Đồng hành. Cha giới thiệu lời cầu nguyện Ơn bắt đầu và lại bắt đầu của thần học gia Karl Rahner, Dòng Tên.
“Lạy Chúa,
Con cám ơn Chúa về tất cả những điều Chúa đã đòi hỏi nơi con suốt cuộc đời;
Chúc tụng Chúa về thời đại cho con được sống.
Chúc tụng Chúa về những giờ vui sướng
và những ngày u buồn tủi thân.
Chúc tụng Chúa về cả những gì Chúa đã không cho con được hưởng.
Lạy Chúa, xin đừng sa thải người tôi tớ bất xứng
và lười biếng của Chúa đây.
Ôi lạy Chúa khôn ngoan nhân hậu và yêu thương.
Xin đừng đuổi con xa cách Chúa.
Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa
trong suốt đời con.
Xin giữ con phụng sự Chúa bất cứ những gì Chúa muốn.
Dù khi mỏi mệt dù khi chán chường,
thì ưóc chi Chúa vẫn kiên nhẫn mãi
không bao giờ mỏi mệt về con,
và giữ con luôn phụng sự Chúa!
Xin Chúa đến giúp con,
ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,
cho con cậy trông
cả những khi cùng đường, tuyệt vọng,
cho con tin chắc rằng,
Chúa sẽ thắng,
chiến thắng tươi sáng trong con”.
Lời cầu nguyện này hợp với tôi hơn vì tôi thích than vãn, thích năn nỉ. Và nhất là tôi muốn xin “ơn bắt đầu và lại bắt đầu” vì tôi sẽ “xin Chúa nhận lấy và xin Chúa cho tiếp…!”
Buổi gặp gỡ nào rồi cũng chấm dứt, buổi chia sẻ bên ly cà phê chấm dứt với bài hát “Xin hãy nhận lấy”, một bài hát mà khi hát lên tôi không thể không nghĩ đến ông Gióp trong tâm tình giận dỗi: “Lạy Chúa, của Chúa đây, xin Chúa lấy hết đi.” Giận hay không giận, trước sau cũng là của Chúa, vì sao tôi không đủ can đảm, không đủ khôn ngoan, vẫn còn bám dính để không dám nói: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy!” Chẳng lẽ đổ tại bài hát âm điệu còn nhẹ quá, chưa phải âm điệu của hiệp sĩ!
Nhưng thôi, sau lần đi quán cà phê I-Nhã này, tôi biết tôi phải xin “ơn bắt đầu và lại bắt đầu,” để không sợ khi “xin Chúa hãy nhận lấy” vì tôi biết Chúa sẽ không đuổi tôi xa Chúa và như thế là đã đủ cho tôi.
Marta An Nguyễn