Chương 1 – Lãnh đạo mới

1215

LÃNH ĐẠO MỚI

Chương 1 sách LÃNH ĐẠO. Tại sao ngài lãnh đạo, Con đường ngài lãnh đạo. Các bài học của Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, Chris Lowney, J.B.Thái Hòa chuyển dịch

Lãnh đạo - Các bài học của Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên

“Ngày nay thế giới chúng ta đang rất cần chứng tá, chúng ta không cần nhiều đến các người đi giảng, nhưng cần chứng tá. Điều quan trọng không phải là nói, nhưng là nói với trọn cuộc sống của mình.”

Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn tại Quảng trường thánh Phêrô, 18 tháng 5 năm 2013

Không có một chương trình nào để đào tạo cách lãnh đạo cho một giáo hoàng. Cũng không có viên chức Vatican nào đưa quyển Sổ tay Tân Giáo hoàng hay Cẩm nang làm Giáo hoàng cho hồng y Jorge Mario Bergoglio khi làn khói trắng bắt đầu bốc lên loan báo triều Giáo hoàng Phanxicô bắt  đầu. Thay vào đó, theo thông tin đúng nhất mà chúng ta có, thì các hồng y đã vỗ tay chúc mừng ngài được bầu, đưa áo trắng cho ngài và đưa ngài vào một phòng yên tĩnh để tâm hồn được lắng đọng và rồi đẩy (cũng có thể nói là áp giải) ngài ra ban công Vương cung Thánh đường thánh Phêrô để nhận cương vị lãnh đạo cho 1,2 tỷ người Công giáo.

Các hành động ngay lúc đó của ngài được biên tập viên L’Osservatore Romano, nhật báo chính thức của Vatican xem là “chưa từng có trong lịch sử và gây ngạc nhiên”, một tờ báo ở Vatican khác xem một sáng kiến khác của giáo hoàng là “một chuyển biến lịch sử… một cuộc cách mạng.” Và giáo hoàng Phanxicô có được tỷ lệ ủng hộ làm cho các lãnh đạo toàn cầu khác phải ghen tị.

Ngài học từ đâu để lãnh đạo được như thế? Lập trường của ngài từ đâu mà có? Và chúng ta có thể học được gì từ ngài? Đây chính là nội dung quyển sách này.

Điều gì chuẩn bị cho một người có khả năng lãnh đạo giỏi?

Xét cho cùng, cũng như giáo hoàng, chúng ta đôi khi cảm thấy mình bị đẩy ra ban công: bước ra nào, đây là lúc lãnh đạo phòng này, ban này, đây là lúc hướng dẫn gia đình mình, dạy lớp học này, hay như trường hợp của giáo hoàng, là lãnh đạo toàn thể Giáo hội Công giáo này.

Một vài người khi nắm được cơ hội này, họ nghĩ rằng họ đã được chuẩn bị hoàn hảo để lãnh đạo, và sự tự tin không lay chuyển này đã đi theo suốt sự nghiệp họ. Chúng ta gọi đây là những người ái kỷ. Họ thường đưa các tổ chức của mình rơi vào rắc rối, họ bị mờ mắt vì ánh sáng chói lọi do tự cho mình là vĩ đại, họ không thấy được sự tàn phá của bàn tay họ hay sự khốn khổ họ gây ra cho người khác.

Mặt khác, nếu chúng ta, dù chỉ có một chút ý thức, cũng sẽ nhanh chóng nhận ra, không một ai có khả năng đào tạo chúng ta đầy đủ để chính thức đảm đương chức vụ lãnh đạo được giao. Lúc khởi nghiệp ở công ty J. P. Morgan, tôi được đào tạo để phân tích các bảng chiết tính tài sản sao cho cân đối, tìm ra công ty nào dám tăng lợi nhuận của mình bằng cách lèo lái lách luật cổ phần, tôi đã học cách thuyết phục khách hàng của hãng giữ lại một vài điểm căn bản bằng cách dùng quỹ euro riêng của chúng tôi thay vì dùng quỹ dollar với lãi suất biến động theo thị trường Mỹ.

Tôi không chắc là tôi có dùng cả hai kỹ năng đó chưa, và từ lâu tôi đã quên mất cách dùng các phương pháp kỹ thuật đó rồi. Sau vài năm ở Morgan, tôi là một trong các giám đốc điều hành văn phòng ở Tokyo, tiếp theo là ở Singapore, Luân Đôn, hay New York, và tôi chưa bao giờ gặp vấn đề về thị trường chứng khoán.

Vào thời đó, tôi phải giúp công ty ở London giảm nhân viên, tôi phải lên tinh thần một trong các nhân viên bất bình. Tôi sớm khám phá ra rằng trong thế giới người lớn, hầu hết các vấn đề không có câu trả lời trắng đen rõ ràng như các phân tích của thị trường chứng khoán. Bây giờ, sau khi đã rời Morgan được vài năm, và làm trưởng một trong những hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe lớn nhất Hoa Kỳ, tôi phải cố vấn và giám sát một các nhẹ nhàng nhất khi đội ngũ điều hành của chúng tôi đang tiến hành một sự thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – thay đổi luật, kỹ thuật mới, thế khó xử về đạo đức, và một loạt các thách thức phức tạp tương tự như thế.

Các kỹ năng mà tôi cần nhất không phải là các kỹ năng kỹ thuật nào đó, nhưng rộng hơn, là những kỹ năng hoàn thiện bao quát, như việc đưa ra các quyết định phức tạp khi các sự việc và các giá trị của tôi xung khắc với nhau, việc phải xử lý các việc hàng đầu trong khi có đến 15 việc khác cũng cần được hoàn tất trước bữa trưa, việc nhận biết khi nào cần có quyết định an toàn và khi nào cần phải táo bạo, và cuối cùng, là phải xác định xem đâu là điều quan trọng nhất trong đời.

Phải cố gắng hết sức để trở nên nhà lãnh đạo chân thực

Các vấn đề phức tạp ngày càng nhiều, kỳ hạn lại sít sao, các vấn đề tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức lại càng khó xử hơn, và không một ai gởi tôi đến trường lãnh đạo dạy cho tôi biết cách xử trí với bất kỳ chuyện gì trong số này. Chỉ có trường đời dạy tôi những gì cần phải làm. Tôi có học thuộc các bài học của trường đời không? Chỉ có các cựu đồng nghiệp ở Morgan và các cộng sự của Dịch vụ Sức khỏe Công cộng mới có thể trả lời điều này được. Nhưng tôi hết sức hy vọng, ít nhất họ sẽ đánh giá tôi trên mức trung bình, bởi vì ở Mỹ, được đánh giá là lãnh đạo ở mức trung bình, thật là quá khủng khiếp. Một khảo sát lớn cách đây không lâu đã hỏi người dân Mỹ là liệu họ có “hoàn toàn tin tưởng” vào các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo, kinh doanh, hay giáo dục của mình hay không? Câu trả lời ư? Là không, không, không, và không. Cả bốn nhóm vốn được xem là bốn cột trụ của xã hội chúng ta, chẳng có nhóm nào được người dân Mỹ xem là đáng tương đối tin cậy.

Vậy thì có lẽ phải chấp nhận, ngày nay, các nhà lãnh đạo đang giữ một công việc cực kỳ khó khăn đến không ngờ. Họ thường thiếu nguồn lực, làm việc với áp lực thời gian khủng khiếp, phải đương đầu với những biến động thường xuyên, cảm tưởng gần như lúc nào mình cũng bị dò xét và được kỳ vọng quá cao, đồng thời phải động viên các đồng nghiệp, các cộng sự mà những người này lúc nào cũng nghi ngờ quyền uy của mình. Thực tế này làm cho công việc lãnh đạo trở nên cực kỳ khó khăn.

Nhưng sự thất vọng – và thường là phẫn nộ sâu sắc – của chúng ta đối với rất nhiều lãnh đạo thường nảy sinh từ những nguyên nhân sâu xa, hơn là những khó khăn cực kỳ trong cương vị của họ. Những người giữ những chức vụ này thường bị ám ảnh bởi địa vị hay lợi tức của họ. Họ không thể truyền cảm hứng cho chúng ta và tập hợp chúng ta lại. Họ thiếu sức sáng tạo để giải quyết các vấn đề, mà ngay từ đầu đã thấy là không thể giải quyết được, những vấn đề làm chúng ta bối rối. Họ quá sợ để hành động và không có đủ can đảm để thúc đẩy chúng ta đáp ứng với các thách thức và có sáng kiến thay đổi.

Nói thẳng ra, là có một sự đổ vỡ trong cương vị lãnh đạo. Chúng ta cần đường lối mới để tái tạo lại vai trò lãnh đạo và các cách tốt hơn để chuẩn bị cho bản thân và cho người khác ở cương vị lãnh đạo.

Cái gì làm khác biệt nơi một giáo hoàng Dòng Tên?

Dòng Tên bước ra sân khấu và thế là các nghịch lý lộ ra. Năm 1540 thánh I-Nhã thành lập Dòng Tên gồm các linh mục và các nam tu sĩ. Lịch sử phi thường của Dòng được đánh dấu bởi sự thành lập, một trong những thành phố lớn nhất thế giới, thành phố Sao Paulo ở Ba Tây. Sự đóng góp trong việc phát triển mẫu tự tiếng Việt, chấn chỉnh lịch Gregoria mà hiện nay tất cả thế giới đều dùng. Và đây là một Dòng quan trọng nhất trong tất cả các Dòng. Cấu trúc của Dòng dưới quyền Cha tổng quản bề trên và hiện nay có hơn 17 000 tu sĩ Dòng Tên hoạt động trên 100 nước.

Với dấu chân lịch sử và mạng lưới toàn cầu như thế, tại sao một giáo hoàng Dòng Tên lại là nghịch lý? Đơn giản chỉ vì người sáng lập Dòng Tên khinh miệt thói tự mãn của tham vọng cá nhân. Luật Dòng, các Quy chế Dòng đều lên án tham vọng cá nhân, xem đó là “mẹ của tất cả mọi tội lỗi trong bất kỳ cộng đoàn hay Dòng tu nào.” Và đấng sáng lập đã chỉ thị cho các tu sĩ  Dòng mình “khấn với Chúa không bao giờ được giữ” một chức vụ nào trong Giáo hội, và hơn nữa là phải “tố cáo bất kỳ ai mình quan sát thấy người đó đang có tham vọng này. Ái chà! Hãy tưởng tượng xem nếu tất cả nhân viên trong các hãng ở Mỹ phải dò xét và trình báo tham vọng của đồng nghiệp thì sao đây. Con số báo cáo này sẽ khổng lồ đến mức không còn thì giờ để làm bất cứ việc gì khác nữa.

Thánh I-Nhã mong các tu sĩ Dòng Tên noi theo gương thầy mình là Chúa Giêsu, và khiêm tốn giống như Chúa Giêsu. Nhưng ngài hiểu tham vọng thường đi đôi với các đấu tranh nội tâm và chính trị, nó âm ỉ phá hoại tinh thần đạo đức của tổ chức (các bạn nhân viên, các bạn chẳng nhớ gì sao?). Vì thế ngài tìm cách chế ngự khuynh hướng tự nhiên này nơi con người, khuynh hướng ve vuốt cái tôi bằng mưu đồ chiếm địa vị, quyền lực và thăng quan tiến chức.

Hồng y Bergoglio xuất hiện như người con chí hiếu của Thánh I-Nhã, người cha thiêng liêng của mình. Sau khi đứng thứ nhì trong cuộc bầu chọn Đức Bênêđictô XVI năm 2005, hồng y Bergoglio không ở lại Rôma để có thêm quen biết, tạo sự chú ý cho lần mật nghị sắp tới. Cha nhanh chóng về lại Argentina, tránh xa “đèn màu” và cống hiến công sức, thời gian của mình cho những người khốn cùng nhất của đất nước Argentina, những người không có lá phiếu để bầu giáo hoàng. Trong lần bầu chọn giáo hoàng sau đó, ngài đứng ngoài mọi toan tính chính trị, đó là một trong những nghịch lý đánh dấu cho tiến trình đi đến quyền lực và để hiểu sứ vụ của ngài. Nếu chúng ta muốn xem lại khái niệm về cách quản trị và đào tạo của mình, chúng ta chỉ cần xem lại tuần lễ đầu tiên của tân giáo hoàng là chúng ta có đủ mọi tài liệu cần thiết:

Nổi tiếng vì hết lòng với truyền thống Công giáo, nhưng chỉ vài phút sau khi được bầu, Giáo hoàng Phanxicô lại bỏ qua truyền thống, từ chối mặc áo khoắc đỏ ngắn truyền thống dành riêng cho chức vị giáo hoàng, tự gọi điện thoại và đi xe buýt chung với các hồng y về nhà trọ. Chỉ vài ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng, một ngôi vị với quyền lực to lớn và tầm vóc toàn cầu, ngài đã không ngần ngại tuyên bố: “Quyền lực đích thực, chính là phục vụ.”

Sự đào tạo vững chắc ở địa vị lãnh đạo, ngoài giáo dục gia đình, là sự đào tạo ở Dòng Tên. Dòng Tên không đào tạo chủng sinh bằng các khóa học nhưng bắt buộc họ phải tĩnh tâm một tháng trong thinh lặng, gởi ứng sinh đi thực tập, thử thách trong những chuyến hành hương cam khổ, giao cho họ dạy các em bé để chuẩn bị cho họ có thể giúp được người lớn.

Liệu nền tảng khá lạ lùng và những bước đầu tiên đầy kinh ngạc của ngài, có làm cho ngài trở thành một lãnh đạo vĩ đại hay không? Không, tự chúng thì chắc chắn là không. Quyển sách này không có ý ca tụng nhân cách, nguồn gốc Dòng Tên hay Giáo hội Công giáo của ngài. Đức Phanxicô thừa hưởng một di sản có nhiều khó khăn từ lâu của Giáo hội: thiếu linh mục trong rất nhiều nước, số người đi nhà thờ giảm ở những nước phát triển, khủng hoảng luân lý do các vụ lạm dụng tình dục, ngoài ra còn có vấn đề rối loạn quản trị ở Giáo triều La Mã như theo nguồn tin của nhiều hồng y.

Các vấn đề phức tạp và đa diện như thế, sẽ không dễ gì giải quyết. Sẽ cần đến sự thay đổi sâu sắc, và những lời nói hành động đầu tiên của giáo hoàng đã cho thấy rõ ràng, ngài hết lòng để thổi bùng lên một thay đổi văn hóa lớn trong Giáo hội của mình. Thay đổi văn hóa lớn? Không phải có đôi chút cường điệu hay sao? Đúng, trước hết, hãy xem những lời ngài đã nói với các thanh niên Công giáo quy tụ tại Rio de Janeiro trong Đại hội Giới trẻ Thế giới: “Cha muốn các con có tiếng nói trong giáo phận của mình, cha muốn nghe tiếng động của đi ra, cha muốn Giáo hội đi ra mọi ngả đường, cha muốn chúng ta cưỡng lại được mọi sự trần tục, mọi thứ bất di bất dịch, mọi thứ thoải mái tiện nghi, và mọi thứ theo chủ nghĩa giáo quyền…. Mong các giám mục và linh mục thứ lỗi cho tôi, nếu, sau này những lời nói này có gây ra một chút hoang mang.” Đây không phải là những lời của một người đơn giản nói cho hoa mỹ về mọi sự. Đức Giáo hoàng muốn làm mạnh lại thể chế của mình và điều khiển nó một cách sinh động.

Nhưng ngay cả các lãnh đạo tài năng cũng thấy thật khó để điều khiển hướng thay đổi trong các tổ chức, và càng khó hơn nữa trong một thể chế đã trân giữ đúng đắn truyền thống 2000 năm tuổi của mình. Tổng thống Woodrow Wilson đã nói rất đúng rằng: “Nếu bạn muốn có kẻ thù, hãy cố thay đổi một việc gì đó đi.” Để thành công, các nhân tố thay đổi chắc chắn cần năng lực và óc phán đoán tốt, nhưng cũng cần dũng cảm, khôn khéo chính trị, ý chí sắt đá, và nhiều may mắn nữa.

Vậy ngài sẽ thành công hay không? Chỉ có ai ngông mới tự phụ cho rằng mình biết.

Vậy tại sao chúng ta lại học cách lãnh đạo từ một giáo hoàng chưa chắc mình đã thành công, tại sao lại học từ một giáo sĩ Công giáo, trong khi chúng ta là người Hồi giáo, Phật giáo hay không có  tín ngưỡng; tại sao lại học từ một lãnh đạo tôn giáo trong khi chúng ta đang điều hành các hãng kinh doanh, bệnh viện, hay gia đình; tại sao lại học từ một người đã tự nhiên cúi xuống hôn chân một phụ nữ trong khi chúng ta sẽ tự bịt đường tiến của mình nếu thử hôn chân một cấp dưới; và tại sao lại học từ một người được đào tạo nhiều năm trong chủng viện Dòng Tên trong khi chúng ta đây học hỏi từ trường lớp, các trường kinh doanh và qua công việc?

Tại sao chúng ta và các lãnh đạo của chúng ta cần thay đổi

Đúng, đây chính là một trong những lý do rất xác đáng để chúng ta xem xét nhãn quan lãnh đạo của Giáo hoàng Phanxicô, chính xác là vì sự chuẩn bị và các giá trị lãnh đạo của ngài rất khác với những gì chúng ta đã quen. Không, không chỉ là khác biệt, mà còn hết sức trái ngược, thậm chí là “sốc”.

Chúng ta hãy nhìn sự thật trước mặt: thật tiếc là chúng ta phải nhìn lại các thành kiến của mình về tinh thần lãnh đạo bởi vì các ý tưởng này đã thất bại. Và chúng ta cần bị sốc, cần chấn động để đi vào một lối suy nghĩ và hành động mới. Việc có quá ít người trong chúng ta cảm thấy mình tin tưởng mạnh vào các lãnh đạo chính trị, giáo dục, kinh doanh hay tôn giáo, chính là một cáo trạng, một lá phiếu quyết định đủ xác nhận sự bất tín đang bao lấy xã hội chúng ta. Liệu có ai nghiêm túc tin rằng chúng ta sẽ giải quyết được sự thiếu hụt nghiêm trọng lòng tin này, bằng đường lối cũ của các tổ chức chính trị, kinh doanh hay tôn giáo hay không? Có câu ngạn ngữ cổ về sự điên rồ thế này: cứ làm đi làm lại một việc, nhưng lại kỳ vọng kết quả khác biệt. Chúng ta cũng không thể che đậy sự thiếu hụt tinh thần lãnh đạo của mình bằng cách đem tầng lớp lãnh đạo, các quan chức được bầu lên, các mục tử, đến xưởng sửa chữa để sửa lại cho họ có tinh thần lãnh đạo đúng đắn hơn, hay vá víu bằng các hệ thống điều hành bên ngoài của mình, hay bằng các giải pháp vụn vặt. Chúng ta cần nhận lấy thách thức là tái cấu trúc lại tinh thần lãnh đạo trong một thế kỷ mới đầy hỗn loạn, thay đổi nhanh chóng, và đôi khi lại còn bất an nữa.

Đức Giáo hoàng đã đề nghị một cách tiếp cận, đặt lại vấn đề để Giáo hội phù hợp hơn với thế kỷ 21:

  • Ngài đã thách thức các “Kitô hữu lãnh đạm” và “lười nhác” hãy nhiệt thành gắn bó hơn với việc loan truyền thông điệp của Giáo hội, đừng “trốn tránh … trong đời sống ấm cúng,” mà hãy đi ra ngoài “vùng thoải mái” của mình, sống với “lòng nhiệt thành tông đồ” hơn nữa.
  • Ngài thách thức Giáo hội hãy hết mình “nghèo và vì người nghèo.”
  • Ngài cảnh báo các nhà ngoại giao đang tập sự ở Vatican rằng “thói tham danh vọng là bệnh hủi.”
  • Ngài thách thức một nền văn hóa toàn cầu xem “tiền bạc … là quyền năng trên trái đất, quan trong hơn cả con người.”
  • Ngài thách thức các giám mục hãy là “Những người yêu … đời sống nghèo khó, đơn sơ và khổ hạnh.”

Ngài đã thẳng thắn hỏi các giám mục Ba Tây, “Chúng ta có còn một Giáo hội có khả năng sưởi ấm tâm hồn không” Hồng y Timothy Dolan đã phản ứng trước các thách đố này, ngài nói với một ký giả: “Tôi bỗng tự vấn lương tâm mình (…) về cách hành xử, về tính đơn giản và rất nhiều chuyện khác của tôi.”

Hồng y Dolan không phải là người duy nhất tự vấn và tự xem lại tư thế của mình. Những lời của Giáo hoàng Phanxicô được hưởng ứng, tỷ lệ ủng hộ ngài tăng vùn vụt. Riêng một chuyện này đã làm cho người ta phải tò mò: ngài đang triệt để thách thức lối sống và các ưu tiên hàng đầu của chúng ta, nhưng chúng ta không xem ngài như một ông già càu nhàu giảng luân lý xứng đáng bị cách chức. Đúng hơn là, dường như chúng ta cảm kích trước diễn giả mộc mạc này, họ đang nói cho chúng ta những sự thật không dễ chịu chút nào mà chúng ta đang khao khát cần được nghe.

Nhưng những gì Giáo hoàng Phanxicô đã làm, không chỉ là thách thức Giáo hội của mình, ngài còn đang thách thức toàn bộ cách thức lãnh đạo của cả nền văn hóa rộng lớn, bằng cách thể hiện một lập trường tươi mới, một văn hóa sâu sắc về lối sống và giá trị của lãnh đạo. Dường như ngài có một tự nhận thức sâu sắc và chân thật, trong khi nhiều nhân vật công chúng nổi bật ngày nay có vẻ hời hợt và giả tạo, luôn tìm cách lừa phỉnh chúng ta. Động lực của giáo hoàng là niềm say mê phục vụ, chứ không phải thèm khát địa vị, tiền bạc hay quyền lực. Nền văn hóa của chúng ta đang ngày càng trở nên tự quy và bị mê hoặc bởi những mục tiêu thiển cận, còn ngài đang nỗ lực hướng chúng ta ra khỏi bản thân mình, để đấu tranh vì người anh em đang túng quẫn trên khắp thế giới. Khi theo dõi ngài, tôi bắt đầu tự hỏi xem sự chọn lựa lạ lùng của giáo hoàng, dù có thể thổi bùng thay đổi trong Giáo hội của mình, nhưng liệu có thể trở thành chất xúc tác tương tự cho một cuộc tranh luận toàn cầu đã mất giá trị từ lâu về tinh thần lãnh đạo hay không.

Có lẽ ngài làm cho chúng ta hứng khởi đón nhận cái gọi là các thói quen lãnh đạo mới. Nói theo nghĩa đen, thì Hồng y Bergoglio cũng đã vận lấy một thói quen mới, là màu áo trắng giáo hoàng. Và để lãnh đạo tốt trong thế kỷ mới này, chúng ta cũng cần có thói quen mới, mặc áo mới, là các cách thức mới để chuẩn bị bản thân thực hành vai trò lãnh đạo trong công việc và đời sống gia đình. Lời kêu gọi lãnh đạo Giáo hội của ngài hẳn sẽ mời gọi suy tư sâu sắc về lời kêu gọi lãnh đạo (đúng thế, vai trò lãnh đạo là kêu gọi), dù chúng ta sống lời kêu gọi đó trong vai trò giám đốc điều hành, cha mẹ, hay, ai biết được một ngày nào đó là, giáo hoàng.

Và do đó, quyển sách sách này về Giáo hoàng Phanxicô và về nền tảng Dòng Tên của ngài, cho chúng ta biết các giá trị và nguyên tắc lãnh đạo của ngài. Đây không phải một quyển tiểu sử. Nhiều người đã viết tiểu sử về giáo hoàng rồi, nhưng lạ thay, phần lớn lại bỏ quên linh đạo Dòng Tên, một linh đạo đã chuẩn bị cho ngài lãnh đạo và vẫn đang hướng dẫn suy tư của ngài. Tầm quan trọng của linh đạo Dòng Tên, không phải là ý riêng tôi, nhưng hãy xem những lời của chính Đức Phanxicô: “Tôi thấy mình vẫn là một tu sĩ Dòng Tên về mặt linh đạo, về những gì trong lòng mình… Và tôi cũng suy nghĩ như một tu sĩ  dòng Tên.” Rõ ràng, chúng ta chỉ có thể hiểu được giáo hoàng này bằng cách trước hết hiểu được những gì mà các chương sau sẽ khám phá: “Suy nghĩ như một tu sĩ  Dòng Tên” nghĩa là gì.

Nhưng về một khía cạnh khác, quyển sách này cũng nói nhiều về chúng ta y hệt như nói nhiều về lãnh đạo toàn cầu của Giáo hội Công giáo vậy. Giáo hoàng Phanxicô là trường hợp nghiên cứu, là lăng kính, là chất xúc tác để chúng ta suy nghĩ tại sao chúng ta quá thất vọng với tinh thần lãnh đạo hiện nay, để hình dung một cách tiếp cận với tinh thần lãnh đạo sẽ gây hứng khởi hơn cho chúng ta, và để nuôi dưỡng sự tận tâm chúng ta có thể có để trở nên những lãnh đạo tốt hơn trong đời mình.

Hãy nhớ lại những hình ảnh sống động mà Giáo hoàng Phanxicô đã cho chúng ta, và hình dung chúng như những mảnh rời của một bức tranh khảm lớn: một người rửa chân cho các thanh thiếu niên sa ngã, quỳ gối 15 phút cầu nguyện một mình trong buổi sáng đầu tiên làm giáo hoàng, mang đôi giày đen đơn sơ chứ không mang đôi hài đỏ, băng vào giữa đám đông người tị nạn trên đảo Lampedusa.

Trách nhiệm của chúng ta là kết hợp các hình ảnh rời rạc này thành một bức tranh ráp lại một tinh thần lãnh đạo mới. Chúng ta tất cả đều bị đánh động bởi những gì mình thấy, nhưng vì sao? Những hình ảnh này hé mở điều gì về bản chất của tinh thần lãnh đạo cao cả? Linh đạo Dòng Tên của Giáo hoàng Phanxicô sẽ là “hạt nhân nòng cốt” xuyên suốt của chúng ta, là chìa khóa để mở ra một vài niềm tin nền tảng trong đường hướng của ngài.

Chúng ta sẽ làm việc trên nguồn thông tin: thứ nhất, là những gì Giáo hoàng Phanxicô đã nói và làm, thứ hai, là các giá trị lãnh đạo mà ngài nhấn mạnh trong những năm làm giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina hay làm giám tập cho các thỉnh sinh Dòng Tên (nhiều người trong họ, giờ là các linh mục Dòng Tên, đã cởi mở chia sẻ các ký ức và mẩu chuyện đề chúng ta có cánh cửa sổ nhìn vào hậu trường của ngài, thời các máy quay vẫn chưa bám riết theo ngài), và thứ ba, là những nguyên tắc mà thanh niên Bergoglio đã hấp thụ trong quá trình đào tạo hơn 10 năm trong Dòng Tên.

Sẽ không khó để thấy được sự hội tụ của ba nguồn thông tin này. Thật vậy, các chủ đề chung hầu như sẽ tới tấp đến trong đầu chúng ta. Những gì nổi bật là sáu thói quen và niềm tin cứ nổi lên hết lần này đến lần khác trong cuộc đời Bergoglio (giờ là giáo hoàng Phanxicô), các thói quen của ngài hoàn toàn là một thách thức đối với chúng ta, khi muốn sống tương tự như ngài, để từ đó bảo vệ một cách thức lãnh đạo mới trong nền văn hóa của chúng ta.

Đây không phải là một công thức lãnh đạo hay một loạt các chiêu trò, nhưng nối kết với nhau lại, đây là những gắn bó rất nền tảng, một cách tiếp cận, một quan điểm lãnh đạo căn bản, chính là: đâu là quan điểm của người lãnh đạo khi họ nhìn về quá khứ, hiện tại, tương lai, về chính mình và về người khác. Các tu sĩ Dòng Tên và những người khác có lẽ sẽ gọi đây là “linh đạo lãnh đạo” nghĩa là cách thức mà hành trình của chúng ta trên trần gian này trở nên vừa là hành trình đi cùng và hướng đến Thiên Chúa hay hướng đến nhận thức của mình về ý nghĩa siêu việt.

Đi theo các giai đoạn quan trọng trong đời sống của ngài và trong việc đào tạo nên con người của ngài, các chương sau sẽ nói đến sáu trụ hay sáu cam kết của một người lãnh đạo mới:

Hiểu rõ mình một cách sâu đậm (chương 3), nhưng sống phục vụ người khác (chương 4):

  • Bạn không thể điều khiển người khác nếu bạn không tự chủ. Các người lãnh đạo đào sâu con người mình, đối diện với những khiếm khuyết của mình, và đến tận cùng, là đạt được sự bình nhiên chấp nhận bản thân và vai trò độc nhất vô nhị của mình trên đời.
  • Nhưng, sau khi lặn thật sâu vào nội tâm, các lãnh đạo phải hướng ra ngoài. Họ không sống chỉ vì mình, nhưng biến đổi mình để phục vụ người khác. Sự khôn ngoan và sinh lực khởi phát từ sự tự biết mình, thì không đóng kín trong thùng, nhưng tỏa rạng ra ngoài.

Thấm nhập mình vào trong thế giới (chương 5) nhưng rút ra khỏi thế giới (chương 6):

  • Người lãnh đạo mới thấm nhập mình trong thế giới với đôi mắt mở to trước những vui mừng và đau khổ của thế giới, với đôi tay chai sần vì chia sẻ với các cố gắng hàng ngày của những người xung quanh. Người đó không xa cách và tách biệt, nhưng “dễ gần” và có thể nhờ cậy được. Người đó vun đắp tình đoàn kết, đặc biệt với những người bị bỏ mặc hay bị loại ra ngoài.
  • Tuy nhiên khi thấm nhập mình trong thế giới, người đó không được hoàn toàn “thuộc về” thế giới. Người đó không được trôi dạt trên con sóng của các văn bản, kích động truyền thông, và các cuộc gọi, nhưng mỗi ngày phải rút lui để suy tư, để cảm thấy biết ơn về tất cả nhưng gì mình có, nhìn ra được bức tranh lớn toàn cảnh, và nhắc nhở mình về các giá trị và niềm tin của bản thân.

Sống trong hiện tại và tôn trọng quá khứ (chương 7) nhưng kiến tạo tương lai (chương 8):

  • Người lãnh đạo mới phải nắm lấy trọn vẹn cơ hội của ngày hôm nay, vì đó là vận hội duy nhất người đó chắc chắn có được. Và người đó kiên vững, tôn kính niềm tin và các giá trị được truyền lại trong truyền thống của mình.
  • Nhưng bắt rễ sâu vào truyền thống, không có nghĩa là mắc kẹt. Người đó không bị nô lệ hóa bởi quá khứ. Người đó không e sợ mà rụt lại trước những thay đổi nhưng điều hướng những thay đổi với tinh thần hy vọng và lạc quan. Người đó chạy đến chứ không phải chạy trốn tương lai.

Có một nghịch lý nổi lên: mỗi giới điều đưa ra đều có mâu thuẫn. Tôi phải ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Tôi phải kiên định nhưng phải nắm bắt cơ hội để thay đổi. Tôi phải biết rõ mình để vươn ra khỏi mình và phục vụ người khác. Đúng, có những nghịch lý và thách thức đối với việc lãnh đạo trong thời đại phức tạp và biến động của xã hội này. Các lãnh đạo cần có một nhận định tốt để phân biệt, chẳng hạn như, giữa một giá trị không thể bị xâm phạm, có thể không bao giờ bị thay đổi, với một truyền thống từng một thời hữu dụng nhưng bây giờ phải thay đổi. Và các lãnh đạo phải sẵn sàng băng vào các chi tiết của những vấn đề tiến thoái lưỡng nan nhức nhối phức tạp của thường nhật, nhưng cũng phải lùi lại để có được một cái nhìn bao quát, dài hạn. Căng thẳng này là động lực thúc đẩy óc tưởng tượng, lòng quyết tâm để giúp chúng ta vượt lên các vấn đề ngày càng phức tạp mà chúng ta phải đối diện trên đường đời.

Đó là lý do vì sao chúng ta, những người hiểu được sứ mệnh của mình một cách sâu sắc, và chuẩn bị cho mình để nắm vai trò lãnh đạo bằng cách làm được nhiều hơn những chuyên gia kỹ thuật tài năng trong lĩnh vực của họ nữa. Đây là những người cần thiết, không có các lãnh đạo chuyên ngành, chúng ta chẳng làm được gì. Nhưng điều thiết yếu không kém, đó là sự tận tâm cả đời mà tôi vừa nói đến, là điều làm cho chúng ta trở nên những lãnh đạo với tinh thần vượt trội, cân bằng và sâu sắc. Điều cuối cùng chúng ta cần ngay lúc này chính là những lời khuyên dễ hiểu hơn. Thách thức của chúng ta quá lớn so với điều này. Và như thế, ngay cả khi các chương sau trình bày các xác quyết lãnh đạo của Giáo hoàng Phanxicô, thì chúng cũng phải tự thách thức mình, cân nhắc xác quyết của mình và tận tụy với sứ mệnh lãnh đạo của mình trong một đường lối sâu sắc hơn.

Tinh thần lãnh đạo cao cả là tinh thần tâm linh

Đa số cách ứng xử khi lãnh đạo của Đức Phanxicô bắt rễ từ linh đạo Dòng Tên của ngài và chúng ta sẽ khám phá rộng hơn về sự xác đáng của linh đạo này, cho dù chúng ta có chia sẻ cùng niềm tin tôn giáo với ngài hay không, và dù chúng ta có là tu sĩ Dòng Tên hay nhà đầu tư ngân hàng đi chăng nữa. Tôi cho là thế, vì tôi tự tin, tôi đã từng là tu sĩ Dòng Tên và cũng là giám đốc ngân hàng. Tôi đã trải qua cùng chương trình đào tạo như Giáo hoàng Phanxicô, đã học các nguyên tắc và thói quen như ngài, và tôi thấy các thói quen này dường như càng xác đáng và giá trị hơn với tôi trong những năm làm đầu tư ngân hàng về sau, hơn là trong suốt sáu năm chủng viện nữa.

Tôi chắc rằng, với giáo hoàng Phanxicô và các tu sĩ Dòng Tên, các giá trị và thói quen được giới thiệu trong quyển sách này có cội rễ tôn giáo rõ ràng. Tôi chưa bao giờ được gặp giáo hoàng, nhưng tôi ngờ rằng ngài không có một “triết học lãnh đạo,” thay vào đó, ngài tập trung vào ưu tiên hàng đầu duy nhất, đó là, làm môn đệ Chúa Giêsu, và nền đào tạo Dòng Tên đã giúp ngài theo Chúa Giêsu chặt chẽ và khắng khít, đi đến tận cùng. Đây là những gì đem lại ý nghĩa và mục đích cho đời sống của các tu sĩ Dòng Tên, những người theo đuổi nền đào tạo và các thói quen thiêng liêng của mình vì mục đích duy nhất tối hậu này.

Có những lý do làm cho các tu sĩ Dòng Tên và linh đạo của họ (đôi khi gọi là linh đạo I-Nhã, theo tên đấng sáng lập) đã tồn tại suốt 5 thế kỷ qua và đủ bền vững để giúp các tu sĩ Dòng Tên năng động trong mọi bối cảnh văn hóa và trong vô số công việc đủ kiểu nhằm “giúp cho các linh hồn.” Đấng sáng lập Dòng Tên đã mường tượng một Dòng tu lao mình vào thế giới, chứ không trú ẩn trong các tu viện. Do đó, ngài đã phải phát triển các thói quen sao cho vượt lên được các sứ vụ hỗn loạn, quấy rối, đầy cám dỗ và mơ hồ của thế giới. Và chắc chắn rằng, tư tưởng của thánh I-Nhã không chỉ hữu ích cho các tu sĩ Dòng Tên nhưng còn cho tất cả chúng ta, dù chúng ta có theo đạo nào đi chăng nữa.

Nhưng dù không cần phải trở nên Kitô hữu hay đi tu để nắm bắt được các nguyên tắc của quyển sách này, người ta vẫn phải mở mình ra với một nghịch lý của tinh thần lãnh đạo vĩ đại: đó là tận sâu xa, tinh thần lãnh đạo có tính chất tâm linh.

Đúng vậy, dù bạn đang điều hành một Dòng tu, hay một hãng sản xuất, là người Công giáo sốt sắng hay một nhà nhân văn thế tục, thì tinh thần lãnh đạo luôn là mang tính tâm linh. Cách nhìn này sẽ thổi hồn vào các tư tưởng và thói quen trong cuộc đời của Giáo hoàng Phanxicô, sẽ được trình bày trong các trang sau.

Một trong những nhà giám đốc của hãng J.P. Morgan chúng tôi thường hay nói: “Các tài sản quan trọng nhất của chúng ta tuồng ra cửa mỗi buổi chiều.” Và thế đó. Tòa nhà bạn đang làm việc, dù có giá trị thế nào đi chăng nữa, chắc chắn nó sẽ chẳng còn giá trị gì nếu không có những con người đến rồi về mỗi ngày, nhận thức rằng họ đang làm việc, tận tụy cho thành công của công ty, đầy ý thức và tận tâm, nâng đỡ các đồng nghiệp, đưa ra những quyết định khôn ngoan, chân thành chăm lo cho các bệnh nhân, học sinh, hay khách hàng, và thể hiện hàng trăm thái độ khác nhau để đem lại thành công vốn không dễ gì đạt được. Thiên Chúa biết rằng, chúng ta có thể thấy được những hành vi đó. Nhưng chúng ta không thể chạm đến hay đánh giá chúng được, bởi những hành vi thái độ đó không nằm trong bảng chiết tính tài sản. Có thể nói rằng, chúng mang tính tâm linh.

Các lãnh đạo vĩ đại hiểu điều này. Chính bản thân họ cũng thực hiện các hành vi này, và gây hứng khởi cho những người khác. Họ phiền lòng trước sự chán ghét ngày càng tăng trong xã hội đối với những người nắm giữ thẩm quyền và quyền lực lãnh đạo. Các lãnh đạo mới này muốn dùng sức mạnh trong cương vị lãnh đạo của mình để hướng xã hội và tổ chức của mình theo một con đường khác biệt và tốt đẹp hơn. Đó là nội dung của quyển sách này, nói về lòng tận tâm cá nhân có thể hướng dẫn và hứng khởi cho tinh thần lãnh đạo mới.