Hãy vui mừng, can đảm và tiến tới

273

CAN – Elise Harris – 07/8/15

Ngày thứ sáu 07-8, Giáo hoàng đã tiếp kiến hơn 1500 thành viên của Thiếu nhi Thánh Thể Thế giới hội nhau ở Roma trong thời gian 04-10 tháng 8, để mừng 100 năm thành lập. Chủ đề của hội nghị lần này là ‘Niềm vui ở cùng bạn.’

Sáu đại diện trẻ đến từ Ý, Indonesia, Argentina, Brazil, Đài Loan, và Pháp đã được gặp riêng giáo hoàng và hỏi ngài những câu hỏi về các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Trong số các chủ đề này có sự căng thẳng và xung khắc trong gia đình và xã hội, sự nhận định giữa bình an thật và giả, các dấu chỉ của hi vọng trong thế giới, và việc đào sâu mối liên hệ với Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.

Giáo hoàng Phanxicô nói rằng thách thức lớn nhất trong ơn gọi của ngài cho đến bây giờ, chính là tìm được bình an đích thực. Và ngài động viên các bạn trẻ hãy học cách nhận định giữa bình an đích thực này với bình an mà ma quỷ đem lại.

‘Cha muốn nói về bình an trong Chúa. Bình an này chỉ có Chúa Giêsu mới có thể đem lại, bằng làm việc và bổn phận.

Điểm mấu chốt chính là tìm ra sự bình an này, nghĩa là thấy được Chúa ở cùng các con và giúp đỡ các con.’

Rồi Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết cách phân biệt giữa bình an từ Thiên Chúa và bình an giả từ ma quỷ.

Ngài nói rằng, bình an đích thực luôn luôn đến từ Chúa Giêsu và đôi khi ‘được gói’ trong thập giá, còn bình an giả chỉ cho bạn ‘một kiểu hạnh phúc’ là do ma quỷ mà ra.

‘Chúng ta phải xin ơn phân biệt, để biết được bình an đích thực, bởi trong khi xét bên ngoài chúng ta thấy mọi sự đều ổn, và chúng ta đang làm điều thiện, thì bên trong lại là ma quỷ và sự dữ.

Ma quỷ luôn luôn hủy hoại. Nó chỉ cho các con một con đường, rồi bỏ mặc các con, ma quỷ là một kẻ trẻ công tệ mạt, nó luôn luôn ăn gian.’

Đức Phanxicô tiếp, một dấu chỉ của bình an đích thực chính là niềm vui, bởi niềm vui đích thực là một điều mà chỉ có Chúa Giêsu mới đem lại được.

Thách thức cho các bạn trẻ và cả giáo hoàng ‘chính là tìm được bình an của Chúa Giêsu, ngay cả trong những thời khắc khó khăn, tìm được bình an của Chúa Giêsu và nhận ra rằng đây là gốc rễ của bình an.’

Trả lời câu hỏi về vấn đề xung khắc, giáo hoàng Phanxicô chỉ ra rằng xung khắc có nhiều trong thế giới, và nói rằng chúng ta đừng sợ xung khắc hay đổ lỗi cho nó. Một vài xung khắc có thể tốt, và giúp chúng ta hiểu được những khác biệt.

Các xung đột hiện thời trong thế giới có một vấn đề là ‘nền văn hóa này không chấp nhận nền văn hóa kia,’ và ngài chỉ ra chuyện cộng đồng Rohingya làm ví dụ.

Dân tộc Rohingya là một nhóm sắc tộc Indo-Aryan, phần lớn ở bang Rakhine, miền Tây Myanmar. Từ khi nổ ra đụng độ giữa cộng đồng Phật giáo đa số người Miến Điện với cộng đồng Hồi giáo thiểu số người Rohingya, hơn 100 ngàn người Rohingya đã phải vượt biển chạy trốn.

Người Rohingya không được thừa nhận là một nhóm sắc tộc trong nước, và họ cũng không có quyền công dân. Vì không muốn phải chịu cảnh sống cô lập trong các trại tập trung nông thôn, nhiều người Rohingya đã liều mình ra biển với hi vọng thoát khỏi sự đàn áp này.

Hồi tháng 5, giáo hoàng Phanxicô đã lên tiếng sau khi hàng ngàn người Rohingya mắc kẹt ngoài biển trên những chiếc tàu chật kín và thiếu lương thực, bởi các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và Malaysia từ chối không cho họ cập bến.

Ngài nói với các bạn trẻ rằng, ‘Đây là giết người. Thật sự là vậy. Nếu xung đột với nhau, và giết nhau, thì đó là chiến tranh.’

Giáo hoàng nhận định xung khắc là chuyện thường xảy ra khi có quá nhiều văn hóa khác nhau tồn tại trong cùng một quốc gia, nhưng ngài nhấn mạnh là phải có sự tôn trọng lẫn nhau để giải quyết các xung khắc này.

Ngài nói rằng đối thoại là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề lớn của xã hội ngày nay, và chỉ ra nạn bách hại các Kitô hữu ở Trung Đông như điển hình cho việc một nền văn hóa không tôn trọng căn tính hay đức tin của nền văn hóa khác.

Hôm 06-8, giáo hoàng Phanxicô đã viết một lá thư gởi Thượng phụ La Tinhcủa Jerusalem, S.B. Fouwad Toual, đánh dấu năm thứ 8 người Irắc đến tị nạn ở Jordan.

Trong thư, giáo hoàng cảm ơn Jordan vì đã chào đón những người tị nạn, nói rằng hành động của họ là chứng tá cho sự phục sinh của Chúa Kitô.

Ngài cũng chỉ ra rằng những người tị nạn này là ‘nạn nhân của chủ nghĩa cuồng tín và bất dung, thường không được người ta nhìn đến và lên tiếng,’ đồng thời giáo hoàng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy dấn tới trong nỗ lực chấm dứt nạn bách hại các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số.

Với các bạn trẻ hiện diện, Đức Phanxicô nói rằng,ngay cả khi mình không đồng thuận với việc thực hành của một nền văn hóa khác, thì vẫn phải ‘Tôn trọng. Nhìn ra điều tốt đẹp trong đó. Tôn trọng, Như thế, các xung đột mới được hóa giải bằng lòng tôn trọng căn tính của người khác. Đối thoại giải quyết xung khắc.’

Một câu hỏi nữa được đặt ra cho giáo hoàng, là liệu ngài có thấy các dấu chỉ niềm vui giữa các vấn đề của thế kỷ XXI hay không.

Giáo hoàng Phanxicô trả lời rằng có các dấu chỉ, và một trong số đó là việc được thấy rất nhiều người trẻ quy tụ, những người tin rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Phép Thánh Thể.

Ngài cũng nói về gia đình, chỉ ra rằng ngay bây giờ, có quá nhiều căng thẳng giữa các thế hệ.

Đức Phanxicô nhận định, thường khi nói về các thế hệ, chúng ta nghĩ về cha mẹ và con cái, nhưng lại thường bỏ quên ông bà.

‘Ông bà bị quên lãng thời nay,’ và ngài khuyến khích giới trẻ hãy nói chuyện với ông bà mình, những người là nguồn khôn ngoan nhờ ký ức mà họ đã lưu giữa qua cuộc đời, các căng thẳng, xung khắc, và đức tin.

‘Bất kỳ lúc nào gặp ông bà mình, các con sẽ thấy ngạc nhiên. Họ kiên nhẫn, họ biết cách lắng nghe … đừng quên ông bà, các con có hiểu không?’

Câu hỏi cuối cùng là muốn biết giáo hoàng sẽ nói vì với giới trẻ để họ khám phá được chiều sâu của Phép Thánh Thể.

Đức Phanxicô ngay lập tức hướng về Bữa Tiệc ly, khi Chúa Giêsu trao cho chúng ta mình và máu ngài làm giá cứu độ.

‘Ký ức về Chúa Giêsu ở ngay đây. Ký ức về hành động của Chúa Giêsu lên đường đến Núi Cây Dầu để mở đầu cuộc Thương khó,’ là một hành động yêu thương cho mỗi một người chúng ta.

Giáo hoàng nhấn mạnh rằng thánh lễ không phải là một nghi lễ kiểu như trong các buổi duyệt binh và văn hóa. Nhưng, đi lễ nghĩa là lên đồi Golgotha với Chúa Giêsu, nơi Ngài trao mạng sống cho chúng ta.

Để đào sâu mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Phanxicô muốn các bạn trẻ hãy nhớ lại lời mời của thánh Phaolô, ‘nhớ đến Chúa Giêsu Kitô. Khi họ cùng đồng bàn, Ngài trao mạng sống Ngài cho tôi. Và như thế, các con đào sâu được mầu nhiệm này.’

Giáo hoàng Phanxicô kết bài nói chuyện rằng, ‘chúng ta đang trong cuộc chiến,’ và có quá nhiều xung đột, có nhiều sự tốt lành và đẹp đẽ, như chúng ta khám phá thấy nơi những vị thánh ẩn mình giữa dân Chúa.

‘Thiên Chúa hiện diện và có quá nhiều lý do để vui mừng. Hãy can đảm và tiến tới!’

628x471

J.B. Thái Hòa chuyển dịch