Chantal Aubé: Tôi mong chờ rất nhiều ở Thông điệp mới về môi sinh của Đức Giáo hoàng

280

la-croix.com, Jean-Baptiste Auduc, 2015-06-05

J-attends-beaucoup-de-la-future-encyclique-du-pape-Francois_article_mainChantal Aubé, 67 tuổi, hưu trí, mẹ của năm người con, ở Colomiers, Haute-Garonne, Pháp. Bà quan tâm nhiều đến vấn đề môi sinh. Bà thuộc nhóm công dân đấu tranh chống việc xây cất Trung tâm thương mại Val Tolosa, gần Toulouse từ mười năm nay.

“Năm đứa con của tôi đã làm cho tôi ý thức về tầm quan trọng của môi sinh. Cách đây 15 năm, đứa con đầu của tôi rất lo lắng. Cháu nói với tôi: “Nếu mình nghĩ mình có thể sống một cách không giới hạn trong thế giới có hạn này thì mình lầm.” Cháu đã có ý thức đến vấn đề này trong khi tôi chỉ mới lướt qua.

Sau đó, một trong các con tôi đã tuyệt thực với ông José Bové và những người cắt cỏ thiện nguyện của OGM. Vào lúc đó, tôi cũng không biết OGM là gì (Organisme Génétiquement Modifié, biến đổi di truyền để tạo nên giống mới của động vật, thực vật, vi trùng). Tôi tìm tòi để biết. Từ đó chủ đề môi sinh đối với tôi rất quan trọng.

Dấn thân để không còn mặc cảm tội lỗi

Tôi biết thời kỳ tăng trưởng kinh tế (Trente Glorieuses, 30 năm vinh quang 1945-1973), chúng ta có cảm tưởng đời sống sẽ luôn được cải thiện, nhưng chúng ta đã làm quá, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ chịu hậu quả của những việc này.

Vì thế tôi phải hành động, nếu không tôi sẽ có mặc cảm tội lỗi và tôi không chịu được mặc cảm này. Tôi tiếp xúc với Radio Présence, một đài truyền thanh công giáo của vùng Midi-Pyrénées. Giám đốc đài tìm người phụ trách hàng tuần cho chủ đề phát triển lâu dài. Tôi hợp tác với đài và trong bốn năm, tôi viết bài, tôi đã học rất nhiều khi đi tìm tài liệu.

“Hiểu ý nghĩa các hành động của chúng ta”

Tôi mong chờ rất nhiều ở Thông điệp mới của Giáo hoàng Phanxicô. Tôi thật sự tin Thông điệp này là một cuộc hoán cải môi sinh: đây là chủ đề khó đề cập đến với nhiều tín hữu. Điều quan trọng nhất, đó là hiểu ý nghĩa hành động của chúng ta dù nó đơn giản nhất: nếu được như vậy thì chúng ta không còn sống gò bó.

Gần đây, trong một cuộc trình bày về nước, tôi được biết nước mà chúng ta uống bây giờ cũng là nước mà các con khủng long ngày xưa uống, vì thế đây cũng là một nguồn có giới hạn của hành tinh chúng ta. Ý thức được chuyện này, tôi tự nhủ mình phải ngưng làm ô nhiễm hành tinh. Chúng ta không có quyền làm biến đổi thiên nhiên.

Tôi không hiểu vì sao các tín hữu Kitô không phải là những người đầu tiên ủng hộ môi sinh. Tôn trọng Tạo Dựng và tương trợ không cùng tồn tại trong căn tính của chúng ta hay sao? Để thuyết phục các tín hữu dấn thân bảo vệ môi sinh, tôi nghĩ thời gian đầu, họ nên tìm hiểu thông tin qua sách vở, báo chí, phim ảnh truyền hình, như thế họ sẽ hiểu hơn thế giới chúng ta đang sống. Trong trường hợp của tôi, tôi sẵn sàng thay đổi thói quen nếu tôi hiểu ý nghĩa và lý do. Nếu tôi hiểu thì tôi sẽ tự nguyện làm và tôi sẽ vui khi làm. Lôgic là như vậy, nếu chưa hiểu lý do thì sẽ không muốn thay đổi thói quen và không cố gắng để làm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch