Khủng hoảng Ukraine là điểm trọng tâm thảo luận giữa Giáo hoàng và tổng thống Putin

257

CNA – Elise Harris – 10/6/15

Giám mục Ganswein chào đón tổng thống Nga, Vladimir Putin
Giám mục Ganswein chào đón tổng thống Nga, Vladimir Putin tại Vatican 10-6-15

Trong lần gặp thứ hai giữa giáo hoàng Phanxicô và tổng thống Nga Vladimir Putin, vào hôm qua, thứ tư 10-6, tại Vatican, cuộc thảo luận tập trung vào những khủng hoảng hiện thời ở Ukraine và Trung Đông.

Dưới quyền Putin, Nga đã sát nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, và theo chính phủ Ukraine cùng các nước phương Tây, thì binh lính Nga đang tham chiến hỗ trợ cho các phần tử li khai thân Nga ở miền đông đất nước đang bị giằng xé này. Putin đã bác bỏ sự hiện diện của lính Nga ở Ukraine.

Một thông cáo từ Vatican cho biết rằng Đức Phanxicô đã nhấn mạnh với Putin rằng cần phải ‘dấn thân cho một nỗ lực thật tâm và to lớn để đạt được hòa bình’ trong cuộc xung đột Ukraine.

Giáo hoàng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái xây dựng một bầu khí đối thoại giữa các bên, để thực hiện các thỏa thuận hòa bình đã được quyết định tại Mínsk hồi đầu năm nay.

Ngài cũng nói về tình trạng nhân đạo nghiêm trọng, đặc biệt nhắc đến khả năng tiếp cận cứu trợ nhân đạo ở các vùng đang cần kíp.

Putin và giáo hoàng Phanxicô cũng bàn về tình hình Trung Đông, đặc biệt là ở Irắc và Syria, nơi Nga đang chống lưng cho tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở nước này. Đây cũng là điểm trọng tâm trong buổi hội kiến đầu tiên giữa hai người hồi năm 2013.

Cả hai nói về sự khẩn thiết cần theo đuổi hòa bình ở vùng này, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, và việc cần phải bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là Kitô hữu.

Sau khi trễ đến 70 phút, phá vỡ kỷ lục đến trễ của mình, (hồi 2013, Putin đến Vatican trễ 50 phút) tổng thống Nga đặt chân đến Vatican theo đường Via della Conciliazione, đại lộ dẫn thẳng đến quảng trường thánh Phêrô.

Buổi gặp riêng diễn ra trong vòng 50 phút, với hai thông dịch viên.

Khi tổng thống Putin đến, giáo hoàng Phanxicô chào đón bằng câu chào tiếng Đức, và tổng thống không đáp lại gì, chỉ gật đầu.

Dù cả hai nhìn nhau khi an tọa trong phòng họp, nhưng vẫn giữ thinh lặng cho đến khi cánh cửa khép lại hẳn. Giáo hoàng Phanxicô ‘rất nghiêm nghị’ ngay từ đầu, dù ngài có ‘nồng hậu’ hơn một chút lúc chụp ảnh chung.

Putin tặng giáo hoàng một tranh thêu nhà thờ Chúa Cứu thế, và nói rằng, ‘đây là Nhà thờ Chúa Cứu Thế, vốn bị phá hủy trong thời Xô-viết,và đã được xây dựng lại.’

Còn giáo hoàng Phanxicô thì tặng tổng thống một bảng đồng hình Thiên thần Hòa bình do nghệ sỹ Guido Veroi chế tác, cùng với một bản sao tông huấn Niềm vui của Tin mừng.

Khi tặng tấm bảng đồng cho Putin, Đức Phanxicô nói với ông rằng, ‘Đây là thiên thần hòa bình, người đánh bại mọi chiến tranh và lên tiếng về tình đoàn kết giữa các dân tộc,’ đồng thời khi trao bản tông huấn, ngài cũng nhắc lại rằng, ‘niềm vui của Tin mừng có nhiều phản ảnh về tôn giáo, con người, địa chính trị, và xã hội.’

Cuối buổi gặp gỡ, Putin nói với giáo hoàng, ‘thật là niềm vui và vinh dự lớn khi được gặp ngài,’ rồi chào tạm biệt.

3f5645e6321059afc81b55ab16cddc53-717x450Trước khi đến Vatican, Putin đã ở Milan hội kiến với thủ tướng Ý, Matteo Renzi. Hai người thảo luận về mối bang giao tốt đẹp lâu nay, nhưng cũng nêu bật các lĩnh vực đang tranh cãi, hầu hết là về lệnh cấm vận của EU chống lại Matxcơva do bởi cuộc xung đột Ukraine.

Xung đột nổ ra ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, sau khi cựu tổng thống bỏ trốn ra nước ngoài sau nhiều tháng bạo lực chống nhân dân, và rồi một chính phủ mới được thành lập.

Tháng 3, 2014, bán đảo Crimea ở miền đông Ukraine đã sát nhập vào Nga, và các thành phần nổi loạn li khai thân Nga đã chiếm đóng các tỉnh miền đông nước này, quanh Donetsk và Luhansk.

Ước tính có đến gần 6000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột miền đông Ukraine. Ukraine và các nước phương Tây khẳng định rằng, quân nổi loạn được Nga hỗ trợ cả về vũ khí và quân lực.

Thỏa thuận ngừng bắn Minsk, bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 15-2-15, và kêu gọi các bên không sử dụng vũ khí hạng nặng.

Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, và dù đã có giảm đôi chút, nhưng các cuộc nổ súng ở miền đông nước này vẫn tiếp diễn, và con số thương vong tiếp tục tăng cao.

Trong buổi phỏng vấn với CNA hôm 27-5, tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo hội Công giáo Hi Lạp ở Ukraine, đã nói rằng thỏa thuận ngừng bắn đã bị vi phạm.

‘Đúng thật là các cuộc giao tranh ở những vùng bị chiếm đóng đã bớt dữ dội, nhưng điều này không có nghĩa là cuộc chiến đã hoàn toàn chấm dứt. Mỗi ngày, chúng tôi đều nhận được tin buồn, có đi bị giết, ai đó bị thương vì cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn.’

Nhưng điều đáng báo động nhất ở Ukraine là ‘trong các tháng vừa qua, hàng trăm vũ khí hạng nặng đã từ Liên bang Nga đến lãnh thổ Ukraine. Các khí tài quân sự này bao gồm cả xe tăng – theo chính quyền Ukraine, thì lên đến 700 chiếc ở Donbass – pháo hạng nặng, tên lửa cầm tay ….’

Tổng Giám mục Shevchuk cũng thêm rằng theo thông tin từ chính phủ Ukraine và các quan sát viên quốc tế, ‘thì đang có con số lớn quân lực Nga ở Ukraine và biên giới với Nga.’ Cuộc xâm lược Ukraine này ‘là một thách thức đối với việc gìn giữ hòa bình trên thế giới, và chúng ta không thể giả vờ như chẳng có chuyện gì đang diễn ra ở Đông Âu cả.’

Tổng giám mục cũng chỉ ra rằng giáo hoàng Phanxicô thường bày tỏ lòng tận tâm muốn bảo đảm rằng sẽ không có thêm cuộc chiến nào nữa ở châu Âu, và mong muốn Tòa Thánh làm hết sức mình để bảo đảm hòa ước ở Ukraine được thực hiện.

la-ed-ukraine-20140221-001

J.B. Thái Hòa chuyển dịch