Đức Giáo hoàng mở con đường phong chân phước cho các vị bị bách hại ở Lào

405

radiovaticana.va, 06-06-2015

downloadĐây là ngày hội lớn của Giáo hội Lào: Đức Phanxicô đã ký sắc lệnh công nhận linh mục tử đạo trẻ, Giusse Thao Tien và 14 tu sĩ, giáo dân khác đã mất mạng sống của mình từ năm 1954 đến năm 1970 ở Lào, bị ám sát chết, bị xử tử hay chết vì kiệt sức.

Họ bị giết vì đức tin của mình trong bối cảnh cuộc nổi dậy của cộng sản nhằm loại trừ những ai là người ngoại quốc và tín hữu Kitô. Trong số này có những người Lào thường là các giáo lý viên, các nhà truyền giáo ngoại quốc, một vài nhà truyền giáo của tổ chức Truyền giáo Ngoại quốc Paris, một vài tu sĩ Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ. Trong số họ có linh mục Jean-Baptiste Malo người nước Pháp. Tất cả đều phải trả giá bằng mạng sống của mình vì đã đi theo Phúc Âm và quyết định ở lại tại chỗ dù bị đe dọa nặng nề.

Linh mục Giuse Tien (1918-1954) được xem là vị tử đạo đầu tiên của nước Lào. Mưòi linh mục người Pháp đã hy sinh mạng sống của mình vì đức tin ở Lào, trong số này có năm linh mục thuộc tổ chức Truyền giáo Ngoại quốc Paris: Jean-Baptiste Malo (1899-1954), René Dubroux (1914-1959), Noel Tenaud (1904-1961), Marcel Denis (1919-1961) và Lucien Galan (1921-1968), và năm linh mục Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ (OMI): Louis Leroy (1923-1961), Michel Coquelet (1931-1961), Vincent L’Hénoret (1921-1961), Jean Wauthier (1926-1967) và Joseph Boissel (1909-1969).

Ngoài ra cũng có các vị tử đạo được công nhận như giáo lý viên người Thái Lan Joseph Outhay (1933-1961), giáo lý viên người Lào Luc Sy (1938-1970) và giáo dân người Lào Thomas Khampheuane (1952-1968) và Maisam Pho Inpeng (1934-1970).

Mario Borzaga
Mario Borzaga

Việc rao giảng Phúc Âm ở Lào mới có gần đây, các linh mục thuộc tổ chức Truyền giáo Ngoại quốc Paris là những người đầu tiên đến rao giảng ở đây vào thế kỷ 19. Hiện nay Kitô hữu ở Lào sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Trong số 15 vị tử đạo ở Lào phải kể đến nhà truyền giáo người Ý Mario Borzaga và giáo lý viên người Hmong của ngài, họ bị giết vì thù hận đức tin ở Lào năm 1960. Án phong chân phước được làm tại Ý cũng đã xong, sắc lệnh đã được Đức Phanxicô ký vào đầu tháng 5 năm nay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch