Mười chân dung phụ nữ trong Giáo hội

578

Mười chân dung phụ nữ trong Giáo hội

Đối với tôi, là phụ nữ trong Giáo hội là…

Pope leads encounter with young people outside basilica in Assisi

Mười phụ nữ dấn thân làm việc cho Giáo hội kể tiến trình của mình, sự phong phú khi cộng tác làm việc với các ông nhưng đôi khi cũng gặp khó khăn để tiếng nói của mình được lắng nghe…

Họ là:

Ludovine de la Rochère : “Là phụ nữ, là vợ, là mẹ đã làm cho tôi quan tâm đến gia đình

Natalia Trouiller: “Không có cách làm việc đàn bà”

Florence de Leyritz: “Giáo hội là nơi tôi trải nghiệm sự phát triển các tài năng của tôi”

Marie-Jo Thiel: “Địa vị hàn lâm của tôi làm cho tiếng nói của tôi được nghe”

Xơ Véronique Margron: “Tôi thường một mình trước hội đồng giáo sĩ”

Anne Soupa: “Phụ nữ thường được nhìn qua lăng kính của các bản đúc”

Xơ Cécile Renouard: “Một cách toàn diện hơn để xem xét các vấn đề”

Anne-Marie Pelletier: “Một kinh nghiệm đặc biệt cho cuộc sống và cho đức tin”

Xơ Nathalie Becquart: “Đôi khi tôi có quyền lên giọng.”

Véronique Fayet: “Một tương quan đơn giản hơn, trực tiếp hơn với những phụ nữ đang thiếu thốn”.


Ludovine de la Rochère : “Là phụ nữ, là vợ, là mẹ đã làm cho tôi quan tâm đến gia đình”

la-croix.com, Nicolas Senèze, 22-5-2015

Ludovine de la Rochère, 44 tuổi là hình ảnh mới của phong trào “chống hôn nhân cho tất cả mọi người,” một phong trào chống hôn nhân đồng tính ở Pháp có tên “Xuống đường cho toàn dân, La Manif pour tous”. Bà là chủ tịch của phong trào này.

“Khi tôi làm việc cho Hội đồng Giám mục Pháp, tôi luôn cảm nhận các linh mục, các giám mục rất tôn trọng tôi. Chúng tôi có tương quan bình dị và thanh thản, tương kính nhau trong địa vị và trong ơn gọi của nhau. Cũng như trong phong trào “Xuống đường cho toàn dân”: mỗi người ở địa vị của mình và Giáo hội không đi vào trong cuộc tranh đấu.

Phong trào của chúng tôi không mang tính tôn giáo dù có rất nhiều người công giáo tham dự nhưng không phải chỉ có một mình họ. Chắc chắn là đàn bà, là vợ, là mẹ, xuất thân và sống trong một gia đình hạnh phúc đã làm cho tôi cực kỳ nhạy cảm với các vấn đề này.

Là mẹ, tôi luôn cảm nhận thế nào là tình mẫu tử và từ đó tôi thấy thật khủng khiếp cho việc mang thai giùm người khác (GPA, Gestation pour autrui). Người ta nói khi đàn bà ra tay là khi có chuyện rất quan trọng: tôi nghĩ là đúng và đó là dấu hiệu tầm quan trọng của các vấn đề hiện nay.”

Đức Phanxicô tiếp bà Ludovine de la Rochère ngày 12 tháng 6-2014
Đức Phanxicô tiếp bà Ludovine de la Rochère ngày 12 tháng 6-2014

Natalia Trouiller: “Không có cách làm việc đàn bà”

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 22-5-2015

Natalia Trouiller

Natalia Trouiller, 39 tuổi, nữ giám đốc truyền thông ở địa phận Lyon.

“Tôi làm việc cho Giáo hội từ lâu, tôi cũng làm việc cho nhiều công ty khác. Lần đầu tiên tôi phải đấu tranh cho vấn đề kỳ thị giới tính thì không phải ở trong Giáo hội. Dĩ nhiên có những cha xứ kỳ thị, cũng như bất cứ đâu cũng có những người kỳ thị, nhưng tôi chưa bao giờ trực tiếp chạm trán vấn đề này với họ.

Trong Giáo hội, tôi xem sự khác biệt của tôi với đàn ông không phải là do hiệu năng nhưng là do bản chất. Đàn ông đàn bà khác nhau, không phải về những gì họ làm nhưng chính ở con người họ.

Tôi không nghĩ có một cách nào làm việc gọi là đặc biệt phụ nữ để giữ chức vụ của tôi. Chắc chắn, tôi cố gắng canh làm sao để tất cả những gì làm nhân danh địa phận phải thật sự ở trong thực tế như đưa ra con số tài chánh của các dự án. Nhưng có phải là do sự kiện tôi là đàn bà? Tôi hoàn toàn không thể nói được điều này.”


Florence de Leyritz: “Giáo hội là nơi tôi trải nghiệm sự phát triển các tài năng của tôi”

la-croix.com, Nicolas Senèze, 22-5-2015

Florence de Leyritz, 45 tuổi, huấn luyện viên, đồng chủ tịch văn phòng công giáo thế giới Alpha.

“Tôi đến với đức tin vào năm tôi 21 tuổi, tôi được may mắn khám phá Giáo hội qua các gương mặt phụ nữ. Các gương mặt của các nữ tu Dòng Huynh đệ đan sĩ Giêrusalem hoặc qua các tác phẩm của các nhà huyền bí như Angèle de Foligno, Hildegarde de Bingen hay nữ tu Marie Keyrouz mà tôi có may mắn được gặp.

Trong Giáo hội tôi cũng có gặp các Mẹ, các Nữ tu. Tôi được đánh động bởi các hình ảnh như hình ảnh của bà Tricia Neill, bà là người khởi xướng sự phát triển quốc tế của tiến trình Alpha mà phong cách, con người, cách điều hành của bà đã gây ấn tượng rất mạnh trong tôi.

Alpha là một cộng đoàn từng nhóm nhỏ, suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống trong tinh thần Kitô chung quanh một bữa ăn, sống tinh thần đồng đội, chia sẻ và cầu nguyện trong vòng mười lần gặp gỡ.

Giáo hội là nơi tôi trải nghiệm cho sự lớn mạnh về mặt thiêng liêng nhưng cũng là nơi giúp tôi phát triển tài năng của tôi. Vì Giáo hội dựa trên sự dấn thân của thiện nguyện viên nên nước Pháp là nơi tuyệt vời để làm chuyện này.”

Ông bà Marc và Florence de Leyritz gặp Đức Bênêđictô XVI trong lần đại diện Cộng đoàn Alpha ở Rôma vào tháng 10-2012
Ông bà Marc và Florence de Leyritz gặp Đức Bênêđictô XVI trong lần đại diện Cộng đoàn Alpha ở Rôma vào tháng 10-2012

Marie-Jo Thiel: “Địa vị hàn lâm của tôi làm cho tiếng nói của tôi được nghe”

la-croix.com, Samuel Lieven, 22-5-2015

Marie-Jo Thiel
Marie-Jo Thiel

Marie-Jo Thiel, 58 tuổi, bác sĩ giáo sư luân lý đại học Strasbourg

“Địa vị hàn lâm, giáo sư các trường đại học ở phân khoa thần học công giáo đã làm cho tiếng nói của tôi được nghe. Tôi đào tạo cho rất nhiều người kể cả các chủng sinh.

Nếu phân khoa thần học có nhiều phụ nữ theo học, nhất là lúc ban đầu nhưng để lên đến bậc tiến sĩ thì đa số là đàn ông, thường là các linh mục được địa phận hay nhà dòng của họ gởi đi để được đào tạo toàn thời gian.

Về khía cạnh giảng dạy thì các địa vị như người diễn thuyết thì càng ngày càng có nhiều phụ nữ đảm trách. Nhưng ở địa vị giáo sư đại học thực thụ, một địa vị có quyền thì vẫn là miếng đất dành cho đàn ông.

Tuy nhiên từ ba mươi năm nay tôi dấn thân vào các buổi họp ngày chúa nhật vì không có linh mục để cầu nguyện, chiêm niệm, đọc Lời Chúa và chịu phép Thánh Thể, sinh hoạt này tùy mỗi địa phận. Đây cũng là bước tiến quan trọng của địa phận Strasbourg, luôn luôn có nhiều phụ nữ tham dự. Đôi khi nhiều nhóm chỉ tuyền phụ nữ. Nhưng quan trọng vẫn là nét đa dạng ở mọi mức độ.”


Véronique Margron: “Tôi thường một mình trước hội đồng giáo sĩ”

La-croix.com, Claire Lesegretain, 22-5-2015

Véronique Margron

Véronique Margron, 57 tuổi, giám tỉnh dòng Đa Minh Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thánh, thần học gia về luân lý.

“Khi tôi còn làm khoa trưởng phân khoa thần học ở Angers, tôi cảm nhận mình được tôn trọng. Nhưng thường tôi là người đàn bà duy nhất giữa hàng giáo sĩ, tôi ghi nhận họ không tự cho mình cao hơn phụ nữ hay tẩy chay phụ nữ nhưng đúng hơn họ có một tinh thần đoàn nghiệp: các linh mục, các giám mục được đào tạo cùng các chủng viện, nói cùng một ngôn ngữ và chia sẻ cùng mã riêng.

Từ mười mấy năm nay, đối với tôi, hình như chủ nghĩa giáo quyền gia tăng trong một số địa phận. Phụ nữ ở địa vị có trách nhiệm không nhiều trong khi chỗ đứng của họ là nền tảng trong mọi Giáo hội. có cần phải làm linh mục để giữ chức vụ có trách nhiệm trong địa phận không?

Đặc tính của chức linh mục có thay đổi gì trong việc giữ quyền uy hay có hiệu năng trong việc làm không? Theo tôi đây là những vấn đề có tầm mức khá sâu đậm. Và cũng không nên quên chỗ đứng của phụ nữ cũng phải được cân nhắc về số lương, điều kiện làm việc, thực tế của quyền uy được giao phó…”


Anne Soupa: “Phụ nữ thường được nhìn qua lăng kính của các bản đúc”

la-croix.com, Claire Lesegretain

Anne Soupa
Anne Soupa

Anne Soupa, 68 tuổi, nghiên cứu gia Thánh Kinh: “Tôi chưa bao giờ đau khổ vì ‘thân phận’ đàn bà trong hàng tu sĩ mà tôi làm việc với họ, một cách lành mạnh và trong sáng, tôi được công nhận vì tài năng của tôi. Ngược lại, nếu là đàn bà phục vụ trong các giáo phận thì khó hơn.”

Dù các giám mục có thiện chí nhưng thường thường phụ nữ đụng với bức tường vô hình, họ không thể nào nắm các chức vụ cao được. Ngoài việc này, trong các giáo xứ còn tùy thuộc vào sự tùy tiện của cha xứ, người đó có cởi mở hay không cho địa vị của phụ nữ trong giáo xứ. Nếu ông chỉ giao những việc như lo bàn thờ thì tình trạng sẽ rất khó sống. Nói cho cùng, trong Giáo hội phụ nữ thường được nhìn qua các bản đúc – đôi khi cũng duyên dáng – chứ không được nhìn qua những gì họ làm. Tuy nhiên tôi lạc quan với Đức Phanxicô, vì trong nhiều lần, ngài mong chúng ta tách ba thể loại cổ điển của Giáo hội trong công việc của giáo phận: quản trị, thánh hiến và giảng dạy.

Nếu ngài muốn có những cải cách lâu dài thì khi đó phụ nữ sẽ có “tiếng nói trong tu nghị”. Chẳng hạn họ sẽ được chỉ định làm giám đốc của một cơ quan hay một học viện giáo hoàng, đảm trách các bài giảng. Từ bây giờ, Đức Giáo hoàng cũng có thể nhờ một phụ nữ giảng khóa tĩnh tâm Mùa Chay của ngài…”


Xơ Cécile Renouard: “Một cách toàn diện hơn để xem xét các vấn đề”

la-croix.com, Nicolas Senèze, 22-5-2015

Xơ Cécile Renouard
Xơ Cécile Renouard

Nữ tu Cécile Renouard, 47 tuổi Dòng Đức Mẹ Lên Trời, triết gia và kinh tế gia.

“Trong các nghiên cứu của tôi về công chính xã hội và về phát triển nhân bản trên nhiều nước, tôi ghi nhận phụ nữ, nhất là các phụ nữ yếu đuối nhất, họ thường được ít xem là người có khả năng quyết định và thường không có tiếng nói trong quần chúng.

Tôi cũng tự hỏi phụ nữ có một cách nào riêng để làm việc trong các thể chế không. Dù không nên phác họa một mẫu chung nhưng chung chung phụ nữ có một cách tích hợp riêng để xử lý các vấn đề, nhất là trong các vấn đề môi sinh hay liên hệ đến các chuyện bất bình đẳng, lúc đó đàn ông có khuynh hướng suy nghĩ một cách chật hẹp hơn.

Vấn đề này cũng đặt ra trong Giáo hội: Làm sao cho phụ nữ có trọn chỗ đứng của họ và tiếng nói của họ được “nặng ký hơn”? Phụ nữ có thể giúp để chống lại chủ nghĩa giáo quyền, có nghĩa là một Giáo hội bị thánh hóa quá độ, nên nhấn mạnh đến ơn gọi vào chức thánh cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ ở hàng chức thánh của những người được chịu chức.”


Anne-Marie Pelletier: “Một kinh nghiệm đặc biệt cho cuộc sống và cho đức tin”

La-croix.com, Claire Lesegretain, 22-5-2015

Anne-Marie Pelletier 
Anne-Marie Pelletier

Anne-Marie Pelletier, 69 tuổi, nghiên cứu gia Thánh Kinh, được “Giải thưởng Ratzinger” năm 2014.

“Là người làm việc trong trường đại học về khoa chú giải Thánh Kinh, tôi chuyên nghiên cứu về vấn đề của phụ nữ trong Kitô giáo và trong Giáo hội. Tôi ngạc nhiên hoài là sự thiếu hiện diện hình ảnh người phụ nữ trong Giáo hội đã không tạo nên sự ngạc nhiên nơi các ông.

Rất nhiều phụ nữ vẫn còn được giao các việc như quản trị, quản lý với một cảm nhận chua xót là một thể chế không thể nào có được sự đánh giá đúng cho bản chất của họ và cho những gì họ sống. Sự thỉnh cầu của họ không phải chỉ đơn thuần là sự nhận biết hay ngay cả một sự cổ động, nhưng đó là nhận thức họ có khả năng mang lại một kinh nghiệm đặc biệt của cuộc sống, của đức tin mà ngày nay cần phải được đưa vào trong Giáo hội.

Đức Phanxicô đã nói đến một “công trường đang mở”! Thách thức ở đây là sự hoán cải, một mặt trên quan hệ đàn ông-đàn bà để tìm chỗ đứng chính xác của nó và mặt khác là chức thánh của những người được rửa tội để phát triển trong trọn thực trạng của nó.”


Xơ Nathalie Becquart: “Đôi khi tôi có quyền lên giọng.”

la-croix.com, Besmond de Senneville, 22-5-2015

Xơ Nathalie Becquart
Xơ Nathalie Becquart

Xơ Nathalie Becquart, 46 tuổi, giám đốc dịch vụ toàn quốc về phúc âm hóa cho giới trẻ và cho ơn gọi của Hội đồng Giám mục Pháp.

“Khi tôi được mời làm trong tổ chức Tuần cho Giới trẻ của nước Pháp và của Âu Châu (La Semaine Nationale et Européenne des Jeunes, SNEJ), một tổ chức từ trước đến nay do linh mục điều khiển, tôi tự hỏi không biết mình có làm được không. Với thời gian, tôi nhận thấy các quan hệ của tôi với các giám mục thì khác hẳn với các quan hệ giữa giám mục và linh mục trong địa phận.

Vì không có cùng quan hệ “cha con” giống như giữa họ với nhau nên đôi khi tôi có thể lên giọng được. Cũng vậy, các giám mục có thể nói với tôi những chuyện mà tôi sẽ không nói với bề trên của tôi hay với một nữ tu khác. Sự hợp tác giữa đàn ông đàn bà có thể giúp nhau có những cái nhìn khác nhau về các sự kiện hay các hoàn cảnh.

Đương nhiên là đàn ông hay đàn bà tùy thuộc vào cách sống nhưng cũng tùy thuộc vào cách hành động. Không nên chối cãi sự khác biệt này, một sự khác biệt nền tảng vì nó chứa trong đó một phần huyền nhiệm.”


Véronique Fayet: “Một tương quan đơn giản hơn, trực tiếp hơn với những phụ nữ đang thiếu thốn”.

La-croix.com, Sébastien Maillard, 22-5-2015

Véronique Fayet
Véronique Fayet

Véronique Fayet, 61 tuổi, nữ chủ tịch Cứu Trợ Công giáo

“Khi tôi có con, tôi dấn thân làm việc trong Giáo hội là để dạy giáo lý. Nhưng tôi không đủ kiên nhẫn và không đủ mô phạm để dạy. Tôi không phải là một cô giáo dạy giáo lý giỏi. Chính lúc đó, cùng với chồng tôi, chúng tôi tiếp xúc với nhóm Đức Bà Gironde, khi đó tôi mới cảm thấy tôi thuộc về Giáo hội. Giáo hội không còn là một thể chế ở bên ngoài.

Tôi học để hiểu các linh mục theo một cách khác. Không ở bên ngoài để chỉ trích họ nhưng thấy các phong phú cũng như các nghèo nàn của họ, đôi khi còn thấy cái khốn cùng của họ, thấy rất gần. Sau đó, khi vào trong môi trường chính trị, tôi mới có thể thấy được các Kitô hữu có tầm vóc đã dấn thân vào trong một nơi được xem là nơi có những điều dơ bẩn buộc phải làm. Trong lãnh vực chính trị, chúng tôi không cần phải có những thuộc từ quyền lực như đàn ông. Một phụ nữ có thể xem quyền lực như một cách để phục vụ.

Bây giờ tôi ở chức vụ chủ tịch Cứu Trợ công giáo, tôi nghĩ địa vị của tôi có giá trị cho rất nhiều phụ nữ dấn thân trong Giáo hội. Là phụ nữ, là mẹ, tôi có một tương quan đơn giản hơn, trực tiếp hơn với các phụ nữ đang thiếu thốn. Tôi có thể nối kết một quan hệ đặc biệt với những phụ nữ đang tuyệt vọng. Điều này rất quan trọng vì có nhiều cộng đoàn nghèo dựa trên phụ nữ.”


 

Pope-Francis-warmly-greets-a-woman-from-the-press-corps

Marta An Nguyễn dịch