Vatican Insider – Mauro Pianta – 30/5/15
‘Tai ương của nạn phá thai, là xúc phạm sự sống. Để con người phải chết trên những chiếc thuyền lênh đênh ngoài vinh Sicily là xúc phạm sự sống. Chết khi phải làm việc dưới tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe, là xúc phạm sự sống.’ Trong buổi gặp gỡ tại sảnh Clementine, với các thành viên của hiệp hội Khoa học và Đời sống, Đức Phanxicô đã một lần nữa bảo vệ sự thiêng liêng của sự sống và phẩm giá con người. Giáo hoàng mong muốn hiệp hội mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình, bảo vệ sự sống trong những tình thế đang bị tấn công nguy ngập.
‘Tiêu chí đích thực cho tiến bộ của văn minh, không phải là công nghệ, nhưng là khả năng bảo vệ tạo vật, đặc biệt là bảo vệ những người đang dễ bị tổn thương nhất. Khi nói về con người, chúng ta không bao giờ được quên những cuộc tấn công đang nhắm vào sự thiêng liêng của sự sống con người. Chết vì suy dinh dưỡng, là xúc phạm sự sống. Khủng bố, chiến tranh, và cả làm chết êm dịu, đều là những xúc phạm sự sống. Yêu mến sự sống nghĩa là luôn luôn chăm lo cho người khác, mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người khác, vun đắp và tôn trọng phẩm giá siêu việt của người khác.’ Đức Phanxicô khuyến khích ‘tái mở một văn hóa sự sống tân tạo có thể thiết lập các mạng lưới tin tưởng lẫn nhau, và mang lại những triển vọng hòa bình, thương xót và thông hiệp.’
Giáo hoàng nhắc rằng khoa học phải luôn luôn là ‘kiến thức phục vụ sự sống’ bởi ‘khi kiến thức đánh mất liên kết với sự sống, nó trở nên khô hạn cằn cỗi.’ Ngài mời mọi người ‘luôn luôn nhận thức cho đúng về sự thiêng liêng của tất cả mọi sự sống con người, để khoa học luôn luôn phục vụ nhân loại chứ không phải nhân loại phục vụ khoa học.’
Đức Phanxicô nêu bật một khái niệm quan trọng trong nhãn quan Kitô rằng: ‘Một xã hội nhìn nhận sự sống, bằng việc xem chết tự nhiên là quyền tiên quyết của con người.’
Còn hồng y Antonio Maria Vegliò, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Chăm lo Mục vụ cho Di dân và Du mục, đã lên tiếng phê phán các quyết định mới đây của châu Âu về di dân. ‘Hệ thống hạn mức cho di dân thật là vô lương tâm. Châu Âu chưa bao giờ có được một kế hoạch cho việc này.
Tôi vẫn tin rằng châu Âu chưa bao giờ có được một kế hoạch cho di dân. Mà cứ luôn mãi loay hoay để chắp vá cho những trường hợp khẩn cấp. Giờ đây, chúng ta đang đưa ra một hệ thống hạn mức, và tôi thấy quyết định này thật phi nhân và phi Kitô.’
Theo hồng y Vegliò, ‘di dân là một vấn đề cần được giải quyết, không chỉ trong những trường hợp khẩn cấp, nhưng cần có một kế hoạch. Hiện tượng này đang tồn tại và ngày càng tệ hơn. Nguyên do nào dẫn đến di dân và tị nạn? Với di dân, đó là bởi đói nghèo, với tị nạn, là bởi chiến tranh. Bao lâu chiến tranh và đói nghèo vẫn còn đó, thì chẳng thay đổi được gì.
Bản chất của Giáo hội luôn luôn là chăm lo cho người nghèo, những người bị loại ra ngoài cùng rìa xã hội, những người bị bỏ mặc nhất, và những người di dân chính là nghèo nhất, người bị loại trừ và bỏ mặc nhất. Do đó Giáo hội có sứ mạng giúp đỡ những ai đang rơi vào cảnh khốn đốn. Nếu Giáo hội không làm, thì chính là đang phản bội sứ mạng của mình.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch