Khi các tu sĩ thánh hiến ở Rôma gặp Đức Giám mục của họ (Kỳ 3/4)

347

Khi các tu sĩ thánh hiến ở Rôma gặp Đức Giám mục của họ (Kỳ 3/4)

zenit.org, Ban biên tập, 2015-5-18

Vatican_Pope_.JPEG-0023d_c0-171-2838-1825_s326x190Sáng thứ bảy 16 tháng 5, tại Hội trường Phaolô VI, sau phần chứng tá, trình diễn ca nhạc và múa hát của nhiều nước trên các châu lục khác nhau, đặc biệt có một ca đoàn của các tu sĩ Trung quốc, Đức Phanxicô đã có buổi nói chuyện với các tu sĩ thánh hiến của giáo phận mình.

Đức giáo hoàng đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của các cộng đoàn tu sĩ đại diện cho các Dòng khác nhau: một Dòng chiêm niệm, một Dòng ngoài đời, một Dòng Phanxicô phục vụ cho các người trẻ bị suy thoái tinh thần, một tu sĩ thánh hiến làm việc ở giáo xứ.

“Lễ hội là một thể loại thần học của cuộc sống” , Đức Phanxicô giải thích khi ngài khuyến khích nên có các buổi lễ hội ở giáo xứ, ở cộng đoàn. Ngài cũng trả lời, “ở vị thế vừa là tu sĩ vừa là giám mục”  cho câu hỏi về tương quan giữa các tu sĩ và các giám mục.

Câu hỏi thứ ba là câu hỏi của linh mục Gaetano Saracino, nhà truyền giáo Dòng Scalabrini, cha xứ của giáo xứ Đấng Cứu Thế, một giáo xứ trong đó hình thành “Lễ hội của các dân tộc” bây giờ đã trở thành một lễ hội của địa phận, được tổ chức vào tháng năm ở Latran.

Linh mục Gaetano Saracino – Làm thế nào để có một điểm chung và làm dồi dào thêm cho các ơn được ban qua các đặc sủng khác nhau trong Giáo hội địa phương, những Giáo hội có rất nhiều tài năng? Đôi khi chỉ một việc trao đổi các tiến trình khác nhau cũng đã là khó, chúng con không thể gom chung các điểm mạnh của mình với nhau, giữa các nhà Dòng, giữa các giáo xứ, giữa các tổ chức mục vụ, giữa các hiệp hội, các phong trào giáo dân; gần như có một sự canh tranh thay vì chia sẻ các việc mục vụ với nhau. Và đôi khi giữa chúng con, các tu sĩ thánh hiến, chúng con có cảm tưởng như mình là người “trám chỗ”. Làm sao cùng đi chung với nhau? 

Đức Phanxicô – Cha biết giáo xứ này và cha biết những gì linh mục này làm mang tính cách mạng: cha ấy đã làm rất tốt công việc của mình! Rất tốt! Câu hỏi của con bắt đầu bằng lễ hội. Đó là một trong những chuyện mà tín hữu Kitô chúng ta quên: lễ hội. Nhưng lễ hội cũng là một thể loại thần học, Kinh Thánh cũng có nói đến. Khi về nhà, con đọc lại đoạn 26 sách Đệ Nhị Luật. Ông Môsê, nhân danh Thiên Chúa, đã nói cho các nông dân biết việc họ phải làm hàng năm: mang hoa quả đầu mùa đến đền thờ dâng cho Chúa. Ông Môsê nói như sau: “Ngươi lên đền thờ, mang giỏ hoa quả đầu mùa dâng lên Chúa để tạ ơn.” Và sau đó? Trước tiên là phải có ký ức. Ông nói như một lời tuyên xưng đức tin: “Cha tôi là một người Aram phiêu lạc; Người đã nghe tiếng chúng tôi; Người đã nhìn đến cảnh đọa đầy, lầm than, bức bách chúng tôi phải làm nô lệ. Trước hết là ký ức. Thứ nhì là giúp người có trách nhiệm. Thứ ba là tạ ơn Chúa. Và thứ tư đi về nhà làm lễ hội. Làm một lễ hội và mời những ai không có gia đình, mời những người nô lệ, những người không được tự do và mời cả láng giềng của mình….

Lễ hội là một thể loại thần học của cuộc sống. Chúng ta không thể sống đời sống thánh hiến mà không có khía cạnh lễ hội này. Chúng ta làm lễ hội. Nhưng lễ hội không phải là làm ồn ào, đầy cả tiếng động… Làm lễ hội là làm theo tinh thần của đoạn cha vừa nhắc. Các con nhớ đoạn Đệ Nhị Luật số 26 này. Và cuối cùng là lời cầu nguyện: chính là niềm vui nhớ lại tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta; tất cả những gì ngài đã làm cho chúng ta; kể cả hoa trái mà tôi đã làm ra và tôi tổ chức lễ hội. Trong các cộng đoàn, trường hợp của con là trong giáo xứ của con, khi cần phải làm lễ hội mà không làm, đó là con đang thiếu một cái gì! Các cộng đoàn hoặc giáo xứ quá cứng ngắc: “Có kỹ luật mới tốt”. Mọi sự phải vào khuôn phép: trẻ con rước lễ lần đầu, rất tốt, các em được học giáo lý… Nhưng còn thiếu một chuyện, thiếu náo động, thiếu ồn ào, thiếu lễ hội! Thiếu tinh thần lễ hội của một cộng đoàn. Lễ hội. Một vài văn sĩ thiêng liêng còn nói Thánh Thể là lễ hội, dâng Thánh Thể là dâng lễ hội: đúng, Thánh Thể có một tầm mức lễ hội trong sự tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Cha không muốn bỏ sót chuyện này vì thật sự không phải trong câu hỏi của con nhưng trong suy nghĩ nội tâm của con.

Và con nhắc đến có sự cạnh tranh giữa giáo xứ này giáo xứ kia, giữa Dòng này Dòng kia… Một trong những điều khó nhất cho một giám mục là tạo được bầu khí hài hòa trong giáo phận! Và con nói: “Nhưng đối với giám mục, các tu sĩ là những người trám chỗ?. Đôi khi, có thể có… Nhưng cha đặt cho con một câu hỏi khác: Chẳng hạn bây giờ con là giám mục, con hãy đặt con vào vị trí của một giám mục, con có một giáo xứ với cha sở là cha Dòng đạo đức; ba năm sau bề trên tỉnh Dòng đến nói với con: “Tôi sẽ đổi cha sở này và tôi sẽ gởi cho giám mục một cha sở khác”. Các giám mục cũng đau buồn vì thái độ này. Thường thường chúng ta phải làm phần mình, vì không phải lúc nào các tu sĩ cũng đối thoại được với các giám mục. “Chúng tôi đã có tu nghị và tu nghị quyết định như vậy…” Có rất nhiều nam nữ tu sĩ sống suốt đời nếu không trong các tu nghị thì trong các câu đoạn… Và họ luôn sống như vậy! Cha nói như thế vì cha là giám mục và cũng là tu sĩ Dòng. Cha hiểu cả hai phía và cha hiểu các vấn đề. Đúng vậy: hiệp nhất giữa các đặc sủng khác nhau, trong giáo xứ, với giám mục… không phải là chuyện dễ dàng để tìm thấy: mỗi bên dành phần lợi của mình, cha không nói là luôn luôn nhưng có khuynh hướng này và đó là nhân bản… Và cũng có một chút tội đàng sau,và đó là như vậy.

Đó là vì sao lúc này Giáo hội nghĩ đến việc đưa ra áp dụng một tài liệu cũ về các quan hệ giữa tu sĩ và giám mục. Thượng Hội đồng 94 đã xim xem lại “Quan hệ hỗ tương, Mutuae relationes” (14 tháng 5-1978). Rất nhiều năm đã qua và điều này đã chưa làm được. Quan hệ giữa các tu sĩ với giám mục, với địa phận, với các cha triều không phải dễ. Nhưng phải cùng dấn thân làm việc với nhau. Trong các phủ doãn hạt, làm sao cùng nhau làm việc mục vụ? Giám mục không được dùng các tu sĩ để trám chỗ nhưng các tu sĩ cũng không được xem giám mục như ông chủ của một hãng xưởng, người cho công ăn vl. Cha không biết… Cha trở lại với điểm chính là lễ hội, khi cộng đoàn nào không quá lo cho lợi ích riêng của mình thì cộng đoàn đó luôn có lễ hội. Cha đã thấy ở giáo xứ của con và đúng vậy. Con biết làm chuyện này! Cám ơn con.

Đức Phanxicô giải thích: “Đức vâng lời trong đời sống thánh hiến là một huyền nhiệm”. Đời sống thánh hiến là một ơn ban. Nó không đồng nghĩa với đặc sủng. Cần phải phân biệt giữa xưng tội và hướng dẫn thiêng liêng. Ngài nhắc đến tầm quan trọng của khả năng tài tình của phụ nữ trong Giáo hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch