Đức tin của ký giả

283

famillechretienne.fr, Incarnar, 05-07-2015

Đức tin của ký giả

Tôn giáo là một trong những chủ đề mà người ta không dám đề cập đến ngoài xã hội cũng như trong bữa ăn ngày chúa nhật: quá nhạy cảm… Nhưng giải mã nó là công việc của các ký giả phụ trách mục tin tức tôn giáo. Trang blog Tập vở tự do (Cahiers libres) đã đổi ngược vai trò, họ đặt câu hỏi với các ký giả…

 

Nghề nghiệp hay thiên chức?

Ký giả Loup Besmond de Senneville của báo Thập Giá (La Croix) trả lời: “Tôi không xem mình là người đi giảng Phúc Âm,” ông nói tiếp: “Lãnh vực tôn giáo rất rộng: lãnh vực này không những mang tầm vóc thiêng liêng mà còn mang tầm vóc đạo đức, pháp lý, địa chính trị, xã hội , tài chánh… Chính sự cân nhắc chung trên các tầm mức này đã làm cho tôi say mê, và làm cho lãnh vực tôn giáo là một môn học của ngành báo chí. Giải thích, giải mã, giúp để hiểu, xét bối cảnh” đó là vai trò của ký giả.

Loup Besmond de Senneville
Loup Besmond de Senneville

Tin tức tôn giáo, “chất liệu để làm báo”, có giống như các chất liệu khác không?

“Tôi vào lãnh vực tin tức tôn giáo là qua một cơ hội nghề nghiệp,” ký giả Philippe Clanché giải thích, ông đã làm việc 14 năm ở Chứng tá Kitô (Témoignage Chrétien), “một tuần báo công giáo tìm người để theo dõi các công việc của địa phận… và tôi ở lại làm việc vì tôi thích và vì tôi có kỹ năng. Tin tức tôn giáo phải được xử lý như mọi sự kiện xã hội quan trọng: không được đặt tình cảm nhiều ở đây nhưng phải có cái nhìn độc lập và có đầu óc phê phán.”

Ký giả Antoine Pasquier, cộng tác viên của Gia đình Công giáo (Famille Chrétienne) cho biết: “Chúng tôi cố gắng phân tích theo chiều sâu và có cái nhìn đức tin về các chuyện thời sự, thế tục cũng như tôn giáo. Các suy tư trải dài trên các cột báo, dù là công việc của các ký giả hay của những người ở bên ngoài, đều mang mục đích làm phong phú, nuôi dưỡng hiểu biết và các suy tư riêng của độc giả. Đương nhiên sườn chính của các suy tư này vẫn là Phúc Âm, vẫn là Giáo huấn của Giáo hội.”

Trong các khách mời của chúng tôi chỉ có nữ ký giả Chloé Andries là làm việc cho “báo thường”, bà có trang blog “Chúng ta cùng cầu nguyện một chút (Prions un peu)” trên báo Đường 89, Rue89. “Tôi chọn xa dần loại làm báo tin tức. Tôi thích dành thì giờ làm một cái gì có tính lâu dài hơn, hoặc viết những bài báo mà trong đó tôi có thể nhích một chút cái nhìn về thời sự (như ở Đường89) để nói về những chủ đề bề ngoài có tính kể chuyện, nhưng thật sự là kinh nghiệm sống của các tín hữu. Vì thế tôi đang chuẩn bị tài liệu về người công giáo và tôi đang cổ động để làm một tờ báo tam cá nguyệt ở Bỉ.”

Chloé Andries cộng tác viên báo Đường 89
Chloé Andries cộng tác viên báo Đường 89

Các độc giả đủ loại

Thật ra mỗi báo nhắm đến một tầng lớp độc giả khác nhau: “gia đình – cha mẹ con cái -, những người làm việc tích cực ở giáo xứ và các phong trào của Giáo hội” đó là chuyên đề của Gia đình Công giáo; “kitô-hữu hay người công giáo giữ đạo, quan tâm đến thời sự tôn giáo, thời sự tôn giáo không tóm tắt hết tất cả nhãn quan của thời sự chung”, đó là lãnh vực của báo Thập giá.

Ở Chứng tá Kitô, chính các ý tưởng làm nên thành phần độc giả: “Tôi viết cho những độc giả cùng chia sẽ một cách tổng quát tầm nhìn của tôi về Giáo hội: cởi mở trên tính đa dạng của nhân loại, gắn với đời sống của giáo dân nhiều hơn là gắn với giáo điều, có khả năng theo đuổi một lý tưởng nhưng không lên án những người không thể đạt đến lý tưởng đó, có khả năng triển khai một vài cơ cấu của họ mà đa số người dân của chúng ta chưa thấu hiểu được.” Ký giả Philippe Clanché nói thêm: “Tôi xem mình như một ký giả dấn thân, trong nghề này không có tính khách quan, còn đối với tôi, tính trung lập thì lại đáng ngờ.”

Xử lý đủ loại độc giả, đó là thách thức của báo đại chúng: “Độc giả của tôi có thể là người theo đạo Công giáo, đạo Hồi, người Do Thái, người vô thần, người theo thuyết bất khả tri, người ghét các tu sĩ…” nữ ký giả Chloé Andries giải thích. “Khi tôi viết một đề tài tôn giáo, tôi cố gắng bao gồm nhiều người nhất có thể, bất hoặc mức độ hiểu biết của họ về tôn giáo tthế nào đi chăng nữa. Nhưng điều này đôi khi cũng gặp vấn đề vì những bài vở thường ngày không thể lúc nào cũng lồng tôn giáo vào được. Chẳng hạn, trên mạng truyền thông đại chúng, người ta thường hay hỏi giáo hoàng phản động hay tiến bộ. Khung đọc kiểu này mang tính chính trị, nhưng không áp dụng trong Giáo hội. Phải giải tính phức tạp này của tin tức nhưng vẫn kéo độc giả về đọc. Không phải lúc nào cũng dễ.”

 

Đức tin của ký giả?

Vậy đâu là tương quan của ký giả với đức tin? Và với thể chế Giáo hội?

“Tôi luôn cho mình là một ký giả chứ không phải là người theo đạo công giáo”, ký giả Philippe Clanché thổ lộ cho chúng tôi biết. “Văn hóa về tôn giáo và đức tin của tôi giúp tôi hiểu và giải mã. Nó không ngăn cấm gì tôi, nhưng cho tôi có một lòng tốt nào đó. Chứng tá Kitô không phải để phục vụ hay để dẫn truyền một thể chế hay một giáo huấn nào. Và tinh thần công giáo qua chứng tá vượt lên rất nhiều so với các thể chế trụ đỡ nó. Tôi quan tâm đến giáo huấn nhưng không có một sự tôn kính đặc biệt. Tôi không được bảo vệ nó bằng mọi giá cũng không chỉ trích nó một cách có hệ thống. Trong trang blog của tôi, tôi có thể nói lên các xác quyết riêng tư nhất của tôi hơn là trên tờ báo chung. Chính tôi tự trách mình đã nhìn quá kỹ về các thể chế mà chưa nhìn đủ về các tín hữu. Chắc chắn là do lười, trên đỉnh thì luôn thấy rõ và đọc rõ hơn là dưới thấp.”

Philippe Clanché báo Chứng tá Kitô
Philippe Clanché báo Chứng tá Kitô

Theo ký giả Loup Besmond: “Nếu trên các báo đại chúng, Giáo hội thường bị xem như một thể chế cực mạnh, nhưng trên thực tế thì ngược lại, Giáo hội rất nhân bản: “Từ khi tôi phụ trách mục thời sự tôn giáo, cái nhìn của tôi về thể chế đã thay đổi hẳn. Tôi ý thức nhiều hơn trước về các yếu đuối, về khía cạnh “nhân bản” của Giáo hội và như thế đối với tôi, nó mong manh hơn bao giờ hết. Ngược lại, tôi cũng ý thức đến tính mong manh của “máy móc”, nên mình có thể can thiệp vào và thay đổi các sự việc từ bên trong. Trên quan điểm đức tin, chúng ta có thể nói các cuộc gặp gỡ đã góp phần làm cho Giáo hội phong phú. Tôi không bao giờ cảm thấy đức tin và công việc của tôi đi ngược với nhau.”

Còn đối với nữ ký giả Chloé Andries thì trước hết là tính đa dạng của Giáo hội: “Một vài nhóm công giáo được biết đến nhiều hơn các nhóm khác, vì bây giờ họ biết cách nói chuyện với giới truyền thông. Nhưng các nhóm này lại không nhất thiết là những nhóm đa số trong Giáo hội công giáo. Về phần mình, giới truyền thông có khuynh hướng thích các bài diễn văn sắc bén, đơn giản để ghi chép lại, vv…. Điều tôi thấy tế nhị nhất trong công việc của tôi đối với Giáo hội: Giáo hội thì đa dạng, không quy về trung tâm, có nhiều khuynh hướng. Đôi khi thật khó để tập trung vào tính đa dạng này và để làm cho người khác hiểu. Cũng khó khi phỏng vấn một người mà không tạo được cảm giác là họ đại diện cho tất cả người công giáo ở Pháp và ở Navarre; lại còn khó hơn đối với người Hồi giáo, họ không có một cấu trúc thứ bậc rõ ràng. Tính cá biệt hóa của niềm tin bao gồm hết tất cả mọi tín ngưỡng.”

Độc lập và trung thành, đó là hai chữ chính yếu của ký giả Antoine Pasquier. Một thăng bằng hiểm nghèo nhưng để phục vụ cho một vấn đề chính yếu: “Làm sao làm chứng cho Chân lý?” ký giả bảo vệ tầm nhìn của mình: “Tất cả tùy thuộc vào cách mình hiểu như thế nào về luân lý nghề báo. Phải trung lập và không đứng về phía nào của một chủ đề hay không? Đưa các nguyên tắc luân lý (tìm kiếm, kiểm chứng, đặt sự việc trong bối cảnh của nó, tổ chức theo thứ bậc, bình giải và công bố một bản tin có chất lượng)? Đó là định nghĩa thứ nhì mà tôi tuân giữ khi làm việc ở tờ báo Chứng tá Kitô. Tờ báo của chúng tôi có đường lối viết riêng, trung thành với Chúa Kitô và với Giáo huấn của Giáo hội. Đức tin của tôi phù với lòng trung thành này, tôi không có vấn đề. Điều này không ngăn tờ báo chúng tôi không có độc lập với các thể chế.”

Làm sao nói lên một sự kiện tôn giáo?

Nữ ký giả Chloé Andries nhận thấy có một “khó khăn khi hành nghề báo trong lãnh vực tôn giáo: đức tin gắn với điều mật thiết. Đối với tôi, tính mật thiết này rất hữu ích để hiểu các hiện tượng tôn giáo, thế nhưng lại rất khó để chuyển tải. Tôi đề cập đến sự kiện tôn giáo như một sự kiện xã hội (nó cũng có thể mang tầm mức chính trị, văn hóa, xã hội). Nhưng đức tin chính tự nó thì khó để nêu lên. Vì thế tôi thường cố gắng bỏ phần tin tức thuần túy hoặc phân tích các quan điểm của thể chế để xử lý sự kiện tôn giáo nhiều hơn qua các chứng tá, qua kinh nghiệm sống.”

Đối với ký giả Antoine Pasquier, tường thuật là hình thức chủ yếu: “Tôi thích các tường thuật, một hình thức đi vào thực tế ngay cả có thể gọi đó là hình thức nhập thể. Cảm nhận sự việc, gặp các nhân vật chính, biết được tầm mức của vấn đề, và cũng để bị thúc bách theo các xác tín hoặc thành kiến của họ. Và nhất là làm chứng cho những gì chúng ta đã thấy và đã sống. Có phải đó là bổn phận đầu tiên của nhà báo không?

Ký giả Loup Besmond ôn hòa hơn – “chính sự kết hợp các hình thức mới thích thú” – tuy nhiên ông thố lộ, khi làm phóng sự trong một khu phố nghèo ở Rio de Janeiro mà Đức Phanxicô sẽ viếng thăm vài giờ sau đó, ông mới sống được những giây phút đẹp nhất trong cuộc đời hành nghề ký giả của mình.

Nhưng phóng sự cũng có những nghịch lý của nó, ký giả Philippe Clanché nêu ra: “Tôi không phải là phóng viên bẩm sinh. Tôi luôn làm việc trong ngành báo nhưng tôi không có các phương tiện để thử nghiệm lâu và xa hơn. Ở trong môi trường công giáo thì khó để làm cho giáo dân nói ra nhất là ở Rôma.” Tôi cá là bất cứ ký giả nào cũng đã một lần đụng với loại “ngôn ngữ dao búa”… “Tôi thích giải mã các bản văn hay các hành động.”

Bài viết nào ông tự hào nhất? “Một bài viết dài về Joseph Ratzinger / Benoỵt XVI, tháng 4 năm 2005 buổi chiều ngài được bầu chọn, mà tôi đặt tựa là “Người sợ thế giới”. Bây giờ tôi vẫn nghĩ cái tựa này là đúng cho dù Đức Bênêđictô XVI vẫn có các giá trị nhân bản và trí thức của ngài.”

 

Thời gian của Giáo hội, thời gian của báo chí?

Làm thế nào cân nhắc được tính đa dạng/phức tạp của Giáo hội và kinh nghiệm thiêng liêng khi chỉ có vài giờ và phải theo một thể thức định sẳn?

Đối với ký giả Loup Besmond, đó là phần số của các ký giả: “Đương nhiên có hai “thời gian” khác nhau, hơn nữa thời gian của báo chí những năm gần đây ngày càng gia tốc! Điều này muốn nói, thời gian của truyền thông không còn là thời gian của luật gia, của người nghiên cứu, cũng không phải thời gian của người giảng dạy. Luôn luôn có căng thẳng giữa hai việc này.”

“Các cơ quan truyền thông khi nào cũng đòi hỏi nhanh lên và nhất là phải đơn giản hóa các vấn đề (thuận/chống, tiến bộ/phản ứng…)”, ký giả Philippe Clanché đưa ra vấn đề. “Tư tưởng của Giáo hội không đi theo khuôn khổ trắng đen nên khó. Mặt khác, Giáo hội không thể giảm thiểu xuống ở thứ bậc, người công giáo sống trong xã hội chung, phản ứng như người đồng thời, họ không nghe theo chỉ dẫn của Tòa Thánh hay của hàng giám mục. Nếu không, thánh Vinh Sơn, linh mục Joseph Wresinski (1917-1988) đã không xây dựng công trình có tính ngôn sứ của họ.”

Đứng trước thách thức này, ký giả Clanché nhấn mạnh đến vai trò của các “thông tín viên” trong Giáo hội: “Còn hơn là vấn đề thời gian tính, chính trong hình thức mà Giáo hội, đặc biệt là Vatican, đã không làm cho công việc của báo chí trở nên dễ dàng. Ký giả nào sẽ đọc 100 trang Thông điệp? Nhất là trên Internet phải đưa ra ngay lập tức các điểm chính.” Và phải hiểu là các thể chế rất nhạy cảm với thách thức này: “Tôi vui mừng ghi nhận là hội đồng Giám mục Pháp đã có tiến bộ khi lên tiếng phản ứng lại với các sự kiện, mà không nhất thiết phải họp tất cả các giám mục đang ở rải rác khắp nước. Và giáo hoàng sẽ ra thông điệp về môi trường trong vài tháng sắp tới, trước khi có cuộc họp thượng đỉnh ở Paris về khí hậu.”

“Đức Phanxicô truyền đạt rất tài tình, vừa làm ở một “thời gian ngắn” mà lại có tác động tích cực trên chiều dài thời gian”, ký giả Chloé Andries nêu ra. Sự đối nghịch giữa ngắn giờ/dài giờ này không làm cho giới báo chí và Giáo hội chống nhau, nhưng đó là một thực tế mới.

“Thời gian của truyền thông” thì ít cấp bách hơn thời gian của các tuần báo: ký giả Antoine Pasquier chia sẻ cách làm việc ở Gia đình Công giáo: “Cùng cùng một đề tài mà cách xử lý khác nhau: lần đầu tiên làm việc trong cấp bách với vài yếu tố phân tích, lần thứ nhì thì toàn bộ hồ sơ nên cần có thì giờ để suy nghĩ, để cân nhắc bối cảnh. Thượng hội đồng giám mục tháng 10-2014 là một ví dụ rất tiêu biểu: cùng một lúc phải ghi lại các thách thức đang được các giám mục thảo luận, cùng một lúc phải đưa ra các đường hướng chính và phải có một bài phân tích nóng hổi ngay. Sau thời gian đầu, báo Gia đình Công giáo phải xem lại hồ sơ rộng hơn trên một số vấn đề chủ chốt: chuẩn bị cho hôn nhân, giáo dục tình cảm và tính dục, các tín hữu đã ly dị…”

Antoine Pasquier, ký giả của báo Gia đình Công giáo
Antoine Pasquier, ký giả của báo Gia đình Công giáo

Làm sao đề cập đến các vấn đề “dễ gây giận” như khủng hoảng của phái Lefebvre, đạo đức hôn nhân…?

“Khi nào một chủ đề lại trở thành chủ đề gây tranh luận? Ai là người quyết định? Cái nhìn của mỗi tờ báo có thể khác nhau…” ký giả Antoine Pasquier nhấn mạnh, đối với ông vai trò của tờ báo của ông là làm “sáng tỏ và nếu có dịp thì bày tỏ quan điểm (như trường hợp áp phích quảng cáo buổi hòa nhạc của Linh mục-Prêtres)”. Đối với báo Gia đình Công giáo, dứt khoát tính chuyên nghiệp không đồng nghĩa với trung lập. Đôi khi tờ báo không ngần ngại khi nhắc lại nền tảng giáo huấn của Giáo hội về mặt đạo đức hôn nhân chẳng hạn)”.

Còn đối với ký giả Loup Besmond, phải tìm một thế quân bình giữa “tranh luận chỉ để tranh luận và bị rơi vào cám dỗ muốn được yên thân ‘muốn sống hạnh phúc thì phải sống ẩn dật’”. Đứng trước các vấn đề tế nhị (đụng đến con người và phong tục tập quán), phương pháp của ông là “giữ một khoảng cách và để cho tất cả mọi người có tiếng nói của mình”.

Theo ký giả Philippe Clanché thì chính trong các “chủ đề gây tranh cãi mà độc giả chờ ở ký giả để giúp họ có được một ý tưởng”. Khó khăn chính của các chủ đề này nằm ở khoảng cách giữa những “lời nói chính thức và thực tế nền tảng”. Lấy tiêu chuẩn nào để nhận định? Vất vả có thể gây ra do đứng ở vị trí này hoặc vị trí kia: “Tôi vẫn rất chú tâm đến các quyết định của thể chế mà đối với một số người có thể làm cho họ tổn thương. Một Giáo hội làm cho đau khổ, dù về mặt thần học là đúng lý thì cần phải xem lại vấn đề.”

Nữ ký giả Chloé Andries cười cho biết: “Đôi khi làm ký giả cho truyền thông bình dân thì dễ hơn”. “Đối với những vấn đề gai góc, quan điểm khi làm báo ngoài của tôi thì rõ ràng và đơn giản. Ngược lại, khi là ký giả cho truyền thông công giáo thì mình như ở trong một”gia đình”. Đôi khi giữa các tín hữu với nhau họ lại rất cay độc với nhau hơn là với người không phải là tín hữu. Họ giận anh em mình đã đem vấn đề gia đình ra nói cho người lạ. Cũng vậy, một tiếng nói bất bình có thể bị cho là gieo “bất hòa”.

Marta An Nguyễn chuyển dịch