lemondedesreligions.fr, Antoine Colonna, 05-11-2015
Từ khi được bầu lên ngai tòa Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã nối lại tinh thần đi du hành để giao tiếp của Đức Gioan-Phaolô II. Thân cận với ngài là các nhà ngoại giao tinh nhuệ, ngài biết cách giao tiếp, biết cách làm dịch chuyển các đường phân ranh. Từ đảo Lampedusa với người di dân ở Ý đến nạn diệt chủng của người Armênia, Đức Phanxicô chứng tỏ mình dám làm hơn bất cứ nguyên thủ quốc gia nào, tuy nhiên đường lối chính trị của ngài vẫn là đường lối chính trị thực tiễn cổ điển.
Cách đây vài tháng, trong một buổi trình ủy nhiệm thư, Đức Phanxicô đã cho thấy tầm nhìn về đường lối ngoại giao của mình. “Công việc của người đại sứ là làm từng bước nhỏ, những việc nhỏ, nhưng cuối cùng họ luôn kết thúc bằng việc xây dựng hòa bình, xích lại gần tâm hồn mọi người, gieo tình huynh đệ giữa mọi người.”
Và để gieo tình huynh đệ, Đức Phanxicô không ngại khi phải cố gắng hết sức để làm. Trong hai năm triều giáo hoàng của mình, ngài đã đi đến Đất Thánh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Hàn, Ba Tây, Albania, Nghị viện Âu Châu, Sri Lanka, Phi Luật Tân. Sắp đến ngài sẽ đi các nước Mỹ, Bosnia, Châu Mỹ La Tinh, Cuba, Phi Châu và Pháp.
Đức Phanxicô dẫn dắt một nền ngoại giao được giới truyền thông nói đến rất nhiều, đáng kể nhất là quan hệ của ngài với giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka và giáo sư Hồi giáo Omar Abboud, cả hai là bạn người Argentina của Đức giáo hoàng, đã đi theo ngài đến Giêrusalem năm 2014 và một sự việc cũng đáng kể khác là ngài mời Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestina Mahmoud Abbas đến Vườn Vatican cầu nguyện.
Tuy vậy Đức Thánh Cha lại đi theo dấu vết xưa cổ nhất, đây cũng là một nền ngoại giao cực mạnh nhất của thế giới, một nền ngoại giao áp dụng các đức tính chủ yếu là cẩn thận và ôn hòa với sự có mặt tòa đại sứ của mình ở 180 nước, có quy chế Quốc gia nghĩa là có quan sát viên trong các thể chế quốc tế như ONU, UNESCO, OMC, AIEA. Bây giờ, lịch làm việc của ngài về mặt chính trị chủ yếu chú trọng đến việc xây dựng hòa bình, bảo vệ môi trường và những vấn đề lớn khác về mặt xã hội, tôn giáo và kinh tế, nơi ngài nắm uy quyền về mặt đạo đức, vừa công giáo vừa từ bán cầu phía Nam chống lại sự “dửng dưng toàn cầu”.
Thành công trong vụ Cuba
Một trong những thành công nổi bật nhất của nền ngoại giao này là cú xích lại ngoạn mục giữa Washington và La Havana. Vatican quả thật có đặc tính độc đáo riêng của mình, không quan tâm đến những chuyện nhất thời, không đòi lãnh thổ và xa tất cả những hệ lụy thương mại. Ở Cuba, các Đức ông, các giám chức của Giáo triều đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington mà chúng ta vừa thấy. Vatican là nơi để thực hiện các trao đổi tuyệt mật, nơi đón tiếp để có những cuộc thảo luận giữa Raul Castro và Barack Obama. Đức Phanxicô, là hình ảnh của nhà làm cách mạng, đã theo bước chân của Đức Gioan XXIII, người giữ một vai trò trọng tâm trong cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 giữa tổng thống người công giáo Kennedy và chủ tịch xô-viết vô thần Khrouchtchev. Đức Gioan XXIII đã cho đăng lời kêu gọi hòa bình trên nhật báo xô-viết Pravda và đã tiếp kiến riêng con gái của Tổng bí thư Khrouchtchev ở Vatican. Cuộc khủng hoảng tên lửa đe dọa thế giới trên bờ chiến tranh nguyên tử lại khai thông cho một giai đoạn hòa hoản giữa hai cường quốc. Năm vừa qua, Đức Phanxicô đã phong thánh cho Đức Gioan XXIII. Trước khi Đức Gioan XXIII qua đời vì bệnh ung thư, ngài đã ký Thông điệp Hòa bình Dưới thế (Pacem in Terris), một thông điệp ngài ấp ủ trong lòng. Và bây giờ ở Châu Mỹ La Tinh, nền ngoại giao của Rôma ở Colombia vẫn còn hoạt động mạnh trong các cuộc thương thuyết hòa bình giữa chính quyền và các nhóm phiến quân nổi loạn.
Một thế giới đang ở trong cơn khủng hoảng
Số phận của các tín hữu Kitô ở Trung Đông trên chính trường quốc tế là một trong những vấn đề đau đớn nhất của Vatican. Vào đầu thế kỷ 20, vùng này có từ 12 đến 15 % dân số là tín hữu Kitô, bây giờ số tín hữu này chỉ còn 4 đến 5 %, các tín hữu ở Irak và Syria đã phải đi trốn trong những điều kiện thảm thiết nhất.
Đức Phanxicô cố gắng làm cho các chính quyền Tây phương quan tâm đến các cộng đoàn xưa cổ này ở Trung Đông và Cận Đông. Thực tế là lời xin nâng đỡ này không được mọi người nghe theo. Tình trạng này quả đã củng cố các quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo hội Chính thống ở Moscova. Từ lâu quan hệ giữa hai Giáo hội rất khó khăn nhưng dưới thời Đức Bênêđictô XVI đã có một bước ngoặc. Giáo hoàng người Đức kế vị giáo hoàng người Ba Lan, ngài đã biết xích lại gần Thượng phụ Kiril. Khi vừa được bầu chọn, Đức Phanxicô tự giới thiệu mình là giám mục địa phận Rôma chứ không phải là lãnh đạo Giáo hội toàn vũ vì thế đây là món quà tượng trưng cho anh em chính thống. Trong cơn khủng hoảng ở Ukrainia, cùng với Thượng phụ Báctôlômêô của Constantinople, Đức Phanxicô chỉ đơn giản xin hai bên “tìm một con đường để đối thoại và phải tôn trọng luật quốc tế”.
Trong quá khứ, Giáo hội Công giáo luôn dành ưu tiên cho các giáo phái miền Tây Ukrainia (giáo phái công giáo theo nghi thức Hy Lạp), xem đó như mảnh đất của sứ vụ, và do đó đã làm phức tạp các quan hệ của hai bên, bên Ukrainia và bên Nga xô. Ngày nay, Rôma giữ một thái độ trung lập, không muốn làm tổn hại đến quan hệ vừa mới được thiết lập với giáo trưởng Moscova, người ít mặn nồng với đại kết.
Một nền chính trị thực tiễn của Dòng Tên
Rôma cũng quan tâm đến hàng triệu tín hữu công giáo ở Á Châu. Sau chuyến đi Nam Hàn, nơi có 10% tín hữu (tăng 30% trong vòng 10 năm) bây giờ đến lượt Trung quốc, nơi cộng đoàn Kitô có từ 5 đến 14 triệu tín hữu mà chính sách ngoại giao của Vatican đang hoạt động rất cẩn thận. Vatican và Bắc Kinh chưa có quan hệ chính thức nên cần phải làm tròn các góc cạnh để hy vọng một ngày hai Giáo hội sẽ kết hiệp lại với nhau, một giáo hội gọi là giáo hội “yêu nước” được nhà nước kiểm soát, còn giáo hội kia là giáo hội “chui” hoàn toàn trung thành với Rôma. Trong chuyến đi Rôma của Đức Đạt Lai Lạt Ma tháng 12 năm 2014, Đức Phanxicô đã không gặp ngài, trước hết là để khỏi làm mất lòng Bắc Kinh mà quan hệ đang còn khó khăn và rắc rối. Ở đây, Đức Phanxicô cho thấy, đàng sau cách nói chuyện mạnh, ngài cũng hơi “cáo” như ngài đã tự nói về mình như vậy. Dĩ nhiên Đức Phanxicô sẽ có ít nguy cơ khi cho “bài học đạo đức” trên các chủ đề tương hợp với các nghị sĩ của Nghị viên Âu Châu hơn là nói chuyện với Đảng cộng sản Trung quốc, một Đảng vẫn còn tiếp tục loại trừ, canh chừng và thậm chí bỏ tù tín hữu công giáo Trung quốc.
Trong các tháng sắp tới, Đức Thánh Cha sẽ tiến hành việc phong thánh cho linh mục Matteo Ricci, một linh mục Dòng Tên ở thế kỷ 16 được các vua nhà Minh kính trọng vì sự hiểu biết và vì tình yêu của ngài đối với đất nước Trung quốc. Tuy nhiên đường lối chính trị thực tiễn này không ngăn ngài gọi đúng tên đúng việc. Trong thánh lễ ngày 12 tháng 4 vừa qua, Đức giáo hoàng đã nói đến vụ diệt chủng người Armênia cách đây một thế kỷ, một vụ diệt chủng mà Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận nên đã làm cho họ giận. Tuy nhiên cũng đã có một tiền lệ: Năm 2000 Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc đến việc dân tộc này bị tử đạo, nhưng ngài chỉ viết.
Các nhà ngoại giao ở các vị trí chủ chốt
Trên tất cả các hồ sơ này, Đức Phanxicô biết mình phải ở gần các nhà ngoại giao giỏi. Ngay từ khi vừa được bầu chọn, ngài đã bổ nhiệm các nhà ngoại giao ở những địa vị chủ chốt của Giáo triều La Mã, một trong những mạng ngoại giao có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Ông Bernard Lecomte, chuyên gia Vatican học cho biết: “Vừa là giám chức, vừa là đại sứ của giáo hoàng, mạng lưới này gồm các hồng y và các giám mục, những người ở hàng đầu biết được tin tức tận nguồn gốc về tình trạng thế giới”. Tân Quốc vụ khanh, tương đương với chức Thủ tướng, hồng y Pietro Parolin là một giám chức người Ý. Nhà ngoại giao lỗi lạc này từng là sứ thần Tòa Thánh ở Việt Nam, sau đó là ở Venezuela, những xứ ngài đã biết cách cải thiện các quan hệ mà lúc đó rất tệ hại. Ông Bernard Lecomte nhấn mạnh đến sự liên hợp mà “Đức Gioan-Phaolô II và Quốc vụ khanh Agostino Casaroli của ngài đã thành tựu được”, trong thời Chiến tranh lạnh, Quốc vụ khanh Casaroli còn được gọi là “phó giáo hoàng”. Một nhà ngoại giao thân cận với Quốc vụ khanh Parolin là giám mục người Anh Paul Richard Gallagher, 61 tuổi, tân “bộ trưởng Ngoại giao” của Vatican. Cả hai người này biết nhau nhiều – Parolin sửa tiếng Ý cho Gallagher khi họ còn là sinh viên ở ghế nhà trường ngoại giao của Tòa Thánh. Giám mục Gallagher là người “Anglo-saxon” đầu tiên ở địa vị này. Đức giáo hoàng đã xin Giám mục Gallagher sáng tạo và dấn thân trong “văn hóa của đối thoại”.
Chính nhờ làm việc với các chuyên gia lớn này mà Đức Phanxicô đã chuẩn bị được hai cuộc gặp gỡ rất quan trọng. Cuộc gặp gỡ đầu tiên có tính biểu tượng cao là cuộc gặp gỡ ở Sarajevo ngày 6 tháng 6 sắp tới và buổi nói chuyện trước Nghị viện Mỹ vào tháng 9 năm nay. Đức giáo hoàng sẽ ngỏ lời ở một đất nước có một phần tư dân số là người công giáo nhưng họ lại theo chủ nghĩa vật chất và đường lối chính trị quốc tế của họ thường bị Vatican lên án như việc đưa quân vào Irak năm 2003. Được ông John Boehner, lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Hạ Viện và bà Nancy Pelosi, lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Hạ Viện mời, cả hai đều là người công giáo, Đức Phanxicô phải rất ngoại giao. Nhưng nếu ngài muốn đánh thức họ thì ngài phải nói đến các vấn đề làm cho họ giận: tình trạng người di dân latino-mỹ và việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính mà Barack Obama mong muốn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch