Vatican Insider – Andrea Tornielli – 08-5-2015
‘Tôi có thể nói thẳng với bạn rằng không có ‘bí mật’ Fatima thứ tư, và cũng không có các bí mật giấu kín nào cả.’ Hồng y Angelo Amato, trưởng Thánh bộ Phong Thánh và từng là nhân vật số hai trong Thánh bộ Giáo lý Đức tin, dưới quyền Đức Joseph Ratzinger và rồi là Hồng y William Levada. Hồng y Amato có lời giải thích riêng của mình về thông điệp của việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, được giáo hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ cho toàn thế giới vào tháng 6 năm 2000, sau khi phong chân phước cho 2 mục đồng nhỏ Francisco và Jacinta Marto vào ngày 13 tháng 5 cùng năm đó.
‘Bí mật này có 3 phần. Và tôi có thể nói thẳng với bạn rằng không có ‘bí mật’ Fatima thứ tư, và cũng không có các bí mật giấu kín nào cả.’ Hai phần đầu tiên được viết ra bởi xơ Lucia, 1 trong 3 mục đồng nhỏ ở Fatima năm 1941. Hai phần này đã được công bố. Hai phần đầu này phác họa hỏa ngục, được mô tả là một biển lửa, với đầy các ác thần và các linh hồn than khóc trong đau đớn và tuyệt vọng, khiến người ta kinh hãi rụng rời. Thị kiến này đi cùng những lời của Đức Trinh nữ Maria, khuyến khích mọi người tận hiến cho trái tim Vô nhiễm của Mẹ để cứu lấy linh hồn các tội nhân.’
Những lời của hồng y Amato đồng hưởng với những lời của hồng y Tarcisio Bertone hồi năm 2000, khi ngài còn là Thư ký Thánh bộ Giáo lý Đức tin. Giáo hoàng Gioan Phaolô II và hồng y Ratzinger đã lệnh cho hồng y Bertone đến gặp xơ Lucia dos Santos để nói về bí mật Fatima thứ ba, trước khi công bố. Việc phong bì chứa bản văn của xơ Lucia được giám mục Leiria giữ trước khi đến Roma năm 1957, cùng với một vài điểm vô lý, như việc trình bày thị kiến về các Kitô hữu và giáo hoàng tử đạo, nhưng lại không có lời nào giải thích , khiến cho nhiều người tin rằng vẫn còn một phần nữa chưa được hé lộ. Hay nhiều người cho rằng có ít nhất 2 văn bản, một ở trong thư khố Thánh bộ Giáo lý Đức tin, và một trong điện giáo hoàng từ thời Đức Piô XII.
Trong bài viết của mình, hồng y Amato nhấn mạnh rằng, không có ‘bí mật thứ tư’ cũng như không có bí mật nào khác về lời tiên tri Fatima. Đây là một trong những lời tiên tri gắn chặt với lịch sử thế kỷ trước, khi tiên đoán Cách mạng tháng 10 và Thế chiến II.
‘Khi tôi còn là Thư ký của Thánh bộ Giáo lý Đức tin, tôi đã có đặc ân giữ và đọc các bản thảo gốc về các bí mật Fatima và thông điệp của sự kiện này. Tôi đã dành nhiều thời gian suy gẫm, bởi các thông điệp này chiếu rọi một ánh sáng đức tin và hi vọng trên những sự kiện vô cùng đáng buồn của thế kỷ trước và xa hơn nữa. Như chúng ta biết, thế kỷ XX, vốn từng được mường tượng là một kỷ nguyên hữu lý và thân ái, nhưng thực sự lại là một thời kỳ thương tâm đối với các Kitô hữu, khi phải chịu bách hại và đàn áp ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh hai cuộc thế chiến, những biến cố đau thương nhất là cuộc diệt chủng Armenia, cuộc đàn áp Mễ Tây Cơ, cuộc bách hại Tây Ban Nha, những cuộc tàn sát của Phát xít, những cuộc giết người hàng loạt của cộng sản, và đầu thiên niên kỷ thứ ba này, là cuộc bách hại của Hồi giáo cực đoan. Hàng triệu người đã trở thành nạn nhân của các hệ tư tưởng tàn ác, vốn sản sinh và tiếp tục sản sinh xung đột, thù hận và chia rẽ.’
Hồng y tiếp lời, ‘Giáo hội thời nay là một Giáo hội của các bậc tử đạo, của các Kitô hữu vô tội bị giết hàng ngày, đơn giản bởi vì mang đức tin không lay chuyển vào Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thị kiến Fatima gợi lên bi kịch này, biểu lộ những sự kiện lịch sử cụ thể, trong đó ý muốn hiểm độc của ma quỷ dấy lên chống lại sự Quan Phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, ý muốn quỷ quyệt này ở trong những kẻ thù của sự thiện, những kẻ dám cám dỗ Chúa Giêsu và đang tiếp tục cám dỗ Giáo hội thánh của Chúa Giêsu, gieo rắc những cảm giác thù hằn và chết chóc trong tâm hồn con người. Với những bí mật của mình, Fatima chắc chắn là nơi Đức Mẹ hiện ra mang tính ngôn sứ nhất, với những lời cụ thể nói đến chiến tranh, chia rẽ và bi kịch.’
Các độc giả sẽ nhớ lại thị kiến trong bí mật thứ ba, có nói về ‘giám mục vận áo trắng’ bị giết sau khi leo lên ngọn núi đầy quan tài các bậc tử đạo. Thánh Gioan Phaolô II từng nói rằng ngài thấy bản thân trong thị kiến này, sau khi Ali Agca ám sát hụt ngài vào năm 1981, đúng ngay ngày 13 tháng 5, dịp mừng lễ Đức Mẹ Fatima. Khi bí mật thứ ba được tiết lộ vào năm 2000, tất cả mọi lời diễn giải có vẻ đều hướng thị kiến tiên tri này về những sự kiện trong quá khứ. Nhưng, trong chuyến viếng thăm Đền thánh Đức Mẹ Fatima hồi tháng 5, 2010, Đức Bênêđictô XVI đã nói rằng, ‘Chúng ta hẳn đã lầm khi nghĩ sứ mạng ngôn sứ của Fatima đã hoàn tất.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch