Hướng đến việc ban hành tông thư của Giáo hoàng Phanxicô về toàn cầu hóa và sinh thái, đây là tóm lược những gì ngài đã nói về chủ đề này
Vatican Insider – Andrea Tornielli
‘Chúng ta đã kế thừa từ các thế hệ đi trước, và chúng ta được hưởng lợi từ lao công của những người đương thời, vì lẽ này, chúng ta buộc phải có bổn phận với tất cả, và không thể chối từ bỏ sức mình ra cho những người sẽ đến sau mở rộng gia đình nhân loại.’ Đức Phaolô VI đã viết như trên trong tông thư Phát triển các Dân tộc [Populorum Progressio] vào năm 1967, một bản văn thường hay bị lãng quên. Là giáo hoàng đầu tiên chọn danh hiệu theo tên của Người nghèo thành Assisi, Đức Phanxicô xem việc bảo vệ tạo vật là ưu tiên hàng đầu. Tông thư sắp đến của ngài về những vấn đề này, đang sẵn sàng và dự kiến sẽ ban hành vào tháng 6.
Chúng ta hãy cùng lược qua một vài diễn văn và giáo lý mà Đức Phanxicô đã tuyên bố về chủ đề này, thậm chí trích lại lời của Đức Bênêđictô XVI trong kết luận của mình. Trong buổi tiếp kiến chung hôm 05-6-13, ngày Môi trường Thế giới, một sự kiện xúc tiến bởi Liên hiệp quốc, vị giáo hoàng người Argentina đã nói đến vấn đề bảo vệ môi trường. ‘Tôi nghĩ đến những trang đầu tiên của Kinh thánh, mở đầu sách Sáng Thế nói rằng Thiên Chúa đặt con người nam và nữ trên địa cầu để trồng trọt và gìn giữ. Và rồi xuất hiện trong đầu tôi những câu hỏi này: Vun đắp và gìn giữ trái đất nghĩa là gì? Chúng ta có thực sự đang vun đắp và chăm lo cho tạo vật? Hay chúng ta đang bóc lột và bỏ mặc tạo vật? Động từ ‘vun đắp’ nhắc nhở tôi về công việc người nông dân làm để bảo đảm mảnh đất sẽ màu mỡ hoa trái và sản vật của ông sẽ được chia sẻ với người khác. Được như thế thật là đầy chú tâm, nhiệt tình, và tận tụy! Vun đắp và chăm lo cho tạo vật là một huấn truyền từ Thiên Chúa, không phải chỉ ở lúc mở đầu lịch sử,nhưng còn là cho mỗi một người trong chúng ta, đây là một dự định của Ngài, nghĩa là làm cho thế giới ngày một thêm có trách nhiệm, và biến đổi để trở nên khu vườn, trở nên một nơi sinh sống cho tất cả chúng ta.’
Đức Phanxicô trích lại lời bậc tiền nhiệm, chỉ ra rằng Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc nhở mọi người về ‘bổn phận mà Thiên Chúa Tạo Hóa đã trao cho chúng ta, cần chúng ta nắm bắt được nhịp điệu và quy luật của tạo vật.’ ‘Nhưng ngược lại, chúng ta thường chạy theo sự tự đại thống trị, chiếm hữu, lạm dụng, bóc lột, chúng ta không ‘gìn giữ’ trái đất, chúng ta không tôn trọng, không xem trái đất là một ơn ban nhưng không, để chúng ta coi sóc.’ Chúng ta đánh mất ý thức kinh ngạc trước tạo vật, và không thể chiêm ngắm cùng lắng nghe tạo vật, do đó chúng ta không còn nhận thức được những gì mà Đức Bênêđictô XVI đã gọi là ‘nhịp điệu của lịch sử yêu thương Thiên Chúa dành cho nhân loại.’
Tại sao chuyện này lại xảy ra? Đức Phanxicô đang hỏi chúng ta. Tại bởi, ‘chúng ta suy nghĩ và sống theo trục hoành, theo đường ngang, chúng ta không còn hướng thượng, và rời xa Thiên Chúa, không còn đọc thấy những dấu chỉ của Ngài nữa.’ Đức Phanxicô giải thích rằng, ‘vun đắp và chăm lo’ không chỉ điều hướng mối liên hệ giữa chúng ta với môi trường, giữa con người và tạo vật, nhưng còn là mối liên hệ giữa người với người. Các giáo hoàng đã nói nhiều về sinh thái học nhân loại, và gắn kết chặt chẽ điều này với sinh thái học môi trường. Chúng ta đang sống trong một thời đại khủng hoảng, chúng ta thấy được điều này trong môi trường, nhưng trên hết tất cả là trong chính nhân loại này. Nhân sinh đang nguy ngập, chắc chắn là thế, nhân sinh thời nay đang trong cơn nguy hiểm, và sinh thái học nhân loại đang trong cơn nguy bách!
Và đây là một mối nguy nghiêm trọng, bởi nguyên do của vấn đề này không phải chỉ trên bề mặt, nhưng là sâu bên trong, đây không chỉ là vấn đề kinh tế, nhưng là vấn đề luân lý và nhân học. Giáo hội đã nhiều lần nêu bật vấn đề này, và nhiều người bảo rằng, ‘đúng, đúng lắm, thật sự là vậy ….’ nhưng hệ thống này vẫn cứ tiếp diễn như lâu nay vẫn vậy, bởi nó bị thống trị bởi các động lực của một nền kinh tế và tài chính thiếu đạo đức.’ Đức Phanxicô, tự phát nói thêm: ‘Ngày nay, con người không còn nắm quyền, nhưng là tiền bạc, tiền bạc đang thống trị. Thiên Chúa Cha chúng ta, không trao trách nhiệm chăm lo trái đất cho tiền bạc, nhưng là cho chúng ta, cho con người nam nữ, đây là bổn phận của chúng ta!
Nhưng, những con người nam nữ lại đang bị hiến tế cho các ngẫu tượng lợi nhuận và tiêu dùng: đây là ‘nền văn hóa thải loại.’ Nếu bạn làm hỏng một máy tính, đó là bi kịch, nhưng còn sự nghèo đói, túng quẫn, các thảm kịch mà quá nhiều người đang phải chịu đựng, thì lại là chuyện thường. Vậy nên, nếu vào một đêm mùa đông, gần Via Ottaviano, có một người chết đi, thì chẳng có gì để lên tin tức. Nếu ở nhiều nơi trên thế giới, có các trẻ em chẳng có gì để ăn, đó không phải là tin tức, mà có vẻ là chuyện thường. Không thể để như thế này được! Những chuyện như thế này thành chuyện thường, một người vô gia cư nào đó chết vì lạnh trên đường phố, không phải là tin tức. Ngược lại, thị trường chứng khoán mất 10 điểm, lại là một bi kịch. Một con người chết đi, không phải là tin cần biết, nhưng 10 điểm mất đi trên thị trường chứng khoán lại là bi kịch! Do bởi cung cách này mà con người ta bị thải loại, như thể con người là rác vậy.’
Đức Phanxicô cảnh báo rằng, ‘Nền văn hóa thải loại này có xu hướng trở thành một suy tính chung ảnh hưởng lên tất cả mọi người. Sinh mạng và con người không còn được xem là giá trị tiên quyết phải tôn trọng và bảo vệ, đặc biệt nếu họ nghèo hay khuyết tật, nếu họ không có giá trị sử dụng – như đứa trẻ chưa sinh ra – hay không còn cần đến nữa – như người già. Nền văn hóa thải loại này đã khiến chúng ta mất cảm giác với cả việc phí phạm và vứt bỏ thức ăn, một hành động xấu xa hơn nữa, khi trên khắp thế giới, bất hạnh thay có rất nhiều người và gia đình đang chịu khốn khổ bởi đói ăn và suy dinh dưỡng. Từng có một thời, ông bà của chúng ta rất cẩn thận không vứt đi thức ăn thừa nào. Nhưng chủ nghĩa tiêu thụ đã dẫn chúng ta trở nên dần quen với sự thừa mứa và việc phí phạm thức ăn hằng ngày, và chúng ta nhiều khi không còn có thể xác định được một giá trị đúng đắn cho thực thực phẩm, một việc vượt trên những tiêu chuẩn kinh tế thuần túy.’
Rồi Đức Phanxicô nhắc lại rằng ‘việc vứt đi thức ăn cũng như chúng ta đang cướp đi từ bàn ăn của người nghèo, người đói! Tôi khuyến khích tất cả mọi người hãy suy nghĩ về vấn đề vứt đi và lãng phí thức ăn, để tìm ra những cách thức và phương tiện để, xác định nghiêm túc vấn đề này, từ đó đoàn kết và chia sẻ với những người túng quẫn.’ Cách đây vài ngày, nhân lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta đã đọc thấy câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều: Chúa Giêsu cho cả đám đông được ăn no với 5 chiếc bánh và 2 con cá. Và lời kết của đoạn này rất quan trọng: ‘Tất cả họ đều ăn và mãn nguyện. Và khi thu dọn thức ăn thừa, họ thu được 12 thúng đầy.’ Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ không ném đi thức gì hết: không phí phạm! Và về chuyện 12 chiếc thúng: Tại sao lại là 12? Điều này nghĩa là gì? 12 là con số chi tộc Israel, tượng trưng cho toàn dân. Và điều này nói cho chúng ta biết rằng thực phẩm được chia cách công bằng, với tình đoàn kết, không một ai bị tước đoạt, tất cả mọi cộng đồng đều có thể đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất.’
Giáo hoàng Phanxicô giải thích: ‘sinh thái học nhân loại và sinh thái học môi trường đi cùng với nhau. Vậy nên tôi muốn tất cả chúng ta hãy có sự tận tâm nghiêm túc để tôn trọng và bảo vệ tạo vật, chú tâm đến tất cả mọi người, chống lại nền văn hóa thải loại và vứt đi, thăng tiến một nền văn hóa đoàn kết và gặp gỡ.’
Trong bài diễn văn đầu tiên với thành viên các ngoại giao đoàn đặt trụ sở tại Tòa Thánh, hôm 13-4-2014, Đức Phanxicô cảnh báo rằng chúng ta phải tôn trọng tự nhiên khi ‘Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, chúng ta thì lúc có lúc không, còn tự nhiên – tạo vật – nếu bị xử tệ, thì không bao giờ!’ ‘Việc tham lam bóc lột các tài nguyên môi trường là một mối đe dọa với hòa bình trong thế giới.’
Tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Haiyan đánh vào Phi Luật Tân hồi tháng 11 năm 2013, cướp đi mạng sống của hơn 5000 người, giáo hoàng nhấn mạnh rằng việc bảo vệ môi trường là bảo vệ Công cuộc Tạo dựng. Các tác động tàn phá của những cơn thiên tai gần đây là minh chứng ngay trước mắt chúng ta: ‘điều then chốt chính là trách nhiệm của tất cả mọi người trong việc theo đuổi, với tinh thần thân ái, các chính sách tôn trọng trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.’ Hôm 9-02 năm nay, Đức Phanxicô cũng hướng về chủ đề bảo vệ và tôn trọng tạo vật. Ngài nói trong bối cảnh thời tiết xấu đang diễn biến ở nhiều nơi trên trái đất. Giáo hoàng cầu nguyện ‘cho những ai đang chịu thiệt hại và khốn khó bởi các thiên tai, ở nhiều quốc gia’ và nhận định rằng ‘tự nhiên đòi chúng ta phải đồng lòng và chú tâm bảo vệ tạo vật, cũng như ngăn chặn hết sức có thể các hệ quả nghiêm trọng nhất.’
Ngay trong thánh lễ tấn phong hôm 19-3-2013, Đức Phanxicô cũng làm rõ ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài rằng tạo vật rất quan trọng với ngài. Dịp này ngài đã thúc giục không chỉ các Kitô hữu mà là tất cả mọi người nam nữ hãy ‘bảo vệ toàn bộ tạo vật, vẻ đẹp của thế giới được tạo dựng, tôn trọng mỗi một tạo vật của Chúa và tôn trọng môi trường chúng ta đang sống.’ Và còn trong buổi tiếp kiến chung hôm 21-3-14, Đức Phanxicô đã nhắc lại rằng chúng ta phải ‘canh chừng tạo vật, bởi nếu chúng ta hủy hoại tạo vật, thì thì tạo vật sẽ hủy hoại chúng ta.’ Ngài đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, nếu nhân loại không bảo vệ môi trường, thì tự nhiên sẽ hủy hoại nhân loại.
Nhân dịp này, Giáo hoàng nhắc nhở mọi người về trách nhiệm của nhân loại khi nhấn mạnh ‘ơn của Chúa Thánh Thần: ơn hiểu biết, sẽ giúp chúng ta không rơi vào ‘thái độ cực đoan hay sai lầm’ về Công trình Tạo dưng. ‘Sai lầm đầu tiên là việc liều mạng xem mình là chủ nhân ông của tạo vật. Tạo vật không phải là một của sở hữu mà chúng ta có thể toàn quyền chiếm hữu theo ý muốn của mình,và cũng không phải là tài sản của một số người. Nhưng tạo vật là một ơn ban, là ơn tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta chăm lo và kiểm soát cho lợi ích của tất cả mợi người, luôn luôn với tinh thần tôn trọng và tri ân.’ Đức Phanxicô thúc giục các tín hữu hãy là người trông coi tạo vật, chứ đừng theo con đường thống trị bạo ngược trên tạo vật. ‘Chúng ta là những người bảo vệ tạo vật. Khi bóc lột tạo vật, chúng ta hủy hoại dấu chỉ này của tình yêu Thiên Chúa. Hủy hoại tạo vật là nói với Chúa rằng: ‘Tôi không quan tâm.’ Và như thế là không tốt, là tội. Coi sóc tạo vật chính là coi sóc ơn Chúa ban, một sự không được hủy hoại.’
Giáo hoàng Phanxicô đang hoàn tất tông thư về bảo vệ tạo vật, về phát triển và các hệ quả từ việc bóc lột tàn tệ Trái đất đối với người nghèo. Nên nhớ rằng chủ đề này cũng xuất hiện trong nhiều bài diễn văn của Đức Bênêđictô XVI, đặc biệt là trong phần thứ hai của chương thứ tư trong tông thư Bác ái trong Chân lý [Caritas in Veritate]. ‘Ngày nay, chủ đề phát triển cũng liên hệ chặt chẽ với các trách nhiệm đối với môi trường tự nhiên.’ Đức Ratzinger nhắc lại rằng, ‘tự nhiên bày tỏ một dự định yêu thương và chân lý, và do đó đây cũng là một ơn gọi.’ Đức Bênêđictô XVI nhắc đến các ‘vấn đề liên quan đến việc chăm lo và gìn giữ môi trường, vốn cần có sự cân nhắc đến vấn đề năng lượng.’ Ngài nhắc lại rằng ‘nguồn dự trữ tài nguyên tự nhiên, vốn thường có ở những nước nghèo, đang là nguyên do dấy lên sự bóc lột và xung đột thường xuyên giữa và trong các dân tộc.’ Đức Bênêđictô cũng chỉ ra rằng, ‘thật chính đáng khi con người thực thi nhiệm vụ quản gia trên tự nhiên, để bảo vệ, để hưởng dùng hoa trái và vun đắp cho tự nhiên theo những cách thức mới, với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, để tự nhiên đáng là nơi dung thân và nuôi sống cho dân cư thế giới. Trên trái đất này, đủ chỗ cho tất cả mọi người.’
Do đó, điều cần thiết là ‘củng cố giao ước giữa nhân loại với môi trường, một giao ước phản ánh tình yêu tạo dựng Thiên Chúa.’ Mà trong các bài nói chuyện của Đức Phanxicô, chúng ta cũng thấy rằng các quan điểm của Giáo hội Công giáo về vấn đề này bắt rễ từ Kinh thánh. Và một nhân định nữa của Đức Bênêđictô XVI trong tông thư quả quyết rằng, ‘Cách nhân loại đối xử với môi trường, tác động đến cách nhân loại đối xử với chính mình, và ngược lại.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch