NYR – Garry Wills
Một giáo hoàng thực sự là một giáo hoàng đáng sợ. Chúa Giêsu đã khiến dân chúng sợ Ngài (và họ đã giết Ngài). Giáo hoàng Phanxicô có thực sự đáng sợ. Có thể nghĩ như thế từ phản ứng của những hộ pháp cho tính chính thống, những người như nhà phê bình Ross Douthat, nghĩ rằng mình phải dọa giáo hoàng rằng sẽ ly giáo nhằm bảo vệ sự thiêng liêng của hôn nhân, ‘bởi giáo hoàng này sẽ tránh được sai lầm chỉ khi giáo hội chống đối ngài.’ Nhưng những người chăm chăm chỉ trích này không lôi kéo được nhiều người cho lắm. Và đây không phải là một nỗi sợ vừa chừng đâu.
Ngay lúc này, có một sự đang nổi lên và khiến các tỷ phú đứng ngồi không yên, và khi các tỷ phú Công giáo bị chấn động, thì các giám mục Công giáo cũng rùng mình theo. Các tỷ phú này là những người xây dựng nhà thờ, bệnh viện, trường học, và thư viện Chuyện các cha tranh thủ tình cảm của những người lắm tiền không phải là hiếm.
Mới đây, Kenneth Langone, đồng sáng lập của Home Depot, đã nhắc nhở cho hồng y Timothy Dolan về những chuyện thế này trong đời sống giáo hội. Hồng y Dolan đang làm việc để phục hồi nhà thờ chính tòa thánh Patrick ở New York, với chi phí lên đến 175 triệu mỹ kim. Ông Langone hỏi vì sao ông và các nhà hảo tâm khác nên quyên tiền khi mà giáo hoàng đang lên án ‘ngẫu tượng tiền bạc.’ Ông nói rằng, những lời phê phán của giáo hoàng khiến ông và các nhà hảo tâm khác, ‘không thể thấy cảm thương người nghèo được.’
Nhưng, ngay cả đây, vẫn là một nỗi sợ nhỏ. Đơn giản là ông Langone đang gây sức ép để khỏi quyên tặng tiền. Bây giờ, khi giáo hoàng Phanxicô đang chuẩn bị một tông thư về biến đổi khí hậu, sẽ được phát hành vào mùa hè này, thì các tỷ phú đang dùng rất nhiều tiền để công kích trực diện ngài. Họ đang kêu gọi con cháu mình, các nhà khoa học chịu bảo trợ, các hội nghị lắt léo, những người bợ đỡ, và các nhà báo bị mua chuộc, hãy làm mất tín nhiệm những lời của giáo hoàng, vốn vẫn còn chưa ban hành: Họ bảo rằng, ngài sẽ gây hại cho đàn chiên và thế giới này khi đặt thẩm quyền luân lý của mình chạy theo nghị trình không có chút khoa học nào của Liên hiệp quốc về khí hậu. Họ không biết chính xác những gì giáo hoàng sẽ nói gì trong tông thư sắp đến về gìn giữ tạo vật của Thiên Chúa, nhưng họ biết những gì ngài sẽ không nói. Ngài sẽ không chối bỏ rằng người nghèo đang chịu đau khổ từ những hành động bóc lột địa cầu. Tất cả những gì ngài đã nói và làm cho đến bây giờ, đều cho thấy Đức Phanxicô luôn luôn đứng lên vì người nghèo.
Những người thu lợi từ việc gây hại cho trái đất, thì tự ép mình phải làm lơ người nghèo Họ có đủ vấn đề phải chiến đấu với các tranh luận về khoa học, kinh tế và chính trị chống lại thành lũy đặc quyền của họ. Đưa luân lý căn bản lên chiến tuyến có thể sẽ là nhát kiếm chí mạng đối với họ. Đó là lý do vì sao họ đang dấy lên cuộc tấn công triệt tiêu chống lại tông thư ngay cả khi chưa được ban hành. Họ không chỉ buộc phải làm mất tín nhiệm những lời của giáo hoàng (dù là lời gì đi chăng nữa), mà còn phải ngăn chặn, chế nhạo và tận diệt. Mức độ sợ hãi của họ được thể hiện trong một bài báo trên First Things, tờ nhật báo Công giáo của Marcial Maciel, chuyên bảo vệ tiền quyên tặng cho các giám mục. Maureen Mullarkey, của tờ First Things gọi giáo hoàng là ‘một nhà lý luận ảo tưởng và ích kỷ phiền phức,’ còn thêm rằng, ‘Đức Phanxicô làm nhơ uế cương vị của mình khi dùng công thức mị dân để mê muội quần chúng vào hành động sinh thái diệt thân, mà không có một hướng dẫn trọng yếu nào ngoài tuyên truyền theo lập luận thần học.’
Ban biên tập của First Things đã xin lỗi vì cung giọng vô lễ của bài này, nhưng vẫn cứ đăng bài, một hành động vô lễ thực sự hơn nữa. Những người này đang sợ, thực sự rất sợ. Khi đủ bình tĩnh để lập luận, họ lại lao vào câu khẩu quyết lâu nay, tuyên bố rằng không một ai thực sự biết chắc điều gì về tình trạng của trái đất. Họ bảo, ‘Tôi không phải một nhà khoa học.’ Sự ngu dốt đã được tuyên bố này đáng ra phải thúc đẩy những con người, nếu lương thiện, tìm hiểu từ các nhà khoa học những gì họ chưa biết. Nhưng, thay vào đó, ý của họ là, ‘Nếu tôi không biết, thì cũng chẳng ai biết được, và cho rằng có ai đó biết những gì tôi không biết, thì thật là ngông cuồng.’
Và giờ họ đang áp dụng lập luận này với giáo hoàng. Ngài không phải là một khoa học gia, chúng ta biết chắc như thế, vậy nên ngài không thể nói bất kỳ điều gì về các vấn đề khoa học. Thực sự thì giáo hoàng này biết nhiều về phương pháp khoa học hơn người ta nghĩ. Ngài đã dành 3 năm thời trẻ để làm việc trong phòng thí nghiệm hóa học, với một giám sát nghiêm khắc, Esther Balestrino de Careaga.
Nhưng, đây vẫn chỉ là điểm phụ mà thôi. Vấn đề thực sự ở đây không phải là khoa học đấu với vô tri, hay Liên hiệp quốc đấu với bài ngoại, hay 97% các chuyên gia đấu với 3% còn lại. Mà đây là trường hợp một số ít rất giàu đấu với đa số người nghèo bị bóc lột. Số ít này thu tích rất nhiều của cải qua việc kết hợp các nguồn lợi từ bóc lột trái đất. Trong tiến trình như thế này, người nghèo đang nghèo hơn, nhưng sự thật này dễ dàng bị loại bỏ, chối bỏ, hay chế giễu. Người nghèo không có tiếng nói. Cho đến bây giờ. Nếu giáo hoàng không phải là một tiếng nói đáng tin cậy cho người nghèo, thì các kẻ đối nghịch với ngài hẳn sẽ không quá sợ hãi đến thế. Nỗi sợ của họ là chứng nhận cho ngài.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch