Chúng ta phải giúp các di dân

230

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon: không có giải pháp quân sự nào. Về việc cư trú cho những người chạy trốn chiến tranh, các quốc gia phải cộng tác với nhau. Ban Ki-moon sẽ gặp giáo hoàng vào ngày thứ ba này.

Vatican Insider – Paolo Mastrolilli – 04/26/2015 – New York

Đức Phanxicô tiếp kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào năm 2013
Đức Phanxicô tiếp kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào năm 2013

Hỏi: Liên hiệp Âu châu và nước Ý đang lên kế hoạch hành động mới nhắm giải quyết tình trạng di dân ở Địa Trung hải, trong số đó, là khả năng cho phép ngăn chặn và phá hủy các thuyền trước khi chúng rời đi. Ngài có nghĩ là Liên hiệp quốc sẵn sàng chấp thuận về mặt pháp chế cho những hành động này hay không?

Tôi biết về các báo cáo này, nhưng thảo luận nhấn mạnh về việc Địa Trung hải đang nhanh chóng trở thành một vùng biển khốn cùng cho các di dân, và chỉ ra sự khẩn thiết phải chú tâm đến cảnh ngộ của họ.

Trọng tâm chính của Liên hiệp quốc là sự an toàn và bảo vệ quyền con người cho các di dân và những người xin tị nạn. Điều quan thiết là tất cả mọi người phải tập trung vào việc cứu lấy các sinh mạng, cả trong vùng tìm kiếm cứu nạn ở Libya, có lẽ là nơi vọng lên những tiếng kêu cứu đau thương nhất.

Thách thức này không chỉ lo về việc cải thiện công tác cứu nạn trên biển và bảo an, nhưng còn là bảo đảm quyền được tị nạn của con số ngày càng tăng những người trên toàn thế giới đang trốn chạy chiến tranh và cần một nơi trú ẩn an toàn. Hành trình của họ đầy nguy hiểm, bao gồm sự kỳ thị, bạo lực, và bóc lột, và họ cần sự bảo vệ của chúng ta trong những giờ nguy ngập nhất.

Không có giải pháp quân sự nào cho bi kịch nhân sinh đang diễn ra trên Địa Trung hải này. Một cách tiếp cận toàn diện sẽ tìm đến những căn nguyên gốc rễ, nhìn vào sự an toàn và quyền con người của các di dân và người tị nạn, cũng như những kênh nhập cư chính về mặt pháp lý và phổ biến. Liên hiệp quốc sẵn sàng cộng tác với các đối tác ở châu Âu vì mục đích này.

Tôi thấy ở Liên hiệp Âu châu gần đây đã có nhiều buổi thảo luận về các vấn đề này. Toàn thể hệ thống của Liên hiệp quốc sẵn sàng hỗ trợ.’

Hỏi: Ngài nói với Thủ tướng Renzi rằng vấn đề di dân là trách nhiệm chung. Vậy Liên hiệp quốc và các quốc gia thành viên có thể làm gì để giúp tìm ra giải pháp, về an ninh, hỗ trợ và phát triển cho các vùng đang chịu ảnh hưởng này?

Với hơn 1,700 người chết và gần 40 ngàn người băng qua Địa Trung hải, chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2015, thì rõ ràng thách thức này cần một phản ứng chung, toàn diện trên tầm mức toàn cầu.

Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng cộng đồng quốc tế có trách nhiệm chung trong việc bảo đảm an toàn cho các di dân và người tị nạn, những người đang liều mình băng qua Địa Trung hải.

Các biện pháp mới được công bố ở Luxembourg và Brussels là những bước quan trọng đầu tiên hướng đến hành động chung của toàn châu Âu – đây là cách tiếp cận duy nhất cho một vấn đề lớn và có tính chất xuyên quốc gia, và có thể ngăn chặn những bi kịch như thế này không xảy ra trong tương lai.

Bước tiếp theo sẽ là chuyển các biện pháp này thành những thực hiện cụ thể. Và xét tận cùng, phép thử sẽ là liệu chúng ta có tìm được cách chấm dứt việc người ta bị chết trên biển, cũng như có được sự bảo vệ ở châu Âu hay không. Một cách tiếp cận toàn diện sẽ tìm đến những căn nguyên gốc rễ, nhìn vào sự an toàn và quyền con người của các di dân và người tị nạn, cũng như những kênh nhập cư chính về mặt pháp lý và phổ biến.

Hệ thống của Liên hiệp quốc sẵn sàng cộng tác làm việc với các đối tác ở châu Âu và các nước khác trên thế giới để tìm ra các nguyên do gốc rễ của các biến cố này.

Hỏi: Tình hình bất ổn ở Libya sẽ bước đầu tiên cần phải làm để ngăn chặn nạn buôn người và các nhóm khủng bố như ISIS. Liệu suy tư của ông Leon có phải vẫn là ý kến tốt nhất để đạt được kết quả này? Việc đàm phán đang diễn tiến như thế nào, và chúng ta có thể kỳ vọng được kết quả gì?

Tôi rất lo về tình hình bất ổn ở Libya. Nhiều năm sau cuộc nổi dậy, quá trình quá độ ở Libya vẫn còn lưng chừng, và các cư dân phải gánh chịu một ách bạo lực quá đỗi. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng không có chọn lựa nào khác ngoài đối thoại. Đặc phái viên của tôi, Bernardino Leon, và đội ngũ của mình đang tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ với các bên liên quan ở Libya nhằm giúp họ đến với nhau trong tinh thần thỏa hiệp.

Các hành động khủng bố và cực đoan là những lời nhắc nhở rõ ràng rằng  phải nhanh chóng tìm được một một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay nhằm phục hồi hòa và ổn định. Các cơ chế nhà nước phải được tăng cường để đương đầu với các hành động bao lực này, cũng như giải thoát người dân Libya khỏi thêm cảnh đổ máu và xung đột.’

Hỏi: Ở Roma, ngài sẽ gặp Giáo hoàng Phanxicô. Giáo hoàng sẽ sớm ban hành một tông thư về các vấn đề môi trường, vốn có liên kết với sự phát triển, an ninh lương thực, và ổn định. Liệu có khả năng đạt được một đồng thuận về việc nóng lên toàn cầu ở Hội nghị Paris về Biến đổi Khí hậu vào tháng 12 này hay không? Và ngài sẽ có lời kêu gọi nào với các quốc gia vẫn đang tỏ ra trễ nãi trong đàm phán?

Tôi lạc quan tin rằng các chính phủ có thể đi đến một đồng thuận. Vẫn còn một vài cản trở lớn phải vượt qua, nhưng tất cả mọi quốc gia cần làm phần việc của mình để tìm ra một giải pháp chấp nhận được với tất mọi người.

Tuy nhiên, bây giờ các lãnh đạo đã hiểu được vấn đề cấp bách đến thế nào, và hiểu được các nền kinh tế sẽ được hưởng lợi ra làm sao từ thỏa ước toàn cầu này với các dấu hiệu chính sách đúng đắn cho một sự phát triễn vững mạnh không carbon, và sự thịnh vượng cho tất cả.

Ngày càng có nhiều các CEO, các thành phố và công dân trên toàn thế giới ra tay hành động. Việc này đem lại một ý thức kinh tế tốt đẹp. Và về mặt đạo đức, mặt tôn giáo, bảo vệ con người và hành tinh của chúng ta là một việc phải lẽ.

Tôi đang kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, hãy trình các cam kết quốc gia nhiều hoài bão của mình cho đến tháng 6 này.

Tôi cũng tìm cách làm việc với chính phủ Peru và Pháp về Nghị trình hành động Lima-Paris, vốn nhắm đến hành động về biến đổi khí hậu với những tham vọng lớn hơn nữa trước năm 2020, đồng thời nâng đỡ cho thỏa ước Paris.

Chúng tôi cũng cần bảo đảm có tài chính cần thiết cho các hành động vì khí hậu trước khi lên đường đến Paris.

Các bên thương lượng cần tìm những giải pháp để dọn đường cho việc đạt được thỏa ước vào tháng 12 này.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch