Crux – Natalie Pompilio & Kathy Matheson – 22/4/2015
Từ Philadelphia – Ông Nguyễn Lý và gia đình mình chỉ biết rất ít về Philadelphia khi cả nhà dời từ Việt Nam đến đây 20 năm về trước, nhưng họ biết phải tìm đến đâu để được giúp đỡ – chính là nơi Giáo hội Công giáo La Mã.
Linh mục giáo xứ đã giúp dạy tiếng Anh cho 6 người con của ông Lý. Cha còn chu cấp thức ăn, áo quần, và thậm chí cả tiền mặt. Khi hệ thống nước trong nhà họ bị hư, vị linh mục tìm thợ đến sửa cho. Lúc cái nắng mùa hè quá nóng nực, cha đem đến cho họ một cái điều hòa.
Ông Nguyễn Lý, đã 72 tuổi, theo đạo dòng, nói với chúng tôi qua lời thông dịch viên: ‘Cha đã mở rộng cánh tay chào đón gia đình chúng tôi. Cuộc sống ở đây thật tốt. Chúng tôi có công việc để làm, có bạn bè, và đi nhà thờ.’
Khi Giáo hoàng Phanxicô đến Philadelphia vào tháng 9 này, sau khi dừng chân tại Washington và New York, đoàn người lớn sẽ đổ về dự thánh lễ do ngài chủ tế, có vẻ sẽ khác với đoàn người chào mừng thánh Gioan Phaolô II hồi năm 1979. Dân số Công giáo đã được tăng cường nhờ làn sóng nhập cư mới, từ Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân và Việt Nam.
Từ một cộng đoàn Việt Nam duy nhất trong một giáo xứ duy nhất khi Đức Gioan Phaolô đến Hoa Kỳ, thì tổng giáo phận Philadelphia giờ đây đang là mái nhà của một cộng đoàn Công giáo Việt Nam lên đến 10 ngàn người trải khắp 8 giáo phận, với các thánh lễ bằng tiếng Việt.
Họ dự định sẽ chào mừng giáo hoàng với sự nồng hậu mà họ đã nhận từ Giáo hội khi lần đầu tiên đặt chân đến đây tị nạn sau khi thất thủ Sài Gòn 40 năm về trước, và qua những đợt đoàn tụ gia đình về sau.
Không khí rất rộn ràng. Người Công giáo Việt Nam ở đây đang gây quỹ để giúp những người ở quê nhà đến được Philadelphia. Họ mở cửa nhà mình tiếp cả bạn bè và người lạ. Họ lên kế hoạch sửa chữa và lau dọn một tu viện – từng là nhà của 30 nữ tu, nhưng bây giờ chỉ còn có 3 – để các xơ từ Việt Nam có thể trú lại.
Ho cũng chuẩn bị mua đồ ăn cho hàng ngàn người dự kiến sẽ đến dự thánh lễ ở nhà thờ mình.
Đức ông Giuse Trịnh, quản xứ gốc Việt tại nhà thờ thánh Helen và là lãnh đạo của cộng đồng, cho biết ‘Chúng tôi sẽ mua bữa trưa cho 3000 người!’
Những người nói tiếng Anh tốt cũng đang chuẩn bị các bài dịch và những hỗ trợ cần thiết. Và họ quá sức hạnh phúc.
Đức ông Trịnh cho biết, ‘Giáo hội Philadelphia đã và đang rất tốt với chúng tôi. Những người Công giáo Việt Nam có những điều độc nhất vô nhị. Giáo hội là trung tâm đời sống của họ. … họ sẽ trả thêm tiền để mua một căn nhà gần nhà thờ. Họ gởi con cái đến các trường Công giáo. Họ sẵn sàng hi sinh vì con cái và vì giáo hội mình.’
Khi người Việt đến Philadelphia, là họ được sống gần những nhà thờ, vốn đi đâu cũng thấy trong thành phố đầy những nơi tôn nghiêm này. Các linh mục mang đủ mọi quốc tịch đã ủng hộ về tinh thần và tài chính như một sự chào đón hậu hĩnh.
Một số người mới đến đã theo đạo rồi. Ngày nay, người Công giáo La Mã chiếm 7% dân số Việt Nam, và đang tăng trưởng, cho dù Vatican vẫn chưa nối lại được bang giao với chính quyền cộng sản.
Còn những người khác thì về sau mới theo đạo.
Ông Nghĩa, 63 tuổi khi đến đây vẫn là một Phật tử, nhưng dần xích lại với Công giáo, sau khi một linh mục cầu nguyện cho đứa con gái nhỏ đau bệnh của ông và bé được lành. Ông đã được rửa tội, và bây giờ đang là một người dẫn dắt cộng đoàn.
Rồi có những người trở lại đã tạo được cả một cộng đoàn trong Giáo hội.
Hôm 04 tháng 4, cha Trịnh đã rửa tội cho Đinh Thương, cho chồng cô, và hai con gái. Trong nhiều năm, chồng của cô đã khuyến khích cô trở lại đạo. Nói qua thông dịch viên, cô Đinh cho biết, cô đồng ý rửa tội bởi vì muốn toàn thể gia đình cùng nhau hướng đến một sự lớn lao.
Đức ông Trịnh cho biết, ‘Chúng tôi đã được đón nhận … với vòng tay mở rộng của mọi người, của các linh mục, giám mục. Vậy nên, bây giờ đến lượt chúng tôi truyền đức tin cho thế hệ kế tiếp.’
Ngày nay, có khoảng 1triệu3 người Việt nhập cư ở Hoa Kỳ. Hầu hết sống ở những vùng khí hậu ấm, như Los Angeles, San Jose, Houston, và New Orleans. Theo lời của Jeanne Batalova, phân tích chính sách của Viện Chính sách Nhập cư thì cộng đồng người Việt ở Philadelphia có khoảng 30 ngàn người, xếp thứ 10 trong toàn nước Mỹ.
Những người nhập cư thời đầu đến đây để tị nạn và tìm kiếm cứu trợ nhân đạo. Còn ngày nay, 95% là để đoàn tụ gia đình.
Ông Nguyễn Lý, cha của 6 người con, đến Hoa Kỳ vào thập niên 1990, là đại tá quân lực, làm việc với người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sau chiến tranh, ông bị đẩy đi trại cải tạo trong vòng bảy năm. Khi được thả, ông về làm nghề nông.
Ông đến được Hoa Kỳ, nhờ thỏa thuận giữa chính phủ hai nước mở cửa cho các cựu sỹ quan quân lực được di cư.
Lúc vừa mới đến, ông Nguyễn làm việc trong tiệm làm móng. Hai con trai của ông, giờ là thợ máy. Hai con gái làm việc trong tiệm móng, và một cô làm ở bệnh viện.
Nhưng con cái ông đều ở gần nhà cha mẹ. Và 5 người đã lập gia đình. Ông Nguyễn và bà Lê Nữ, có 9 đứa cháu nội ngoại. Hầu như chúa nhật nào, cả gia đình đều quy tụ tại nhà thờ. Họ mừng lễ Phục Sinh với nhau, mở tiệc với thịt heo quay và bánh hỏi, cà ri gà, và thịt dê.
Ông Nguyễn cười mà nói rằng, với những dịp đặc biệt, ‘càng nhiều món, càng vui. Ai cũng nán lại thật lâu mà.’
J.B. Thái Hòa