Tôi là ai mà phán xét?

2292

Tôi là ai mà phán xét

Ronald Rolheiser, 20 Tháng Tư 2015

22956415_SA

Có lẽ câu được trích nhiều nhất của Giáo hoàng Phanxicô là khi ngài trả lời câu hỏi trực diện về một vấn đề luân lý đặc biệt nghiêm trọng và bất định. Câu trả lời lừng danh gây nhiều tranh cãi của ngài là: Tôi là ai mà phán xét?

Dù nhận định này thường được xem là nói đùa và không nghiêm trọng lắm, nhưng thực sự, đây là một lời có căn cứ vững vàng. Dường như, chính Chúa Giêsu cũng nói một điều về căn bản là tương tự. Ví dụ như, khi chuyện trò với ông Nicodemus, Ngài đã nói một lời về căn bản là: Ta không phán xét ai.

Nếu Tin mừng theo thánh Gioan là đáng tin, thì như thế Chúa Giêsu không phán xét ai. Thiên Chúa không phán xét ai. Nhưng phải xét theo bối cảnh. Điều này không có nghĩa là không có bất kỳ phán xét luân lý nào, và không có nghĩa là hành động của chúng ta không cần quan tâm đến sự kiểm xác đạo đức. Có phán xét, nhưng không phải là phán xét tưởng tượng trong tâm thức chung. Theo những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin mừng theo thánh Gioan, thì phán xét như thế này:

Ánh sáng, chân lý, và tinh thần Thiên Chúa đến trong thế giới. Chúng ta phán xét bản thân dựa theo cách chúng ta sống ra sao trước những sự này: Ánh sáng Thiên Chúa đã đến thế gian, nhưng chúng ta chọn sống trong bóng tối.  Đó là quyết định của chúng ta, phán xét của chúng ta. Chân lý Thiên Chúa đã được mặc khải, nhưng chúng ta chọn sống trong sai trái, trong dối trá. Đó là quyết định của chúng ta, phán xét của chúng ta. Và tinh thần của Thiên Chúa đã đến thế gian, nhưng chúng ta chọn sống ngoài tinh thần Chúa, và ở lại trong một tinh thần khác. Đó cũng là quyết định của chúng ta, phán xét của chúng ta. Thiên Chúa không phán xét ai. Còn chúng ta phán xét nhau. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa không lên án ai, nhưng chúng ta lại chọn lên án nhau. Và Thiên Chúa không trừng phạt ai, nhưng chúng ta chọn trừng phạt nhau. Phán xét luân lý tiêu cực là thứ chúng ta tự áp đặt cho mình. Có lẽ điều này hơi mơ hồ trừu tượng, nhưng không phải vậy. Chúng ta biết điều này trong cuộc sống, chúng ta cảm nhận trong mình cái nhãn cho những hành động của chúng ta Một ví dụ là:  Chúng ta phán xét bản thân nhờ Thần Khí như thế nào:

Tinh thần của Thiên Chúa, Thần Khí, không phải là một sự trừu tượng và không thể nắm bắt. Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Galat, đã mô tả Thần Khí bằng những khái niệm rất rõ ràng, để không bị thói tự lập luận làm cho mơ hồ và nhập nhằng. Ngài mô tả và xác định Thần Khí như thế nào?

Để làm rõ mọi sự, trước hết, thánh tông đồ đưa ra một tương phản bằng cách nói những sự gì không phải là Thần Khí. Thánh Phaolô nói rằng, tinh thần của Thiên Chúa, không phải là tinh thần chìu theo bản thân, ham mê nhục dục, ghen tỵ, kình địch, chống đối, nóng giận, sinh sự, say sưa, bè phái. Bất kỳ lúc nào, chúng ta nuôi dưỡng những tính cách này trong đời mình, thì chúng ta đừng tự lừa dối bản thân rằng mình đang sống trong tinh thần Thiên Chúa, bất chấp chúng ta có hành đạo thường xuyên, sốt sắng, và thành khẩn đến đâu chăng nữa.  Thánh Phaolô nói rằng, Thần Khí là tinh thần nhân đạo, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tử tế, tốt lành, đáng tin, ân cần, và khiết tịnh. Chỉ khi sống trong các nhân đức này, thì chúng ta mới sống trong tinh thần Thiên Chúa.

forkinroadVậy nên, phán xét là như thế này: Tinh thần của Thiên Chúa (nhân đạo, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tử tế, tốt lành, đáng tin, ân cần, và khiết tịnh) đã được bày tỏ cho biết. Chúng ta có thể chọn sống trong những nhân đức này hay có thể chọn sống trong những thứ đối lập (chìu theo bản thân, ham mê nhục dục, ghen tỵ, kình địch, chống đối, nóng giận, sinh sự, say sưa, bè phái.) Một chọn lựa dẫn chúng ta sống với Thiên Chúa, và chọn lựa kia dẫn chúng ta xa khỏi Chúa. Và chọn lựa đó là của chúng ta, chứ không phải từ bên ngoài. Chúng ta phán xét chính mình. Thiên Chúa không phán xét ai. Thiên Chúa không cần phải phán xét.

Khi xem xét từ quan điểm này, chúng ta làm rõ được một số hiểu lầm gây rối loạn trong tâm thức các tín hữu cũng như trong tâm thức của những người chỉ trích. Chúng ta thường nghe lời chỉ trích này: Nếu Thiên Chúa là toàn thiện, toàn mến, và hoàn toàn thương xót, thì làm sao Thiên Chúa có thể kết án người ta đời đời trong hỏa ngục? Một câu hỏi có căn cứ, dù không thực sự đủ suy tư.  Tại sao? Bởi Thiên Chúa không phán xét ai, Thiên Chúa không trừng phạt ai. Thiên Chúa không kết án ai xuống hỏa ngục. Những điều này là chúng ta gây ra cho mình. Chúng ta tự phán xét mình, tự trừng phạt mình, và tự đẩy mình vào đủ loại hỏa ngục bất kỳ lúc nào chúng ta chọn không sống trong ánh sáng, chân lý và tinh thần Thiên Chúa. Và phán xét này là do chúng ta tự gây ra, trừng phạt này là do tay chúng ta,và lửa hỏa ngục đó là bởi chúng ta mà ra.

Chúng ta rút được một số bài học từ việc này. Trước hết, như chúng ta vừa thấy, sự thật rằng Thiên Chúa không phán xét ai, giúp cho chúng ta làm rõ biện thần luận của chúng ta, nghĩa là giúp giảm đi tất cả những hiểu lầm quanh lòng thương xót Thiên Chúa, và xóa bỏ lời cáo buộc rằng một Thiên Chúa hoàn toàn thương xót lại có thể kết án người ta đời đời trong hỏa ngục. Và hơn nữa, đây là một thách thức mạnh mẽ đòi chúng ta phải bớt phán xét đi, hãy để lúa và cỏ lùng tự phân loại theo thời gian, để ánh sáng phán quyết bóng tối, để sự thật phán xét sai lầm, và như giáo hoàng Phanxicô, chúng ta hãy bớt vội vàng phán xét nhân danh Thiên Chúa, và hãy biết nói rằng: ‘Tôi là ai mà phán xét?’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch