Nhóm Từng Bước Một, 10 tháng 4-2015
Tháng ba vừa trôi qua, tháng ba là tháng đặc biệt dành cho phụ nữ ở Tanguiéta, Bénin, Phi Châu! Ngoài ngày 8 tháng 3 là ngày quốc tế phụ nữ, hội đồng “Liên hiện Các nhóm Phụ nữ ở Tanguiéta” với sự hỗ trợ của các sư huynh phụ trách bệnh viện đã tổ chức nhiều sự kiện để quảng bá sự bình đẳng giữa đàn ông-đàn bà và vinh danh một vài đức tính đặc biệt riêng của phụ nữ, những đức tính có thể nói rất tài tình khéo léo. Một thánh lễ, các buổi hội thảo, các trò chơi thể thao, các trận đá bóng, tất cả để vinh danh các “bà mẹ, các bà chị đáng yêu của chúng ta”. Trước hết tôi ngạc nhiên vì sao có sự chú ý đặc biệt này. Tôi chưa bao giờ là người thích nữ quyền. Có thể cái tên làm tôi sợ một chút. Có thể vì những tranh luận trên đài truyền hình có vẻ như nó bao trùm hết hoặc quá nhiều tính chất ý thức hệ. Nhưng ở Bénin tôi hiểu vì sao các Sư huynh Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa và qua họ là Giáo hội lại cộng tác nhiều trong vấn đề này. Chúng tôi ở Bénin từ một tháng nay, một tháng gặp gỡ và nói chuyện với người bệnh, với nhân viên săn sóc ở bệnh viện. Và khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, có khi thì vui, có khi thì không biết làm sao để giúp họ có một cái nhìn khác về phụ nữ, khác với cái nhìn của họ về phụ nữ mà họ đã tỏ ra cho chúng tôi thấy.
Ghi nhận đầu tiên, thách thức đầu tiên chắc chắn là nạn đa thê ở đây. Nạn đa thê luôn được cho phép và rất phổ biến trong các gia đình Hồi giáo của vùng Tây Phi này. Rất nhiều bệnh nhân có từ 10, 15 hay 20 anh chị em, họ không biết con số chính xác! Chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này với nhiều người Hồi giáo ở nhà các nữ tu, họ không có chút mặc cảm nào, họ giải thích trước hết đây là một việc làm bác ái đối với người vợ đầu tiên vì nếu bà “quá mệt” khi ông chồng muốn có thêm con. Bà đầu tiên có thể “nghỉ” và thêm nữa, bà có người phụ việc nhà. Trên thực tế, nạn đa thê trước hết là dấu chỉ của sự thành công về mặt vật chất. Ở Tây phương, giàu là có xe sang trọng, đồng hồ Rolex. Ở đây người giàu có một cái nhà, năm bà vợ và cả chục đứa con vây chung quanh. Vì đằng sau những giải thích này, một điều ghi nhận không thể chối cãi là: trong tất cả các cuộc đối thoại của chúng tôi, người đàn bà là vật thể hóa, đó là món đồ người ta mua được (có những mẫu quảng cáo ‘mua đàn bà’ đăng trên tường các nguyện đường), người ta gom mua đàn bà và có thể bỏ vợ (đàn ông có thể bỏ vợ nhưng đàn bà không được bỏ chồng).
Anh Jaffar 24 tuổi, độc thân, người Nigéria. Giống như cha của mình, anh muốn có nhiều vợ và có thể nuôi họ. Tuần vừa qua chúng tôi nói về chuyện: có thể có một khả năng thay đổi đạo vì tình yêu. Câu trả lời của anh làm tôi ngạc nhiên, anh nói “tình yêu điên cuồng có thể thúc đẩy người ta làm những chuyện điên cuồng” cho người mình yêu. Anh xem các phim của Hollywood và nghĩ điều này có thể làm được. Nhưng ngay lập tức, anh cho tôi biết anh dính chặt vào tôn giáo của mình, anh không bao giờ đổi tôn giáo được. Chỉ có vợ anh mới thay đổi! Tôi không biết nói gì. Và nhất là 10 phút sau khi nói chuyện, anh hỏi tôi nếu trong vài năm nữa, tôi có thể cho anh một trong các con gái của tôi để làm đám cưới với anh không (không đùa).
Nhưng nếu “các bà mẹ, các chị em yêu quý của chúng ta” không được coi trọng thì không phải lý do duy nhất là họ theo đạo Hồi (vấn đề này có thể không phải là vấn đề tiêu biểu của Hồi giáo nói chung). Trong truyền thống Phi Châu, người đàn bà là một sinh vật không tinh tuyền vì họ có kinh nguyệt. Đó là người ‘cấp dưới’, người không có cùng quyền lợi, cùng nhân phẩm. Trong thổ ngữ vùng Tanguiéta, chồng có nghĩa là “người ngoài đường”, vợ có nghĩa là “người trong nhà”. Nữ quyền không phải là một vấn đề đặt ra cho người theo đạo Hồi. Tôi cũng ngạc nhiên khi nói chuyện với các nữ y tá có đạo ở bệnh viện! Họ thật sự không chỉ trích nạn đa thế, họ chỉ nói các ông chồng quá tham lam khi nghèo không có gì ăn mà nuôi một gia đình có ba mươi người! Họ giải thích cho tôi rằng ông chồng liên tục cần “thay nhớt” (nếu bạn nói ông chồng có thể cầm mình khi vợ mệt thì bạn sẽ gây một trận cười điên đảo cho cả khoa)! Dùng theo danh từ xe hơi thì có một thành ngữ duyên dáng để nói đến các bà đã có chồng: họ đã có “chỗ đậu”.
Với tất cả những chuyện này, tôi hiểu vì sao các sư huynh, văn phòng tuyên úy bệnh viện đã để trọn tháng ba cho phụ nữ. Tôi hiểu Giáo hội, hiền thê của Chúa Kitô, khi bảo vệ một cách tận căn cho quyền lợi của phụ nữ là Giáo hội đã cảm nghiệm nơi Đức Mẹ là mẫu gương, Mẹ biết thế nào là nhân phẩm của phụ nữ.
Geoffoy
Marta An Nguyễn chuyển dịch